Chỉ là đá ảo

LOAN PHƯƠNG 13/11/2012 00:11 GMT+7

TTCT - Trong khi bóng đá châu Á có không ít ngôi sao lớn tỏa sáng tại các giải hàng đầu thế giới như Shinji Kagawa (Nhật) vừa được Manchester United chiêu mộ, thì Đông Nam Á vẫn còn mơ có được ngôi sao của mình tung hoành trên sân cỏ trời Âu.

Phóng to
Neil Etheridge, 22 tuổi, 37 lần khoác áo đội tuyển quốc gia - Ảnh: thesteaklibrary.blogspot.com

Hầu hết các đội tuyển tham dự AFF Cup 2012 (khai mạc ngày 24-11) đều mang tới đội hình gồm toàn các cầu thủ đang chơi bóng trong nước, với một ngoại lệ là Philippines. Trong danh sách triệu tập cho hai trận giao hữu trước giải gặp Bahrain (hòa 0-0) và Kuwait (thua 1-2) ngày 12 và 16-10, HLV người Đức Michael Weiss sở hữu nhiều tên tuổi nghe rất kêu.

Từ trường hợp Etheridge

Đó là hậu vệ cánh 27 tuổi Dennis Cagara, từng có sáu trận chơi cho đội U-21 Đan Mạch và hiện đang khoác áo CLB Karlsruher ở Giải hạng hai của Đức; là tiền vệ Roland Mueller của một đội hạng hai Đức khác - Duisburg; Paul Mulders của đội ngoại hạng Hà Lan ADO Den Haag... Đáng chú ý hơn cả là thủ môn Neil Etheridge, 22 tuổi nhưng đã có 37 trận khoác áo đội tuyển Philippines.

Etheridge là người duy nhất thật sự ra sân thường xuyên dưới màu áo Bristol Rovers thi đấu ở League Two (hạng tư) của Anh. Etheridge thuộc số các cầu thủ sinh ra ở châu Âu nhưng đành phải khoác áo đội tuyển Philippines vì không thể chen chân vào đội tuyển quốc gia nước sở tại. Etheridge thật ra còn có thể tự giới thiệu mình là người của Fulham, đội đang chơi tại giải danh tiếng Premier League, dù bản thân anh chưa từng được ra sân một trận nào ở Giải ngoại hạng Anh kể từ khi đến sân Craven Cottage năm 2008 và bị cho mượn suốt ở những đội hạng dưới.

Cũng năm đó, Etheridge bắt trận đầu tiên cho Philippines khi mới 18 tuổi gặp Brunei ở giải vô địch Đông Nam Á, rồi được giao luôn chiếc áo số 1 ở đội tuyển quốc gia. Năm 2010 là một kỷ niệm đẹp với Etheridge và đội tuyển Philippines ở giải đấu đó. Anh giải thích với BBC: “Chúng tôi bị đánh giá thấp và rơi vào bảng đấu khó khăn gặp những đội mạnh nhất như Việt Nam và Singapore. Nhưng chúng tôi đánh bại cả hai để vào bán kết rồi thua Indonesia sau hai lượt. Chúng tôi chơi trước 85.000 khán giả trong trận đầu và 100.000 người trong trận thứ hai. Tôi sẽ không bao giờ quên điều này”.

Những chuyến học việc ngắn ngủi

Nếu như các cầu thủ Philippines sinh ra và lớn lên ở hải ngoại không thể thành công, thì các “món hàng xuất khẩu” từ Đông Nam Á còn gây thất vọng hơn. Kiatisuk Senamuang có lẽ đáng được coi là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Đông Nam Á, từng tung hoành trên sân 15 năm cùng đội tuyển Thái Lan, ghi 71 bàn sau 132 trận kèm theo vô số danh hiệu lớn nhỏ. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu của Kiatisuk ở trời Âu cũng chỉ dừng lại trong một mùa giải ngắn ngủi cùng Huddersfield Town, một đội chơi ở giải hạng nhì mà anh không ra sân chính thức được trận nào.

Tương tự, báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực khi tiền đạo số 1 VN Lê Công Vinh (ghi 31 bàn trong 52 trận cho đội tuyển quốc gia) có bốn tháng chơi cho đội hạng nhất Bồ Đào Nha Leixoes theo hợp đồng cho mượn vào cuối năm 2009. Nhưng đó cũng chỉ là một chuyến học việc ngắn ngủi với hai trận ra sân, dù cũng an ủi là ghi được một bàn.

Danh sách những chuyến học việc như của Công Vinh là rất dài ở Đông Nam Á. Có thể kể thêm Teerasil Dangda của Thái Lan (đội trẻ Manchester City, Anh và Grasshopper Zurich, Thụy Sĩ), Nazmi Faiz của Malaysia (Cardiff, Anh). Đây là hai trường hợp gắn với việc các ông bầu tỉ phú Đông Nam Á Thakshin Shinawatra và Chan Tien Ghee mua lại những CLB tương ứng. Ngoài ra, ít nổi tiếng hơn còn có Irfan Haarys Bachdim của Indonesia (đội trẻ Ajax, Hà Lan) và Mohd Irfan Fazail của Malaysia (Zlate Moravce, Slovakia).

Trình độ đương nhiên là vấn đề lớn nhất với những nỗ lực bất thành của các ngôi sao bóng đá Đông Nam Á đi tìm vinh quang, dù chỉ là nhỏ bé, ở châu Âu. Nhưng còn những vấn đề khác như tâm lý, chất lượng các giải đấu và đào tạo trẻ trong khu vực, trình độ HLV cũng như tư duy làm bóng đá vẫn nghĩ quá nhiều về thành tích. Trong một bối cảnh như thế, giấc mơ ngày nào đó có một ngôi sao Đông Nam Á tỏa sáng ở trời Âu vẫn sẽ mãi là giấc mơ với người hâm mộ ở đây, và rốt cuộc tất cả đành trở về tự hài lòng với các giải khu vực như AFF Cup.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận