Chiều thứ bảy

HẢI MIÊN 06/10/2013 07:10 GMT+7

TTCT - Bàng hoàng như một con thỏ bị đám phường săn rượt đuổi, chị đột ngột xuất hiện giữa phòng tôi, ngã nhào vào lòng tôi, khóc.

Cây si mê sẽ trổ lá nhiệm mầu (F.)

Phóng to
Tranh: Trương Tiến Trà

Thân người chị phồng lên xẹp xuống theo từng nhịp thở, nước mắt chảy ướt mặt, rơi xuống vùng da non trên đùi tôi, bỏng rẫy. Tôi ngồi dựa lưng vào tường, nhìn vệt nắng chiều len qua song cửa chảy nhoài lên bụng chị, rực sắc nhung tuyết màu áo huyết dụ chị quấn vào người. Sao nắng ngoài trời vô vị và ngao ngán thế, mà vệt nắng đổ vào người chị lại rất tình. Một chốc, tôi hỏi:

- Chị uống nước nhé, nước mơ? Em có mơ ngâm Hà Nội mới gửi vào. (lắc đầu)

- Chị nghe nhạc không? Lara Fabian, Je suis malade? (lắc đầu)

- Thôi để em matxa cho chị vậy, có chai tinh dầu hoa oải hương của Campuchia mùi rất dễ chịu. (đập đập tay xuống nệm, ý bảo im đi cho tôi nhờ)

Tôi không hỏi gì thêm nữa, luồn mấy ngón tay vào tóc chị. Cảm giác buồn buồn êm ái ấy mẹ truyền lại cho tôi. Mỗi khi hồi tưởng lại cảm giác này, những xung đột với mẹ hằn sâu trong tôi nhẹ đi, để nhường chỗ cho nỗi nhớ thuở tôi vùi mặt vào lòng mẹ, buông trôi cơ thể và cảm xúc cho những ngón tay gầy gầy của bà lơ đãng xoa vuốt da đầu, chải xuôi mái tóc, gỡ đi mọi rối rắm, bận bịu.

Chiều cứ thế nhạt dần, vệt nắng lưỡng lự phai giữa khe ngực hở sâu của chị. Bình hoa cẩm chướng tôi cắt ngoài vườn cắm trong chiếc lọ gốm màu xà cừ đặt trên bàn viết tỏa một làn hương mảnh dẻ, nao lòng. Những bông hoa cuối cùng của mùa hè còn sót lại, mưa tối qua đọng vệt sâu trong cánh, trông rớm lệ như một lời từ giã.

Tôi cắm mắt vào quyển sách đọc dở, tâm trí trôi dạt đâu đâu. Người tình Sputnik (1) không mấy hay, nhưng là cuốn sách được viết ra cho những kẻ hoang mang không sao biết được mình.

Cũng đột ngột như khi ngã nhào vào lòng tôi, chị ngồi phắt dậy, quệt nước mắt. Nhấc đôi chân mỏi nhừ, tê bại, tôi đi pha cho chị cốc nước mơ và đem đến chiếc khăn ướt.

- Đan, vứt cái tế nhị của em vào bồn cầu, giật nước cho trôi đi, em nói chị nghe: chị có xinh không?

Nhìn thẳng vào mắt tôi, tóm lấy ánh mắt tôi, như quan tòa truy tìm sự thật ở bị cáo, chị hỏi. Tôi nghiêng đầu ngắm khuôn mặt chị, ngồi nhích ra một tí ngắm thân hình chị: ngấn cổ, bờ vai, bộ ngực, phần hông, bụng dưới... Cái gì ở chị cũng hơi đầy quá, nhưng chúng lại hài hòa, ăn ý với nhau một cách lạ lùng.

Khuôn mặt với những đường nét đậm, mái tóc uốn xù nhuộm màu rượu chát, trông vừa dữ dội vừa dịu dàng. Giọng nói gợi mùi chăn chiếu. Khuôn mặt và giọng nói ấy hợp thành vẻ đẹp đa đoan, đằm thắm, trữ tình, nhưng bất chợt lướt qua rất nhanh và khó nắm bắt như một làn bụi mỏng, ta bắt gặp trong ấy cả vẻ tham lam và tàn nhẫn. Đôi cánh tay chị tròn lẳn, trắng ngần như chực siết lấy thân thể người ta. Đầy sinh lực, thứ sinh lực để hút vào, ngấu nghiến, ghìm giữ lấy.

Hẳn Chúa có chút tình âu yếm khi tạo ra người đàn bà này. Nhưng là âu yếm cho ai, cho chính người mang thân xác ấy hay cho bọn đàn ông sống trên mặt đất này?

- Chị đẹp đến suy đồi. Mềm mại và êm ấm như một cái gối nhồi lông ngỗng, được ngả người vào đấy thì không muốn dậy nữa.

- Chị có nữ tính không?

- Có. Nhiều. Nhiều nữ tính và nhiều nước mắt. Đàn bà ra đàn bà, kể cả tính cách.

- Chị có ngốc nghếch không?

- Bình thường thì không, nhưng cứ gặp đàn ông thì ngốc hẳn. Chán nhất là thường ngốc nghếch ngay khi rất cần đến sự thông minh.

- Chị có khiến người khác muốn gần gũi không?

- Chị khiến người ta muốn bế thốc vào giường và dằn ngửa ra.

Chị thở dài đánh sượt, tuy nét mặt có hơi hửng lên, như bông hoa sầu muộn vừa được vẩy bớt nước. Chị lại nhìn xoáy vào tôi, ghim tôi vào mắt chị như người ta đóng đinh con gián vào tấm thớt:

- Thế thì chị thiếu gì nữa để được đàn ông yêu, Đan nói đi, mà sao chị không thể có được một tình yêu cho ra hồn?

Tôi nghĩ, rồi thở hắt ra:

- Em không biết.

Chị nói như hét:

- Em đọc sách nhiều như thế để mà làm gì? Trông ra xung quanh em xem, bốn bề là sách, em chôn vùi em trong từng đống sách, rồi bây giờ em trả lời chị là em không biết! Em nói đi, sống bản năng như chị không tính, nhưng em, em đọc sách nhiều như thế để làm gì?

- Văn chương như là nơi tị nạn cuối cùng. (2)

- Đồ hèn!!!

Chị ném hai từ ấy vào tôi, như người ta nhắm một con cá đang bơi dưới suối và ném hòn đá sao cho trúng đích, cho nó loang một vệt máu đỏ và nổi phềnh lên. Tôi đứng dậy, đi lại dàn máy nghe nhạc kê gần cửa sổ, chọn ra một chiếc đĩa của Tùng Dương, tỉ mẩn lau bụi rồi cho vào ổ đĩa. Dương chỉ hát thật hay những bài thật khó, thật oái oăm, những gì lờ nhờ Dương cho thành nhạt nhẽo. Có phải vì vậy mà tôi yêu Dương?

Sự thái quá, sự cực đoan, lực hút của những hố sâu tăm tối, dáng đứng chông chênh đầu miệng vực... Giọng hát Dương thì thầm cất lên, nhút nhát lo âu như nhịp đập một con tim non dại, những con tim phát khóc trong cô đơn mà không biết cách nào vượt thoát: Ai - gọi tôi lúc này - ngoài trời hiu hắt - cơn mưa mùa xuân/ khi tôi phải đi - tôi phải đi/ bỏ lại - chiếc tách trên bàn - chưa cất/ bỏ lại - ánh sáng trên bàn - chưa tắt/ bỏ lại - những chiếc áo bộn bề - dưới đất/ bỏ lại - bốn bức tường cô đơn - không quen ai - chỉ mỗi tôi... (3).

Tôi chỉ muốn chị dịu lại, chị nguôi ngoai, chị chịu đựng được nỗi cô đơn của mình thay vì cuống quýt chạy trốn nó, tìm cách rũ bỏ nó (vào bất cứ đâu, bên cái mâm lòng lợn dở dang hay một manh chiếu bẩn). Khi lòng chị nổi sóng, chị không tiếc sức chà xát tôi. Chị muốn tôi cũng nổi hung lên, tấn công lại chị, gào vào mặt chị.

Chị muốn tôi cũng như chị, nổ bung, xé mình ra làm hai mảnh. Nhưng tôi không thể. Một miếng đất sét mềm làm sao bỗng chốc biến thành ổ đạn hoa cải, nó chỉ có thể nhận lấy mọi lực ấn người ta cố ý hay vô tình áp lên nó, và lưu giữ từng dấu vân tay, nức nở âm thầm với từng dấu vân tay.

“Cuộc đời tôi là một nỗi ngập ngừng, Kafka. Hừ...ừm...m”. Chị dài giọng giễu cợt. Tôi giật lấy cuốn sổ, đập mạnh vào vai chị. Ghé người nằm vào một góc nệm, cong cong ôm bụng, tôi mệt lả mềm oặt như con sâu vừa liếm phải thuốc sâu.

Tôi biết chị khi chị ở Nga về, vào làm stylist ở chỗ chúng tôi, một tờ tạp chí văn hóa - nghệ thuật, chuyên xây đắp và đào bới nền văn hóa - nghệ thuật xanh lướt lẩy bẩy của nước nhà. Tái lập phong cách ăn mặc ôn đới ở một xứ nhiệt đới quanh năm mùa hè như Sài Gòn, chị làm cho mình khác biệt.

Chị theo chủ nghĩa tối đa, cười nói nhiều, động tác minh họa nhiều, trang điểm đậm, phục sức cầu kỳ, thiên về trình diễn kiểu Frida Kahlo (4) (và cũng như Frida Kahlo, chị chỉ vẽ chân dung mình). Nhìn vào sống áo chị tôi thấy tâm hồn chị: đồng bóng, tưng bừng, cuồng yêu, khát sống. Một dạng phụ nữ nội tâm bày cả lên váy áo. Dạng phụ nữ này thường khiến không khí bỗng chốc rộn ràng nhưng ít duyên và tâm hồn nông cạn, múc chưa đầy ba thìa đã tận.

May mắn chị là ngoại lệ. Chị biến ảo không ngừng như mặt nước ngày trở gió. Và chị có sức hút khiến người ta chỉ muốn vùi mặt vào, ngây lịm đi trong cái cơ thể và tính nết phồn thực của chị.

Tóc xổ tung, bình thường mái tóc uốn xù của chị đã bồng lên như một đống vỏ bào, giờ trông tựa chiếc tổ lớn kết bằng hàng nghìn cây rong giận dữ lắc lư trên đầu, chị xồng xộc đến bên chiếc máy hát, tắt phụt. Tùng Dương tắc nghẹn, như vừa ăn một cái tát điếng người. “Cái loại nhạc quái gở gì thế, chỉ khiến người ta bị ung thư, khiến người ta ăn dần tim gan mình mà chết! Đồ tự kỷ! Đồ hèn!...”.

Chị còn nói những gì gì nữa, tôi bịt tai, nhìn chị với cái nhìn thẫn thờ hoảng hốt của loài cua. Chị chạy từ cuộc tình nào trong vô khối mối tình của chị lại đây với tôi? Kẻ nào khiến chị đổ lệ và tôi phải là người hứng chịu? Tôi muốn xô chị ra khỏi nhà tôi, đòi chị trả lại không gian yên tĩnh xám nhạt này cho tôi, nhưng trước chị, tôi tê liệt như con nhái trước cái dáng uốn éo đung đưa của con rắn.

Điều gì ở chị tỏa ra cái mùi khiếp đảm mê hoặc ấy? Và điều gì ở tôi khiến tôi không thể thoát ra? Và sao chị cứ luôn bồn chồn? Cái gì vặn xoắn, thúc đẩy trong lòng chị thế, chẳng để chị yên? Cái gì lôi cuốn chị đi, xui khiến chị đạp đổ mọi thứ trên con đường chị bươn bả tìm đến tình yêu, hạnh phúc?

Lòng tôi đây - sâu thẳm êm đềm như một bóng râm, căn phòng yên tĩnh này, bóng chiều tàn êm ả, những bông hoa cẩm chướng yểu mệnh đến đau lòng, những cuốn sách khiêm nhường im lặng, không khí bảng lảng trôi...

Tí nữa, nếu chị ưng, tôi sẽ làm cho chị món sườn cừu đút lò tưới đẫm các loại nước xốt mà chị mê, sẽ hong cho chị một chõ xôi nếp cái hoa vàng miền Bắc, vang Moet & Chandon bật nút trào bọt thơm lừng, mở xẩm Hà Thị Cầu, đặt chị trở lại giữa lòng Hà Nội dầm dề thương tâm của chị. Để chiều chị, tôi sẽ đọc thơ tình: Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người (5).

Và nếu cơn dông căng tức ngoài kia trở dạ thành công thì chúng tôi còn có mưa, mưa như từng chuỗi hạt cườm lấp lánh, mưa như nước mắt chảy tràn qua mặt, mưa như bao nỗi đam mê chan trút xuống cõi đời... Chừng ấy thứ, bao nhiêu thứ tuyệt diệu của trần gian hội về đây trong một buổi chiều vẫn chưa đủ với chị sao, mà chị còn phải phấp phỏng đợi chờ?

Rồi cái chị đợi chờ đổ chuông. Chị sẽ nắm tay tôi lôi đi. Tôi nói một câu gì thật lạnh và ác, chị hắt tay tôi ra, ném bất cứ cái gì vớ được về phía tôi. Rồi bỏ đi.

Nhưng giờ đây chị nằm dài người bên chân tôi, nước mắt hoen mi, thần sắc rũ liệt như một con mèo sẩy thai. Cái bầu nhục cảm trong chị vẫn ứa ra như mật đến từng đầu ngón tay, chân tóc. Chị mở mắt nhìn tôi, đôi mắt đen thăm thẳm hễ nhìn ai là như thiêu đốt. Giọng chị rời rạc, bứt rời ra từng từ, kiểu bứt từng quả nho trong chùm nho vô hình cho vào miệng, nhai chậm rãi:

- Em... không... buồn... chán... à...?

Tôi nhìn lướt đôi môi dày nhòe nhoẹt son, trông như một múi cam đẫm nước của chị:

- Ở ngoài kia còn buồn chán hơn.

- Em... chưa từng... yêu ai... thật à?

- Có chứ. Em yêu một tảng đá. Em có ba năm thì thầm với một tảng đá. Em thì thầm bằng giọng nói em, ánh mắt em, bằng chữ của em. Em thì thầm trong từng hơi thở, từng nhịp đập trái tim em, bằng nhiệt độ cơ thể em - ba lần em phát sốt, sốt thật sự, phải đi viện vì không cách nào bày tỏ được tình cảm của em, nỗi lòng của em với tảng đá em yêu.

- Tảng đá ấy tên gì?

- Chị đã bao giờ yêu một tảng đá chưa? Chị đã biết đến tình yêu nào vô vọng như là tình yêu với tảng đá chưa? Chị có biết phải tưới bao nhiêu nước mắt và tình âu yếm mới có thể khiến tảng đá ấy nở hoa không? Em thì thầm bằng mọi ý nghĩ trong những ngày dài chờ đợi, bằng nỗi run rẩy của từng khớp xương, của từng mạch máu trong thân xác em, không phút giây nào ngơi nghỉ, em thì thầm trong cả những giấc mơ...

- Đừng nói nữa! Đừng nói nữa, chị van em, Đan!

- Em làm chị tan nát ư?

Chị đưa ngón tay trỏ gạt giọt nước mắt vừa lăn khỏi khóe mi tôi. Tôi hẩy ngón tay ấy đi. Nước mắt là thứ ương bướng nhất, và vì thế mà nó có tự do. Tôi thống trị tôi, tất cả tôi, chỉ nước mắt là thứ tôi không thể. Từng có những thời điểm trong đời, nước mắt thống trị tôi.

Đón cốc nước lọc mát lạnh chị đưa, tôi uống cạn. Ủy mị trước người khác là nhục nhã và hoen ố, cũng như đi ra đường mà không trang điểm và mặc quần áo vậy. Tôi hỏi để khỏa lấp:

- Chị vẫn mong được hiến tế mình cho một nhân cách giống đực trong ngần và một tình yêu cao thượng, lớn lao đấy nhỉ?

Má ửng đỏ, mắt nhìn lảng đi nơi khác, chị vu vơ:

- Bộ drap này đẹp thế. Đan, em mới mua đấy à? Trông như hàng thủ công châu Âu. Mà sao chị vẫn không nhớ nổi là em rất giàu, dù luôn nhớ em đẹp rợn người, đẹp như yêu tinh.

Tôi trả lời chị, dịu dàng như nói với một đứa bé đang hờn dỗi, dù vẫn nhớ chị hơn mình 13 tuổi:

- Chị thích thì lấy đi, em gói cho. Bằng khổ giường nhà chị nhỉ? Em còn hai bộ nữa, đẹp hơn.

- Không. Cứ để ở đây, thỉnh thoảng chị đến em trải cho chị nằm là được rồi.

Ừ, chị như bệnh nhân và tôi như chiếc giường bệnh viện. Ốm thì đến, chưa khỏe hẳn đã rời đi. Đi, để hiến tế, phân rã, và nhận về một cơn ốm mới.

Tôi không tiễn chị, chỉ dặn với: “Chị xuống thì đóng cửa lại giúp em”.

Hai cánh cửa gỗ lim nặng nề sập vào nhau, dội vào lồng ngực tôi như tiếng sập nắp quan tài. Tiếng giày cao gót gõ nhịp xuống con hẻm bêtông ngày một trôi xa, tựa tiếng búa nện đinh lên nắp quan tài ấy. Không khí trong phổi tôi vón cục lại, không thở được nữa. Con mèo nhị thể vụt hiện nơi chấn song cửa sổ, mắt ánh lên xanh lét lạnh lẽo trong áng chiều nhập nhoạng.

Nó bỏ nhà đi đã bảy ngày, mười ngày, hay hơn? Nó gầy tọp đi vì thiếu ăn hay vì đám mèo cái? Đáp xuống sàn gỗ như một nhúm lông không trọng lượng, nó ưỡn ẹo tìm đến tôi, lách người vào giữa hai đùi tôi, cọ cọ bộ lông bị cào cấu xác xơ và áp cơ thể nóng rẫy vào da thịt tôi. Vùi mặt vào gối, cái gối chị vừa ôm chặt vào lòng để khóc, vừa khóc vừa dằn vặt, cắn nghiến giữa hai hàm răng trắng đều như ngọc, tôi nghe mùi chị còn vương lại, len căng trong từng thớ vải.

Tôi hấp tấp tóm bắt lấy nó, hít sâu mùi hương ấy, như con cá mắc cạn cuống quýt đớp lấy chút bọt khí cuối cùng. Mùi nước hoa, son phấn, mùi mồ hôi, mùi da thịt chị, đâu như lẫn cả mùi một gã đàn ông da đen và mùi nước mắt... tất cả kết thành một hỗn hợp mùi nồng nàn riêng tư, đau đớn. Tôi gom hết mùi ấy bằng khứu giác của loài chó, ém sâu vào phổi, rồi chuyển vào ngăn ký ức có dán nhãn M.

Từ từ tuột sâu vào trong chăn, luồn tay xuống dưới lần vải chiếc quần soóc jeans dày cộp, thô ráp, lên xuống nhịp đôi theo tiếng gừ rừ... gừ rừ... và cái sống lưng nhấp nhô thở của con mèo nhị thể, những ngón tay tôi run rẩy yêu đương với làn hương ấy.

Những bông hoa cẩm chướng trên bàn ngả nghiêng xô lệch, chúng xa dần, nhòe dần trong đôi mắt đẫm nước của tôi.

Chiều thứ bảy trượt chân vào bóng tối.

(1): Người tình Sputnik: tên một tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami

(2): Phát biểu của Vladimir Nabokov (1899-1977), nhà văn Mỹ gốc Nga, tác giả tiểu thuyết Lolita.

(3): Lời ca khúc Cô đơn của Đỗ Bảo.

(4): Frida Kahlo: nữ họa sĩ người Mexico (1907-1954), nổi tiếng với các tác phẩm mang phong cách phối màu rực rỡ và các bức chân dung tự họa.

(5): Trích bài Nguyệt cầm, Xuân Diệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận