Chuyện “Vua hổ” thành Luân Đôn

PHAN BẢO 07/02/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Thành Luân Đôn thế kỷ 19 thi thoảng lại có tiếng gầm của mãnh thú lang thang ngoài phố, bởi kinh đô này khi đó là trung tâm mua bán động vật hoang dã tầm cỡ thế giới. Và tay buôn có máu mặt nhất đương thời là “vua hổ”, kẻ suýt nữa tan tành sự nghiệp vì một con hổ xổng chuồng.

 
 Tranh khắc một bộ sưu tập thú hoang dã ở Anh hồi thế kỷ 19. Nguồn: Bảo tàng London

Thời mãnh thú lang thang

Vào thời kỳ Victoria (từ khoảng năm 1820 đến năm 1914, gần tương ứng với thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria 1837 - 1901), khi kênh đào Suez chưa được xây dựng, hầu hết các con tàu đến từ châu Á hoặc châu Phi đều cập đất liền ở Anh trước tiên. Nhiều tàu mang theo những con thú quý hiếm - cả sống lẫn chết - đến từ những vùng đất xa xôi thuộc Đế quốc Anh, khiến cho số lượng các sinh vật ngoại lai ở các thị trấn và thành phố của xứ sở sương mù gia tăng nhanh chóng, theo BBC.

Người thời bấy giờ xây dựng mọi cơ sở vật chất có thể, từ các cơ sở giáo dục, sở thú công lẫn tư, đến bảo tàng tự nhiên, để phục vụ cho việc nhìn ngắm các loài động vật kỳ lạ. Những bầy thú của các đoàn xiếc được đưa đi vòng quanh các thị trấn và thành phố để phô diễn. Đó đúng là “Thời mãnh thú lang thang khắp Vương quốc Anh”, như tựa bài viết của BBC.

 
 Bức tranh The Menagerie (Bầy thú) của Paul Friedrich Meyerheim vẽ năm 1894, mô tả các loài động vật kỳ lạ được đưa đến châu Âu từ châu Phi.

Giới nhà giàu thậm chí có thể mua hổ, voi, gấu, chuột túi, hoặc trăn trực tiếp từ cửa hàng. Tính đến năm 1895, chỉ riêng ở Luân Đôn đã có 118 người buôn bán động vật hoang dã và phần lớn các cửa hàng đều tập trung ở thủ đô, dù cũng có một số cửa tiệm nằm ở Liverpool, Bath và Bristol.

Chính quyền sở tại không hề kiểm soát việc buôn bán những động vật hoang dã này, bởi xã hội thời bấy giờ chỉ mới hình thành những ý thức thô sơ nhất về các loài có nguy cơ tuyệt chủng chứ chưa có hệ thống luật pháp bảo vệ động vật hay bất kỳ khuôn khổ quốc tế nào. Nhu cầu cao đối với động vật hoang dã kéo dài mãi đến cuối triều đại của Nữ hoàng Victoria.

“Vua hổ” và sự cố kinh hoàng

Ở lối vào không gian tổ chức sự kiện Tobacco Dock ở phố Pennington, quận Wapping, phía đông Luân Đôn ngày nay là hai bức tượng đồng lớn - bên phải là một con gấu đứng sừng sững, bên kia là con hổ cao hai thước mốt huơ tay trước mặt một bé trai. Đằng sau hai công trình tưởng niệm này là chuyện về Charles Jamrach, một tay trùm buôn bán động vật hoang dã và có thể gọi là “vua hổ” thành Luân Đôn thời Victoria.

 
 Bức tượng hổ và em bé ghi nhớ vụ việc năm 1857 ở Luân Đôn ngày nay. Ảnh: Bloophoenix/Flickr

Jamrach sinh năm 1815 tại thành phố Hamburg (Đức). Cha ông là cảnh sát đường thủy nên có quan hệ với nhiều thủy thủ, thuận lợi thiết lập đường dây buôn bán động vật ngoại lai, mở được cả chi nhánh ở Anh và Bỉ. Năm 1840, sau khi cha qua đời, Jamrach sang Anh để tiếp quản công việc kinh doanh ở Luân Đôn. Tại đây, Jamrach mở một cửa hàng thú cưng độc lạ, cùng bảo tàng lịch sử tự nhiên Jamrach’s Animal Emporium trên phố St. George và một trại nuôi thú diễn xiếc trên phố Bett.

Jamrach có nhiều khách hàng cao cấp và tuyên bố có thể cung cấp bất kỳ con vật nào họ muốn - voi, sư tử, hổ, gấu, heo vòi, và cả tatu - thông qua mạng lưới đại lý khắp thế giới của mình. Thậm chí có lần Jamrach còn nhập về hẳn một con tê giác.

Chuyện làm ăn của Jamrach diễn ra tốt đẹp cho đến khi xảy ra sự cố đi vào huyền thoại ở nước Anh và là nguồn cơn của bức tượng nói trên: một con hổ Jamrach mới nhập về chạy thoát và suýt làm hại một bé trai nếu chính nhà buôn thú không trở thành anh hùng bất đắc dĩ, ngoạn mục cứu đứa bé khỏi nanh tử thần.

Sự việc xảy ra vào ngày 26-10-1857, được chính Jamrach kể lại trong bài viết “Cuộc đấu nhau với hổ của tôi” trên tờ The Boys Own Paper tháng 2-1879. Theo đó, khi Jamrach và nhân viên đang đưa lô thú mới cập cảng từ Ấn Độ về cửa hàng thì một con hổ Bengal xổng chuồng, lao thẳng ra con phố mua sắm sầm uất gần đó. Con vật sau đó ngoạm vào vai một bé trai và cứ thế tiếp tục chạy.

Jamrach lập tức đuổi theo tóm cổ con mãnh thú, phóng lên lưng và vật lộn với nó một lúc, cho tới khi kêu cứu được một người qua đường mang xà beng chạy tới và nện 3 phát vào mắt con vật. Lúc này, con mãnh thú mới chịu thả cậu bé ra nhưng vẫn chưa hoàn toàn bất tỉnh và tiếp tục vùng dậy. Trong khoảnh khắc đó, Jamrach tự mình cầm lấy chiếc xà beng và cho con thú thêm một cú trời giáng nữa vào đầu bằng hết sức bình sinh của ông. Con hổ hoảng sợ và tự động quay lại vào cũi.

Điều kỳ diệu là đứa bé chỉ bị trầy xước nhẹ. Tuy vậy, bố cậu bé vẫn kiện Jamrach và “người hùng” cứu mạng phải bồi thường thiệt hại 300 bảng Anh (hơn 30.000 bảng Anh hiện nay). Tuy nhiên, Jamrach cũng không “lỗ” vì sau đó bán được con hổ cho một đoàn xiếc với giá tương đương. Con mãnh thú từ đó lưu diễn khắp nơi với nghệ danh “Con hổ nuốt cậu bé”.

 
 Ảnh minh họa vụ "vua hổ" cứu em bé trên báo chí lúc bấy giờ.

Cùng năm đó, nước Anh chìm trong nỗi sợ dưới sức ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Ấn Độ, đất nước có con vật biểu tượng là hổ Bengal. Vì vậy, sự kiện con hổ xổng chuồng được cho là đặc biệt đáng sợ. Thậm chí, một tờ báo còn liên hệ sự cố này với những gì đang diễn ra ở Ấn Độ.

Dẫu vậy, “vua hổ” Jamrach vẫn tiếp tục mở rộng danh sách khách hàng lẫn bộ sưu tập động vật hoang dã của mình, khiến nó đồ sộ đến mức đủ khả năng giúp huyền thoại trình diễn nổi tiếng thế giới P.T. Barnum khôi phục lại rạp xiếc sau một trận hỏa hoạn kinh hoàng vào năm 1864, theo trang Mental Floss.

Thị trường mua bán động vật ngoại lai ở Anh chỉ bắt đầu suy yếu khi Jamrach qua đời vào năm 1891. Con trai ông, Albert, tiếp quản công việc kinh doanh cho đến khi công ty phải đóng cửa vì Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ khiến việc buôn bán động vật quốc tế gần như bất khả thi.

Bức tượng con hổ và em bé ở Tobacco Dock được xem là một trong những công trình độc đáo ít biết ở thủ đô nước Anh, nhắc nhớ một thời dân Luân Đôn thất kinh vì mãnh thú chạy rông trên phố.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận