​Davis Cup kiểu Sài Gòn

TTCT - Các tay vợt của đội Pháp Attack 2 đến sân City View, quận 7 (TP.HCM) đầu tiên và nhanh chóng ăn vội vài cái bánh mang theo.

Các thành viên đội Pháp Attack 2 và Ninjapan trước lượt trận đấu ngày 19-10 ở CLB City View, Q.7 - Ảnh: e.s.j.
Các thành viên đội Pháp Attack 2 và Ninjapan trước lượt trận đấu ngày 19-10 ở CLB City View, Q.7 - Ảnh: e.s.j.

Vài phút sau, đối thủ của họ là Ninjapan (một cách chơi chữ Ninja ghép với Japan) có mặt. Mọi người chào hỏi kèm vài bình luận vui trước khi làm nóng chuẩn bị cho lượt đấu. Mọi người chào hỏi kèm vài bình luận vui trước khi làm nóng chuẩn bị cho lượt đấu.

Dưới cái nóng hầm hập của ngày chủ nhật 19-10, các trận đơn bắt đầu lúc 11g. Thành viên hai đội bàn chiến thuật phối hợp thi đấu và ủng hộ gà nhà của mình trên sân.

“Tay vợt Nhật này có phong cách thi đấu y như Nadal, với cú thuận tay líp bóng rất mạnh” - một tay vợt Pháp bình luận. Các đối thủ Nhật rất thích nhận xét vui này và đến lượt họ cũng chọc ghẹo lại bằng vài từ tiếng Pháp. 

Tranh tài thân thiện

Đã tranh tài thì tất nhiên có thắng thua, nhưng điều quan trọng hơn là bầu không khí rất thân thiện giúp các nhóm chơi mở rộng chân trời của mình và tìm kiếm các tay vợt có nền văn hóa khác nhau cùng lối chơi đa dạng. Đây là mục tiêu chính mà các nhà tổ chức giải đồng đội Tennis Fans League (TFL) hướng đến ở mùa giải thứ hai, thu hút 20 đội tranh tài vào mỗi cuối tuần từ ngày 12-10.

Sau thành công của lần giải đầu tiên kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay với chiếc cúp thuộc về đội AA (Mỹ - Úc), Laurent Nguyễn Tâm và Lư Quốc Linh, hai người Pháp gốc Việt, quyết định tổ chức hai hạng thi đấu: nhóm B và nhóm A với gần 150 tay vợt đăng ký. 

Nguyễn Tâm cho biết: “Tôi và Linh rất mê quần vợt. Chúng tôi thích ra sân thi đấu và thích bầu không khí thân thiện xung quanh giải. Ở Việt Nam có rất nhiều hội nhóm chơi quần vợt. Chúng tôi muốn lập ra một hệ thống thi đấu cho phép tất cả những ai yêu thích quần vợt được thi đấu và xếp hạng giữa họ”.

Theo số liệu mà Linh nắm được, mỗi ngày tại Sài Gòn có khoảng 60.000 người xách vợt tennis ra sân.

Anh nhận xét: “Quần vợt có rất nhiều người chơi ở Việt Nam, và Sài Gòn là một trong những thành phố trên thế giới có nhiều sân chơi tính theo đầu người. Sân nằm rải rác, hiếm khi có cùng lúc hơn ba sân nhưng hiện diện ở mọi nơi trong thành phố, nằm lẫn khuất đâu đó. Các nhóm chơi không có sự liên kết, chỉ chơi trong nhóm của mình mà thôi”.

Sau lần tham dự một giải đấu giữa các nhóm vợt đại diện quốc gia của mình diễn ra mỗi năm một lần và chỉ trong một ngày duy nhất, Tâm và Linh nảy ra ý tưởng lập TFL.

“Chúng tôi rất thích gặp gỡ các cộng đồng khác nhau và thi đấu thường xuyên hơn với các tay vợt có hoàn cảnh như mình, những người cảm thấy hơi xa lạ ở Việt Nam và rất khó gặp người bản xứ để chơi quần vợt” - Linh nói thêm.

Giải TFL đầu tiên thu hút tám đội tham dự, tập trung theo từng quốc gia, dù đây không phải là nguyên tắc tuân thủ. Việc có nhiều đội quốc tịch khác nhau và cách vận hành của giải giúp TFL mang dáng dấp của Davis Cup.

“Nó gần như là Davis Cup khi các đội thi đấu hai trận đơn kéo dài một ván và hai trận đôi. Nếu tỉ số hòa, cặp đôi sẽ đánh thêm bàn super tie-break đến điểm 10” - Tâm giải thích.

Quốc Linh (trái) và Nguyễn Tâm - hai nhà tổ chức TFL - Ảnh: e.s.j.
Quốc Linh (trái) và Nguyễn Tâm - hai nhà tổ chức TFL - Ảnh: e.s.j.
Takumi Watanabe, 9 tuổi, sau trận thắng ngày 19-10 tại CLB Maya, quận 7 - Ảnh: e.s.j.
Takumi Watanabe, 9 tuổi, sau trận thắng ngày 19-10 tại CLB Maya, quận 7 - Ảnh: e.s.j.

Mở rộng để thu hút nhiều người chơi

Ở giải lần hai, TFL được tổ chức ở hai hạng để thu hút các tay vợt có trình độ khác nhau. Hai đội đứng đầu nhóm B sẽ thăng hạng A, và hai đội đứng chót ở nhóm A sẽ rớt hạng xuống nhóm B, tương tự Davis Cup.

Trong tương lai, các nhà tổ chức dự kiến có bốn hạng khác nhau để thu hút thật nhiều tay vợt tham gia.

“Giải tháng 3 năm sau sẽ có nhóm C và lần giải tiếp theo sẽ có nhóm D. Dần dần chúng tôi sẽ loại bớt thời gian nghỉ vì gần như sẽ luôn có một nhóm hạng thi đấu” - Linh, hiện là HLV quần vợt và có cơ sở đào tạo ở quận 2, giải thích. 

Ban tổ chức theo hình thức tự quản lo rất nhiều việc, từ thuê sân (tại City View hoặc CLB Maya, cũng quận 7), mua bóng cho đến ấn định giờ thi đấu sao cho tất cả đều hài lòng.

“Sau kinh nghiệm ở giải lần đầu, nay chúng tôi quản lý tốt hơn. Có rất nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi xoay xở được. Các tay vợt chỉ việc mang vợt ra sân và thi đấu” - Linh nói.

Phí đăng ký dự giải không quá đắt: 2,5 triệu đồng/đội cho suốt giải. Đội thắng nhóm B được 3 triệu đồng tiền thưởng và nhóm A nhận 8 triệu. Trong tương lai, các nhà tổ chức muốn giải thưởng cao hơn, nhiều nhà tài trợ hơn và nhiều tay vợt Việt Nam tham dự hơn dù giải khởi đầu mang tính quốc tế.

Các đội thi đấu theo tinh thần thể thao, tức không có trọng tài (chỉ trừ trận chung kết để tạo hình ảnh chuyên nghiệp hơn theo mong muốn của ban tổ chức). “Các tay vợt rất fair-play và nếu có nghi ngờ về điểm giao bóng thì đánh lại” - Linh nói.

Giải đang diễn ra gồm ba đội Nhật, hai đội Pháp, một đội Pháp - Việt, hai đội Mỹ - Úc, bốn đội Việt Nam có mặt Việt kiều, một đội trẻ dưới 15 tuổi của Học viện Vita cùng các đội có nhiều quốc tịch (Ấn Độ, Bỉ, Ý, Anh...).

Theo Linh, 30% số tay vợt là người Việt, 70% còn lại có phân nửa là gốc Việt. Các nhà tổ chức rất muốn thu hút các cộng đồng có đông tay vợt như Hàn Quốc, Đan Mạch hoặc quốc gia châu Âu khác.

Dù giải tổ chức cho các tay vợt đủ mọi trình độ nhưng khán giả yêu thích quần vợt có thể mãn nhãn với vài trận đấu của nhóm A. Ở lần giải đầu tiên có nhiều tay vợt là HLV và một tay vợt trong Top 10 Việt Nam. Thậm chí đội AA còn tuyển được một cựu tay vợt nhà nghề (Việt kiều Lê Minh).

Giải lần này có một trong những ngôi sao là Takumi Watanabe, mới 9 tuổi, thuộc đội Samurai của Nhật, đang là tay vợt Nhật số 1 ở lứa U-12.

Cuối tuần trước, cậu bé Watanabe với lối chơi rất giống Kei Nishikori đã đánh bại đối thủ người lớn của đội French Connection với tỉ số 6-3. Thi đấu rất nghiêm túc và chẳng chút e dè trước các đối thủ người lớn, Watanabe luôn nở nụ cười trẻ thơ khi giành chiến thắng.

Trong tương lai, TFL hướng đến mở rộng ra khỏi phạm vi Sài Gòn. Linh cho biết: “Phải chờ đến năm thứ ba vì chúng tôi chỉ mới bắt đầu và không thể đi quá nhanh. Chúng tôi từng nghĩ đến Hà Nội, nhưng có thể sẽ đơn giản hơn ở phía Nam với các thành phố có nhiều người chơi quần vợt như Cần Thơ”. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận