Chốn phiêu bồng cho những kẻ yêu văn chương

THUẬN 25/03/2018 16:03 GMT+7

TTCT - Salon du Livre năm nay rơi đúng vào lúc thời tiết Paris đỏng đảnh. Đã giữa tháng 3, thay vì nắng nhẹ mây trong rộn ràng đón xuân, mùa đông lại đột ngột quay về, mưa tuyết sụt sùi và đường phố nghẹn ngào các loại xe. Nhưng ông trời cũng không cản được niềm say mê đặc biệt của người Pháp dành cho sách vở và văn chương.

Các nhà văn (từ trái sang phải) Thuận, Đoàn Cầm Thi, Yves Bouille, Đỗ Kh., Aya Soejima tại Salon du Livre 2018. Ảnh: Thuận
Các nhà văn (từ trái sang phải) Thuận, Đoàn Cầm Thi, Yves Bouille, Đỗ Kh., Aya Soejima tại Salon du Livre 2018. Ảnh: Thuận

 Giống mọi năm, Salon du Livre 2018 vẫn kéo được hàng trăm nghìn độc giả mỗi ngày đến với các gian hàng của các nhà xuất bản để gặp gỡ, trò chuyện và xin vài chữ từ các tác giả mến mộ, có thể đã đoạt giải Nobel, Goncourt hay còn vô danh; có thể sống quanh đây hay đến từ một nước đầy biến động chính trị như Myanmar, êm đềm giàu có như Thụy Sĩ, mơ hồ bí hiểm như Băng Đảo, hoặc có vẻ chỉ biết mỗi đá bóng như Argentina.

Đời không như là mơ

Nhưng nếu Salon du Livre tạo nên một giấc mơ đẹp cho người đọc thì nhiều khi nó cũng phản ánh một thực tế phũ phàng của người viết: cách nhau vài mét mà một số kẻ thì ký không kịp thở, còn lại phần lớn ngồi ngáp ruồi, nản nhất là những kẻ đến từ tỉnh khác phải bỏ tiền túi thuê phòng, trả phí tàu xe, ăn uống cho một Paris đắt đỏ kinh hoàng.

Những cuốn sách bán chạy nhất, oái ăm thay, không bao giờ là tác phẩm của những cây bút tài năng nhất, mà thường của những tác giả xoàng nhưng sẵn lòng chiều thị hiếu đám đông, hoặc những nhân vật của các loại xìcăngđan. 

Best seller thứ nhất (603.300 bản) ở Salon du Livre 2016 là cuốn Merci pour ce moment (Cám ơn giờ khắc này) của bà Valérie Trierweiler, cựu phu nhân của cựu tổng thống Pháp Hollande, kể chuyện thâm cung bí sử, tình ái, phản bội, ghen tuông… 

Best seller thứ nhì (575.600 bản) là Năm mươi sắc thái xám - dâm thư đình đám toàn cầu. Best seller thứ ba (556.600 bản) là Central Parc của Guillaume Musso - ông trùm tiểu thuyết ngôn tình Pháp…

Salon du Livre, hay Livre Paris như tên mới đổi từ hai năm nay, là hội chợ sách (trong đó ưu ái nhất là thể loại văn chương) được Nghiệp đoàn xuất bản của Pháp (SNE) tổ chức vào dịp đầu xuân thường niên, trên một phần diện tích khoảng 40.000m2 của khu triển lãm quốc gia nằm ở cửa ô Versailles (Paris).

Kể từ lần đầu tiên vào năm 1981, Salon du Livre đã nhanh chóng trở thành sự kiện lớn nhất trong năm của ngành xuất bản: trong 4 ngày diễn ra khoảng 5.000 buổi ký sách, 800 hoạt động và giao lưu, thu hút hơn 200.000 khách từ các nơi, với hàng nghìn nhà xuất bản các cỡ. Mỗi năm một nước được chọn làm “khách mời danh dự” với những quan tâm đặc biệt.

Tuy thế, cũng tương tự với các tác giả không có sách bán chạy, Salon du Livre không phải bao giờ cũng là trái anh đào trên chiếc bánh gatô: để có được vài mét vuông cho bằng anh bằng em, một nhà xuất bản phải tốn hàng chục nghìn euro, ngoài ra còn tiền in ấn quảng cáo, thuê nhân viên túc trực 4 ngày liên tục.

Với một nhà xuất bản nhỏ, tỉnh lẻ và không có tác giả bán chạy thì đó là những khoản chi khá lớn trong hoàn cảnh khủng hoảng của thị trường sách hiện nay. Đó là lý do khiến không ít nhà xuất bản đành từ bỏ ý định góp mặt tại nơi lẽ ra phải là lễ hội của ngành.

??

Những áp lực chính trị 

Là một sự kiện văn hóa - xã hội quan trọng, Salon du Livre không ít lần chịu áp lực chính trị: năm 2008, nó bị nhiều quốc gia Hồi giáo kêu gọi tẩy chay để “phản đối chính sách chống Palestine của Israel” khiến SNE phải lên tiếng rằng họ mời đến Salon du Livre các nhà văn Israel chứ không phải chính quyền Israel.

SNE đã phải chi một khoản lớn để bảo đảm an ninh cho khách tham quan, thế nhưng một báo động bom xảy ra vào chủ nhật 16-3 vốn đông nhất trong 4 ngày đã buộc những người tổ chức phải sơ tán toàn bộ gian hàng.

Tương tự, ngày 15-3, ông Emmanuel Macron đến thăm hội chợ sách Paris 3 tiếng liền mà cương quyết không vào quầy của các nhà văn Nga, dù năm nay nước Nga là khách mời danh dự.

Tân tổng thống Pháp giải thích là để “tỏ tình đoàn kết với các bạn Anh” sau vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở London. Hành động “tẩy chay” này ngay lập tức bị đánh giá là không phù hợp với người đứng đầu một đất nước vốn có truyền thống yêu sách vở và văn chương. SNE lại phải lên tiếng rằng họ không mời chính quyền Nga mà mời “những đại diện cho thế hệ các nhà văn mới của nước Nga”.

Người ta cũng tự hỏi trong số 38 tác giả Nga có mặt ở Salon du Livre, chẳng lẽ tổng thống Pháp không nhận ra những cái tên như Eduard Limonov và Lyudmila Ulitskaya (từng nhận giải Médicis étranger của Pháp năm 1996) nổi tiếng là những cái gai trong mắt chính quyền Putin.

Tuy vậy, sự việc đáng tiếc này trên thực tế không ảnh hưởng gì nhiều đến không khí chung của Salon du Livre luôn độc lập về mặt chính trị, độc giả Pháp vẫn chẳng ngại dành cho những tác giả đến từ đất nước của các đại văn hào Tolstoy, Dostoevsky, Pushkin và Tchekhov sự ngưỡng mộ đặc biệt, thậm chí có thể nói là khá thiên vị.

Những buổi nói chuyện và giao lưu của các nhà văn Nga, nhất là Lyudmila Ulitskaya vẫn diễn ra sôi nổi và đông nghịt. Nữ nhà văn có cơ thể vạm vỡ như một nữ công nhân, giọng nói sang sảng như một chính khách, tác phong kiêu hãnh như một minh tinh màn bạc dường như còn được hâm mộ ở thủ đô ánh sáng hơn trên quê hương của mình.

Trong Salon du Livre, văn học Việt Nam góp phần nhỏ bé nhưng tương đối liên tục: tủ sách Littérature vietnamienne contemporaine được thành lập và điều hành bởi dịch giả, tiến sĩ Đoàn Cầm Thi với sự hợp tác của Nhà xuất bản Riveneuve trẻ trung và năng động có trụ sở đặt tại quận XIV của Paris. 

Văn học Việt Nam góp mặt 

Trong mục đích hướng độc giả Pháp tới các tác giả mới để thay đổi cái nhìn sáo mòn về văn chương Việt, Đoàn Cầm Thi và Riveneuve đã rất cẩn trọng trong việc chọn dịch các tác phẩm, luôn đặt cách tân không chỉ nội dung mà cả hình thức làm tiêu chuẩn quan trọng nhất.

Tủ sách này cho đến nay đã đem đến Salon du Livre 15 đầu sách của các tác giả như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Danh Lam, Phan Hồn Nhiên, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, đặc biệt là Đỗ Kh. và Thuận mỗi người 4 tác phẩm. 

Ngoài Salon du Livre, Đoàn Cầm Thi và ê kíp của chị còn liên tục tìm cách mở rộng phạm vi cho văn học Việt Nam đương đại bằng cách viết báo, giới thiệu, giao lưu, tổ chức tạo đàm tại Thư viện Quốc gia (Paris), Trung tâm Sách Quốc Gia (Paris) Grand Palais (Paris), Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương (Paris), Festival Các cộng đồng Pháp ngữ (Limoges), Đại học Genève (Thụy Sĩ), Hội chợ sách Pháp ngữ Beyrouth (Libăng), Thư viện thành phố Bruxelles (Bỉ), và khá nhiều hiệu sách tại các thành phố của Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Canada…

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đoàn Cầm Thi thổ lộ rằng mang sách văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Pháp đến giới thiệu ở những địa điểm quan trọng như Salon du Livre, chị và Nhà xuất bản Riveneuve hi vọng Pháp văn sẽ là chiếc cầu dẫn văn chương Việt tới những ngôn ngữ mới. 

Chính tại đây, tiểu thuyết Chinatown của tôi do chị dịch đã tìm thấy nhà xuất bản tiếng Hebrew ở Jerusalem và tiếng Nga ở Matxcơva.

Mỗi lần có dịp đi giới thiệu sách ở Salon du Livre, tôi lại cố hình dung cảnh Việt Nam được chọn làm “khách mời danh dự”. Cái ngày đó liệu có còn xa? Chúng ta có bao nhiêu tác phẩm xứng tầm quốc tế? Những chuyên gia Pháp nào có thể viết bài về văn học Việt? Các tác giả Việt nào có thể giao lưu với độc giả và truyền thông Pháp? 

Các câu trả lời vẫn lơ lửng trong đầu cùng một băn khoăn bất tận: Bao giờ văn chương Việt vượt qua món nem và vịnh Hạ Long về độ hấp dẫn trong mắt người Pháp?

Nhân đây cũng xin mở ngoặc rằng những năm 90 văn học Việt Nam đã từng được giới thiệu ở Pháp bằng một số tác phẩm tiêu biểu của thời Hậu - Đổi Mới : các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh), "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Nguyễn Khắc Trường), "Người đàn bà trên đảo" (Hồ Anh Thái), "Bến không chồng" (Dương Hướng) … thông qua các bản Pháp văn của các dịch giả Phan Huy Đường, Kim Lefèvre, Janine Gillon, Phan Thế Hồng, Emmanuel Poisson. 

Còn những năm sau này, song song với tủ sách « Littérature vietnamienne contemporaine » của dịch giả Đoàn Cầm Thi tại nhà xuất bản Riveneuve, một vài dịch giả khác như Đặng Trần Phương và Sơn Tây cũng hợp tác với nhà xuất bản L’aube để dịch các tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, hay một sinh viên gốc Việt là Charlotte Dang đã dịch tiểu thuyết "Gia đình bé mọn" của Dạ Ngân.  ■

Báo Francophonies du Sud số tháng 10-2015 có bài “Việt Nam, một thế hệ nhà văn mới” của tác giả Jean-Pierre Han - tổng biên tập tạp chí Văn chương Pháp Les lettres françaises. Bài báo có đoạn: “Sự có mặt của văn học Việt tại Pháp đang có nhiều biến đổi, nhờ số lượng sách được dịch trong những năm gần đây, nhất là tại Nhà xuất bản Riveneuve, nơi Tủ sách văn học Việt Nam đương đại được thành lập, dưới sự chủ trì của dịch giả Đoàn Cầm Thi. 

Việc xuất hiện đông đảo các tác giả văn chương mới chứng tỏ một nền văn học thời bình đã thực sự thành hình tại Việt Nam. Nét mới nữa của văn học Việt Nam đương đại là sự đóng góp ngày càng mạnh mẽ của các nhà văn nữ như Thuận (Chinatown, T mất tích, Thang máy Sài Gòn, Paris 11 tháng 8), Phong Điệp (Blogger, Delete)… 

Và ngòi bút của họ cũng mạnh mẽ không thua kém gì các đồng nghiệp nam: Vũ Đình Giang (Song Song), Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa) hay Nguyễn Danh Lam (Giữa dòng chảy lạc). Họ không lùi bước trước một đề tài nào và luôn ý thức đi tìm các văn phong đặc sắc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận