Chuyện áo quần

LẠI NGUYÊN ÂN 01/08/2013 22:08 GMT+7

TTCT - Còn nhớ, chừng vài chục năm trước, thấy một học giả khả kính bỗng xuất hiện khá thường xuyên trên diễn đàn một số tờ báo giấy để bàn luận hào hứng với nhà báo về sự tái xuất của cái váy trong xã hội ta.

Một số người đa sự liền “chất vấn” cùng nhau: Sao nhà sử học không bàn chuyện hưng vong phế lập mà lại để ý đến sự thay cái quần bằng cái váy, lại còn gợi ra chữ gì đại loại như “văn hóa váy”?

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Mới gần hai chục năm mà những định kiến kiểu như trên đã bớt đi nhiều. Giờ đây người bình thường cũng hiểu sử học không chỉ khảo việc triều chính mà còn cần khảo về muôn mặt đời sống con người qua thời gian, từ chính trị đến kinh tế, kỹ thuật, từ sinh hoạt xã hội đến phong tục tập quán...

Mà khảo cứu đời sống con người qua thời gian cũng không phải “độc quyền” của các nhà sử học chuyên nghiệp. Ngay các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật cũng có thể và cần phải tham gia khảo sát đời sống con người qua thời gian…, tức là làm sử học, ở góc độ của mình.

Hai năm trước, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đã trình làng một cuốn sách mô tả và kể chuyện về thế giới đồ vật của con người Việt Nam thời “tiền công nghiệp”, dưới một nhan đề hơi to tát: “Văn minh vật chất của người Việt” (Nxb Tri Thức, 2011). Những nỗ lực tập hợp các nguồn tư liệu và diễn giải chúng trong cuốn sách đã giành được sự hoan nghênh của giới học giả và bạn đọc có quan tâm.

Vài tuần gần đây, giới đọc sách lại nhắc tới sự ra đời cuốn sách Ngàn năm áo mũ biên khảo về phương diện lịch sử trang phục của người Việt từ thời Lý đến hết thời Nguyễn (1009-1945). Tác giả chuyên luận chững chạc này lại là một người rất trẻ (Trần Quang Đức sinh năm 1985), công trình của anh không chỉ khai thác các nguồn sử liệu tại Việt Nam mà còn khai thác được các nguồn tư liệu từ toàn vùng Đông Á gồm cả Hoa Lục, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tất nhiên - như một số học giả, dịch giả cao tuổi nhận xét - nhà nghiên cứu trẻ mới nêu ra được những nhận định, khái quát về các đặc điểm và xu hướng trang phục Việt qua 10 thế kỷ, chứ chưa kết luận dứt khoát được các vấn đề đặt ra.

Như GS Huệ Chi nói - tại buổi hội thảo do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức nhân ra mắt cuốn sách trên - trang phục Việt hẳn cũng in dấu lịch trình văn hóa Việt, vốn mang đặc tính của các cộng đồng Đông Nam Á nhưng lại bị các tộc người Bắc Á xâm lăng và cai trị hàng ngàn năm, khiến các kiểu dạng mang đặc điểm Nam Á bị đánh mất, thay thế (một cách vừa áp đặt vừa tự nguyện) bằng các kiểu dạng mang đặc điểm Trung Hoa.

Bởi thế, công việc của nhà nghiên cứu chẳng những phải chỉ ra những biến tấu, gia giảm về tiểu tiết so với các kiểu dạng Trung Hoa “chuẩn” ở mỗi thời đại, tương tự sự gia giảm từng có ở trang phục Nhật, Hàn mỗi thời ấy; mà còn phải chỉ ra những yếu tố Nam Á vẫn được bảo lưu tiềm tàng đâu đó ở trang phục Việt.

Để tìm ra và xác định được các yếu tố ấy có lẽ nên chú tâm đến trang phục thường dân hơn là các loại triều phục, quan phục, quân phục…, và cũng nên chú tâm hơn đến trang phục phương Nam là nơi còn duy trì được nhiều hơn, lâu hơn các mối liên hệ với văn hóa Nam Á…

Chuyện áo quần, bàn đến từ khía cạnh lịch sử lại hóa ra những chuyện rất nghiêm túc, không phải chuyện thừa vải thiếu vải, hở ít hở nhiều, gây cười gây sốc... của thời trang hôm nay.

Nhưng lại nhớ một suy nghĩ ngồ ngộ của Phan Khôi về các bộ triều phục.

Xin nhớ cho, Phan Khôi (1887-1959) chưa bao giờ là quan chức hay viên chức, trước năm 1945 ông chỉ là nhà báo, tức là dân, chính ông ký là Chương Dân ở những năm viết báo đầu tiên. Thế nhưng bố đẻ và ông nội Phan Khôi đều từng làm quan triều Nguyễn. Vì thế, Phan Khôi biết và biết kỹ về chuyện nhà quan là điều dễ hiểu.

Trong một tiểu phẩm hài hước, Phan Khôi cho biết các bộ phẩm phục của các vị quan triều Nguyễn thường được may cầu kỳ (so với thường phục dân gian, cố nhiên) nên giá không hề rẻ chút nào. Vả chăng, đó cũng không phải thứ phục sức thường ngày, mà các quan chỉ dùng tới khi vào chầu vua, khi ra công đường, tóm lại là khi làm việc quan, nên cũng lâu hỏng.

Vì thế khi các quan về hưu thì các bộ phẩm phục trở nên thừa, có người để dành làm kỷ vật, lại có kẻ không cần giữ “kỷ vật” nhưng cần tiền bèn bán lại cho người mới lên quan...

Nhắc tới những bộ trang phục chuyển từ vị quan này sang vị quan khác như thế, Phan Khôi nghĩ tới những con rận! Loài rận xưa kia bao giờ cũng tìm được chỗ cư trú nơi quần áo con người (ngày nay các chất tẩy rửa đã loại trừ nạn chấy rận từ lâu).

Vậy thì khi những bộ phẩm phục được bán đi bán lại qua các đời quan, những con rận vẫn ở yên trong những bộ trang phục ấy, thành thử sẽ có những chú rận sống... tại triều, chu du từ đời này qua đời khác suốt đến mấy lượt đời quan, suốt mấy triều vua!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận