Con sáo què

TTCT - Ngày cuối cùng ở trường lái, cô gặp nó, một con sáo què. Ông thầy ưa cáu gắt chỉ nó cho cô. Thực ra ngay từ ngày đầu tiên khi tập tễnh đặt đôi giày cao gót vào chân côn cô đã được nghe thầy nhắc đến một con sáo què.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Nơi cô học lái là một bãi đất trống nằm cạnh một dòng sông. Trong khuôn viên rộng lớn có mô hình như mô hình thi thật ở trường lái, cô thấy thấp thoáng một lâu đài to vật vã. “Đó là của ai?”. Ông thầy nạt ngang: “Tập trung vào chân côn”. “Đó là nơi ông chủ trường lái lên đây thư giãn”. Ngôi nhà màu xanh lè, phô trương như chính chủ của nó, cô thầm nghĩ.

“Bẻ lái, xi nhan, quẹo. Trời ơi! Cô mà thi đậu nỗi gì”. Cô không hiểu ở mình có điều gì làm cho thầy ác cảm, nhưng ông thầy hay uy hiếp: “Cô thi đậu thì nhớ điện thoại cho tui”. “Để làm gì thầy?”. “Để tôi biết ngày cô ra đường mà ở nhà chứ làm gì”. Ông thầy ưa xỉa xói. Cô nghĩ thầm: “Ông này hẳn là một tay sợ vợ. Chỉ có người bị uất ức, dồn nén trong nhà mới ra đường luôn trong tình trạng sẵn sàng nã pháo vào người khác như vậy”. Cô bật cười với ý nghĩ của mình. “Tập trung - ông thầy hét - nếu cô không muốn giết cô và giết cả tôi nữa”.

Ông thầy làm cô nhớ đến ngày cuối tuần, khi đang đổ đèo Bảo Lộc. Mưa lâm thâm, đen kịt. Đoạn đèo hun hút chạy, không hề thấy lối ra. Điều gì sẽ xảy ra nếu cô lạc tay lái và lao xuống đèo? Chẳng sao cả, thật lạ là cô không thấy một chút sợ hãi nào. Ngược lại nữa là khác. Hoàn toàn thanh thản. Đến hết đèo, cô mới trả tay lái cho Thái, mắt nhắm nghiền hỏi: “Anh không sợ sao?”.

Thực ra cô đã có câu trả lời từ khi Thái ngừng giữa đỉnh đèo và trao tay lái cho cô, mặt không biến sắc. “Sao anh chiều em?”. “Anh không biết”. Cái thói ưa phân tích từ khi còn nhỏ lại bắt đầu lên tiếng. Có lẽ Thái chưa bao giờ là đứa trẻ. Cha bỏ đi từ khi còn nhỏ. Mấy anh em Thái phải bán vé số, đánh giày, buôn bán tất tần tật những gì có thể đem lại tiền. Anh lớn lên cứng cáp, trưởng thành và khắc nghiệt. Anh chẳng bao giờ tha thứ cho cha. Cũng không tha thứ cho ai. Kể cả cô.

Cặp với cô, có lẽ Thái được là một đứa trẻ mạo hiểm, được ngỗ nghịch và được phớt lờ, kiểu phớt lờ của người lớn trước những đứa trẻ hay ăn vạ... Nhưng không phải lúc nào anh cũng là trẻ nhỏ. Lần nào đến, anh cũng đem theo một bọc nghi ngờ. Cô chưa từng thấy một người đa nghi đến vậy. Không bao giờ cô trả lời câu hỏi: “Em có yêu anh không?”. Cô im lặng. Thỉnh thoảng phải trả lời, cô sẽ vờ uể oải: “Sao anh hỏi em điều gì xa xỉ quá vậy?”.

Thái im lặng. Cô cũng im lặng. Những cuộc gặp chìm trong im lặng.

“Tập trung. Này cô nhìn đi đâu vậy. Tôi nhắc lại, không có nghề nào nguy hiểm bằng nghề lái”. “Em thấy nghề nào cũng nguy hiểm thưa thầy”. “Cô làm gì?”. “Em sống thưa thầy”. “Khi cô sống sai cô có thể có một cuộc đời khác. Khi lái xe thì khác, mọi sai lầm của cô đều không thể sửa chữa. Cô thậm chí không có cơ hội để sửa chữa”. “Thế à?”. Cô buột miệng và hiểu rằng cái giọng thờ ơ của mình hoàn toàn có thể làm nổi điên bất cứ một người nào đang xem câu chuyện của mình là quan trọng. Lạ là ông thầy không nổi điên. Đó là lần đầu tiên ông kể cho cô về con sáo què. Cái giọng kể dịu dàng khác hẳn với lối quát nạt khắc nghiệt mà cô biết. Lạ nhỉ, người ta có thể đem lòng yêu một con chim.

“Con sáo bị mất một bàn chân phải. Tôi đã thấy nó què từ thuở còn là một chú sáo non. Nó không dám bay xa, chỉ lò dò gần bãi cỏ. Khi bay thì không có vấn đề gì. Khi đáp xuống, cái chân què cong lên cứng ngắc”. Cô hình dung cái kiểu đi khập khiễng của nó. “Chắc một con mèo ú nào đó đã vồ hai mẹ con và nó bị chết hụt phải không thầy”. “Tôi tưởng rằng chỉ nhìn thấy nó vài hôm thôi, không ngờ lại nhìn thấy nó lớn dần lên. Càng không thể ngờ nó bay rất khỏe, đường bay thẳng, nếu chỉ nhìn nó bay không ai đoán ra được nó què”.

“Thì nhìn em đi, có ai đoán được em què đâu”, phụ nữ thật giàu liên tưởng.

Giọng ông thầy vẫn đều đều: “Một hôm, cũng đang dạy như vầy, tôi nghe tiếng còi ôtô. Giật cả mình. Tôi cứ tưởng mình bị ám ảnh. Té ra không phải, thì ra chú chàng cà rỡn kia cất giọng hót”.

“Chắc chú chàng cũng bị tiếng còi xe ám ảnh thầy”, cô cà rỡn.

Cô biết sáo sống theo bầy. Cô không thể tưởng tượng ra một con sáo đơn độc đi lò dò cả một đời dài. Ngày nào cũng quẩn quanh kiếm ăn, bay, đậu... lại còn xoay xở hót nữa chứ, từ thuở còn non. Nó trưởng thành. Đã lớn, đã vững chãi hơn, đã tìm được thăng bằng cả khi bay lên và hạ xuống. Nhưng nó vẫn chỉ là một con sáo què đơn độc...

- Con sáo thuận chân nào thầy?

- Nó không có sự chọn lựa cô ạ?

- Thầy yêu nó vì sự cô độc của nó hay vì sự vững chãi của nó?

- Tôi không yêu nó. Tôi chỉ nhìn nó lớn lên.

- Con sáo có biết sợ hãi không thầy?

- Tôi nghĩ con gì cũng phải đối diện với nỗi sợ hãi của mình cô ạ.

Đề tài về con sáo là khoảnh khắc dịu dàng nhất mà cô có trong những buổi đi học lái.

Tối, khi cô đang lúi húi nấu một tô mì thì Thái đến. “Đi đi anh dắt đi ăn ngon”. Cô lắc đầu chỉ vào tô mì. “Hôm nay em học gì?”. “Hôm nay là buổi học cuối”. Cô định kể Thái nghe chuyện con sáo què. Câu chuyện chưa bắt đầu đã thấy bàn tay của Thái ngọ nguậy trong áo cô.

Con sáo chưa kịp bước vào câu chuyện. Nó chỉ kịp đến nhành cây từ phía ngoài bancông nhìn vào. Cô không chắc mình đang bị thôi miên, hay mình đang hóa thành con sáo. Cô thấy mình bay lên, đứng kề con sáo, nhìn xuống cặp người trần truồng đang rung từng đợt bên tô mì bốc khói. Cặp người quấn lấy nhau như hai con tôm bạc ai vừa bắt từ dưới sông ném xuống mạn thuyền xăm xắp nước. Chúng cứ búng từng cơn tanh tách, mỗi một cú giãy là một cú kiệt sức trong chuyện thoát khỏi lòng xuồng xăm xắp nước về sông. Gió đầu mùa mưa làm những bông hoa rung bần bật. Gió không cuốn nổi con sáo một chân đang từ trên cao nhìn xuống mà cuốn linh hồn đang đứng nhìn ném thẳng vào hai con tôm bạc.

Thái về. Cô mặc đồ, nuốt hết tô mì cọng nào cọng nấy chung búng như những con giun và đi ngủ.

Con sáo mỏ vàng, lông đen nhánh, cái chân cong lên khập khiễng không làm phai đi màu vàng nghệ của nó, bay la đà trong giấc ngủ của cô. Cái cách nó nhìn hai con tôm bạc đang búng tanh tách... cô thấy mình nghẹt thở.

Ngày cuối cùng của buổi học lái. Cô gái nhìn thấy được con sáo què. Thoạt đầu chỉ là cảm giác thú vị. Thầy Tuấn nhẹ nhàng hơn trong ngày tập cuối cùng: “Chắc cô có duyên với nó”. “Thật không thầy?”. “Làm sao tôi biết được”. “Phía sau nhà em hồi nhỏ là một ngôi chùa”. Cô không hiểu đột nhiên mình lại bộc bạch chuyện thời thơ ấu với ông thầy khó chịu. “Vậy sao?”. “Hồi đó nguyên một xóm uống nước của chùa. Cứ mỗi buổi sáng, sau khi tất cả mọi nhà đều ra gánh nước, cái giếng cạn quèo và em không còn thấy cái giếng có gì đe dọa nữa”. “Vậy hồi đó cô ra gánh nước?”. “Dạ không. Em học gõ mõ”. “Cô nói thật hả?”. “Dạ, nhưng sau đó thì ba em la. Ba biểu tu là sửa mình chứ không phải là gõ mõ tụng kinh”. “Ước gì có dịp nào đó tôi có thể gặp được ba cô”.

Cô có nghe nhầm không? Ông thầy không biết mình lỡ lời không mà vội vàng nghiêm giọng: “Tập trung. Tập trung, sắp vượt chướng ngại vật”. Chiều hôm đó, chạy xe từ bãi tập về, cô bỗng thấy lòng mình có một nỗi khao khát ghê gớm, được ghé vào một ngôi chùa nào đó và ngồi dưới chân Đức Phật. Nhưng rồi cô không ghé. Cô luôn ngại phải dừng lại trên đường đi. Thầy Tuấn bảo mai mốt khi chạy trên xa lộ, khi thấy mình đi sai phải lập tức “lấy exit” quay lại ngay, nếu không cô sẽ không biết mình đi đến đâu đâu. Cô thì không, cô luôn ngại dừng lại khi đang di chuyển, và vì vậy đôi khi điểm cô dừng lại và điểm cô muốn đến ban đầu lúc nào cũng quá xa nhau, nếu không muốn nói là ngược hẳn chiều nhau.

Tuy nhiên cuộc trò chuyện nhắc đến chùa chiền làm cô bâng khuâng. Bỗng dưng cô nghĩ rằng chuyện gặp con sáo trong ngày cuối cùng học lái là một cơ duyên. Cô không chắc điểm gặp nhau giữa cô và con sáo què kia là gì? Sự què quặt chăng? Có thật mọi điều trên đời đều xảy ra ngẫu nhiên không? Có thể lắm. Nhưng không có sự ngẫu nhiên nào là vô nghĩa. Mọi việc mà cuộc đời mang đến cho bạn đơn giản vì nó muốn bạn học thêm một điều gì đó, cô những muốn tin vào điều đó biết bao. Vậy con sáo và cuộc gặp gỡ này muốn cô biết điều gì, muốn cô học điều gì?

Sự què quặt? Lòng can đảm? Hay sự tự do?

Lần đầu tiên nhìn con sáo từ trong xe, lòng cô dậy lên cảm giác xót thương và ái ngại.

Nhưng không lâu sau đó, ngay tối hôm đó, khi cặm cụi nuốt tô mì, cô biết rõ một điều: con sáo thương xót cô. Cô đã bị giam hãm trong một căn hộ tầng 8, 100 thước vuông, một năm gió quăng giật hết 360 ngày, năm ngày còn lại là năm ngày cô đóng cửa không tiếp bất cứ ai. Rõ ràng, hay là cô mơ ngủ, khi thấy con sáo dõng dạc đứng trên một chân què hỏi: “Cô đang giam mình trong một 100 thước vuông, chưa đủ sao, còn định trói đời mình trong một chiếc hộp di động này?”. Cô search Google và thấy một thông tin thật nực cười, rằng các nhà khoa học cho rằng con sáo ăn con sâu nhiễm bẩn sẽ cất tiếng hay hơn. Trái đất này điên rồi. Trái đất này đã ô nhiễm nặng đến mức con sáo ăn thức ăn quanh nó và thay vì cất tiếng hót, nó đã nói tiếng người?

Sao nó không đủ ô nhiễm để con người không cần phải nói nữa, mà chỉ hót bằng tiếng chim thôi?

Ngày sau đó. Cô nhắn tin cho Thái, đừng mua xe cho em nữa. Thái không hiểu, lật đật gọi lại: “Anh đã hẹn với tụi sale rồi, trưa nay mình đi coi xe. Lát anh qua. Đừng giận anh”. “Thôi, đừng qua”. “Sao vậy?”. Cô định nói với anh: “Em muốn trở thành một con sáo. Hi vọng đó là cuộc sống có những ngày vui”. Nhưng chắc Thái không hiểu đâu. Anh có kịp nghe chuyện con sáo què đâu mà?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận