Cựu bồi bàn thành bậc thầy tâm lý

ĐĂNG BẨY (THEO CULTURAVRN.RU) 29/12/2011 04:12 GMT+7

TTCT - Daniel Glattauer (sinh năm 1960, ở Vienna, Áo) thuộc một trong những nhà văn “nhân văn nhất của thế giới hiện đại có khả năng chữa trị những vết thương trong tâm hồn con người”. Tiểu thuyết Con cún Giáng sinh là điểm sáng trong sáng tạo của ông.

Phóng to

Daniel Glattauer

Ông đã có hai tiểu thuyết liên hoàn Gut gegen Nordwind (2006) và Alle sieben Wellen (2009) được ấn hành ở Việt Nam với tựa Cưỡng cơn gió bấc và Con sóng thứ bảy - câu chuyện đẹp về tình yêu của hai người chưa từng gặp mặt: Leo Leike đang gặm nhấm nỗi chia ly vừa xảy ra chưa lâu và Emmi Rothner đang có gia đình êm ấm... Họ tình cờ quen biết, hiểu nhau và chia sẻ cùng nhau qua những bức thư điện tử trao đi và nhận lại, họ nếm trải những ngọt ngào, khắc khoải, hờn ghen, tin cậy, nồng nhiệt và cô đơn!

Không sớm thì muộn, hai con người ấy phải gặp nhau lần đầu ngoài đời, nhưng họ vân vi đến nỗi dùng dằng lùi mãi cuộc hẹn trong nỗi xáo trộn tâm can. Ngót một năm sau Leo Leike đã có bóng hồng mới từ Mỹ quay về, và Emmi Rothner vẫn có gia đình. Nhưng, một khi sáu con sóng đã ập vào bờ thì con sóng thứ bảy còn ẩn chứa bất ngờ hơn nữa...

Buồn vui mùa giáng sinh

Ở tác phẩm thứ ba Con cún Giáng sinh (Der Weihnachtshund) Daniel Glattauer vẫn không thay đổi từ đề tài đến phong cách văn chương: lần này là chàng Max và nàng Caterin - đôi trai gái quen nhau chỉ qua thế giới ảo của mạng Internet. Max không thích mùa Giáng sinh và không thích những ngày chủ nhật, vì chúng chẳng giống như những ngày thứ hai đầu tuần thường mang lại cho chàng cảm giác được can dự vào những gì diễn ra xung quanh.

Max cũng rất yêu phụ nữ và trên lý thuyết cũng được phụ nữ yêu lại, nhưng tiếc thay - Max và phụ nữ rất khó hòa hợp với nhau, cho nên đến 34 tuổi chàng vẫn còn phòng không gối chiếc. Tuy vậy chàng không cô đơn, phần vì có nuôi trong nhà một con cún cụp tai nòi Đức, đặt tên nó là Kurt, phần nữa - chiếc ghế dài quen thuộc trong phòng cũng trở thành một sinh vật có hồn. Một lần, để trốn lễ Giáng sinh, Max quyết định ra quần đảo Maldives thì nảy sinh vấn đề nan giải: con cún Kurt không như chiếc ghế, biết gửi nó vào đâu và nhờ ai thỉnh thoảng cho nó ăn?

Kathrin cũng không thích mùa Giáng sinh, lại không ưa loài chó. Nàng ra đời đúng vào ngày trước lễ Giáng sinh - và vô hình trung suốt đời đảm nhận vai trò “tặng phẩm vô giá” cho bố mẹ trong ngày lễ Giáng sinh. Nàng là một người con gái ngoan ngoãn nết na miễn chê, mà thấm thoát ngày qua đã sắp đến tuổi 30 vẫn còn lẻ bóng! Bây giờ bố mẹ nóng lòng mong một chàng rể lý tưởng...

Câu chuyện phảng phất buồn vì người đời đâu phải ai ai cũng đủ đầy tài năng, của nả, thậm chí còn phải kiếm sống nhọc nhằn... Do lẽ này lẽ nọ, người ta thường dựng lên quanh mình những chiến lũy làm bằng định kiến, mặc cảm, tạo ra cảm giác rằng mình cũng thành đạt, cũng hạnh phúc đây. Song, làm sao chạy trốn khỏi chính mình?

Dịp Giáng sinh đó, ông già Noel mang tặng Kathrin một món quà bất ngờ và sống động, thế là lần đầu tiên nàng sẽ phải học cách yêu một... con chó nòi Đức cụp tai! Và từ đó, bao chuyện thú vị bất ngờ diễn ra từ dịp Giáng sinh, chuyện như bịa mà người đọc nào cũng tin là thật...

Phóng to
Bìa sách Con cún Giáng sinh

Không lý tưởng hóa người đời

Từng nghiên cứu sư phạm học và lịch sử nghệ thuật, rồi bảo vệ luận văn trên đại học Cái ác trong lĩnh vực giáo dục, Daniel Glattauer có 20 năm làm báo Die Presse và Der Standard, chuyên biên tập mảng châm biếm và phóng sự pháp đình. Đặc biệt, ông nổi tiếng vì giữ một chuyên mục hằng tuần đăng trên trang nhất.

Không phải nhiều người biết: ngoài đời ông đã “kinh qua công tác” ca sĩ và bồi bàn trong nhà hàng... Cho nên ngọn bút Daniel Glattauer có sở trường khai thác tâm lý con người và “ung dung tự tại” trong mảng đề tài đã bước đầu vỡ vạc. Ông xây dựng nên - mà không lý tưởng hóa - những nhân vật, do có những khiếm khuyết lạ lùng nên có vẻ tuềnh toàng mà hóa ra tinh tế, sơ sài mà hóa ra sâu sắc, họ thường gặp thất bại nhưng rốt cuộc lại bất ngờ gặp một kết thúc có hậu.

Có lẽ chính bởi họ đã nuôi một hệ thống giá trị không thèm đếm xỉa đến tính thực dụng thường ngày: tình yêu đâu có lụy chiếc xe hơi hào nhoáng hay khu biệt thự sang trọng ngập trong hoa hồng và bọt champagne - đã là tình yêu đích thực, ắt tồn tại và tươi tốt!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận