Cơm nắm lá cọ...

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ 09/12/2013 08:12 GMT+7

TTCT - Không hiểu sao tôi chưa bao giờ giận dỗi đám bạn học ngày xưa khi mỗi lần chúng trêu tôi là dân “cơm nắm lá cọ”.

Phóng to
Minh họa: Đức Trí

Mỗi thứ năm hằng tuần phải ở lại lớp để chiều lao động, tôi thường có một móm cơm lá cọ bà nội chuẩn bị cho. Sau này lớn lên đi đây đi đó, tôi mới hiểu đã có hẳn một câu ca dao về quê hương mình:

Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh

Ai nhắc đến câu ca đó, tôi cảm thấy hãnh diện về “thương hiệu” của quê cha đất mẹ, cũng như anh bạn tôi hồi cùng quân ngũ vẫn tự hào mình là “dân cá gỗ”! Anh bảo: “cá gỗ” chính là hiện thân nghị lực không mệt mỏi của người dân miền Trung để vươn lên chiến thắng nghèo đói bằng sự hiếu học của họ. Còn tôi, nắm cơm lá cọ cũng chính là hồn vía miền quê đồi trơ cằn sỏi đá mà cây cọ là hình tượng một thời của đời sống dân dã.

Miền quê Phú Thọ, đoạn sông Lô cuối huyện Đoan Hùng, thuộc xã Trạm Thản, Phù Ninh, xưa vẫn được phong là “thủ đô lá cọ”. Nói cây cọ là đặc sản của Phù Ninh quả không sai, với diện tích cọ đứng đầu tỉnh, đời sống kinh tế của người dân suốt nhiều thập kỷ gắn bó với sản phẩm cọ.

Ngoài lá cọ là vật liệu quan trọng để lợp nhà, còn có áo tơi lá cọ, nón lá cọ, mành cọ, nhất là nón cọ. Những xã có nhiều cây cọ như Phú Mỹ, Trạm Thản, Gia Thanh, Phú Nham, Trị Quận, đi đến đâu người ta cũng gọi là “dân cơm nắm lá cọ”.

Nắm cơm bằng lá cọ đích thị là người Phù Ninh. Để có nắm cơm lá cọ, không phải lá cọ nào cũng dùng để nắm được mà phải tìm những lá cọ non của những cây cọ mới mọc thấp ngang thắt lưng.

Tàu lá cọ nhỏ bằng miệng nón, còn phớt xanh hoặc chưa xòe hết, đem cắt bớt tua lá xung quanh, lau rửa sạch, để cho ráo nước. Cơm nấu chín, xới ra, dùng khăn mặt ướt hoặc tay nhúng nước lạnh nắm tròn lại, lăn cho kỹ, cho nhuyễn, sau đó cho vào tàu cọ túm lại buộc một đầu, lăn qua lần nữa cho chặt. Thế là có một “móm cơm lá cọ” để cả ngày, thậm chí để sang hôm sau vẫn không bị thiu.

Đi làm đồng xa, đi buôn bán hay đi học phải ở lại lớp để lao động chiều như thời chúng tôi, ai cũng có nắm cơm lá cọ. Đến bữa, mở móm cơm ra, nắm cơm trắng mịn hình trái bưởi có những đường sọc đều đặn của gân lá cọ trông đẹp mắt. Dùng dao cắt ra từng miếng cơm trắng mịn, bùi ngọt, thơm mùi gạo quê lẫn mùi lá cọ, chấm với muối vừng, muối sả hay sườn lợn rang muối.

Hiện nay loại cơm nắm này đã xuất hiện ở những nhà hàng đặc sản hay khu du lịch sinh thái, được cả khách ta lẫn khách nước ngoài ưa thích, nhưng chắc chắn những nắm cơm đó không có mùi thơm ngái của lá cọ non như cơm nắm quê tôi.

Hai ông bạn người thành phố nghe quảng cáo về cơm nắm lá cọ ghê quá, đã nhiệt tình đánh xe lên quê tôi, chỉ mong một bữa cơm nắm!? Nhưng họ đến bất ngờ quá, nên tôi chỉ có thịt gà đồi, rau sắn chua nấu cá trê tiếp khách, phần “cơm nắm” kia phải nhờ cô em gái chuẩn bị hơi lâu một tẹo, vì không ăn được ngay, mà phải nấu cơm, nắm vắt, rửa tàu cọ non, chờ cho cơm nguội mới gói đem đi được.

Chuẩn bị xong hai gói cơm lá cọ to vật vã, kèm theo gói muối lạc, vì không kịp giã muối vừng. Hai ông bạn nâng niu hai “móm cọ cơm” như báu vật. Ngày hôm sau, thấy họ điện lên kêu trời kêu đất. “Cha mẹ ơi! Thế mới biết tại sao sinh thời Cụ Hồ hay mang cơm nắm đi công tác! Mà chắc cơm nắm của Cụ không ngon bằng cơm nắm lá cọ nhà ông rồi”.

Hai gói cơm lá cọ thành sản vật chia sẻ trong hai gia đình, hai cơ quan, mà mỗi người chỉ được hai ba miếng tí xíu. Ít nên mới ngon thế.

Những thói quen thời xa xưa chưa dễ quên trong lớp tuổi trung niên. Cơm nắm lá cọ Phù Ninh giờ không còn nhiều, có chăng ở một số thôn xóm vùng sâu khi người dân có việc lên núi, vào rừng mới đem theo.

Nền kinh tế phát triển cũng đã đẩy cây cọ về vị trí nguyên sinh là che phủ đất đồi rừng. Diện tích trồng cọ đang bị thu hẹp dần. Ngay tại “thủ đô lá cọ” Trạm Thản, khi còn bao cấp hợp tác xã nông nghiệp giàu lên nhờ lá cọ với hàng ngàn mẫu cây cọ che kín một vùng, nay cũng chỉ còn lác đác vài hecta rải rác. Chợ phiên thôn quê, cây cọ còn hiện diện qua mấy chiếc chổi lá và nón.

Người dân quê tôi đời sống đã khá giả, ra đến ngõ là ngồi xe máy, chỉ cần trong túi có vài ngàn đồng, đi đâu lỡ bữa là vào quán cơm bình dân, chẳng ai nghĩ đến “móm cơm” mang theo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận