Chuyện quê chuyện chợ...

NGUYỄN THÀNH CÔNG (CÀ MAU) 28/02/2012 21:02 GMT+7

TTCT - Tôi ở quê, tuốt ở tận cùng miền Tây, lên thành phố thấy nhiều chuyện lạ. Nhiều quán cà phê cố gắng quay về nguồn cội với chiếc xuồng ba lá trong ao bông súng, cái cối giã gạo xưa cũ, có chỗ còn dựng được đống rơm...

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Thật tuyệt khi bắt gặp hồn quê Việt, vốn ăn sâu trong máu thịt được lưu luyến ở chốn phồn hoa đô hội.

Không phải một vùng quê, mà lại là miền đô thị Sài Gòn lấp đầy cái thiếu.

Cái ăn: ẩm thực hương đồng gió nội tưởng đã thất truyền vẫn còn đậm đặc ở nhiều quán ăn: này cá kho tộ, dưa bồn bồn, cá lóc nướng trui...

Cái mặc: không thể không chao lòng khi chiêm ngưỡng những cô gái thành thị ngọc ngà khoác trên mình chiếc áo bà ba, rồi áo dài tha thướt...

Cái nói: có người Sài Gòn ăn nói quê còn hơn dân quê, nhiều khi thật bất ngờ khi nhận những mail gửi từ thành phố lại “ăn nói” như Sơn Nam thuở trước, nhiều từ ngữ Nam bộ hay ho, mộc mạc lâu lắm mới được nghe, lại nghe từ bà con trên ấy!

Và nhiều mặt, nhiều thứ nữa, khiến tôi - một Tư Ếch lên thành phố, phải bất ngờ.

Vui bao nhiêu, về quê lại trăn trở bấy nhiêu. Không quơ đũa cả nắm, song một bộ phận người quê đang tự nguyện, hăng hái Âu hóa, Hàn hóa... nhanh chóng đến kinh ngạc. Nhiều cô gái quê vội vàng trút bỏ cái mộc mạc mê hoặc lòng người để “nâng cấp” trang phục “lên” thành ra khó hiểu, lôi thôi, lộn xộn, không khác nhiều mô tả về Âu hóa trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Rồi ăn nói. Nhiều cô cậu dân quê đáng yêu đã trở nên không yêu nổi khi nói năng bạt mạng với những từ ngữ học cấp tốc từ phim ảnh hay thu hoạch được sau những chuyến thăm thú thành phố về.

Rõ nhất là sự hưởng thụ theo kiểu tréo ngoe: nếu người thành phố hướng về đồng nội thì bà con ở quê cố ăn uống, xây cất, bài trí sao cho giống người thành phố. Cây cối tự nhiên san bỏ, đổ ximăng tất, rồi lại đào hố mua cây chục triệu đồng về trồng! Người ta “nâng câp” bất chấp quy tắc về thẩm mỹ, cảnh quan, môi trường... Đâu đâu cũng nghe nói về phong thủy, về dáng cây phát tài phát lộc gì đấy, nổ vang trời, gặng hỏi kỹ mới té ngửa vì chẳng mấy ai hiểu thế nào là đẹp, không ai lý giải nổi tại sao...

Bây giờ ở quê tìm thức ăn quê còn khó hơn ở thành phố, muốn thấy cái áo quê cũng khó lắm thay... Hồn quê đi đâu mất rồi. Người quê sợ mang tiếng quê, mở miệng ra cứ một “đi Sài Gòn về”, hai “đi Sài Gòn về”. Trong khi dân Sài Gòn lại tỏ ra vương vấn hồn quê...

Thời nào cũng vậy, sự vận động luôn có những bước lạc điệu như thế. Sự nhận chân giá trị đã bị nhiễu do nhiều thứ. Chừng nào mới bớt những chuyện dở cười dở khóc. Và bạn bè từ thành phố về thăm quê mới hết bất ngờ...

Cùng các em dạo quanh phố phường

Hôm nay có tiết kiểm tra môn ngữ văn. Tôi viết đề lên bảng: “Về một hình ảnh, một việc làm, một hiện tượng nào đó diễn ra hằng ngày quanh phố phường khiến em phải suy nghĩ?”. Quan sát các em khi làm bài: nét suy tư trên trán, rồi các em bắt tay viết say sưa. Thật ngạc nhiên, với đề văn này bài làm của các em dài hơn mọi lúc.

Mang bài về nhà, tôi háo hức đọc. Háo hức vì muốn biết học sinh của mình đang quan tâm những điều gì, quan sát cuộc sống xung quanh ra sao... Quỳnh Như viết về bài học tình người từ lòng yêu thương của bà với chị bán hàng rong. Phương Hà thì trăn trở với tình trạng vứt rác bên cạnh thùng rác của không ít người dân thành phố. Minh Trí bâng khuâng nhìn thấy lá úa vàng rồi rụng nhiều khi Huế bước vào mùa mưa. Quỳnh Trang xót thương những đứa trẻ mưu sinh trên đống rác. Công Hiếu thương vô cùng bác sửa xe đạp trong chiếc áo mưa bên lề đường...

Mạch văn chưa thật lưu loát, ý tứ chưa thật sâu sắc, nhưng đọc bài của các em tôi nhận ra biết bao cảm xúc yêu thương, những rung động tinh tế trước khoảnh khắc cuộc sống, tình cảm chân thực của những trái tim trẻ...

Lâu nay dư luận lên tiếng nhiều về tình trạng bạo lực học đường, rồi nỗi lo với “thế hệ gối ôm”, bệnh vô cảm... của giới trẻ. Hôm nay đọc bài các em, lắng nghe các em chia sẻ, biết được những gì các em quan tâm, nhận ra nét son vẹn nguyên trong tâm hồn tuổi trẻ.... Dừng bút chấm bài, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp, bình yên.

TTCT cảm ơn các bạn: Nguyễn Ngọc Sáng, Phạm Đình Sang, Lương Gia Cát Tường, Trung Giang, Van Lam Nguyen... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận