Đánh cược với những đôi chân triệu đô

HUY ĐĂNG 09/11/2020 00:11 GMT+7

TTCT - Trong thời gian biểu hỗn loạn, cầu thủ vẫn phải đáp ứng lịch thi đấu khắc nghiệt. Chấn thương tăng gần như là tất yếu.

Vừa âm tính với COVID-19 chưa lâu, Thiago (phải) lập tức ra sân và tiếp tục dính chấn thương. Ảnh: TalkSport
Vừa âm tính với COVID-19 chưa lâu, Thiago (phải) lập tức ra sân và tiếp tục dính chấn thương. Ảnh: TalkSport

Cuối tháng 9, tiền vệ của Liverpool Thiago Alcantara dương tính với virus COVID-19. Hai tuần sau, anh vẫn ra sân và chơi trọn 90 phút trước Everton, để rồi dính một chấn thương khá nặng phải nghỉ thi đấu thêm hai tuần nữa...

Sau ca chấn thương của Thiago và hậu vệ Virgil Van Dijk (đứt dây chằng chéo trước - cần khoảng nửa năm để hoàn toàn bình phục), chuyên trang Athletic đưa ra một thống kê về tình hình chấn thương khiến nhiều người hâm mộ Premier League phải giật mình.

Cầu thủ lũ lượt vào viện

Cụ thể chỉ sau 5 vòng đấu đầu tiên, đã có đến 78 ca chấn thương liên quan đến các vấn đề gân cơ chân, tăng 42% so với cùng thời điểm mùa giải năm ngoái (55 ca) và hơn gấp đôi mùa trước nữa (34 ca). Sau đó, những ca chấn thương tiếp tục gia tăng chóng mặt.

Tính đến cuối tuần rồi đã lên đến 91 ca. Đành rằng Premier League nổi tiếng khốc liệt, nhưng khốc liệt đến mức cứ sau mỗi vòng đấu lại có 10-20 cầu thủ vào viện là điều thực sự đang khiến các bác sĩ của giải phải lo lắng.

Những chấn thương gân cơ thông thường là hậu quả từ va chạm hoặc phạm lỗi nguy hiểm. Nhưng nó cũng cho thấy nhiều vấn đề tiềm ẩn khác. Van Dijk đứt dây chằng vì pha vào bóng khá dễ sợ của Jordan Pickford, thủ môn đội Everton.

Nhưng cũng cần phải nói Liverpool đã vắt kiệt Van Dijk suốt 3 năm qua. Hậu vệ người Hà Lan thậm chí chơi xuyên suốt 38 trận Premier League mùa giải 2019-2020, không nghỉ một phút nào! Ngay sau khi Van Dijk chấn thương, Fabinho được chọn là người phải gánh vác hàng thủ Liverpool thay anh. Nhưng cũng chỉ được 3 trận, tuyển thủ Brazil dính chấn thương gân kheo mà chẳng va chạm với ai.

Vì sao số lượng ca chấn thương gân cơ ở bóng đá châu Âu lúc này lại tăng vọt? COVID-19 là một vấn đề không thể bỏ qua. Hãy nhìn vào trường hợp của Alcantara.

Tiền vệ người Tây Ban Nha nổi tiếng với “đôi chân pha lê”, với cả thảy 27 ca chấn thương trong 10 năm sự nghiệp, trung bình 2-3 ca mỗi năm. Nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát, anh đã chấn thương đến 4 lần chỉ trong nửa năm qua, quá nhiều ngay cả với một thương bệnh binh nổi tiếng.

Khoảng thời gian kể từ khi dính virus đến trận đấu kế tiếp của Alcantara chỉ là hai tuần - tương đương thời gian cách ly những người tiếp xúc ca bệnh. Anh mất hơn một tuần cho việc điều trị, đồng nghĩa chỉ còn vài ngày để hồi phục trước trận đấu.

Không chỉ những cầu thủ nhiễm bệnh (số lượng cầu thủ châu Âu ở các sân chơi đỉnh cao nhiễm bệnh cao đến mức đáng ngạc nhiên - mỗi CLB lớn đều có 4-5 người dính virus), cả những cầu thủ khác cũng bị ảnh hưởng vì đại dịch. Họ phải ngừng tập luyện trong đợt bùng dịch đầu tiên ở châu Âu, trở lại thi đấu với mật độ dày đặc, rồi bị cách ly tiếp nếu lỡ tiếp xúc người bệnh...

Trong thời gian biểu hỗn loạn đó, cầu thủ vẫn phải đáp ứng lịch thi đấu khắc nghiệt. Chấn thương tăng gần như là tất yếu.

Tiến sĩ Joel Mason của Đại học Jena (Đức) nhận xét: “Những đội bóng mạnh hiện có xu hướng lướt qua những bài tập thể lực để tập trung vào tập luyện chuyên môn, chiến thuật. Chuyện này rõ ràng rất nguy hiểm. Các cầu thủ luôn cần đủ thời gian để hồi phục giữa các trận đấu.

Ít nhất là 72 giờ đồng hồ”. Trong khi đó, một HLV thể lực ở Premier League khẳng định sau nghỉ thi đấu vì bệnh tật hoặc cách ly quá lâu, các cầu thủ cần ít nhất 2-3 tuần để lấy lại cảm giác thi đấu tốt nhất.

“Làm tiền” thô bạo?

Khi Cristiano Ronaldo dương tính với virus, anh làm liên lụy cả làng bóng đá châu Âu. Vì ở thời điểm đó siêu sao người Bồ Đào Nha đang tập trung cùng đội tuyển. Theo luật phòng chống dịch của hầu hết các nước châu Âu, những người tiếp xúc với bệnh nhân bên ngoài lãnh thổ khi về nước đều phải cách ly hai tuần.

Điều đó có nghĩa Manchester United sẽ mất Bruno Fernandes (đồng đội của Ronaldo ở tuyển Bồ Đào Nha) và Paul Pogba, Anthony Martial (chơi cho Pháp, đối thủ của Bồ Đào Nha), Liverpool mất Diego Jota, Man City mất Bernardo Silva, còn Chelsea mất một loạt tuyển thủ Pháp...

Người hâm mộ một phen nổi giận với Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) vì Giải Nations League của họ - một giải hầu như chỉ mang tính giao hữu - đã bào mòn sức lực cầu thủ trong khoảng thời gian dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp.

Lịch thi đấu hiện tại của các đội tuyển quốc gia thậm chí còn căng thẳng hơn so với mọi năm. Ví dụ như với tuyển Pháp, họ chỉ đấu 6 trận trong giai đoạn tháng 9-11 hồi năm 2019, nhưng năm nay phải đá đến 8 trận.

Để đối phó với tình cảnh “vỡ trận”, có vẻ như bóng đá châu Âu cũng đành... làm liều. Bất chấp việc Ronaldo dương tính với virus, các đồng đội của anh vẫn ra sân thi đấu cấp CLB vào cuối tuần, dù chẳng ai dám nói có quy định nào cho phép họ được ngoại lệ với luật cách ly.

Áp lực của các giải đấu đỉnh cao, từ người hâm mộ, và nhất là hợp đồng bản quyền truyền hình, không cho phép các ngôi sao bóng đá sống như người bình thường trong mùa dịch. Kể từ khi Ronaldo nhiễm virus, thế giới bóng đá mỗi ngày lại náo loạn vì sự vắng mặt của anh.

Juventus liên tục bại trận, cuộc tái ngộ giữa anh và Lionel Messi cũng đổ vỡ, người hâm mộ còn trách móc vì sao đã hai tuần mà Ronaldo vẫn... chưa hồi phục. Nhiều người còn so sánh anh với Zlatan Ibrahimovic - người trở lại thi đấu chỉ sau một tuần nhiễm virus.

Đã hơn nửa năm kể từ khi phải đình chỉ hàng loạt, có thể khẳng định bóng đá châu Âu giờ không còn lo “vỡ trận” vì đại dịch, nhưng cái giá phải trả cho việc bóng vẫn lăn là không hề nhỏ. ■

Lịch thi đấu của các ngôi sao vốn đã dày đặc, với tổng cộng khoảng 60 trận ở cấp độ CLB mỗi mùa, và khoảng 10 trận cùng tuyển quốc gia mỗi năm. Ở thời đỉnh cao trong một năm, những siêu sao như Messi hay Ronaldo có thể phải đá đến 70 trận.

Thế còn chưa đủ, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) mới đây lại manh nha ý tưởng thành lập siêu giải đấu mang tên Premier League châu Âu. Giải đấu mới dự kiến quy tụ khoảng 18 CLB mạnh nhất châu Âu, gồm những đại gia nước Anh như Man United, Liverpool, Man City… đến Real Madrid, Barcelona, Juventus, Bayern Munich…

FIFA thậm chí đã tìm được đối tác hậu thuẫn tài chính cho họ, với nguồn kinh phí lên đến 6 tỉ đôla. Mục tiêu của giải là để các đội bóng mạnh được gặp nhau thường xuyên hơn, thay vì bị xé lẻ bởi nhiều đại diện từ các nền bóng đá kém phát triển như ở Champions League.

UEFA hiển nhiên không vui với ý tưởng này nhưng nếu FIFA thực sự thuyết phục được các CLB, thật khó ngăn cản việc thành lập giải mới. Hiện có thông tin cho rằng Man United, Liverpool và Barcelona đã chấp nhận dự giải.

Vấn đề là người ta không hiểu những ông bầu bóng đá sẽ sắp xếp lịch thi đấu thế nào cho các siêu sao vốn đã kiệt sức của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận