Chuyện ghi ở hiện trường trùng tu khu Tháp G Mỹ Sơn

HUỲNH VĂN MỸ 03/07/2013 06:07 GMT+7

TTCT - Ngày 22-6, khu tháp G của quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn đã được khai trương sau 10 năm trùng tu.

Nhìn các ngôi tháp được trùng tu với những viên gạch, những lanh tô, ca la (*), những tượng đá mới - cũ nằm trùng khít bên nhau với tất cả sự hài hòa, không thể không nhắc đến những người tham gia công việc “làm sống lại” các ngôi tháp Chăm ngàn tuổi vốn là phế tích...

Trùng tu, nhưng tôn trọng lịch sử di tích

Phóng to
Tháp G1 nhìn từ mặt phía bắc sau khi được trùng tu - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Cũng như mọi ngày, trưởng ban kỹ thuật dự án - tiến sĩ (TS) Mauro Cucarzi có mặt ở hiện trường để chỉ đạo tổng quát cho công việc. Nữ TS Patrizia Zolese - trưởng bộ phận khảo cổ học - lo việc định vị rất nhiều những cấu kiện, những tượng đá có kích cỡ lớn được lấy lên qua khai quật những tường tháp bị sập đổ thành những đống khổng lồ.

Trưởng bộ phận hiện trường - nữ kiến trúc sư (KTS) bảo tồn Mara Landoni cùng các nhóm thợ tìm cách sắp lại các phiến sa thạch dài trên lối đi nối hai tháp G1, G2 và hoàn tất một số việc khác.

Gần hơn với người xưa

“Chúng tôi đã khai quật hàng ngàn mét vuông ở nhóm tháp G và một phần ở nhóm tháp E với khối lượng hỗn hợp gạch - đất khổng lồ được giải tỏa...” - TS P. Zolese nói, chỉ vào khoảng mặt bằng tinh tươm sau khai quật khiến hình dung đến mặt bằng khu tháp G khi vừa được hoàn thành ngày xưa.

Làm việc cùng TS Zolese là hàng chục công nhân. Họ là nông dân ở các xã nằm kề khu di tích Mỹ Sơn, được tuyển vào làm cho dự án, qua hơn mười năm làm việc tại hiện trường đã trở thành những công nhân thạo việc cả về khai quật khảo cổ và trùng tu tháp Chăm.

“Mỗi lớp khai quật ở đây chỉ cho phép dày 3-5cm, vậy mà mình chỉ dùng cái bay với cái tay bươi - đào chứ không được dùng bất kỳ dụng cụ nào khác. Công việc trông nhẹ nhàng nhưng thật ra khá vất vả vì phải hết sức nhẹ tay, cẩn thận, phải đánh số đến từng mảnh vỡ hiện vật. Vậy mà cùng với bà tiến sĩ (Zolese) tụi tui đã khai quật lớp đất dày trung bình hơn 1m trên hai ngàn mét vuông đó...” - tổ trưởng Võ Văn Sáu (46 tuổi) hài lòng nói, chỉ tay vào cụm tháp đã vững vàng hơn sau trùng tu.

Ngồi xổm, ngồi bệt mãi trên đất, công việc tưởng chừng tẻ nhạt, lặng thầm bên những ngôi tháp đổ không ngờ lại sớm đánh thức nơi họ niềm yêu thích khi họ nhận ra được ý nghĩa việc làm của mình. “Mỗi khi lấy lên được một hiện vật, có khi chỉ là một viên gạch, nghe bà tiến sĩ giảng giải về công dụng, về ý nghĩa của hiện vật, tụi tui nghe sướng lòng lắm. Cũng nhờ vậy nên tụi tui làm mới lên tay, mới ở lại lâu dài với hiện trường...” - một công nhân nói khi cùng đồng nghiệp chuyển những cấu kiện đá đặt vào sân tháp G1 dưới sự chỉ dẫn của TS P. Zolese.

Nhiều công nhân hào hứng khi nhắc lại những ngày mới bắt tay vào công việc trùng tu. Dụng cụ lúc đầu của họ chỉ là chiếc đục nhỏ bởi chưa ai biết phải sắm gì cho hợp. Mò mẫm, họ sắm dần cái cưa sắt một mặt răng, hai mặt răng rồi đến máy cắt cầm tay, đá mài tay. Cùng các chuyên gia loay hoay suốt mấy tháng họ mới có được tới cưa điện, mài điện. Nhưng để lấy những viên gạch bị hư ở di tích ra thì phải làm từ từ bằng tay, có khi phải cả buổi mới đục xong để lấy ra vài viên gạch cũ và đặt vào một vài viên gạch mới.

Phóng to
TS M. Cucarzi (bìa trái) và KTS M. Landoni (thứ 2 từ trái) xem công nhân hoàn thiện một mảng trùng tu ở tháp G1- Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Bám theo những chỉ dẫn của các chuyên gia, nhất là từ KTS M. Landoni, bàn tay quen cuốc cày của những công nhân này dần mềm mại, thuần thục với các chi tiết trùng tu rất chi li, phức tạp. Thậm chí những kiến thức nông dân của họ cũng giúp vào kỹ thuật trùng tu.

Tổ trưởng Nguyễn Văn Năm (50 tuổi) kể: “Các chuyên gia mang chất kết dính là dầu rái bảo tụi tui phết lên viên gạch được mài để kết dính nó với những viên gạch kề bên (thế hồ vữa, phỏng theo cách xây gạch Chăm của người Chăm xưa). Tụi tui biết phết dầu rái nguội như thế sẽ không làm dính các viên gạch lại được. Bằng kinh nghiệm nấu dầu rái sôi lên để trét ghe nan của người quê mình, tụi tui đề nghị họ cho nấu dầu rái sôi để phết lên viên gạch. Vậy là được. Họ ôkê và mừng vui quá trời...”.

Làm, đi sâu vào công việc, những người - thợ - nông - dân càng phát hiện phần nào mẹo thuật, cung cách xây tháp của người xưa. “Tụi tui bắt gặp nhiều mảng tường được người xưa xây trống rồi độn đầy gạch vỡ, bột gạch vào cho tiện. Nhiều mảng tường được hai nhóm thợ xây ở hai đầu, đến khi xây gần giáp lại thấy bị vênh, vậy là họ phải xây rút lại một phía để cho khớp mí (chỗ giáp nhau). Phát hiện những điều đó thật lý thú. Như gần hơn với người xưa, hiểu tháp được phần nào...” - tổ trưởng Võ Văn Hải (40 tuổi) chia sẻ.

Gắn bó với việc trùng tu, hiểu ra giá trị tháp Chăm để rồi bắt đầu yêu quý tháp Chăm. Nhiều công nhân nói trước đây họ chưa hiểu giá trị tháp Chăm, “thấy người ta bỏ công đến đây xem tháp tụi tui thường cười: cái tháp nó đẹp gì mà coi không biết! Nhưng khi làm ở đây tụi tui mới hiểu tháp Chăm quý báu thế nào, giá trị văn hóa ra sao. Bởi vậy giờ tụi tui rất vui mừng khi được làm công nhân trùng tu những ngôi tháp của quê mình...” - anh Hải bày tỏ.

Càng vui hơn, nay họ còn giúp tu bổ những tháp Chăm ở xa. “Hồi cuối năm 2012, tui với chín anh em ở đây được cử vào giúp trùng tu tháp Bình Lâm ở tỉnh Bình Định, hướng dẫn kỹ thuật cho năm công nhân mới ở đó suốt hai tháng. Thấy cách làm của mình, anh em ở đó thích lắm...” - ông Nguyễn Văn Chín (52 tuổi) kể.

Phóng to
Với sự trợ giúp chuyên môn từ chuyên gia về đá của Bảo tàng Quốc gia Campuchia (đội nón vành), TS P. Zolese (thứ 3 từ trái) chỉ cho công nhân cách khoan nối lại một yoni lớn bị gãy do bom gây nên ở nhóm tháp G - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Ngôi trường bảo tồn

Ngoài các KTS ở các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước thỉnh thoảng đến hiện trường trùng tu tháp G tham quan, nghiên cứu, KTS giám sát Tô Chí Vinh là người trụ lại lâu dài ở đây để làm việc và học hỏi về lĩnh vực trùng tu - bảo tồn tháp Chăm.

Cùng với các chuyên gia Ý hướng dẫn công nhân làm việc ở nhóm tháp G, KTS Vinh còn chuyên trách trông coi, hướng dẫn công nhân trùng tu tháp E7 - tháp đầu tiên của nhóm tháp E được trùng tu do Viện Bảo tồn di tích đảm trách kỹ thuật. Từ dự án “Bảo tồn di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thuyết minh và đào tạo trong ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa thế giới tại nhóm tháp G, Mỹ Sơn”, năm 2011 Viện Bảo tồn di tích bắt đầu việc trùng tu tháp E7.

“Tôi may mắn được Viện Bảo tồn di tích cũng như các chuyên gia Ý chọn làm phụ tá cho KTS Đặng Khánh Ngọc giám sát công việc ở nhóm tháp G và tháp E7. Được học hỏi qua thực tế công việc từ các chuyên gia nước ngoài cũng như từ KTS Ngọc tại hiện trường, tôi đã vượt qua dần những khó khăn ban đầu mà một KTS dân dụng như tôi gặp phải trong việc trùng tu tháp Chăm...” - KTS Vinh tâm sự.

Kiến trúc tháp Chăm với rất nhiều bí ẩn luôn là thách thức và cũng là hấp lực với người quan tâm, nhất là với những KTS.

“Chỉ có làm trùng tu - bảo tồn tháp Chăm mới có thể giúp mình khám phá dần những bí ẩn, những tài nghệ của người xưa. Với lại góp phần vào trùng tu những ngôi tháp di sản của nhân loại là việc rất đáng làm khi mình có được điều kiện tham gia...” - người KTS 35 tuổi, “học viên” tại hiện trường trùng tu từ năm năm nay nói lý do anh nghỉ việc ở một công ty xây dựng lớn để về làm việc ở những ngôi tháp quê mình - nhà KTS Vinh chỉ cách Mỹ Sơn hơn 10 cây số. Và anh đã thỏa lòng được với nhiều thành tựu, hứng khởi có được khi đã “rút ra một số điều mới lạ về cách xây dựng tháp đầy hấp dẫn và tài nghệ của người xưa”.

KTS Đặng Khánh Ngọc - chuyên gia tham gia trùng tu nhóm tháp G và đảm trách trùng tu tháp E7 - cho biết để thành chuyên gia (về bảo tồn) phải học rất nhiều, nhưng ở Việt Nam hiện nay, về kiến thức, Viện Bảo tồn di tích đang cố mở lớp nâng cao nghiệp vụ bảo tồn, còn ở các trường đại học thì chưa có....

Về kỹ thuật, phải học bằng cách “truyền tay” vì chưa có trường lớp nào có thể đảm đương một phần kỹ thuật. Ngôi tháp thiêng vô hình trung đã trở thành ngôi trường bảo tồn cho những KTS trẻ như anh Vinh.

____________

(*) Lanh tô: cái đà dài nằm phía trên cửa ra vào, cửa sổ hay ô trống để chống đỡ mảng tường bên trên. Lanh tô ở tháp Chăm được làm bằng đá sa thạch.
Ca la: cấu kiện trang trí ở tháp Chăm được làm bằng đất nung hay sa thạch có hình mặt quỷ có hình vuông hay tròn, dùng trang trí ở hai đầu lanh tô, tường tháp, diềm tháp Chăm hay ở đầu mái ngói của các kiến trúc Chăm khác. (Ca La là tên vị thần thời gian trong thần thoại Ấn Độ, có khuôn mặt dữ dằn, sau dùng chỉ một cấu kiện trang trí có hình vị thần này trong xây dựng của người Chăm xưa).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận