Chống tội phạm qua thiết kế đô thị

PGS.TS TRẦN VĂN KHẢI 07/01/2013 18:01 GMT+7

TTCT - Phòng chống tội phạm bằng giải pháp thiết kế môi trường là một cách đặt vấn đề được thực hiện trong thiết kế mới hay cải tạo đô thị.

Phòng chống tội phạm thông qua thiết kế môi trường (CPTED) đã được chính quyền áp dụng khi thiết kế các đô thị Âu - Mỹ. Singapore cũng đã có bản hướng dẫn thiết kế CPTED. Đáng tiếc, khái niệm này ở nước ta còn quá xa lạ, bỏ qua một khả năng lớn để tạo một môi trường đô thị an toàn.

Phóng to
Thiết kế đô thị sao cho tối đa hóa khả năng nhìn thấy khiến những người có ý định xấu phải e dè vì cảm giác bị theo dõi - Ảnh: T.T.D.

Ai cũng biết việc phòng ngừa tội phạm phải được thực hiện một cách cơ bản ở cấp độ vĩ mô như phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật... Nhưng phòng ngừa tội phạm theo lãnh thổ môi trường bằng chuyên ngành thiết kế đô thị lại có hiệu quả trực tiếp.

Phạm tội do môi trường

Ngày xưa người ta cho rằng nguyên nhân của tội phạm là do ma quỷ xui giục, thiên văn tác động, rồi cho rằng bản chất tội phạm là có tính bẩm sinh, nhất là những người có tướng mạo... Dần dần người ta mới nhận ra rằng chính môi trường sống có vai trò lớn trong việc phát sinh tội phạm. Không những nhân tố xã hội, kinh tế mà “cơ hội phạm tội” xuất hiện trong môi trường cũng là nguyên nhân sinh ra tội phạm.

Vai trò của nạn nhân cũng rất quan trọng như: phô trương tài sản, nhà cửa hớ hênh... Trên cơ sở của “Tội phạm học, nạn nhân học”, chuyên ngành CPTED đã được thiết lập nhằm thiết kế đô thị sao cho giảm được cơ hội phạm tội, khác với quan niệm xưa xây kín cổng cao tường, tự cô lập mình.

Năm 1968, S. Angel đã viết quyển Làm nản chí tội phạm bằng quy hoạch đô thị. Năm 1971, mô hình CPTED được xây dựng chính thức bởi R. Jeffery. Năm 1972 O. Newman là một kiến ​​trúc sư đã cho ra đời sách Không gian phòng thủ: phòng chống tội phạm thông qua thiết kế đô thị - hướng cụ thể vào giải pháp thiết kế đô thị, nhằm làm mọi người cảm thấy an toàn để rồi họ sẽ hợp tác với nhau ngăn cản, tố giác tội phạm.

“Thuyết sự lựa chọn duy lý” cho rằng những người có ý phạm tội đều phải cân nhắc, so sánh khả năng bất lợi hay được lợi trước khi quyết định gây án nên CPTED chủ trương làm nhụt chí kẻ định phạm tội và tạo sự tự tin cho dân cư, phát huy vai trò cộng đồng trong việc quản lý môi trường.

Bốn chiến lược

Chính việc pháp định không gian công, tư không rõ ràng đã gây ra bất cập trong việc quản lý các chung cư cao tầng.

Chiến lược 1: “Giám sát tự nhiên môi trường”. Làm tăng mối e sợ cho kẻ sẽ phạm tội bằng cách tạo nhận thức rằng mọi người: tội phạm, nạn nhân và người tố giác đều có thể được quan sát thấy. Cần thiết kế bố cục vị trí các vật thể nhà cửa, phố xá, các không gian công cộng sao cho có thể tối đa hóa khả năng được nhìn thấy, đặt cửa sổ nhìn ra vỉa hè, đường phố, tránh tạo các góc khuất, bị cô lập…

CPTED khuyên dùng cổng và hàng rào cho phép nhìn xuyên, phát hiện việc đột nhập cạy cửa, thiết kế sảnh vào tòa nhà với vách trong suốt, tránh bố trí đèn sáng quá chói gây ra điểm mù nhưng phải chiếu sáng được khuôn mặt kẻ gian. Bố trí camera, sử dụng lưu lượng người đi bộ và xe đạp, đặt ghế ngồi nơi công cộng để giám sát và cản trở việc tội phạm chạy thoát...

Chiến lược 2: “Kiểm soát tự nhiên việc xâm nhập môi trường”. Nguyên tắc là cho phép phân biệt rõ ràng ranh giới giữa các không gian công cộng, không gian riêng tư hay trung dung để bộc lộ hành vi cố ý xâm nhập trái phép môi trường. Chọn vị trí đặt lối ra vào, hàng rào hợp lý, sử dụng các kiến trúc để phân luồng kiểm soát người đi lại. Khu vệ sinh công cộng dùng lối vào đi bẻ ngoặt hơn là qua hai lớp cửa cách ly. Loại bỏ các cấu trúc tạo khả năng leo trèo lên các độ cao nhà, dùng hàng rào thưa ngăn với nhà liền kề để có mối quan hệ với láng giềng.

Chiến lược 3: “Củng cố tự nhiên lãnh thổ môi trường” được thực hiện bằng cách đẩy mạnh việc kiểm soát có tính chất xã hội thông qua việc xác định không gian rõ ràng bằng luật pháp. Cần có giải pháp pháp luật, kiến trúc để phân định rõ ràng không gian riêng tư và công cộng hay trung dung. Tạo ra ý thức làm chủ có quyền lợi hợp pháp trên bất động sản của mình, từ đó tạo khả năng đối phó với những kẻ xâm nhập bất hợp pháp hoặc báo động cho cảnh sát.

Chiến lược 4: “Bảo trì môi trường”. Lý thuyết “Cửa sổ vỡ kính” của J. Wilson và G. Kelling cho rằng: ”Nếu một cửa sổ kính bị vỡ mà không sửa chữa thì các cửa sổ khác rồi sẽ vỡ”. Nơi quản lý kém sẽ dễ bị chọn xâm nhập. Bảo trì tốt để cho thấy môi trường được quản lý chặt chẽ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận