Chợ Lớn

ĐỖ DUY 05/06/2013 08:06 GMT+7

TTCT - Tôi hay ra Chợ Lớn vì một quán cơm trên lầu hai của một chung cư gần cầu Chà Và. Bà chủ mặt lạnh như tiền, nói năng cộc lốc, lúc nào cũng nhớ tôi ăn canh cải chua.

Phóng to
Tranh: Đức Trí

Quán bán từ mười giờ, đến khoảng hai giờ chiều thì hết.

Phá lấu, thịt kho, khô cá mặn chưng, giò heo hầm củ sen... món nào cũng âm ỉ nóng trong những cái thau nhôm đặt trên một cái bếp lò than cháy rực bên dưới. Một mình bà chủ chạy bàn, lau dọn, thu tiền giữa những dãy bàn ghế nhựa chẳng còn phân biệt nổi là đỏ hay đen.

Hai người con, một đeo mắt kính dày cộp, lui cui, khổ sở múc đi tính lại giữa những thau thức ăn. Một còn lại gầy tong teo lo phần canh củi lửa, xới cơm và canh. Bao nhiêu lần ngồi ăn ở đây tôi vẫn tự hỏi sao họ không thử phân công lại, đổi vai cho nhau?

Cảnh tượng bất hợp lý này có vẻ đã diễn ra và thành thói quen nhiều năm... Hay sao họ không thuê thêm một người giúp việc? Một người nào đó đã trả lời tôi, làm vậy chi, coi vậy mà cũng nhanh, khách vẫn đông, vẫn ăn ngon là được rồi...

Khách - là những ông bà chủ đeo vàng cong cả cổ. Cả người bán vé số, làm công, bốc vác ở các chợ nhỏ xung quanh - những người có thể nhận diện nhờ nghe gọi thêm ba bốn phần cơm thêm, đấu tranh mãi một lúc mới quyết định gọi thêm nửa phần thức ăn... Hết thảy họ đều trật tự xếp hàng, ăn uống và tính tiền đều gần như trong sự im lặng...

Tôi ngồi ăn, nghe hai cái quạt trần trên đầu lặng lẽ làm công việc của mình, lọc cọc, lè kè, vừa làm mát vừa giúp vui cho không khí ăn uống chỉ có tiếng đũa muỗng đỡ buồn tẻ. Ban đầu tôi hay nghe người ta hỏi bà chủ sao không thay cái quạt mới. Về sau không nghe nữa.

Ngoài thức ăn ngon, bất thành quán này nếu không có tiếng quạt, bốn vách tường loang lổ vôi vàng vôi trắng, những cánh cửa nửa xanh nửa xám, cả cái sào phơi quần áo từ cửa sổ nhà đối diện?

...Ăn cơm xong rồi, bữa nào dư dả thời gian tôi thả qua chợ vải, chợ thiếc... coi người ta buôn bán vải, bán vàng trao tay, thấy tiền hàng rổn rảng, nhanh lẹ, tươi rói... Lại lòng vòng qua những hàng phá lấu, há cảo, bột chiên, sâm bổ lượng trong mấy khu chợ chiều (được dọn ra để bán đến đêm). Có hôm tôi cầm lòng không đậu, có hôm dặn lòng nhất định phải chừa bụng cho đến sáu giờ chiều... Hủ tiếu gõ chỉ để phần xí quách cho vài khách đến đầu tiên.

Tôi thích chỗ này vì ăn ngon, thoải mái, lại được khuyến mãi chỗ ngồi lạ. Lần đầu ngồi đây, tôi nửa hoang mang nửa sung sướng, mùi củi lửa chan chát của nồi nước lèo bên cạnh, đâu đó xung quanh phảng phất mùi thuốc bắc, mùi gà chiên, nhìn lên đầu mình là đầu lân đầu rồng, bên trái là những cái đèn lồng treo lủng lẳng, bên phải là hàng móc khóa lạnh tanh...

Người đi lại ì xèo theo tứ hướng, chỗ nào còn lối thì đi, nhiều khi dội đầu mình vô đầu lân đầu rồng...

Thế mà những hôm trời mưa, tất cả những màu đỏ và mùi vị ấy chợt biến mất như ở một vùng đất khác, chỉ có mỗi ông già bán hủ tiếu một mình trên cả một khúc đường thênh thang. Chợ Lớn trời mưa hoặc sau mưa chỉ còn là một dãy nhà lớn, nghiêm trang, cổ kính và lặng lẽ như Hà Nội xưa.

Tôi thích, nói mê cũng đúng, khu chợ pha trộn không biết bao nhiêu cảm xúc này. Cảm tưởng mình đang được hít thở một bầu không khí sạch sẽ, giản đơn khó tìm được bây giờ... Chẳng biết được, thế mà mỗi lần đi cũng phải tính toán dữ lắm, đường từ Sài Gòn đổ ra cũng bảy tám cây chứ ít gì.

Trừ những hôm thèm cơm, thèm chè chịu không nổi, chứ phải lựa chiều thứ bảy, chủ nhật, đường vắng người một chút mới dám “du hành”. Một trong những hôm đường vắng người ấy, nơi này đã làm tôi rơm rớm nước mắt. Trên đường Châu Văn Liêm thênh thang ba bốn làn xe chỉ toàn lá cây và trẻ con ăn xin người Khmer rượt đuổi nhau í ới.

Bên vỉa hè, những ông bà già bán tập bài hát tiếng Hoa, quần áo kiểu Tàu cho trẻ con, vé số, thuốc lá, bột chiên... tréo chân, cầm quạt giấy, không buồn không vui, những đứa nhỏ nằm ngủ vật vạ trên chiếu, trên bao nilông. Họ làm tôi nhớ A San, Diệp Phương trong Đất khách của Lý Lan...

Ai từng bước ra khỏi sòng bạc, thẫn thờ, ai mẫn cán làm lụng cả đời mà cũng không thay đổi được số phận? Ai còn vững niềm tin, ai đã tan tành giấc mộng nơi đất khách? Và ai nữa, chọn chung thủy ở lại đất này, lòng đang khôn nguôi nhớ về một nơi khác?... Mà bây giờ, với họ, đâu mới là đất khách, đâu mới là quê?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận