Chiếc điện thoại di động của nhà chùa

TTCT - Sóng biển gào lên, trầm cảm và lạ lùng như tiếng hoàng hôn. Tiếng mõ chùa nổi lên, cả tiếng biển, như tiếng gió hú ở các góc biển thiêng khuất vắng.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Minh họa: Vũ Đình Giang

 

Mô Phật, từ bi hỉ xả và rộng lượng. Con viết truyện, mà viết truyện nghĩa là hư cấu. Cái tên Hải Thương, rồi ghép vào tên họ nhà chùa Thích Hải Thương, là do con tự đặt ra. Đúng hơn là tự bật ra khi ngồi trước nhà sư nữ trẻ trung huyền diệu, ở vùng đất biển khuất vắng còn tươi màu phù sa. Từng nổi tiếng khai sơn phá thạch, thương hải tang điền của tiền nhân.

Nhất là khi tôi nhìn thấy cái dáng mai mảnh lạ lùng của nhà sư từ cửa biển đi vào, như áng mây lạ vờn qua khu vườn Tháp đỏ hồng. Rồi bắt vào đôi mắt đen láy đẹp buồn thánh thiện như tia sáng từ biển hắt vào khi tảng sớm...

Từ trên xe đò xuống huyện, người đi lễ đã bảo nhau: “Thầy trẻ trung xinh đẹp, tài giỏi nhưng kín tiếng lắm. Ngay tên tu hành của thầy cũng ít người được biết. Đời thầy chìm nổi, một tay dựng lên nhà chùa cũng ít người biết. Rồi cả pho sách thầy đọc, thơ thầy làm... Thầy là sư nữ trẻ nhất có chức sắc trong giới tu hành, đâu như đại đức, thượng tọa ấy... nhưng thầy kín lắm, ít người biết được”.

Biển mùa này xao xác lạnh, man mác buồn. Chưa phải là tiết vào lộng ra khơi, chỉ là mùa nước bạc với những con quéo, con ngao, con ngán... như tên gọi cuộc đời. Chỉ đi vào khu chùa thì có ấm hơn một chút.

Từ xa, ngôi chùa tám mái tọa trước cửa biển, vút lên đỏ hồng như cánh sen. Nhưng lối vào, các khu đất quanh chùa đang ngổn ngang. Xe đổ đất ào ào. Mùi gỗ xẻ thơm, những cột gỗ vàng ươm xả đầy bên những khuôn gạch đỏ hồng.

Chùa đang dịp đúc chuông, gọi là đại hồng chung. Tôi đọc trên tờ khuyến cáo, được viết như một bức thư pháp lạ mà đẹp, nét cứng nhưng lộ vẻ con gái đàn bà. Tôi tĩnh tâm, lầm rầm như cách người trần xin phép để được ghi câu thơ cuối bài vào sổ tay của mình:

Nguyện tiếng chuông vang trên cõi pháp

Dưới ngục tù u uất xa đưa

Chứng viên thông giải thoát những cơn mê

Cầu nhân loại hướng về đường chính...

Ngọn bút vừa chép xong, linh tính như có ai đứng sau lưng, quay lại thì gặp ngay khuôn mặt nhà sư đang cúi xuống... Rõ ràng nhờ câu thơ và việc chép thơ làm nên nhân duyên. Những tiếng “mô Phật” trong sóng biển.

Đã là nhân duyên thì mọi chuyện không lường được. Chúng tôi ngồi trong một căn phòng gỗ mới thơm nức, ô cửa xinh xắn nhìn ra biển, màu kính xanh như nhà thờ, cạnh lễ đường đang xây dở...

Tôi nhìn gương mặt nhà sư thanh khiết, dưới cái mũ len nâu và cái áo khoác dài màu nâu kín và ấm rất phương Đông. Đôi mắt đen trầm buồn khi cúi xuống nhìn lên lại rất linh hoạt và vui. Cái mũi nhỏ nhắn, khuôn miệng khi cười gợi cho tôi nỗi nhớ thẫn thờ người em gái tên là Thương, mất ở vùng biển quê nhà, sóng gió và cát hệt nơi đây, ngày em còn nhỏ.

Nhà sư nhìn gương mặt tôi đổi sắc, liền chớp mắt nhìn lên, hiền và nghiêm nghị. Cả hai đều thăm thẳm... Thầy như “đọc” được tôi. Đúng rồi, tôi đang nghĩ đến các kiếp và sự hóa thân của kiếp người.

Nghe nói ở các rẻo đất thiêng vùng biển, dù gần dù xa, sự hóa thân các kiếp người diễn ra nhiều lắm, rõ lắm, rõ như ban ngày ấy. Người thiêng này vừa mất đã hiện ngay vào người đang sống. Nhất là đàn bà con gái. Nhất là đàn bà con gái hiền thục xinh đẹp.

Thầy chủ động nói:

- Thảy cũng do chữ “thương” mà ra cả, ông ạ.

Giọng nhà sư rất nhỏ, rất thương và đầy vẻ đường đột. Tôi nhìn hai ngăn sách gáy dày trong tủ kính mờ tỏ bên cạnh mà có độ tin... Thầy lại nói, giọng vẫn trầm vậy, như nói với biển, chỉ để tôi nghe phần nhỏ thôi:

- Cuộc sống bình an nhưng đầy bất an. Tảng sáng, ông nhìn những chùm mây biển vừa nở rũ xuống như cánh hoa quỳnh thì ông biết.

Tôi “mô Phật”. Đánh bạo kể với thầy về chuyến đi về với biển, về những bình an và bất an trong người. Cũng đã bắt vào những chi tiết về năm tháng, hạnh phúc, nhà cửa, đất đai...

Thầy cúi mặt xuống, khép đôi mắt đẹp như người ngủ, như chỉ nghe một phần thôi. Rồi đôi mắt tu hành chớp lên, kèm câu hỏi nhỏ, dịu dàng, chẳng có gì soi mói:

- Trên thành phố cũng đang ồn lên lắm chuyện rắc rối phải không ông? Như chuyện ông quan chức nào đó phạm phải điều dâm...

Đang nói, đôi tay búp măng trắng muốt rút khẽ tờ báo mới đặt bên gối, cạnh chiếc điện thoại di động nhỏ xíu ló ra trong cái bao nhỏ màu nâu nhà chùa.

Tôi “mô Phật”. Biết trong cuộc đời và nhan sắc dịu dàng xinh đẹp kia, vẻ truyền thống và hiện đại đã hòa quyện lắm. Kẻ cán bộ dương gian đầy bất an như tôi đành lắp bắp “mô Phật”, vừa hoảng, vừa láu cá.

Nhất là cách nói thẳng của nhà sư không tránh chuyện ông quan chức đời thường với hai tiếng “điều dâm”. Đủ hiểu là thế nào. Thầy nhìn tôi, đầy thấu hiểu và độ lượng. Rồi đôi mắt ấy nhìn tôi rất lâu, không hề cúi xuống, như chớp hết thần sắc thần tướng của người đàn ông đối diện...

Phút im lặng rất lâu. Như chủ nhân chủ động vậy, cốt dành quãng lặng im cho tiếng sóng biển xen vào. Sóng nói thay người. Sóng biển trao cho người sinh lực và dũng cảm. Bất chợt tôi thấy trong người có chút dũng khí, chủ động gợi chuyện. Đến lượt tôi hỏi:

- Thưa, hồi nãy thầy bảo tất thảy đều do chữ “thương” mà ra cả, nghĩa là thế nào, thưa thầy?

***

Trong tiếng sóng biển ào lên lạ lùng, giọng người đàn bà tu hành trẻ trung, đượm buồn, như theo nhịp sóng.

- Thưa... Tổ tiên nhà chùa trước đây từng theo các quan đại thần đi khai đất lấn biển cơ đấy. Các cụ giỏi võ nghệ, phong thủy, đã từng được phong cấp phó thần. Đến đời cha đẻ nhà chùa thì việc khai đất mở biển lại kém đi, chẳng hiểu sao lại ứng vào văn thơ chữ nghĩa. Cha nghèo, lấy bà cả, sinh được người con gái xinh đẹp nhưng hiền quá, như người câm.

Ông buồn, từ cái thị trấn đất Bắc thân thương nổi tiếng bánh gai ấy, tìm về xứ biển mà tổ tiên đã đặt chân, quyết đổi đời, mở đất lập trại. Cái người văn thơ ất ơ, bị vợ và bà con chê cười ấy, khi tìm xuống biển chỉ có cái tráp đựng đầy thơ Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa..., lại đổi tính đổi nết, mở đất lấn biển giỏi nhất vùng.

Cụ bảo: ban ngày thì nổi máu lực điền, ban đêm nhìn ra biển thấy dấu chân tiên tổ trên bãi cát. Cứ thế là bước lên. Bước chân đến đâu thì được “thần đất, thần biển” phù hộ, đất biển phù sa dài rộng mở ra trước mắt. Mùa biển, mùa đồng, mùa đay... bội thu. Nhiều cô gái xinh đẹp vùng biển mặn mà thương chàng trai tài giỏi.

Cuối cùng, chỉ có mẹ nhà chùa được tiếng đẹp người đẹp nết làm bạn đời lần thứ hai với ông. Sự đời lạ vậy, người đàn ông khỏe mạnh thông minh vào loại nhất vùng, người đàn bà cũng vậy, vậy mà nhà chùa khi được thụ thai đã khác người, những mười ba tháng mới lọt lòng. Các bà thầy cao tay ở vùng biển phải dùng đuôi trâu đánh mãi mới ra đời được.

Khi ra đời, cha của nhà chùa thốt lên như có người hiện: “Giọt nước, tiên nữ. Thật như hai giọt nước ấy, em ơi”. Mẹ nhà chùa đang đau đớn quằn quại, nhưng vốn thông minh hiền thục, nở một nụ cười trên môi như muốn nói: “Em biết mình đang nói gì...”. Chắc người đàn ông như ông thì hiểu, tức cha nhà chùa lấy bà cả ở quê, sinh ra chị gái xinh đẹp nhưng hiền như câm, đến bà hai lại sinh con gái là nhà chùa, tức hai tiểu thư giống nhau như hai giọt nước.

Chỉ có điều nhà chùa chẳng giống, nhà chùa lớn lên thì tư chất hoàn toàn ngược lại, như ngược hẳn với chị ấy... Nhưng cuộc sống vốn thương hải tang điền, phúc họa khôn lường, nhất là ở cái góc biển như xứ thần thiêng này. Cha nhà chùa về sau lại đâm buồn, như bị thơ ám, như cuộc đời Từ Hải, Lang Liêu ấy...

Mẹ nhà chùa bị mắc chứng dịch, như dịch gà dịch gia cầm bây giờ ấy... Một buổi trúng gió trúng dịch, ngoắc ngoắc trước biển mấy tiếng rồi mất. Đất cát ấp trại của cha nhà chùa vào đận xui, phần do người chủ trương mở đợt kiểm tra đấu tố này nọ, phần đến lượt thần biển đòi... Bao nhiêu đều trôi ra biển, trả về cho biển hết...

Nhà chùa như chiếc lá thông non trước biển, như con dã tràng non vừa mới ra đời đã phải rụng về cội. Tức là về cái thị trấn bánh gai lặng lẽ ấy, ở với mẹ già tốt bụng nhưng cũng lắm điều như trong truyện Tấm Cám truyền kiếp ấy. Nhà chùa và “cô chị gái câm” được ở gần nhau dăm tháng. Hai chị em học bài, chị ấy học mãi vẫn không biết đọc, nhà chùa đọc bao nhiêu là sách...

Nhưng rồi khắc họa, như trùng bắt. Trong nhà không thể có hai giọt nước tiên cảnh, giọt buồn phải rụng, chị gái nhà chùa một ngày bị trùng bắt. Nhà chùa khóc chị mãi, cho hết cả những ngày con gái, học hết cấp ba...

Nhà chùa ngưng lời, đôi môi mọng màu sen nhấp ngụm trà hoa ngâu như thiếu nữ cung cấm xưa. Lạ lùng khi nhà chùa tạm ngưng lời thì sóng biển cũng im bặt. Ở đây người ta thường kể vậy, bao giờ nhà sư thỉnh kinh thì sóng reo, nhà sư ngừng thì sóng cũng ngưng, rất lâu. Đó là điều thật lạ.

- Ông hỏi chữ “thương” ư? Nhà chùa cũng biết mà. Biết trước là những người đàn ông như ông cuối cùng sẽ hỏi câu ấy. Ông dùng trà đi rồi nhà chùa sẽ kể ông nghe...

Đúng, người đời mong manh nhiều khi chết sống, thành bại chỉ từ một chữ bật ra từ cửa miệng thôi. Như chữ “thương” ấy. Sống được nhờ chữ “thương”, chết đi cũng vì chữ “thương”. Nhiều chữ của ta rộng sâu như biển.

Xứ ta lại có nhiều chuyện, nhiều lề thói như nghiệp chướng. Mẹ già của nhà chùa thương người, thương nhà chùa như con đẻ nhưng cũng có cái “phạm”, như hay đố kỵ, ghen ghét như mẹ con Cám ấy. Và thưa ông, chữ thương thứ nhất đã xảy ra đây.

Đêm đêm mẹ già vuốt tóc nhà chùa, dỗ ngon ngọt mà hỏi rằng: “Con thương mẹ già hay mẹ đẻ hơn nào?”. Ông biết nhà chùa lúc thơ dại vì sự sống tối thiểu đã trả lời thế nào không? “Con thương mẹ già mà”.

Nói xong câu ấy, được mẹ già đưa tay xoa tóc, còn nhà chùa thì khóc to lên. Mẹ già hiểu, chẳng nói chẳng rằng, thở dài và bỏ ra ngồi lặng đi ở bờ ao. Về sau, mãi khi nhà chùa đã lớn, mẹ già mới bộc bạch rằng: “Con ơi, vào đời nhớ nhé. Chính nhờ một chữ tinh khôn của mày mà tao bấm bụng nuôi mày đến cữ này được đấy”.

Nhà chùa im lặng, nhấp một ngụm trà, lặng đi một lúc rất lâu sau đó như sự ngưng lặng của sóng biển ngoài kia.

Nhà chùa cất tiếng, sóng cũng cất tiếng như hòa điệu cho một chuyện rất hệ trọng. Đến lúc này tôi mới thấy đôi mắt nhà chùa như có ngấn lệ, như một vệt mây đen mỏng phủ vành khuyên lên chân sóng xa kia. Tiếng sóng ào lên. Tiếng mõ quanh đây vào hồi réo rắt. Được biết hôm nay có cuộc cầu siêu gọi hồn cho những người xấu số chết bệnh, chết dịch, chết tình...

- Nhà chùa bận lắm. Nhân duyên thế nào từ sau tết, chỉ trò chuyện với ông. Ông biết không, nhà chùa từng có tình yêu. Người bạn trai cùng lớp giỏi toán, sinh ngữ và bóng đá đem lòng yêu từ cuối cấp phổ thông. Và thưa ông, chữ thương thứ hai là thế này đây.

Nhà chùa nói ngắn thôi nhé. Lần đưa tiễn anh ấy nhập ngũ vào chiến trường xa, khi xe sắp lăn bánh, anh ấy cúi xuống và hỏi chỉ một chữ: Em thương anh không? Nhà chùa không biết cất lời, lặng đi mãi... Xe lăn bánh. Chỉ dăm tháng sau anh ấy hi sinh ở chiến trường. Trong túi áo khi ngã xuống còn có mẩu giấy: Thương em!...

***

Sóng ngưng bặt và tiếng mõ nổi lên. “Bạch thầy, đến giờ rồi ạ”. Nhà sư thoắt chắp hai tay như đài sen, bay lên như áng mây thoảng mùi hoa ngâu. Cái dáng mai mảnh huyền diệu vút qua khiến tôi ngồi lại đờ đẫn.

Chú tiểu chưa xuống tóc, môi đỏ mọng, ý tứ cho tập sách và chiếc điện thoại di động nhỏ xíu vào túi nâu sậm nhỏ nhắn, lẹ bước theo sau.

Chẳng hiểu tâm linh có sự khẩn trương nghiêm ngặt thế nào, mà lâu nay trùng lễ. Một lễ cầu ôn dịch, có ba người trong một nhà bị cảm sốt rồi nối nhau tắt thở, gọi là đại dịch.

Một lễ là đôi trai gái, nghe đâu người đàn ông cũng quan chức thành đạt đã có gia đình, dan díu với thiếu nữ có thai đưa nhau ra biển mà chết, gọi là điều dâm. Thầy nhận làm lễ giải hồn cho thảy những bi thương, chẳng kể ngày đêm. Khắp nơi tìm đến là vì lẽ đó.

Tôi ngồi lại đờ đẫn như một pho tượng. Rõ ràng cuộc đời có những khoảnh khắc, những ngày như bị mất hồn. Mắt nhìn ra biển, nhìn những túm mây trắng lơ lửng như vườn quỳnh trên biển, rồi nhiều bức tượng mới tô vẻ mặt xanh đỏ thất thường như chưa nhập, rồi nhìn hai kệ sách mờ tỏ của người đàn bà xinh đẹp tu hành. Cứ thế, đờ đẫn, qua ngọ đến xế chiều.

- Ôi, ông vẫn chờ nhà chùa ư?...

Và lời kể dịu dàng lại nối vào, như không hề có mấy canh giờ ở cửa Phật đã diễn ra với bao cuộc đời số phận. Một lối kể nối vào như chưa từng có, ngay cả với các “file” tin học hiện đại. Giọng đều đều truyền cảm, không hề mệt mỏi, không hề gián đoạn:

- Đến chữ thương thứ ba rồi, thưa ông. Chính chữ thương thứ ba này với cuộc đời quá nhiều biến động vừa qua đã đưa nhà chùa đến cõi tu.

Cha em già và buồn. Cõi đời cuối cùng như chỉ sót lại hai cha con. Buổi ông mất như đã biết trước, ông đưa cánh tay gầy guộc vàng như nghệ, vẫy em từ vườn cải vào. Em vào, mắt ông cứ nhìn em trân trân chẳng nói gì.

Thật sợ đôi mắt nhìn trân trân của đàn ông. Mãi rồi ông đưa tay soạt vào cánh tủ bên nhỏ xíu chỉ bằng cái rương cái tráp lớn từ đời tổ em để lại. Tay cha cầm cái gì đó bọc trong tấm vải điều cũ, huơ huơ lên trước mặt.

Em chạm tay cha lạnh như đá, nghe một tiếng nấc, thấy cặp mắt người nhắm nghiền lại... Rồi cặp mắt mở ra, thều thào: “Đời cha... trôi ra biển cả. Chỉ có được hai giọt nước trong lành.

Con trí lực hơn chị con thiệt phận, nhớ học cho giỏi, rồi làm kỹ sư, làm giáo sư nữa con nhé”. Cha đặt cái gì nhỏ xíu như thể cái chìa khóa, như thể cái khuyên tai vàng vào tay con gái. Rồi cha mất.

Em gào khóc, lần đầu tiên trong đời. Chạy hắt ra sân, ra vườn, ra cầu ao. Tay vô ý đánh soạt, vật báu cha vừa trao rơi xuống ao. Có chú cá như bống vàng trong truyện xưa vờn theo đớp mãi. Sau này ngẫm lời trối trăng của cha mới thấy đúng.

Cha mong con gái làm kỹ sư, giáo sư... Nhưng ở cầu ao em đánh rơi bảo vật, nên cuối cùng chỉ chữ sư còn lại. Nhân bảo như thần bảo mà. Ông ngộ ra không?

Tôi được nghe em kể gần như không sót điểm gì về cuộc đời một nhà tu hành, về cuộc đời em, nếu tiếng “em” này được thốt ra từ lòng mình mà không bị “phạm”. Trong khi trước biển cả, một người đàn ông như tôi chỉ đến để hỏi và xin, chưa dám kể điều gì về mình...

Thì tôi đã hỏi em về hạnh phúc gia đình, về nhà cửa, về công danh như bao người đời đấy ư. Chính cuộc đời em đã trả lời cho những câu hỏi trần thế này. Thứ nhất là câu hỏi về hạnh phúc, điều này như thiên định, như chữ thương trong đời này. Một chữ đủ sống, một chữ cũng đủ chết.

Còn việc xây tòa ngang dãy dọc như người đời ư, chuyện này ám ảnh như người đàn ông tài hoa trên kia, chỉ sợ những đấu tố giành giật của cuộc đời và biển cả cho trôi cả ra biển. Còn công danh chức tước như thể những tấm các, những số điện thoại di động kia.

Tự thấy mình chưa dám kể gì, chưa dám nói gì... vì bao điều dễ “phạm”. Xem ra có chức tước, bằng cấp, học hàm, học vị đấy... Nhưng toàn của dỏm, chứa đầy bất ổn bên trong. Kẻ ít bừng ngộ thì cứ như con kiến leo mãi, cuối cùng rơi tõm xuống.

Phù du, phù vân ma mị, tà dục tiếm quyền, chẳng cần gì đến luật nhân quả, kể cả vạc dầu. Chữ nghĩa, văn chương, nhân văn... xem ra có cả đấy, nhưng rỗng ruột, vô hồn. Thi nhau nói leo, nói dựa. Thi nhau đại ngôn, hoạt ngôn. Nói bừa, phối kết hợp bừa, ép duyên ngôn từ, cưỡng dâm ngôn từ... tóm lại toàn điều “phạm” cả. Mô Phật, bạch thầy! Tôi thường đi về phía biển như là một sự sám hối vậy.

Sóng biển gào lên, trầm cảm và lạ lùng như tiếng hoàng hôn. Tiếng mõ chùa nổi lên, cả tiếng biển, như tiếng gió hú ở các góc biển thiêng khuất vắng.

Nhà sư lần nữa đưa bàn tay búp măng về chiếc giường nhỏ của mình, bàn tay đẹp cứ xõa xõa dìu dịu như lớp sóng. Bàn tay ấy ý như nhặt một chiếc các màu hồng nhạt đặt dưới điện thoại di động. Chiếc các hồng có mùi thơm nức mãi đặt sấp, chẳng ngửa mặt in ở trên.

Tôi chỉ dám đưa tay chạm vào tay áo lụa nâu, lạnh mà ấm. Rồi nói:

- Tôi muốn tên em là Thích Hải Thương... Được không?

Những lẵng mây như những bông quỳnh nở từ cửa biển bay dạt vào lơ lửng trên khu chùa.

Điềm báo gì chăng?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận