Cô bé với que diêm châm thuốc (Chuyện thần tiên)

DMITRY BYKOV (NGA) 02/01/2018 22:01 GMT+7

TTCT - Một cô bé nhỏ nhắn chỉnh tề với các que diêm, mặc áo lông trắng, mang giày trắng và đội mũ dệt kim xanh đứng ở ngã tư hai đường phố trung tâm mời mọi người mồi thuốc.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Chuyện xảy ra trong một thành phố lớn, có thể là thủ đô, mà cũng có thể là thành phố thứ một triệu - như nơi bạn đang sống, bạn đọc thân mến. Tôi sẽ không làm bạn phát khiếp với những chi tiết đáng sợ mà Andersen tàn ác đa cảm yêu thích, luôn bắt các độc giả nhỏ tuổi của mình chịu đựng những thử thách chưa từng có.

Cô bé của chúng ta không mang đôi giày sờn rách ngoài đôi chân đỏ vì lạnh, không đeo đôi găng mòn cũ trên đôi tay tái xanh vì rét cóng, không có những lời cầu xin thương hại trên đôi môi trắng nhợt vì giá buốt.

Cô bé không kêu bố thí cho bà mẹ đau ốm, không xin ăn cho cậu em trai còn nhỏ và nói chung nhìn mọi người qua đường bằng sự đồng cảm sâu sắc, giống như không phải cô, mà chính họ mới cần sự giúp đỡ từ tâm.

Cần phải nói là vào Giáng sinh hay không lâu trước đó, trên đường phố bất cứ thành phố lớn nào có thể đều đặn gặp cô bé với các que diêm.

Nhưng để nhận ra điều đó, đầu tiên bạn phải có một vấn đề nan giải, và thứ hai, bạn vẫn chưa đánh mất hoàn toàn khả năng lợi hại là nhìn khắp phía để nhận ra những cô bé nhỏ nhắn chỉnh tề với mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh nghiêm nghị.

Đúng lúc đó, dọc những con phố trung tâm thường rảo bước nhiều người với những vấn đề nan giải. Những cô bé với các que diêm luôn biết phải đứng ở đâu.

Thí dụ, đúng vào ca trực bí ẩn của cô bé, tận cuối phố xuất hiện một chàng trai trẻ nhợt nhạt với những quầng thâm dưới mắt. Chàng đã suy nghĩ sang tuần thứ ba về việc liệu có nên gọi điện cho cô bạn gái mà chàng ta vô duyên vô cớ nghi ngờ lòng chung thủy hay không.

Cô gái đã giận đến độ không buồn phân giải với chàng. Chẳng những vậy, cô còn bóng gió với chàng sinh viên của chúng ta rằng để thoát khỏi một kẻ ngu ngốc như thế, cô ta sẽ lao vào vòng tay người đầu tiên nào gặp phải, và nếu trước đây cô ta không làm thế chẳng qua là vì lòng thương hại.

Khi đó chàng trai trẻ đã gán cho bạn gái mình đủ những từ thích hợp và dập cửa, để giờ đây quá đỗi ăn năn. Thêm vào đó chàng bỗng thèm thuốc khủng khiếp mà cái bật lửa, thật trớ trêu, hôm qua đã bị bỏ quên ở nơi chàng uống rượu quá đà để tiêu sầu.

Không có kiôt bán thuốc lá nào quanh đó cả. Chàng sinh viên thậm chí nhớ lại chuyện tiếu lâm về địa ngục, nơi muốn bao nhiêu cỏ hay thuốc lá đều được, chỉ là không có diêm.

- Này anh kia ơi - cô bé với những chiếc que diêm khẽ hỏi - Anh có cần mồi thuốc không?

Chàng sinh viên dừng lại và tự hỏi có phải mình đang tưởng tượng ra lời mời đúng lúc đó hay không. Không, không phải tưởng tượng.

- Cần lắm - chàng thành thật nói.

- Hãy chọn diêm đi, xin mời - cô bé nói và mở ra trước mặt chàng một cái hộp, bên trong thòi ra những que diêm có đầu đủ màu khác nhau. Không màu nào là không có - nào lục nhạt, nào xanh lá đậm, nào trắng, nào đỏ và thậm chí lấp lánh như vàng lá.

Chỉ một cái màu đen, nằm tận trong góc hộp, nhưng chàng sinh viên lại thò tay vào tận đó vì nó hợp với tâm trạng chàng ta.

- Không, cái này tạm thời không nên - cô bé nói vẫn với vẻ nghiêm nghị như thế, và chàng sinh viên nghĩ cô bé này trưởng thành một cách đáng ngờ so với độ tuổi 10-12 của mình. Quá thông minh, ngay cả những cô bé xuất sắc nhất ở tuổi này cũng không được như thế. - Đây, mời anh, que này - và cô dứt khoát quẹt cái que diêm đầu hồng.

Chàng sinh viên kịp liếc nhìn bức tranh trên hộp quẹt - một cây thông lớn, trang trí bằng những quả cầu nhỏ lỗi mốt và nến; chàng đã từng thấy những cái bìa như thế trong các tạp chí thiếu nhi thập niên 1990, những tạp chí mà nhân viên của chúng đến nghĩ cũng không thể tưởng ra phần số nào được định đoạt cho những độc giả của mình.

Chàng sinh viên cúi xuống ngọn lửa màu hồng, hít khói “Chesterfield”, đầu nhẹ lâng lâng. Cô bé nhìn chàng với vẻ tò mò và hài lòng, hơi nghiêng đầu.

Người yêu chàng cũng nhìn chàng như thế sau cuộc hẹn đầu tiên, khi chàng rụt rè thú nhận là đã phải lòng cô ngay từ năm thứ nhất. Một giây sau di động chàng reo, chàng nhìn vào người gọi, đỏ bừng, tái nhợt, đổ mồ hôi và bằng giọng thờ ơ đáp: “Ừ”.

Đổ ập vào chàng là dòng thác những lời than thở, nước mắt, trách móc dịu dàng, đe dọa lẫn ăn năn. Đôi chân chàng nhũn ra, nhưng rồi ngay lập tức nó có sức mạnh siêu phàm - và chàng sinh viên, không kịp cảm ơn cô bé với các que diêm, phi nước đại về nơi những lời tha thứ và sầu muộn mà chàng chờ đợi bấy lâu sẽ được giãi bày. Cô bé nhìn theo chàng rồi giấu cái hộp đi.

Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, thật thế, cô lại phải lấy nó ra lần nữa, bởi ở bên kia đường, vuông góc với nơi cô đứng, một bệnh nhân nặng hơn đang đi tới.

Một người thất nghiệp 40 tuổi, đã thử qua nhiều nghề khác nhau, biết lái ôtô lẫn máy kéo, biết hàn nồi, làm vườn, khi cần có thể sửa chữa đồ điện tử đơn giản và chèo chống chiếc du thuyền nhỏ qua cơn bão - nói tóm lại là một trong những người lý tưởng mà nói thì mỗi xã hội đều bám lấy, đang trong dòng suy tưởng nặng nề về việc không ai cần đến mình, rảo bộ trên con đường ngập tuyết.

Có cần bổ sung không, rằng kẻ thất bại của chúng ta thêm vào đó còn nặng gánh gia đình. Văn phòng đại diện ở Moskva của một công ty lớn, tuyệt vọng tập cho cộng đồng dân cư địa phương quen tính tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ và sự minh bạch, vừa bị đóng cửa.

Nhân vật của chúng ta bị tống ra đường không một lời xin lỗi và trợ cấp thôi việc, như vẫn luôn xảy ra khắp nơi như thế mặc cho văn minh ngày càng tăng của doanh nghiệp nước nhà. Thuở nào đó theo yêu cầu của sếp, người tài xế bỏ thuốc, nhưng giờ không còn sếp nữa, hút thuốc đúng là hợp lúc.

- Bác ơi - cô bé nói - bác muốn hút thuốc không?

- Cháu hút thuốc sớm quá đó - người đàn ông thất nghiệp cứng rắn nói. Ông cũng có hai đứa con cỡ tuổi cô.

- Cháu không hút thuốc, cháu cho mồi thuốc - cô gái kẻ cả nói - Bác lấy gói “Prima” ra đi.

- Tôi bỏ thuốc rồi - kẻ lao động tận tụy buột miệng.

- Thì sao - cô bé đáp - Trong túi áo khoác của bác nó đội lên kìa, cháu biết chính xác. Bác lấy ra đi, nó ở túi trái.

Ông bác ngoan ngoãn thò tay vào túi trái và kinh hãi phát hiện đứa nhỏ nói đúng.

- Cháu là nhà tiên tri à? - ông nghi ngờ hỏi. Giờ thì ông tưởng như mọi người đều muốn lừa mình.

- Này, bác, bác đừng cà kê dê ngỗng - cô bé mỉm cười, và trong nụ cười của cô có gì đó mách bảo ông bác rằng thật sự ông chẳng cần hỏi nhiều - Bác rút một que diêm đi.

Ông bác cau mày và rút cái que diêm đen.

- Ai cũng vậy - cô bé thở dài, lấy cái que diêm đen lại và rút cái màu xanh ra.

Cô quẹt diêm rồi đưa ngọn lửa xanh nhỏ lên điếu “Prima” của ông bác. Ông bác rít một hơi sảng khoái và cảm nhận được sự lộng lẫy của độc lập.

Đầu bác quay nhẹ, bác lấy tay day day nó để máu lưu thông - một ngư dân quen biết - người bị huyết áp cao lúc nào đó đã dạy bác làm như thế - và lập tức bác thấy cái rao vặt ngay trên đầu của cô gái nhỏ: “Cần một tài xế có thâm niên cho một công việc lương hậu, được phép hút thuốc”.

Bác giơ tay xé cái rao vặt xuống để công việc ấy đừng rơi vào tay người khác, nhưng thay cho rao vặt, trong tay bác lại là danh thiếp của ông chủ mới với hai số điện thoại, để bàn và di động. Bác lắc đầu và lật đật chạy xin thu dụng.

Cô bé nhìn theo ông bác với sự tinh ranh kín đáo mà một số cô gái thông minh khác lẽ thường nhìn những cậu trai ngu ngốc, nhưng nụ cười liền biến mất khỏi gương mặt cô bởi từ phía đường đối diện, tiến về phía cô trên chiếc xe lăn thô kệch của nước nhà là một phụ nữ chừng 30 tuổi, từ nhỏ đã bị mắc chứng loạn dưỡng cơ.

Gần đây nỗi tuyệt vọng của người phụ nữ đã tới mức cô sẵn sàng uống rượu hay hút thuốc để quên đi sự bất lực và cảm giác hoàn toàn vô dụng. Mặc cho sự ổn định ở mọi nơi, người tàn tật đã và vẫn đang chẳng cần cho ai, ngoài gia đình của mình, mà nguồn lực của gia đình thì không phải là vô hạn.

- Quý bà - cô bé nói, không thèm dùng những từ xưng hô thông dụng ở đây như “bà kia” hay “này, mụ” - Bà có muốn hút thuốc không?

- Tôi không được phép - nữ phế nhân đáp - Tôi còn không đi được nữa là.

- Nhưng một năm hút một lần thì có thể - cô bé thuyết phục, tự tin rút ra gói thuốc với những điếu thon thả của quý bà - Xin bà hãy chọn diêm!

Thường thì những người tật nguyền trong những tình cảnh này vì sao đó hay chọn màu đen, nhưng cô bé nhìn người phụ nữ với sự phán xét, quẹt que diêm màu cam - và cái xe lăn tan biến, kẻ tàn phế bất hạnh rơi phịch xuống mặt đường.

- Đó, cô thấy không - người phụ nữ nói, không bỏ lỡ cơ hội nhắc nhở sự đúng đắn của mình - Tôi không được phép hút thuốc mà, tôi té rồi đây.

- Đứng dậy và đi đi - cô bé nói hơi thô lỗ - Bà nằm dài mãi sao.

Kẻ bất hạnh rụt rè bò dậy, sau đó vịn vào cô bé, đứng trên hai chân, rồi thẳng người đi bước đầu tiên.

- Tôi đứng được rồi à? - cô thì thào hỏi.

- Đi về phía trước đi - cô bé cổ vũ người phụ nữ, giấu những que diêm đi - Vậy mà bà bảo hút thuốc là có hại, thấy chưa... Sống cũng có hại, ai biết được sẽ có chuyện gì?

Trong hai tiếng tiếp sau đó, cô bé với những que diêm đã mồi thuốc cho một đồng tính nam cô đơn, khiến ngay lập tức cô ấy cảm nhận được sâu sắc bản dạng giới của mình, cho một phụ nữ không đồng tính buồn rầu mơ xoay xở được cho con vào nhà trẻ, cho hai lao động nước ngoài đau khổ vì bọn đầu trọc, cho một tên đầu trọc đau khổ vì mụn trứng cá; rồi đi ngang qua cô bé có một thầy giáo, suýt khóc vì ông chẳng có gì, và một nhà tài phiệt nức nở vì ông ta có tất cả.

Mồi thuốc nhờ diêm của cô bé, họ, cả hai đều hài lòng khi đổi vị thế cho nhau - và chẳng bao lâu người thầy giáo, được bổ nhiệm bởi một thống đốc một vùng xa và cương quyết dẫn dắt ông ta lên hàng lãnh đạo, còn nhà tài phiệt thì dạy trẻ em những điều thật sự quan trọng.

Tuy nhiên, chuyện chỉ xảy ra một năm sau đó. Còn hiện tại cô bé với các que diêm ở ngã tư bị một quan lớn của văn phòng thị trưởng phát hiện.

- Cô bé - ông ta la ầm lên - Với các que diêm! Ba mẹ cháu ở đâu, cô bé?!

- Bác à - cô bé nói rất nghiêm túc và nhìn ông với đôi mắt to trong - Bác trễ họp rồi kìa.

- Họp gì? - vị quan chức gào lên. Ông ta chính là người chịu trách nhiệm cho cuộc chiến chống nạn vô gia cư, và trong lĩnh vực này ông ta rõ là chẳng có gì để khoác lác, bởi trong những trại mồ côi của thành phố quê hương ông là những điều kiện mà vì chúng, trẻ em bỏ chạy trở ra đường phố - ngoài đó dẫu sao cũng ấm áp, tiện nghi và an toàn hơn.

Vị quan chức được cơ hội duy nhất để cứu vãn tình hình bằng cách tự đánh bóng mình. - Họp hành gì chứ khi một cô bé vô gia cư chết cóng trên phố với các que diêm!

Đây, ta phải ngay lập tức bằng đôi tay mình đưa cháu trở lại trại mồ côi và sẽ canh chừng để họ cạo đầu cháu, bởi có lẽ cháu có chấy!

- Bỏ tay ra ngay, thưa ông - cô bé nói khẽ.

- Đừng, đừng, tôi van ông, đừng bỏ tay ra! - một giọng bỉ ổi đến kinh ngạc của ai đó rú lên bên tai quan chức.

Cái giọng không thể nào là của đàn ông, đàn bà, lão già, em bé, mà chỉ có thể của tác giả, người dẫn “Chương trình hạt nhân”, nhà báo sinh sự Gleb Kosykh. - Chúng tôi đúng lúc đang chuẩn bị đề tài về xâm hại tình dục bé gái, mà khi một quan lớn của chính quyền thành phố vuốt ve bé gái - đó chính là cái chúng tôi cần!

Chúng tôi van ông, thêm một cái xoa bóp nữa thôi! Tôi nhắc lại, chương trình của chúng tôi chính thức xếp ngang hàng với dự án cấp quốc gia, bởi không ai có thể xúc phạm ý tưởng về điều tra báo chí như chúng tô-ô-i! - giọng của Kosykh tuột xuống thành một tiếng rít the thé không sao chịu nổi, và mọc lên ngay cạnh ông ta từ đâu không biết một tay máy mập chĩa vào vị quan chức con mắt đục của ống kính truyền hình.

- Ê, cá-á-i gì đây?! - gầm lên đại diện sở nội vụ địa phương đang trong chuyến thanh sát thường kỳ (đừng quên đây là đường phố trung tâm và các đại diện chính quyền thường xuyên xuất hiện). - Bé gái? - Với các que diêm?!

Bọn mày sẽ đốt cháy trật tự hiện hữu à?! Ái chà, mày, con phản động! - Hắn ta rút còng ra khỏi túi và sinh động lắc nó trước mũi cô bé. - Lui ra hết đi, các công dân, bây giờ ở đây sẽ bắt đầu việc bắt giữ con bé cực đoan!

Ối, còn cái gì mà bọn mày chưa nghĩ ra - giữa ban ngày ban mặt trên đường với các que diêm! Sự phồn vinh đang lên không làm chúng mày hài lòng sao? Chúng ta sẽ lấy cung một chút!

- Đấy, chính quyền đàn áp những kẻ bất đồng chính kiến như thế này đây! - vui mừng reo lên, một nhà đối lập tình cờ có mặt - Thậm chí trẻ em cũng trở thành nạn nhân của chế độ, thậm chí các bé gái nhỏ tuổi cũng xuống đường với cuộc diễu hành của những người bất đồng!

Gửi tới đây nhanh lên, ngay lập tức, đại diện của quỹ quốc tế “Quan sát độc địa” và ghi nhận ngay nỗi đau khổ của đứa bé, kiệt sức vì hoàn toàn thiếu vắng tự do ngôn luận!

- Bé gái? Với diêm quẹt? - đại diện phong trào đấu tranh với nạn di trú bất hợp pháp của người nhập cư “Dân chính quán là chúng ta” phẫn nộ kêu lên - Mày làm gì ở đây, hả?! Mày không phải người bản địa! Hãy thú nhận đi, con lao động nhập cư đểu giả, mày từ đâu tới?

Trước đây tao chưa hề thấy mày! Vì những đứa như chúng mày ăn bám ở đây mà dân bản xứ chúng tao không có cơ hội bán diêm!

Từ nhỏ, từ thuở sơ sinh tao đã mơ bán diêm, nhưng vì những đứa như mày mà tao phải chịu chết đói trong phong trào “Trăm thiên sứ nhuộm màu”! Vậy đó, đưa hộ chiếu và đăng ký tạm trú đây, hay trong vòng hăm bốn giờ tao sẽ cho mày biết thế nào là Kondopoga(1)!

- Chớ hòng, chớ hòng, đây là bé gái của tôi! - hét lên từ những hàng sau của đám đông vừa hình thành, một nhà từ thiện lớn ở địa phương, vào những năm 1990 náo nhiệt được dân địa phương biết đến với cái tên Syavka, giờ đây đang làm chủ casino ở trung tâm thành phố. - Bây giờ tôi sẽ làm từ thiện!

Hãy để tôi đi, tôi sẽ làm từ thiện cho con bé! Mọi người chẳng bảo cứ phát triển sòng bạc ra tứ phương và sòng bạc sẽ nuôi trẻ đói sao! Hãy cho tôi tới chỗ con bé, tôi sẽ mang cho nó một lá bài vàng của sòng bạc chúng tôi và bữa sáng có cháo yến mạch!

- Mọi người hãy để con bé yên! Kiệt sức phản kháng, một cậu bé đỏ bừng vì phẫn nộ từ phong trào thanh niên “Slava”, cái tên được gọi để tưởng nhớ người giám hộ tối cao của phong trào. - Đó đúng là cô bé của chúng tôi!

Cô bé sẽ bổ sung vào hàng ngũ những thanh niên trung thành, sẽ đi cùng chúng tôi canh phòng ở đại sứ quán Mỹ và sẽ đến Seliger(2)! Hãy cho tôi vào, tôi là ủy viên của vùng! Tôi từng được Gleb Savlovsky bắt tay và khóc bằng nước mắt thật sự, bảo rằng: “Ôi, tôi đã đến nông nỗi nào!”.

Cô bé với que diêm ghê tởm nhìn một lúc những cánh tay thèm thuồng vươn tới mình, lắng nghe những tiếng kêu tham lam. Cô cần tất cả những người này, thậm chí rất cần - nhưng không phải để cho việc mà cô được tiền định phải làm.

Cô cười méo mó, tất cả im bặt. Chỉ vang lên từ phía sau tiếng một đại biểu hội đồng nhân dân địa phương kêu gọi ngay lập tức phạt đứa bé vì hút thuốc ngoài đường. Chính vị đại biểu này đang chứa một ổ gian phi nhỏ, nhưng làm kín, không để lộ. Cô gái mở cái hộp nhỏ còn lại rất ít diêm của mình.

Thế nhưng chúng đã đủ để giải quyết những vấn đề của một số người dân thành phố này, mà theo nụ cười ranh mãnh làm rạng rỡ gương mặt cô, cô bé hẳn đã tìm ra cách đơn giản hơn để giải quyết chúng và thêm vào đó, lại tiết kiệm được diêm.

- Biến hết tất cả các người đi - cô bé với nụ cười thiên thần nói và quẹt que diêm đen.

Ngay khoảnh khắc đó, đám đông quanh cô tan ra. Các đường nét của giới thượng lưu thành phố trở nên nhạt dần, dao động và biến mất trong không khí lạnh giá.

Không ai kịp thậm chí dù để hét lên, chỉ có gương mặt dài ngoẵng của Gleb Kosykh, vốn phản ứng rất nhanh trước mọi biến đổi, càng dài hơn, và trên đó vút qua sự tiếc rẻ thoáng chốc về việc hắn ta không bao giờ kịp kể lại điều kỳ diệu này trên “Chương trình hạt nhân” nữa. Mà chương trình rồi thì sẽ khô...

- Hay ghê - cô bé với các que diêm nói.

Cô bé cẩn thận cởi chiếc áo lông trắng, dưới nó hóa ra là đôi cánh nhỏ rất trắng, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Vỗ cánh, cô nhẹ nhàng cất khỏi vỉa hè lạnh giá và bay vút lên. Tay cô nắm chặt hộp diêm.

Ai đó, dĩ nhiên, sẽ cho rằng đoạn cuối này không đủ lạc quan, bởi những que diêm bay đi hết rồi mà những vấn đề chưa giải quyết thì còn ôi thôi.

Nhưng tôi có thể bảo đảm với các bạn rằng Giáng sinh mỗi năm mỗi đến, không thường hơn mà cũng chẳng hiếm hơn, còn cô bé với các que diêm bạn sẽ còn được gặp không phải một lần. Chỉ cần biết nhìn khắp hướng.■

Phan Xuân Loan (dịch)

(1): Thành phố nằm ở vùng trung tâm Kareliya, phía bắc nước Nga, năm 2006 xảy ra xung đột sắc tộc quy mô lớn giữa những người Kavkaz nhập cư và dân địa phương.

(2): Hồ Seliger ở Ostashkov (Nga), nơi hằng năm (từ năm 2005) diễn ra diễn đàn thanh niên của phong trào “Nashi”.

Dmitry Bykov. -Ảnh: pbs.twimg.com
Dmitry Bykov. -Ảnh: pbs.twimg.com

 

Dmitry Lvovich Bykov (1967), nhà văn, nhà chính luận, nhà phê bình văn học, nhà báo, giáo sư khoa văn hóa và văn học thế giới MGIMO. Là nhà hoạt động chính trị đối lập nổi tiếng Nga. Trong một phát biểu mới đây (10-11-2017) của ông trên đài phát thanh đối lập “Echo Moskvy”, Dmitry Bykov dẫn lời Alexandre Dumas: “Lịch sử như một cây đinh mà các nghệ sĩ treo họa phẩm mình trên đó”, cho rằng “Lịch sử như một cây đinh mà nhà đối lập bị treo trên đó - đó là truyền thống Nga”.

Các tác phẩm: tiểu thuyết Phép chính tả (giải thưởng văn học quốc tế mang tên Arkady và Boris Strugatsky năm 2004), Boris Pasternak (giải thưởng Sách lớn 2006), tiểu thuyết IKS (giải thưởng văn học quốc tế mang tên Strugatsky năm 2013)...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận