​Để bảo vệ chủ quyền và tự do hàng hải

TTCT - Từ tháng 5-2014, tức cùng thời điểm với vụ giàn khoan Hải Dương 981, báo chí Trung Quốc bắt đầu đưa tin về việc triển khai bồi đắp các thực thể tại quần đảo Trường Sa.

Đến nay, tháng 6-2015, sau hơn một năm, Trung Quốc đã và đang hoàn thành việc bồi đắp bãi Vành Khăn, Xu Bi, Tư Nghĩa, Gaven (nằm dưới mặt biển khi thủy triều cao) và đá Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma (cao hơn mặt biển khi thủy triều dâng). 

Ảnh: baoquocte.vn

 

Nước này đã xây dựng trái phép trên các thực thể được cải tạo đó nhiều cơ sở hạ tầng, bến cảng, hệ thống viễn thông, dân sự và quân sự. Các hình ảnh vệ tinh gần đây nhất cho thấy Trung Quốc đang hoàn thành đường băng dài 3km trên đá Chữ Thập.

So sánh mức độ xâm phạm

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. 

Việc bồi đắp các thực thể tại Trường Sa nghiêm trọng hơn rất nhiều, là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với các thực thể đó, đồng thời xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển lân cận.

Nên nhớ vào ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng đoạt ba bãi đá ở quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi đá Gạc Ma của Việt Nam. 

Trong cuộc chiến này, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã tử trận. Xây cất trên bãi đá Gạc Ma và các thực thể khác thuộc Trường Sa, nước này đang xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, với việc chiếm đóng bằng vũ lực và từ chối giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, cụ thể là Hiến chương Liên Hiệp Quốc (điều 33 và chương VI của Hiến chương) và Tuyên bố về nguyên tắc Luật quốc tế 1970 cho các quốc gia láng giềng.

Các bãi Vành Khăn, Xu Bi, Tư Nghĩa và Gaven nằm dưới mặt biển khi thủy triều cao nên việc Trung Quốc chiếm lấy và bồi đắp đi ngược lại UNCLOS 82. 

Ngoài ra, bãi Gaven nằm trong phạm vi 12 hải lý của đảo Nam Yết của Việt Nam, do đó việc Trung Quốc xây dựng trên đó xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

So sánh về mức độ nguy hiểm

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã tuyên bố thời hạn rút giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 8-2014. Giàn khoan nếu tồn tại sẽ là sự xâm phạm về kinh tế và quyền chủ quyền, tuy nhiên nó không/chưa thể là một kết cấu vững chắc và đe dọa về an ninh, quân sự. 

Cải tạo đá thành đảo và xây sân bay quân sự trên đó là một chuyện hoàn toàn khác. Vì ngoài việc củng cố sự xâm phạm của Trung Quốc tại các đảo chiếm đóng trái phép, với việc xây dựng hệ thống cầu cảng, sân bay quân sự tại đá Chữ Thập, Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của họ tại Trường Sa.

Nếu hoàn thành, hệ thống căn cứ của Trung Quốc tại Trường Sa, Hoàng Sa, kết nối với hạm đội tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu sân bay, các máy bay tác chiến tầm xa, tầm trung và tầm ngắn, hệ thống tên lửa thông thường và tên lửa chiến lược sẽ bao vây Việt Nam từ bắc xuống nam, từ đông sang tây.

Ngoài ra, việc cải tạo các bãi đá chìm hay nửa chìm nửa nổi làm thay đổi hoàn toàn điều kiện tự nhiên của các thực thể này, biến nó thành các đảo, ít nhất là đảo nhân tạo. 

Bằng cách cải tạo và đưa người lên sinh sống tại đó, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi đặc tính tự nhiên và pháp lý của các thực thể này, gây khó khăn, nếu không nói là không thể, cho việc giải quyết tranh chấp các thực thể sau đó bằng công pháp quốc tế. 

Và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dùng các đảo nhân tạo đó để yêu sách một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn, dần áp đặt trên thực tế yêu sách chữ U của họ trên Biển Đông.

Do đó việc cải tạo các bãi đá của Trung Quốc trên Biển Đông đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng về pháp lý, an ninh, chính trị đối với Việt Nam nói riêng, rộng hơn là các nước trong khu vực và thế giới.

Chủ quyền là tự do hàng hải 

Sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã tiến hành ngăn cản và thực hiện công việc thực thi pháp luật trên vùng biển của mình. 

Tháng 5-2014, Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế, đưa phóng viên quốc tế ra tiếp cận hiện trường. Một làn sóng phản đối Trung Quốc đã lan ra trên thế giới. 

Suốt thời gian diễn ra sự kiện này, người Việt trong nước và khắp nơi đã tổ chức, tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc.

Trước sự xâm phạm nghiêm trọng lần này, Việt Nam cần tiến hành những hình thức phản đối mạnh mẽ hơn nữa về ngoại giao, đồng thời phải có chiến dịch vận động sự ủng hộ và can dự của quốc tế một cách rõ ràng.

Khác với vụ Hải Dương 981, các hoạt động lần này của Trung Quốc ngoài việc xâm phạm Việt Nam còn ảnh hưởng đến an ninh và tự do hàng hải của cả thế giới. 

Việt Nam nên lên án mạnh mẽ và dứt khoát các hoạt động này của Trung Quốc tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN hay Liên Hiệp Quốc, giống như Việt Nam đã làm trong thời gian diễn ra vụ giàn khoan Hải Dương 981.

Chúng ta cũng cần ủng hộ mạnh mẽ chính sách và tạo điều kiện cho các quốc gia khác trong khu vực và thế giới trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, một mặt nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, mặt khác góp phần bảo vệ quyền tự do hàng hải và công lý trên Biển Đông - điều mà cả thế giới quan tâm.

(*) Quỹ nghiên cứu Biển Đông

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận