Cửa sổ hình tia chớp

Minh họa: Mặc Tuân
Minh họa: Mặc Tuân


Mì nói với má giữa phòng cô với phòng của chị Thêm có một cái cửa sổ dài.

- Vậy sao được, rồi tụi bây thay quần áo... rồi làm sao?

- Nữ với nhau không hà, có khác gì nhau đâu mà phải giấu giếm má?

- Sợ cái bọn cô giáo tụi bây. Ai lại làm cái cửa sổ giữa hai phòng?

Thật ra đó không phải là cái cửa sổ, mà là một cái đường nứt chỗ bức tường.

Một đường nứt lớn giữa hai phòng, đường nứt kéo dài từ trên mái xuống chân tường.

Có lẽ nền lún không đều. Và vách tường bị xé tẹt. Nghe thật nhẹ nhàng. Cái khối bêtông rời rạc ấy tưởng như có thể phất phơ như tấm lụa đào. Lụa bêtông.

Lúc đầu, Mì sợ đêm đang ngủ, nó sẽ đổ xuống giấc mơ mình một trái núi. Giấc ngủ đêm nào cũng chập chùng những cơn ác mộng. Nhưng bây giờ thì vết nứt đã định hình. Nhưng Mì làm sao dám nói cho má nghe đó là một vết nứt lớn chỗ tường. Mì chỉ nói với má phòng con có một cái cửa sổ dài. Má hình dung tới cái hình chữ nhật ngang. Nhưng thật ra nó mang hình một tia chớp kinh hoàng. Nghĩa là tia chớp lớn khủng khiếp.

Và lợi ích của nó bắt đầu hiện ra.

Đầu tiên là đèn bên phòng Mì bị hư. Nói chung là đèn, là laphông, là nền, là điện của dãy nhà công vụ đã hư từ sau khi nghiệm thu một tuần. Mỗi phòng tự mua dây, chuôi, đuôi đèn compact về kiếm mớ ánh sáng soạn bài. Đèn compact ít hao điện nhưng cũng dễ hư. Đèn phòng Mì hư lúc nửa đêm thì nhờ đèn phòng chị Thêm rọi sáng. Mấy đứa sợ ma như Mì cũng đỡ khổ.

Rồi điện bên phòng chị Thêm bị đứt, chị em mua dây điện chuyền từ phòng Mì qua. Ngay cả bọc bánh tráng trộn, hay trái chuối nướng, gói đậu phộng cũng chuyền qua bằng cái cửa sổ ngoằn ngoèo.

Và trời mưa, nước ngập tất cả các phòng. Nhờ có vết nứt, nước từ phòng Mì chảy qua phòng chị Thêm rồi tuôn ra ngoài. Hồi chưa có cái khe nứt, mỗi ngày mưa nước dột đọng lai láng khắp nền. Có vết nứt, Mì như thấy mình ở gần chị Thêm. Có vết nứt, hình như hơi ấm của chị cũng tràn qua này làm cho ma cỏ bỏ chạy. Má nói vậy thì yên tâm. Vì má biết Mì sợ ma kinh khiếp và còn sợ nhiều thứ khác nữa.

Vì những lợi ích kiểu vậy mà hôm đó thầy hiệu trưởng hỏi nhà công vụ ổn không, có cần vá lại vết nứt không, Mì nói khỏi. Thầy nói vậy là tốt.

Lúc quay mặt đi, thầy hiệu trưởng còn nói nếu nó sụp thì đã sụp từ lâu rồi. Nghĩa là Mì đã tiêu đời từ lâu rồi.

Rồi tới cánh cửa phòng chị Thêm không khóa được. Cũng không vấn đề gì. Chị Thêm là người gác cửa số một. Có một lần thằng trộm rón rén đẩy cửa, chị thức, nhanh tay đẩy người yêu ra giải quyết. “Anh ra xử nó cho em”. Thằng trộm chạy biệt dạng.

Thật ra đó chỉ là cái sào máng quần áo khăn nón loại đứng, treo lùm xùm những áo lớn áo nhỏ. Cái sào đồ bất đắc dĩ thành người hùng.

Chuyện chị có người yêu là lý do Mì không thể sang phòng ngủ cùng chị cho vui. Người đang yêu họ cần một không gian riêng.

Mì lại kể cho má nghe cái chuyện chị Thêm có người yêu. Là một chuyện cực kỳ vui. Mì rõ ràng nghe tiếng xe máy chạy xa rồi, nghĩa là người yêu của chị Thêm về xa rồi.

- Đi chơi vui hé. Thằng ma lồi đưa chị về phải không?

Mì thấy ánh mắt nháy nháy của chị Thêm bên cái khe.

- Đi chơi với thằng ma lồi về bị bụi hay sao mà nháy mắt hoài vậy? Hay là bà bị nó cắn ngay con mắt. Nói rồi, cắn môi cắn lưỡi được rồi, còn bày đặt cắn con mắt.

- Người ta đang ngồi đây nè bà Hai.

Bà Hai nín khe, im re. Chừng nghe tiếng xe nổ máy xa dần, bước hẳn qua phòng chị Thêm nhìn không thấy ai, bà Hai mới rũ ra cười.

- Tui nháy muốn rớt con mắt mà cứ ma lồi rồi còn cắn môi cắn lưỡi. Hết biệt danh rồi sao?

- Thì tại tưởng ở đây là thế giới của mình, khùng cỡ nào cũng được.

Chị em vậy đó. Nhà công vụ nghèo nhưng có những mẩu chyện vui để dành kể cho má nghe. Má chửi “con gái con lứa gì ẩu tả”. Chửi thì chửi, nhưng yên lòng vì biết Mì có chị có em. Nếu không chắc má lo chết.

Rồi Thêm chuyển trường.

Đó là câu chuyện Mì không kể cho má. Má mà biết Mì ngủ một mình thì lập tức đêm đó má khỏi ngủ, và hôm sau bệnh tim má sẽ tái phát. Mỗi lần gọi điện thoại, Mì thường giả bộ nói chuyện với chị Thêm rồi còn cho chị Thêm ừ ẹt như đang ngồi ở phòng bên cạnh. “Má thấy không, có cửa sổ hai chị em như ở chung phòng vậy”.

Đêm đêm Mì nằm nhìn khe cửa. Mì không ngủ được. Tiếng của con mèo đi trên mái tôn cũng làm cô hình dung tới một người đàn ông lực lưỡng và anh ta sẽ trổ tôn bò xuống... Thì vốn dĩ từng có một anh như vậy mò vào đẩy cửa phòng chị Thêm mà. Mì không dám tưởng tượng, mà cũng không dám nói với ai về cơn sợ của mình. Vì cô sợ những câu chuyện đó sẽ lọt tới tai má.

Mì phải đảm bảo làm sao cho má hình dung Mì đang rất an toàn. Có một đêm mấy đứa học trò đi học xa về rủ Mì đi ăn sinh tố, Mì vội quá bỏ quên điện thoại trong phòng. Đi hơn chín giờ về mở điện thoại nhận được tin nhắn của hàng xóm. Họ nói đang chở má đi cấp cứu. Người ta nói tim má ngừng đập.

Má biết ban đêm ban hôm có khi nào Mì dám đi đâu. Hễ điện thoại Mì không nghe thì ít ra chị Thêm nghe. Gọi chục cuộc không ai nghe là nghĩa làm sao. Rồi má tưởng tượng Mì đang bị người ta cạy cửa phòng, bị người ta hành hạ... rồi má ngưng thở.

Mì trách má. Sao mà tưởng tượng chi cho khổ vậy. Nhưng rồi cô chợt im lặng. Cạy cửa phòng, điều đó hình như không khó lắm.

Từng đêm nằm ngủ, Mì nhìn miết chỗ cửa phòng. Nó có thể được cạy bằng cách nào. Cô thấy hình như điều đó cô cũng có thể làm được. Vậy rủi như đang ngủ, rủi như mở mắt ra cửa đã mở, đã có một người đàn ông lực lưỡng nào đó ở trước mặt?

Cô nằm im mở thao láo mắt.

Khi nghe tiếng chuông chùa ngoài xóm vọng tới thì Mì mừng, biết là đã bốn giờ. Giờ mọi người thức rồi, cô sẽ ngủ đây. Cô ngủ một tiếng đồng hồ rồi lên lớp.

Đêm nay Mì cũng không ngủ được. Má đang trở bệnh. Mì rầu quá, cô nằm niệm Phật, cầu cho má bình an. Nhưng trong đầu Mì cứ lảng vảng hình ảnh chiếc xe cấp cứu.

Mì không dám nhắm mắt vì sợ cái hình ảnh xe cấp cứu. Thức chẳng làm gì, Mì chỉ nhìn chăm chăm khe hở. Nó chỉ là một cái khe đêm. Bên ấy không có người nên cũng không có đèn.

Một tia sáng.

Đó là ánh chớp của một cơn mưa đang sắp tới. Hơi nước đã tràn vào phòng. Rồi tiếng mưa cũng tràn vào. Đêm mưa bao giờ cũng là đêm đáng sợ. Mì thường thủ sẵn một vài số điện thoại gài vào phím gọi nhanh. Phải đảm bảo khi có ai cạy cửa, Mì sẽ chộp điện thoại bấm ngay phím gọi. Nó là con đường duy nhất nối Mì với thế giới an toàn.

Trong những cơn mưa, tiếng kêu cứu không là thứ Mì nghĩ tới. Tiếng mưa sẽ át tất cả. Mì luôn để cái điện thoại cạnh mình. Dạo sau sợ sóng điện từ của nó, Mì để xa hơn một chút.

Đêm nay Mì mong có người gọi nhưng cũng mong đừng có cuộc gọi nào, nhất là điện thoại của má.

Tiếng mưa đều đều làm mắt Mì díp lại. Mì thấy má chới với lùi xa mà Mì đuổi theo cỡ nào cũng không kịp. Cô bươn tới, bươn tới nhưng đôi chân co cứng.

Mì nghe nhột nhột dưới chân. Cô mở trừng mắt. Cơn ác mộng nói cho Mì biết cô vừa chợp mắt được một chút. Má! Mì bàng hoàng với hình ảnh má chới với lùi xa. Má có sao không? Chân cô lại nhột. Cô biết chắc sự nhột nhột đó không phải là do một con chuột gây ra.

Vì kèm theo đó là một cái móc đang cử động. Là người. Mì nằm im, im như là Mì không còn thở. Là người, là một bàn tay đàn ông với những ngón to, đen đúa gân guốc cầm chắc một cái móc nhỏ lòn qua khe hở hướng về cái điện thoại. Mì có thể nhoài qua đó kéo điện thoại về phía mình.

Nhưng Mì lại dán người sát vào chiếu, dán tay chân vào người. Mì quên mất đó là con người rất to, không thể chui lọt qua kẽ hở. Mì lại cứ tưởng anh ta chỉ là một con người có hình dạng một cánh tay, đủ mỏng, đủ dài để len lỏi qua khe nứt, chui vào phòng như một con rắn và đủ mạnh để bóp nghẹt mọi thứ.

Cứ như là Mì nhúc nhích thì con người hình cánh tay đó sẽ bò lại bên Mì, cắn xé Mì. Mì rúm ró, co cứng từng cơ thịt. Quai hàm Mì cũng co lại. Mì còn không nhớ ở phím gọi khẩn cấp có gài số anh bảo vệ.

Mì chẳng nhớ gì cả vì trước mắt cô con người hình cánh tay đang không ngừng cử động. Ngón giữa của nó đã chạm được vào điện thoại.

Điện thoại bật sáng. Mì không nghe được tiếng nhạc mà chỉ thấy màn hình nhấp nháy cái hình của má. Má gọi. Má làm sao rồi! Bàn tay có những ngón to đã cầm được điện thoại. Má gọi. Má gọi. Mì không nhớ gì nữa mà chỉ chồm tới bên cái điện thoại. Nhưng bàn tay to xù đã cầm cứng điện thoại. Má vẫn gọi.

Mì chụp vào bàn tay lạ lẫm đó ghì vào tường, gỡ từng ngón tay để lấy lại điện thoại. Bàn tay bị bẻ quặt ngược không thể cử động, nhưng cũng không có ý định buông điện thoại. Má vẫn gọi. Mì không thể để má lo lắng nhiều hơn. Cô càng ghì mạnh bàn tay đè vào tường và tiếp tục gỡ.

Bàn tay vẫn ngoan cố. Nó nắm chặt con đường duy nhất Mì có thể liên lạc với bên ngoài. Mì không nhớ gì nhiều, cô chỉ mong muốn trả lời má. Cô không thể để tên trộm lấy cái máy đi. Má không gọi được cho Mì má sẽ chết. Mì vẫn ghì bàn tay lạ vào tường và nhấn nút nghe rồi cúi người sát máy. Tiếng của má chìm ngập trong tiếng mưa.

- Con ngủ chưa?

- Dạ sắp rồi.

Mì hét vào điện thoại.

- Sao tiếng con nghe lạ vậy?

- Tại mưa, má có sao không?

- Không sao. Má lo lắng quá, con sợ mưa, sợ sấm chớp. Mưa lớn quá.

- Con hết sợ rồi. Không sợ gì nữa hết. Má ngủ đi nghe.

- Ừ thôi má ngủ đây.

Tiếng mưa đổ ầm ầm bên tai.

Mì phịch ra một hơi.

Mưa trút nước ào ào trên mái tôn. Tiếng mưa như tiếng cãi nhau. Tiếng mưa như tiếng những buổi họp hội đồng nhà trường về những đề tài vô cùng mâu thuẫn. Chẳng hạn như làm sao cho học trò chịu học nghiêm túc mà không phạt, không rầy, không nói nó đúng nó sai. Khó quá. Phải thế này thế kia thế nọ.

Tất cả mọi người đều nhốn nháo. Ai cũng muốn hét thật to để tiếng nói đúng đắn nhất của mình át đi tiếng nói bậy bạ của đồng nghiệp. Một khối âm thanh đặc quánh. Đặc tới mức đông cứng quanh con người, đặc tới mức không có sự sống nào có thể tồn tại. Và mưa đang họp.

Mưa không có mặt. Mưa có ngàn vạn mặt.

Nó gầm thét.

Mì đơ người ra với cái khối vật chất vô hình đầy cứng quanh mình. Cứng tới mức cô còn không nhớ mình đang ghì cái điện thoại. Cô không nhớ điện thoại vẫn nằm gọn trong một bàn tay to tướng, gân guốc, lạ lẫm. Bàn tay còn động đậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận