Cho giới trẻ sống giữa thời "hỗn loạn"

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử, cuốn A monster calls (Tiếng gọi của quỷ - từ đây các nhan đề tiếng Việt là tạm dịch), phần viết thêm cho tiểu thuyết bộ ba Chaos walking (Vào chốn hỗn loạn) của nhà văn Mỹ Patrick Ness vừa giành liền hai giải thưởng quốc tế sáng giá của văn học viết cho thanh thiếu niên 2012: “Carnegie Medal” và “Kate Greenaway Medal”.

Phóng to
Ảnh: somerset.qld.edu.au

Tiểu thuyết bộ ba này được Patrick Ness hoàn thành tại nước Anh, sau khi ông quyết định rời nước Mỹ - nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sinh năm 1972 trong một gia đình quân nhân tại một căn cứ quân sự Mỹ, tuổi ấu thơ trải trên quần đảo Hawaii, học xong Đại học Văn khoa Nam California ra làm nhân viên văn phòng, phải soạn thảo mọi thứ từ thư tín, diễn văn đến... lời quảng cáo sản phẩm cho một công ty - vốn sống đó đủ để giúp Patrick Ness thực hiện dự án sáng tác dài hơi.

Mỗi năm một tập Vào chốn hỗn loạn lần lượt ra đời và là trường hợp đầu tiên trong lịch sử giải Carnegie: tập nào cũng vào vòng chung khảo, ngoài ra còn liên tiếp ẵm những phần thưởng khác...

Tập đầu The knife of never letting go (Con dao không bao giờ cho đi, 2008) đã giành được những giải thưởng uy tín: "Guardian Children’s Fiction Prize", "James Tiptree, Jr. Award". Đây là cuộc phiêu lưu của Todd Hewitt - một cậu bé 12 tuổi có cá tính mạnh chạy trốn khỏi thị trấn Prentisstown, một nơi rất kỳ khôi: không bao giờ dứt tiếng ồn, nhưng lại có thể nghe thấy mọi ý nghĩ của mỗi cư dân, kể cả con người và muông thú, mọi chuyện nội bộ đều liên thông, nhưng do sự độc đoán của thị trưởng nên hoàn toàn cách ly với bên ngoài.

Cùng với cô bạn Viola, Todd quyết khám phá những bí mật đằng sau vẻ ngoài của thị trấn Prentisstown và đi tìm không gian sống cho mình... Truyện phản ánh logic của chính thế giới mà chúng ta đang sống ngày ngày - thư từ, điện tín, tin nhắn, email, Facebook... Thông tin hiện diện ở mọi nơi mọi lúc, bất chấp bạn có muốn tiếp nhận nó hay không. Vậy thì những đứa trẻ mới lớn sẽ thế nào nếu chúng không có không gian riêng tư thích hợp - đó sẽ là một cơn ác mộng!

Tháng 5-2009, phần hai The ask and the answer (Hỏi và đáp) ra mắt, lập tức giật giải "Costa Children’s Book Award" và vào danh mục "10 tiểu thuyết viết cho thanh thiếu niên hay nhất năm 2009" của Hãng Amazon.com. Tiểu thuyết chuyển tải một thông điệp bất khuất: Nhất thiết phải đấu tranh để vượt khỏi hoàn cảnh bi đát nhất! Phần ba Monsters of men (Những quỷ trong người, 2010) được tặng "Carnegie Medal" 2011. Còn A monster calls, 2011 toát lên ý tứ: con quái vật trong những cơn ác mộng có khi còn không đáng sợ, khó nhất là ta sống hằng ngày thế nào với gia đình!

Phóng to
Nhà văn Patrick Ness - Ảnh: helengiles.wordpress.com

Bản thân văn bản tiểu thuyết của Patrick Ness đã khác thường và gây ngạc nhiên không kém cái thế giới lạ lùng được miêu tả trong sách. Tác giả đã chứng minh được rằng có thể viết cho bạn đọc trẻ không theo khuôn sáo nào, và ông thổi một luồng gió tươi mát vào ngày thường đơn điệu.

Vào chốn hỗn loạn đang được xúc tiến đưa lên màn bạc. Hãng Lions Gate đã giành được quyền chuyển thể tiểu thuyết bộ ba Vào chốn hỗn loạn.

* Giải "Carnegie Medal" vinh danh nhà từ thiện Andrew Carnegie (1835-1919, người Scotland, có công xây dựng hơn 2.800 thư viện tại các nước dùng tiếng Anh). Giải thưởng tôn vinh tác giả những cuốn sách được thanh thiếu niên công nhận là hết sức hấp dẫn và quan trọng đối với sự phát triển của thế hệ mới...

* Giải "Kate Greenaway Medal" vinh danh nữ nhà văn - họa sĩ kiệt xuất Catherine Greenaway (1846-1901, người Anh) dành cho những minh họa sách thiếu nhi đẹp nhất, được trao từ năm 1956.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận