​Công sản và công nợ 

THIÊN DI 06/12/2014 07:12 GMT+7

TTCT - Quốc dân vừa có một tuần sôi động nghe đủ tin tức từ việc cấp nhà, đất ở nơi này, nơi kia cho nguyên tổng thanh tra Trần Văn Truyền, “chuyện dài” các rạp hát hoang phế ở TP.HCM, đến những thắc mắc của công luận về việc cấp đất tại một vị trí chiến lược khu vực đèo Hải Vân...

Tranh: Lê thiết Cương

Ba chuyện không ăn nhập gì với nhau song lại cùng quyện nhau ở câu hỏi chung tiếc xót: thế có cách gì biến đất đai đó thành tiền cho vào công quỹ không? Tiếc xót bởi tính chất “hư không” trong quản lý công sản hiện hành, bởi cái sự hạ bút ký “cấp” do “không biết” của bên liên đới, và cả của viễn cảnh mịt mờ trong thu hồi số công sản này cho ngân quỹ quốc gia. 

Có bao nhiêu vụ cấp đất tương tự? Tất nhiên, cứ cho là giải quyết chính sách, song vấn đề cần đặt ra là đã nhiều chục năm rồi, không lẽ cứ duy trì lề thói cấp, phát như thế? Hẳn là phải có một khởi đầu cho sự “cùng thôi cấp” trên toàn quốc, vì nếu không khởi sự “cùng dừng lại” sẽ vẫn còn dài dài những chuyện tương tự, khác chăng là rồi đến một ngày không còn gì nữa để mà cấp phát. 

Và vấn đề không chỉ là cấp không phép tắc, mà còn đó câu hỏi lớn rằng công quỹ thu được bao nhiêu từ các vụ cấp đó?

Chưa thấy tỉnh thành nào dõng dạc cho biết rằng hiện tỉnh thành chúng tôi đang có chừng đó diện tích đất công, chừng đó diện tích nhà, trụ sở, tài sản, công thự... và rằng chúng tôi đã có quy hoạch hoặc kế hoạch, quyết tâm biến của cải công đó thành những khu phố mới cho quảng đại quần chúng, rằng đất nào cho dự án cao siêu, đất nào cho dân sinh an trú.

Tất nhiên, hiện cũng đang có “Cục Quản lý công sản là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, giúp bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài sản nhà nước và trưng mua, trưng dụng tài sản; thực hiện quản lý về tài chính đối với tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai và tài nguyên quốc gia theo quy định của pháp luật; trực tiếp quản lý một số loại tài sản nhà nước theo quy định của bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Thế nhưng xét trên việc công sản là vô cùng to lớn, trải rộng từ trên xuống dưới, từ Bắc chí Nam, e rằng một cấp cục cũng sẽ không làm được gì nhiều. Còn với chuyện làm sao thu thập hết dữ liệu thì như ngành tài nguyên - môi trường nay đã số hóa các đăng ký nhà đất toàn dân được rồi, cũng không còn lý do gì để kêu rằng việc này khó. 

Ở xứ khác, như xứ Mỹ chẳng hạn, đất liên bang (Federal lands) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ (Interior Department), Hiến pháp Mỹ nói rõ. Còn bên xứ Canada, Luật hiến pháp Canada, điều 91 khoản 1A còn nêu vấn đề “nợ và tài sản công”... như một dự phòng.

Vài xứ khác, như châu Âu thời nay chẳng hạn, không ít nước đang phải dùng đến nguồn dự phòng này, tức là bán công sản (đền đài, công thự, di tích...) để gánh giùm khối nợ công khổng lồ. Bên xứ Hi Lạp, Quỹ công sản nhà nước Taiped từ hơn một năm qua bắt đầu cầm trịch việc bán một số đất ở dọc bờ biển Elafonissos trên tổng số 15.000km bờ biển để trả nợ công - tất nhiên trong khuôn khổ luật định là cách ra bờ biển 50m, chứ không điên mà bán chính bờ biển!

Ở Pháp, Bộ Quốc phòng hiện đang định bán phi đội máy bay vận tải quân sự A400M và biên đội tuần dương hạm đa nhiệm (FREMM) trị giá khoảng 2,1 tỉ euro cho các công ty cho thuê tài chính, đắp vào ngân sách quốc phòng 31,5 tỉ euro tài khóa 2015, rồi quân đội đi thuê lại cho bớt hao.

Đây là một ý tưởng từ năm 2003 dưới thời bộ trưởng quốc phòng Michèle Alliot-Marie, nay thời cơ đã chín muồi vì đang nợ ngập đầu mà được lôi ra khỏi hộc kéo, để Bộ Tài chính cho ý kiến. Vừa khéo, dùng công sản để trả công nợ và đầu tư thay vì cứ trông đợi nợ mới đang thành xu thế. 

Nhưng trước hết, cái gì “của giời” thì “giời phải lấy đi” được đã.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận