​Cuộc chiến của những ngày mai

VŨ THÁI HÀ 29/11/2014 22:11 GMT+7

TTCT - Có lẽ từ khi biết rõ hơn nguồn gốc của mình thì chúng ta cũng băn khoăn nhiều hơn về tương lai.

Bất chấp những khẳng định không mấy tích cực về năng lực dự đoán của con người về tương lai của chính mình, chúng ta vẫn ngày ngày tự hỏi: thế giới sẽ đi về đâu?

Người ta vẫn chết vì súng đạn ở khắp nơi; những mối đe dọa mới vẫn tiếp tục nảy sinh đem theo những lo âu u ám. Nhưng chưa hết, thế giới rất có thể sẽ còn đảo điên vì con người hoặc quá lạm dụng hoặc mất kiểm soát đối với những công cụ kinh tế do chính mình tạo ra.

Cuộc chiến “làm nghèo nhà hàng xóm”

Ngày 15 tháng 8 năm 1971, Tổng thống Mỹ Nixon công bố chính sách kinh tế mới của ông, áp đặt biện pháp kiểm soát giá cả trên toàn nước Mỹ, áp thuế nhập khẩu cao và cấm dùng đô la để mua vàng. Mục đích của chính sách cực đoan đó là để kết thúc cuộc chiến tranh tiền tệ đã phá hỏng niềm tin vào đồng đô la ở thời điểm đó.

Vào năm 1973, IMF khai tử hệ thống Bretton Woods, chính thức kết thúc vai trò của vàng trong tài chính quốc tế và để cho giá trị của các đồng tiền biến động so với nhau ở bất kỳ mức nào mà các cách chính phủ hoặc các thị trường mong muốn (tr.114).

Một kỷ nguyên mới đã mở ra để rồi hôm nay, thế giới lại tiếp tục đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc chiến tranh tiền tệ mới, và lần này thì hậu quả của nó có thể còn tệ hại hơn những gì mà Nixon đã từng phải đương đầu.

Ðó là lời cảnh báo của James Rickards trong quyển sách gây chú ý của ông: Các cuộc chiến tranh tiền tệ - Nguyên nhân tạo ra khủng hoảng toàn cầu tiếp theo (1).

Chiến tranh tiền tệ là điều đáng sợ nhất trong kinh tế quốc tế ngày nay, nó sẽ có sức tàn phá không thua kém gì chiến tranh súng đạn khi mà những bất ổn do nó gây ra vượt quá mọi khả năng kiểm soát.

Hiền lành nhất thì nó cũng đưa đến một cảnh tang thương, khi quốc gia này có thể cướp đi sự thịnh vượng của quốc gia khác trong lúc hai bên đang là đối tác thương mại của nhau, đấy là chuyện làm nghèo nhà hàng xóm theo cách nói của Rickards.

Còn tệ hại nhất là nó đẩy các quốc gia vào lạm phát, suy thoái, sa lầy trong những giằng co về kinh tế, chính trị, và cuối cùng rất có thể sẽ là bạo lực thực sự.

Ðã từng xảy ra hai lần trong thế kỷ trước, lần nào các cuộc chiến tranh tiền tệ cũng kết thúc trong tồi tệ. Bao giờ cũng thế, đồng tiền mất giá, tài sản đóng băng, vàng bị tịch thu, còn các chính phủ thì buộc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát mạnh tay.

Ngay hôm nay, dự cảm về một sự sụp đổ nữa là có thật. Sự mất giá của đồng đô la Mỹ, các yêu cầu cứu trợ khởi phát từ Hy Lạp hay Ireland, rồi chính sách kiểm soát chặt chẽ đồng tiền của Trung Quốc trong những năm vừa qua chính là những dấu hiệu của xung đột đang gia tăng; những tin tức liên quan chỉ tạm lắng xuống một lúc nào đó chứ xung đột thì chưa hề suy giảm.

Vào một buổi sáng mưa gió cuối mùa đông năm 2009, tại một cơ sở có tên gọi rất hiền lành - Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng, tọa lạc đâu đó gần Washington DC - Bộ Quốc phòng Mỹ đã tài trợ cho một trò chơi chiến tranh giả lập quy tụ khoảng 60 chuyên gia từ các cộng đồng quân sự, tình báo và học thuật, hoàn toàn khác biệt so với những lần chơi trước.

“Sẽ không có các cuộc đổ bộ, các đội đặc nhiệm hay những đợt tấn công từ hai cánh của đối phương với lực lượng thiết giáp. Thay vào đó, những vụ khí được phép chỉ là...vũ khí tài chính, bao gồm tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, các chứng khoán phái sinh” (tr.15).

Trong phòng thí nghiệm ấy, “Lầu Năm góc sẽ chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh tài chính toàn cầu, sử dụng vũ khí là các đồng tiền và thị trường vốn, thay vì tàu chiến và phi cơ” (tr.16). Cường quốc kinh tế số một đã chuẩn bị cho cuộc chiến tương lai như thế thì e rằng sẽ chẳng có ai là người ngoài cuộc!

...Chúng ta phải phản tỉnh để nhìn nhận lại thế giới qua một lăng kính xanh lam. Nền kinh tế sẽ phải được xây dựng theo một cách khác, chẳng hạn như theo mô hình thác nhiều tầng trong đó chất dinh dưỡng trong tự nhiên có thể được lưu chuyển qua nhiều giới khác nhau, từ thực vật, sang động vật, rồi nấm được bổ sung để thúc đẩy quá trình biến đổi và cuối cùng là vi khuẩn sẽ giúp tạo ra một môi trường có thể nuôi cấy tảo... (Nền kinh tế xanh lam - Gunter Pauli)

Rickards cho rằng giờ đây câu chuyện chiến tranh tiền tệ không còn là vấn đề của các nhà kinh tế học hay các nhà đầu tư nữa, mà nó đã thực sự là mối đe dọa đối với an ninh của nước Mỹ.

Những toan tính ngấm ngầm của Trung Quốc trong việc mua vàng nhằm tăng dự trữ của họ hay các kế hoạch bí mật của các quỹ đầu tư nằm dưới sự điều khiển của các chính phủ là những nguy cơ nhãn tiền.

Sự sụp đổ của đồng đô la Mỹ đã là một kịch bản trong chiến tranh giả lập; vấn đề là, khoảng cách từ giả lập đến thực tế liệu có còn là cái mà các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế có thể kiểm soát được hay không!

Thực tế đang cho thấy những thất bại rõ ràng của các nhà kinh tế trong việc dự báo hay ngăn chặn thảm họa kinh tế trong những năm vừa qua.

Ðấy không chỉ là chuyện các lý thuyết kinh tế không giúp ngăn chặn được thảm họa mà vấn đề còn nằm ở chính các nhà kinh tế: tư duy theo lối cũ của họ đang làm cho cuộc chiến tiền tệ ngày càng tệ hại hơn. Nhìn vào chính sách in tiền của Mỹ và tình trạng lạm phát lây lan ra toàn cầu, Rickards dự báo dường như lại sắp diễn ra một đợt khủng hoảng nữa (tr.173).

Cái khó không phải là tìm ra những ý tưởng mới, mà là làm sao thoát khỏi những ý tưởng cũ, Rickards nhắc lời Keynes (2) làm đề dẫn cho khuyến cáo của mình: “Khi kinh tế tăng trưởng bấp bênh, một quốc gia giành lấy sự phát triển từ các quốc gia khác thông qua phá giá tiền tệ là là điều khó cưỡng lại. Cần có những giải pháp tốt hơn nhiều” (tr.235).

Cách tân kinh tế và lăng kính xanh lam

Từ một góc nhìn khác, bắt nguồn từ việc nhìn nhận một thực trạng là tài nguyên ngày càng cạn kiệt và môi trường đang suy thoái nhanh chóng do sự khai thác thái quá của của con người, Gunter Pauli trong quyển Nền kinh tế xanh lam (3) đã đặt vấn đề, đồng thời đưa ra giải pháp: thay vì lạm dụng tự nhiên một cách quá mức, chúng ta hãy học hỏi từ tự nhiên để rút ra những bài học, từ đó thay đổi cục diện của nền kinh tế thế giới.

Pauli - là một nhà khoa học, đồng thời cũng là một doanh nhân thành công - đã tiến hành những nghiên cứu sâu sắc, được xem là đột phá, giúp người đọc hiểu được những thiết kế tự nhiên hết sức thông minh và tinh tế ở các giống loài rất nhỏ bé, tầm thường, thậm chí là không hề đáng chú ý.

Các thiết kế ấy đã giải quyết bài toán sống còn của chúng trong những điều kiện sống rất khắc nghiệt: chỉ cho phép sử dụng một lượng rất nhỏ tài nguyên.

Tác giả tin rằng chúng hoàn toàn có thể là những hình mẫu cho các cách tân về công nghệ, và, xét rộng hơn, là hình mẫu cho cách mà chúng ta tổ chức các hoạt động kinh tế: khai thác nguồn lực một cách tối ưu, tiết kiệm và không lạm dụng.

Thiên nhiên vốn vẫn được xem là một nhà thiết kế lẫy lừng và luôn gây kinh ngạc qua những cách tân trong giới tự nhiên suốt hàng tỷ năm qua, mà ví dụ kinh điển nhất chính là hiện tượng quang hợp: những foton từ ánh sáng mặt trời đã được hấp thụ để biến thành thức ăn cho các loài thực vật.

Trong Nền kinh tế xanh lam, rất nhiều thiết kế của giới tự nhiên được nêu ra cùng với những kiến giải sáng suốt về lý do tại sao chúng lại thành công. Người đọc sẽ bị lôi cuốn, thậm chí là bị mê hoặc, bởi những kiến thức về vật lý, hóa học, nhiệt động học, côn trùng học, sinh thái học và cơ thể học.

Quyển sách thực sự đạt được một thành tựu lớn: nó có thể trở thành một cẩm nang hướng dẫn chúng ta cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, năng lượng nguyên tử và nhiều sai lầm khác của quá khứ.

Các hình thái thuận theo tự nhiên sẽ bền vững và hiệu quả hơn nhờ chúng tích hợp được các quá trình và các thành tố liên quan vào trong một cơ chế cộng sinh liên hoàn và thịnh vượng thực sự. Một hệ thống kinh tế lấy cảm hứng từ các hệ sinh thái sẽ hoạt động với những gì có được ở địa phương, chẳng hạn như những nguồn năng lượng tự nhiên...(tr.52).

Một công việc khởi đầu như một cố gắng nhằm giảm nguy cơ cháy rừng đã trở thành một hệ thống sinh học tổng hợp tạo ra việc làm, thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Các kiến trúc sư thì có thể học tập cách mối xây tổ để thiết kế nên những tòa nhà có hệ thống thông khí tự nhiên, không dùng điều hòa, nhờ thế tiếp kiệm được chi phí đầu tư và vận hành.

Lối tiếp cận đó rất có thể là một lựa chọn để cách tân nền kinh tế hiện nay đang bám víu vào khái niệm sự khan hiếm, trong đó tăng trưởng phải trả giá bằng nợ nần thường xuyên để lại cho các thế hệ tương lai (tr.109).

Pauli đang thách thức các giới hạn cũ và buộc chúng ta phải phản tỉnh để nhìn nhận lại thế giới qua một lăng kính xanh lam.

Nền kinh tế sẽ phải được xây dựng theo một cách khác, chẳng hạn như theo mô hình thác nhiều tầng trong đó chất dinh dưỡng trong tự nhiên có thể được lưu chuyển qua nhiều giới khác nhau, từ thực vật, sang động vật, rồi nấm được bổ sung để thúc đẩy quá trình biến đổi và cuối cùng là vi khuẩn sẽ giúp tạo ra một môi trường có thể nuôi cấy tảo.

Bằng cách đó, ngay cả chuyện chuyển hóa chất thải thành lương thực cũng trở nên khả thi, để rồi giá trị kinh tế hình thành một cách tự nhiên ở từng khâu chuyển hóa và sinh ra một dòng đa thu nhập (tr.120).

Cho dù sẽ còn phải tranh luận rất nhiều để xác định xem những ý tưởng của Pauli khả thi đến đâu thì chúng vẫn đang đem đến cho chúng ta một niềm hi vọng lớn lao về một viễn cảnh đẫm màu xanh lam của một tương lai phát triển bên vững nhờ tổ chức mọi thứ thuận theo tự nhiên.

Và biết đâu nhờ thế mà nỗi lo âu về những cuộc chiến - cả súng đạn và không súng đạn - sẽ được cởi giải và nhân loại sẽ yên ổn hơn trên hành tinh của mình!   

_____________

(1): Tác phẩm của James Rickards, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Dương Hiếu – Nguyễn Phúc Hoàng, NXB Trẻ, 2014.

(2): Nhà kinh tế học...

(3): Tác phẩm của Gunter Pauli, bản dịch tiếng Việt của Phạm Hải Hồ, Phương Nam Book & NXB Thời Ðại, 2014

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận