Darya Dotsuk và những mảng màu Việt Nam

PHAN XUÂN LOAN 30/08/2014 17:08 GMT+7

TTCT - LTS: Mùa quýt, tác phẩm của nữ tác giả trẻ Darya Dotsuk, vừa được chọn vào chung khảo giải thưởng Sách trẻ em Krapivin 2014 ở Liên bang Nga.

TTCT trò chuyện với tác giả quyển sách có nhiều hình ảnh huyền ảo và hiện thực về Việt Nam này.

Darya Dotsuk - Ảnh nhân vật cung cấp

* Thật thú vị khi có một quyển sách vào chung khảo giải thưởng Sách trẻ em Krapivin 2014 kể về sự gắn bó của một thiếu niên Nga với Việt Nam. Vì sao Darya chọn viết về đề tài này?

- Đó là qua chồng tôi, Anton Tsvetov, người đã trải qua tuổi thơ ở Việt Nam và Việt Nam đã thành Tổ quốc thứ hai của anh ấy. Mùa quýt dựa trên những hồi tưởng ấu thơ đó, dù dĩ nhiên là có những hư cấu nghệ thuật.

* Còn hồi tưởng của cô về Việt Nam? Quyển sách cho thấy Darya đã tới Việt Nam rồi?

- Anton đã đưa tôi về Hà Nội hè năm 2010. Chúng tôi ở Việt Nam gần một tháng và rất không muốn rời đi. Tôi thích tất cả mọi thứ ở Hà Nội: từ những góc nhỏ ấm cúng ở trung tâm mà chúng tôi đã dạo chơi rất lâu đến những người dân tốt bụng luôn tươi cười chỉ đường khi chúng tôi cần hỏi.

Hồ Gươm lưu lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ, nơi tôi thích ngồi bên bờ hồ và nghe những câu chuyện chồng tôi kể về thuở ấu thơ ở nơi này.

Ban đầu mọi thứ ở Việt Nam đối với tôi đều không bình thường, mọi thứ đều làm tôi ngạc nhiên - từ những ngôi nhà - tên lửa nhiều màu, những bụi cây uốn hình rồng, các đền thờ, đến những chiếc nón lá và món ăn dân tộc. Nhưng rồi rất nhanh chóng tôi yêu thích chúng. Đặc biệt tôi thích món sữa dừa, một thức uống kỳ diệu!...

Ở Hà Nội, những tòa nhà hiện đại và cổ kính, những cửa hàng thời thượng và những hiệu buôn trưng bày hàng thủ công truyền thống chung sống hài hòa. Nó tạo ra một không khí đặc biệt, khi sự hiện đại và truyền thống không xung đột nhau, mà bổ sung hài hòa cho nhau.

Tôi thích những đất nước có lịch sử lâu đời, nơi người dân trân trọng gìn giữ và lưu truyền những giá trị truyền thống, tôn giáo; đặt gia đình mình, ngôi nhà mình lên trên công việc và những giá trị vật chất khác. Việt Nam với tôi là đất nước như thế đó.

* Thật ra chúng tôi cũng không giỏi bảo tồn truyền thống lắm đâu, nhưng nhận xét của cô cũng là một nhắc nhở... Một trong những tiêu chí của giải thưởng Krapivin là “sách nuôi dưỡng tâm hồn”. Darya muốn gửi gắm gì trong tinh thần này qua Mùa quýt?

- Như tác giả sách thiếu nhi, tôi thẩm thấu tất cả qua lăng kính cổ tích và huyền thoại. Bị lôi cuốn bởi văn hóa Việt Nam, tôi nghiên cứu các truyền thuyết, cổ tích của dân tộc Việt. Nhiều tư liệu đã được dịch ra tiếng Nga thời Xô viết. Có cái tôi đọc bằng tiếng Anh, còn với những nguồn tiếng Việt thì Anton giúp tôi.

Đó là một cuộc du hành hấp dẫn nhất vào chiều sâu của lịch sử, nơi cổ tích và hiện thực đan xen nhau. Trong quyển sách của mình, tôi cố gắng chuyển tải lại không khí cổ tích đó, sự trân quý của dân tộc Việt Nam với truyền thống mà tôi thấy rất đáng học hỏi.

Tác phẩm Mùa quýt - Ảnh: M.N

 Mùa quýt kể về Pasha, con trai một viên chức ngoại giao Nga từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam. Trọn vẹn tuổi thơ của Pasha trôi qua ở đất nước này, bên cạnh người vú nuôi - một kho tàng cổ tích - và những người Việt thân thiện khác... Nên khi gia đình cậu về nước, Pasha bối rối trở thành người “nhập cư” trên chính đất nước mẹ đẻ của mình.

Pasha khó nhọc xoay xở để hòa nhập thế giới mới trong khi ký ức về một Việt Nam với những cổ tích, thần thoại huyền ảo xen lẫn với sắc màu đời thường vẫn còn sâu đậm... Mùa quýt còn là những suy gẫm của một cậu bé 13 tuổi về một thế giới với những hi vọng, ưu tư không biên giới...

* Quyển sách của Darya viết về thiếu nhi nhưng khá thời sự, khi toàn cầu hóa ném con người vào mọi tình huống khác nhau buộc người ta phải nhanh chóng thích nghi, kể cả những đứa trẻ như Pasha. Nhưng mặt khác, dường như Pasha khá trưởng thành so với tuổi của mình, khi phải tư duy về những vấn đề như “thế giới không biên giới” ở tuổi 13?

- Vâng, chị nói đúng. Nhân vật chính Pasha thật sự là trưởng thành hơn và nghiêm túc hơn đa số bạn đồng lứa khác. Nhưng đó chỉ là vì cậu ấy bị buộc phải thế: cậu đúng là bị rơi vào tình cảnh “lưu vong”, có điều không phải ở đất nước xa lạ mà ở Tổ quốc mình, nơi cậu hoàn toàn không nhớ và biết gì.

Thêm vào đó, cuộc sống ở một đất nước khác, chìm đắm trong một văn hóa khác đã giúp nội tâm con người giàu có hơn, mẫn tuệ hơn, và kết quả là trưởng thành hơn. Đó là một kinh nghiệm sống hết sức quan trọng và giá trị - khi hiểu rằng cho dù văn hóa và tôn giáo khác nhau thì con người, kể cả sống ở đâu chăng nữa cũng có nhiều điểm chung.

* Có vẻ như “thế giới không biên giới” là đề tài suy gẫm cả cho người lớn nữa?

- Dĩ nhiên đó là đề tài rất sâu sắc và nhiều cấp độ mà tôi muốn luận bàn cùng độc giả. Theo ý tôi, chính những vấn đề không đơn giản như thế cho phép ta nhận thức chính mình và thế giới, tin rằng cuộc sống này, kể cả trên nguyên tắc, cũng không thể phân chia thành đúng hay sai, đen hay trắng.

Thật tình mà nói đây cũng là đề tài mà tôi gặp phải trong kỳ thi tuyển vào khoa báo chí quốc tế của MGIMO và nó suýt chút đã dồn tôi vào ngõ cụt. Tôi nhớ là các giám khảo đã đánh giá cao bài luận của tôi, mặc dù tôi không thể đưa ra một câu trả lời xác định cho vấn đề này. Và có thể tôi sẽ không bao giờ có được câu trả lời đó cả!

* Trong Mùa quýt, người Việt trong hiểu biết của các cô cậu bé sinh trưởng ở Nga là những người ăn thịt chó và bán buôn ngoài chợ, trong khi với Pasha, lớn lên ở đất nước chúng tôi, thì Việt Nam là câu chuyện kỳ lạ về chú Cuội, về những người lính già không giữ mãi ác cảm với cựu thù. Phải chăng đó là những mảng màu khác mà Darya muốn giới thiệu cho độc giả mình về Việt Nam?

- Vâng, đáng tiếc là ở Nga trẻ em ít biết về Việt Nam... Ngược lại chúng chỉ nghe, thí dụ, về chợ Việt, và nghĩ là người Việt chỉ có buôn bán. Tôi đau lòng trước thụ cảm phiến diện này, và muốn mọi người, đặc biệt học sinh phổ thông, quan tâm và tôn trọng hơn văn hóa các dân tộc khác.

Bất cứ một đất nước nào cũng được cảm nhận, trước nhất, qua văn hóa của mình. Mà văn hóa Việt còn cổ xưa hơn văn hóa Nga chúng tôi. Có thể tôi đã thành công phần nào trong việc mở thêm góc nhìn đó cho độc giả Nga. Luồng du khách Nga tới Việt Nam đang tăng, nên tôi hi vọng chúng ta có thể vất bỏ các định kiến để hiểu biết nhau hơn.

* Đây mới là quyển sách thứ hai của Darya, nhưng cả tác phẩm đầu tay của cô cũng được đánh giá là thành công. Theo Darya thì các tác phẩm văn học thiếu nhi có nhất thiết phải dạy dỗ hay giáo dục điều gì đó?

- Không, tôi cho rằng sách không phải để dạy dỗ. Sách phải hiểu, an ủi, đưa ra những phương cách giải quyết vấn đề, giới thiệu cho độc giả những câu chuyện quan trọng và thú vị. Tóm lại là trò chuyện với độc giả về các đề tài khác nhau. Không nên có một giới hạn nào cả. Nhưng luôn cần phải chú ý đến độ tuổi của độc giả.

Ngoài ra, tôi cho rằng trong văn học thiếu nhi và thiếu niên, không có chỗ cho những tác phẩm không có tính khai sáng.

* Cô sẽ tiếp tục viết về Việt Nam chứ?

- Tôi đang viết quyển sách thứ ba cho độc giả lớn hơn, ở tuổi trung học, về những khó khăn của sự trưởng thành, vấn đề “cha và con”, tìm kiếm chỗ đứng của mỗi người trong đời. Đây là những đề tài làm tôi nghĩ ngợi nhiều khi còn là thiếu nữ. Bối cảnh câu chuyện sẽ là ở nước Nga. Nhưng không loại trừ trong tương lai tôi sẽ tìm đến thế giới cổ tích của Việt Nam lần nữa.

Đã có lần tôi muốn viết một truyện viễn tưởng về một thế giới hư cấu dựa trên những truyền thuyết và thần thoại Việt Nam. Hi vọng là ý định này sẽ thành sự thật.

* Là một người viết rất trẻ, cô có nhắn nhủ gì cho những cô cậu bé cũng mơ trở thành nhà văn và ngay lúc này, sức mạnh sáng tạo đang thôi thúc họ?

- Hãy viết về tất cả những gì thật sự làm bạn xao động, khi đó bạn sẽ ngạc nhiên thấy có biết bao người cũng cảm xúc như bạn vậy...

* Cảm ơn Darya và chúc cô tiếp tục thành công.

Tốt nghiệp khoa báo chí quốc tế Đại học Quan hệ quốc tế Matxcơva (MGIMO), Darya Dotsuk, năm nay 24 tuổi, quyết định dành hết thời gian cho sáng tác.

Quyển sách đầu tiên của Darya Dotsuk - Tôi và quái vật của tôi - cũng vào chung khảo giải thưởng cuộc thi Tác phẩm hay nhất cho trẻ em và thiếu niên toàn Liên bang Nga năm 2013, đồng thời nằm trong danh sách “Những quyển sách hay nhất của các tác giả Nga” trong cuộc thi “Sách của năm 2013 được trẻ em bình chọn”.

Mùa quýt của Darya Dotsuk là một trong 14 tác phẩm được đưa vào bình xét cho giải thưởng văn học thiếu nhi quốc tế mang tên V. Krapivin năm 2014, trên tổng số 122 tác giả các nước (Nga, Ukraine, Belarus, Litva, Latvia, Kazakhstan, Gruzia, Đan Mạch, Mỹ...) gửi truyện tham dự. Kết quả sẽ được công bố cuối năm nay.

(Litparus.ru)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận