Đâu rồi hồn vía?

NGÔ THỊ KIM CÚC 14/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Không gian khá hẹp, chỉ là một nhà hàng và vài căn phòng nhỏ. “Hẹp” hơn nữa là trong đầu/tim của vài con người. Thời gian là 40 năm. Con số 4 đó là một ám ảnh, một biểu tượng, một bóng ma vô hình vô ảnh mà dường như phơ phất bùa chú suốt khoảng cách xuyên đại dương và quãng thời gian 40 năm (*).

bìa sách
bìa sách

1. Mà thật ra thời gian cũng khó lòng phân biệt: nó trộn lẫn giữa quá khứ với hiện tại, giữa quá khứ của người này với quá khứ của người kia... Nhân vật không có tên riêng, chỉ là Nàng, Hắn, Cô, những đại từ nhân xưng trơn trụi, không cho phép suy diễn thêm gì.

Tuy vậy, lại có thể làm một phép nhân vô tính lên thành hàng triệu triệu những Nàng, Hắn, Cô khác dưới vòm trời này... Câu chuyện bắt đầu khi nàng xuất hiện trong quán Le 44 V-Paris, “một ngày tháng tư, nhiệt độ đột ngột hạ xuống -4 và tuyết rơi không ngừng”, ở chỗ lẽ ra bạn gái của hắn phải có mặt.

Nàng không tên, không tuổi, không dung mạo, chỉ có “đôi mắt với 4 nếp nhăn li ti ở khóe mắt” là nhận dạng duy nhất mà hắn có thể nhớ, tả lại hai mươi năm sau, cho dù nàng đã làm thay đổi cuộc sống, cuộc đời hắn. Chỉ có vài thông tin mơ hồ: nàng sống ở Aix-en-Provence, làm việc ở nơi có “chủ người Hoa của quán cơm Hàn trên đất Pháp”, và một điều hắn không bao giờ biết, suốt 24/24 giờ mỗi ngày: “ác mộng lớn nhất của nàng là Ân ngừng thở, ngừng thở đúng lúc nàng đang bưng kim chi và cơm cuốn chạy giữa 44 cái bàn”.

Một cuộc gặp tình cờ về phía hắn, nhưng về phía nàng hoàn toàn có chủ ý: nàng đang cần nhờ cậy. Cho một công việc mà vì nó, nàng đã tiêu diệt bản thân mình: cả tên tuổi, cả mối dây mẹ - con, cả thời gian thở - làm việc, cả niềm vui/sinh lực sống mà nàng đã phải hắt hủi, đè bẹp dưới ký ức đen kịt...

Có lẽ duy nhất những lần gặp gỡ và làm tình với hắn là sự giải thoát tuyệt đối cho nàng: khỏi cả Ân và mẹ, cả sếp và khách hàng, cả quá khứ lẫn tương lai, cả cái chết lẫn sự sống. Nàng trộn lẫn vào hắn, mê mải, kiệt cùng sức lực, vừa tận hưởng vừa tan nát, được trở lại là mình đồng thời cũng trở lại với thực tế thảm hại: tôi hiện hữu, nghĩa là tôi bất hạnh. Và nỗi bất hạnh đó rồi sẽ lan sang cả hắn.

Còn cuộc gặp của hắn và cô có vẻ đúng là định mệnh: hắn rơi trúng cô và cô rơi trúng hắn, không cách gì thoát, chỉ 4 ngày sau khi hắn tình cờ biết tin nàng đã chết trên thuyền trong chuyến quay về Việt Nam. Lúc đó hắn đã 44 tuổi, mới cưới vợ, mở phòng mạch và “mỗi ngày 4 lần hắn cảm thấy một chỗ nào đó trên cơ thể hắn đang chết dần chết mòn...Chết dần chết mòn từ bên trong”.

Cô cùng thế hệ với hắn, cũng nhàm chán/vô phương hướng với cuộc sống mỗi ngày. Khi gặp hắn, cô đang lúc phục vụ 44 nữ đại gia Hà Nội sang Paris shopping, “cô không đi giày Louboutin đế đỏ và cũng không xách túi Louis Vuitton như 44 người kia.

Cô mặc chiếc váy trắng đơn giản và gần như trong suốt đúng ở vòng eo”. Sau này cô sẽ nói với hắn rằng “cô thích các cuộc gặp gỡ định mệnh, chúng có khả năng chia đôi cuộc đời người ta, phần trước khi gặp và phần sau khi gặp, những thứ khác chẳng còn có ý nghĩa nào nữa, thừa thãi, vô duyên”.

2.Cái gì đã làm nên nỗi ham muốn điên cuồng giữa hắn và cô? Đó là sự đánh đố từ trong mịt mùng vô thức. Cả hắn và cô đều không thể lý giải. Cho đến khi cả hai lại hò hẹn ở một khách sạn giữa trung tâm Sài Gòn rồi cùng sang Chợ Lớn, đến đúng ngôi - nhà - ấy, và chán chê nhìn ngắm cái không gian nơi cả nàng và cô, hai người đàn bà thuộc hai thế hệ, đã bị nhốt chặt trong đó, như con chuồn chuồn bị dính mủ mít cố sức vùng vẫy đập cánh một cách tuyệt vọng mà không sao thoát.

Nàng, thế hệ trước, đã cùng mẹ và chị chia sẻ bi kịch nhỏ từ chính chồng/cha mình: sự phản bội vợ con của người đàn ông ngay thời gian đầu tập kết ra Bắc. Cô, thế hệ sau, lại cùng với mẹ chia sẻ bi kịch nhỏ từ chính ông nội mình: mối tình bị cấm, dâu và cháu nội không được thừa nhận. Và tất cả họ đều phải nhận thêm phần mình trong bi kịch lớn, bi kịch của cả dân tộc. Tuy khác xuất xứ, khác chỗ đứng, họ hoàn toàn giống nhau trong tư cách người đàn bà Việt Nam thời loạn.

3.Không cố trau chuốt văn chương, chỉ như đang “xử lý” các thông - tin - khách - quan, cộng thêm chất hóm hỉnh và kỹ thuật lồng ghép quá khứ - hiện tại, Thuận đã chạm đến gót chân Achilles của người Việt sau biến cố 1975.

Những nhân vật của Thuận không có gì quá đặc biệt, những sự việc xảy ra không có vẻ quá nghiêm trọng, nhưng chính vì thế mà chúng có tính phổ quát và ảnh hưởng trên tuyệt đại đa số người dân Việt. Ba mẹ con của Nàng đã biến mất khỏi cuộc sống này một cách quá phi lý, trong khi chẳng ai xứng đáng hơn họ để được hưởng cuộc đời viên mãn hạnh phúc, bằng vào phẩm chất con người họ. Cơn cớ của tất cả những bi kịch đầu - giữa - cuối sách chỉ là “Ân chẳng có bệnh. Ân chỉ mất hồn. Hồn của Ân đã ra đi từ tháng Tư”. ■

(*): Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư, tiểu thuyết của Thuận, NXB Văn Học và Nhã Nam ấn hành, 2015.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận