​Cùng trong bảng điểm chuẩn...

Lâu nay rộ lên phong trào “lẩy Kiều” nhân sự kiện tại buổi chiêu đãi ngoại giao, phó tổng thống Mỹ đã “lẩy” hai câu thơ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du khi đọc lời chào mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Mỹ. Đã gọi là phong trào trên mạng thì nó dễ lây thành... hội chứng, và tôi cũng không thoát khỏi sự “lây lan” này.

Phụ huynh và học sinh không giấu được vẻ lo lắng khi xem điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Buổi sáng hôm ấy, lúc nhìn học sinh của mình vào trường rút hồ sơ sau khi Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 ở các trường THPT năm 2015, tôi lập tức liên tưởng đến hai câu “... cùng trong một tiếng tơ đồng. Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn. Tôi chợt thấy xót lòng khi nhìn thấy bên cạnh những niềm vui “đúng nguyện vọng”, có không ít ánh mắt lo lắng, hoang mang của các bậc cha mẹ nhìn mãi vào đơn đăng ký nguyện vọng của con mình trên tay và nhìn lên bảng điểm chuẩn mà nhà trường vừa công bố.

Những ánh mắt đó cho thấy năm học 2015-2016 sắp đến sẽ có nhiều em không tìm được một suất học nào trong các trường công lập, bán công và phải rẽ về dân lập, tư thục hoặc quốc tế. Nhưng so sánh điểm của các em với các em đạt nguyện vọng, thật đáng tiếc khi có những em “rớt nguyện vọng” nhưng điểm cao hơn hẳn. Cao hơn, nhưng trong cuộc chơi này, phần thắng lại nghiêng về đội yếu hơn. Vì đâu nên nỗi?

Dỗ dành khuyên giải trăm chiều (*)

Trong quá trình dạy học gần 35 năm, đi cùng với 10 niên học áp dụng cách tuyển sinh lớp 10 theo nguyện vọng, tôi thật lòng nghĩ các bậc cha mẹ - đặc biệt là các bậc cha mẹ có con em “rớt nguyện vọng” - cần phải dành thời gian suy nghĩ lại trong việc “hiểu” con mình. Hơn thế, họ cần phải hiểu chính bản thân họ - người làm cha mẹ.

Một người lớn có suy nghĩ trưởng thành mà không có môi trường làm việc tốt cũng rất dễ trượt chân, huống chi một đứa bé còn non nớt trong suy nghĩ, hành động, khi gặp phải thất bại, các em biết bấu víu vào đâu để gầy dựng lại niềm tin nơi chính mình để bước tiếp?

Với các cháu học sinh ở cuối cấp, đặc biệt là cấp trung học cơ sở, việc tư vấn chọn nguyện vọng cho các cháu khi dự thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học sau luôn mang tầm quan trọng bậc nhất. Nhưng đến lúc cần phải quan tâm đến những gì thầy cô tư vấn cho mình về con cái thì các bậc cha mẹ - sau một thời gian dài ít sâu sát - giờ đến “phút sinh tử” mới nghĩ rằng cần phải “tỏ chút trách nhiệm”.

Và thế là những gì mà thầy cô trình bày về học sinh của mình với cha mẹ các em coi như “tư liệu tham khảo”. Không ít bậc cha mẹ hiểu rõ những gì thầy cô tư vấn nhưng vẫn cứ khăng khăng: “Dạ không! Truyền thống gia đình tôi là phải...” (hàng trăm cái phải không có cái phải nào ngoài cái... dại!), hoặc “dạ, cho nó thi có rớt cũng vinh hạnh” (và chắc chắn rớt), “chứ vợ chồng tôi sẽ lo cho cháu đi... du học ạ!”. Và trong bài viết này, tôi không loại trừ có những trường hợp mà phụ huynh không biết hoặc không thể quyết định việc chọn nguyện vọng cho con em, để mặc các em tự quyết (nhưng bài toán “tự quyết” này đều có sự can thiệp kịp thời và hữu hiệu của các thầy cô).

Rằng: Tôi trót quá chân ra...(*)

Trong những ánh nhìn sáng nay mà tôi xót xa chia sẻ, có những ánh nhìn phụ huynh vừa chạm mắt thầy cô là lập tức quay đi. Trong cái quay đi đó, tôi vẫn kịp đọc thấy một nỗi ân hận muộn màng: Vâng, giá mà... thưa cô! Nỗi xót xa này nhắc tôi một bài học kinh nghiệm và muốn chia sẻ với cộng đồng rằng: phiên họp phụ huynh ở các trường dẫu có những nhiễu nhương, bát nháo nơi này nơi khác cho cái gọi là “những phiên họp huy động vốn”, thì cũng rất mong các bậc cha mẹ - nhất là các bậc cha mẹ có con học cuối cấp - bớt chút thời gian đến dự.

Bởi khi đó, quý vị sẽ được nghe về một bức tranh tổng thể nhất cho chất lượng học tập của học sinh, hướng đi của giáo dục trong năm học, phương pháp liên hệ giữa nhà trường và gia đình. Hãy đến để biết mình cần phải làm gì cho con mình trong thời gian chín tháng của năm học, để mọi việc được điều chỉnh ngay từ lúc nó chưa muộn nhất.

Thêm nữa, đến dự họp để quý vị có thể nắm những thông tin chính thống từ thầy cô và cung cấp những thông tin chính xác nhất của phụ huynh “phòng khi hữu sự”. Đến để lắng nghe, để tìm hiểu, để thảo luận và chia sẻ với thầy cô mọi điều về con em mình. Thời gian đó chỉ chiếm không đầy hai tiếng đồng hồ nhưng giúp chúng ta tránh khỏi hàng ngàn tiếng đồng hồ nuối tiếc sau đó. Bài học giáo dục trẻ không thể là một bài học bắt đầu từ những điều “không tưởng”: tôi cứ ngỡ... tôi tưởng là... tôi cho rằng... Bởi vì cái vị đắng chát từ câu cảm thán “Phải chi” không chỉ dành cho người lớn mà cho cả những đứa trẻ con tội nghiệp vô cùng.

(*): Thơ trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận