Đàn bà trong thành phố

TRẦN NHÃ THỤY 29/08/2011 03:08 GMT+7

TTCT - 1. Mưa. Đêm. Con bé bỗng ú ớ rên, rờ tay lên trán nó thì thấy nóng rãy, cả người như một lò than.

Phóng to
Minh họa: Đỗ Trung Quân

Hoảng quá liền bấm điện thoại gọi taxi, trong khi chờ taxi chỉ kịp vơ vội một ít đồ. Thế là hai mẹ con rời khỏi căn hộ chung cư vào lúc gần nửa đêm mà không một láng giềng nào biết.

Buổi sáng ở bệnh viện, bác sĩ cho biết con bé có triệu chứng bệnh tay chân miệng, cần phải nhập viện điều trị. Thế là vừa loay hoay chăm con vừa bấm điện thoại gọi cho bạn, nhờ mua giùm ít đồ đạc mang vào. Cô bạn mua một mớ đồ treo trên xe chạy đến bệnh viện. Khi chạy vào bãi giữ xe thì đã chật cứng, mấy ông choai choai giữ xe không ra tay giúp khách mà ngồi nghễu nghện trên yên xe khoát tay quát tháo ầm ầm, bảo phải chạy xe lên tầng trên.

Trời ơi, cái tầng trên cao quá, một cái dốc lỏng lẻo mà dựng đứng… Ngó tới ngó lui rồi thì cô bạn quay xe ra, quành lại trước cổng bấm điện thoại gọi: “Mày ra ngoài cổng lấy đồ chứ tao không leo dốc được”. “Bà nói gì thế? Dốc nào?”. “Thì cái dốc leo lên tầng trên của bãi giữ xe đó. Tao mà phi lên là nó ngã lăn quay ngay, mày biết mà, ra trước ngay nhé!”.

Trong điện thoại vang lên một tiếng như rên: “Ôi, làm sao bây giờ, con bé nó không chịu rời tao nửa bước, mà ở bệnh viện nhi người ta đâu có cho dắt trẻ em ra ngoài cổng, trừ phi có giấy xuất viện”. “Vậy thì phải làm sao bây giờ?!”.

2. Ngày đẹp trời.

Tôi đang chạy xe gần đến cơ quan thì có điện thoại. Cô bạn bảo phải đến Bệnh viện Nhi Đồng gấp: “Có việc quan trọng cần đến ông!”. Khi tôi đến nơi thì cô bạn nói nhanh: “Nếu ông bận thì đứng đây coi giùm tôi cái xe trong năm phút. Còn nếu không bận lắm thì cưỡi xe vào bãi gửi giùm, rồi cùng vào bệnh viện thăm con nhỏ T.”… Hóa ra cái việc quan trọng cần đến đàn ông mà cô bạn tôi nói là coi giùm cái xe hay cưỡi nó lên cái dốc be bé. Việc quan trọng nhường ấy thì tôi cũng gắng mà hoàn thành.

Chuyện nghĩ cũng mắc cười, nhưng rồi lại đâm day dứt, khi tôi nghĩ về những người đàn bà trong thành phố, mà cụ thể ở đây là hai cô bạn của tôi. Một cô có con, nhưng con bé không biết ba nó là ai, bạn bè thì kẻ đoán già người đoán non, có người còn nói nó là… con tôi! Hai mẹ con ở trong căn hộ chung cư, không người thân thích, không người giúp việc (đúng hơn là có mà nghỉ rồi). Bình thường, sáng ra cô chở con đi nhà trẻ rồi đi làm, chiều về ghé nhà trẻ đón con.

Vòng quay cứ đều đặn như thế. (Nhưng cuộc đời đâu mãi bình yên như thế!). Còn cô bạn kia có chồng con đàng hoàng, nhưng cô chỉ dám có một đứa con thôi, thêm nữa thì “Xin thề”. Cô không có “năng khiếu” cưỡi xe gắn máy, ra đường là mắt cứ hoa đom đóm, người ta chỉ cần chạy xe vụt qua “tạt hơi gió” là cô ngã, thấy ai phóng tới dù chưa đụng là cô đã buông tay lái nhảy khỏi xe.

Có lần tôi bực bảo: “Bà là thành phần không biết điều khiển xe gắn máy, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, tốt hơn hết bà không nên chạy xe”. Nhưng không chạy xe thì ai đưa con đi học? Chồng dẫu biết vợ chạy xe “khủng khiếp” như vậy nhưng vẫn áp dụng rất nghiêm lịch đưa đón con: “Vợ: ba, năm, bảy. Chồng: hai, tư, sáu”. Thế mà cô bạn tôi đã đưa đón con tám năm rồi. “Cũng liều nhắm mắt đưa chân”, nghe cô bạn bảo vậy mà tôi không biết nên cười hay khóc.

3. Thành phố đông đúc nhưng con người thì đơn độc, những người đàn bà dường như càng đơn độc hơn. Không có khái niệm láng giềng, không thể “lội bộ” nếu không biết cưỡi xe gắn máy, chồng nhiều khi cũng là một “phạm trù” không dễ gì nắm bắt.

Trong thế giới đơn độc của đàn bà thành phố còn có những chuyện lạ lùng khác. Tôi còn nhớ cách đây không lâu tôi tình cờ đến phòng trọ của một nữ ca sĩ phòng trà. Căn phòng khá nhỏ hẹp nên khi làm nhà vệ sinh người ta tận dụng đặt bồn cầu sát ngay góc tường. Vì đặt quá sát tường nên khi bật nắp bồn cầu lên thì nó sẽ chạm vào tường và bật ngã trở lại. Hình dung ra thì phải ngồi xuống và dùng lưng để đỡ nắp bồn cầu. Có nghĩa là đàn ông thì khó mà “thao tác” ở đây. Tôi bảo rằng đây đích thị là “phòng đàn bà”, và có người thêm vào là “phòng đàn bà thành phố”.

(Xin mở ngoặc nói thêm là cô ca sĩ kia cũng không rành đi xe gắn máy và cũng muốn tự túc đứa con chứ chả ham chồng).

Những chi tiết đời sống nhiều khi khiến một người viết văn như tôi cảm thấy thích thú, và lúc nào cũng toan tính sẽ đưa nó vào tác phẩm của mình. Nhưng có lẽ, khi chưa kịp cài đặt vào tác phẩm thì nó đã chạm khắc trong tôi một nỗi buồn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận