Để đừng ôm bụng chạy trong dịp tết

TUYẾT HOA 30/01/2013 02:01 GMT+7

TTCT - Đầu năm hai vị bộ trưởng vi hành ra tận chợ để kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Tivi và các báo ra rả chuyện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chuyện ngộ độc xảy ra hằng ngày, hô hào kiểm tra năm nào cũng giống nhau rồi đâu lại vào đó.

Đã có hàng loạt vụ ngộ độc thức ăn được báo cáo do thực phẩm thiếu an toàn mà thừa độc chất hoặc vi sinh gây bệnh. Mới đây nhất, lại trò phù phép biến thịt heo bẩn thành nai, lạc đà, nhím... xuất hiện ở TP.HCM.

Mỹ là một trong những nước có nguồn cung ứng thực phẩm được xem là an toàn nhất thế giới. Vậy mà cách đây không lâu, một nhà máy sản xuất bơ đậu phộng Sunland Inc. ở New Mexico đã bị buộc phải đóng cửa vì nhiều lần vi phạm sản xuất bơ đậu phộng nhiễm salmonella làm 42 người tính trên cả nước phải nhập viện. Đầu năm 2013, ngay trong tuần đầu tiên, Mỹ đã thông qua dự thảo điều luật hiện đại hóa ATVSTP.

Trong điều luật này, không chỉ dừng lại ở mức yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm phản ứng nhanh và hiệu quả khi dịch bùng nổ, mà phải tích cực để ngăn chặn những bệnh do thực phẩm gây ra trước khi chúng khởi phát. Nói cách khác cần truy tìm nguồn gốc thực phẩm và hành động thích hợp để đạt hiệu quả.

Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), ngăn chặn trước khi thực phẩm kém an toàn đến với dân là hoạt động chính về an toàn thực phẩm trong thế kỷ 21. Những quy định mới này là những cải cách đầu tiên về ATVSTP trong hơn 70 năm qua của Mỹ, nêu ra những thiếu sót trong sản xuất và quy trình chế biến thực phẩm đã khiến gần 130.000 người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm nhập viện và 3.000 người tử vong.

Những quy chuẩn không chỉ cho người nuôi trồng, nhà sản xuất mà cả cho các nhà nhập khẩu thực phẩm rất cần được rõ ràng. Áp dụng tiêu chuẩn chặt chẽ hơn cho những thực phẩm tươi sống về tăng trưởng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản rau củ quả. Gia tăng giám sát khâu vệ sinh khi trồng và rửa sản phẩm, đảm bảo vệ sinh cho công nhân, tính sạch của chất tăng trưởng đất đai, phân bón.

Các biện pháp nhằm tăng cường theo dõi, giám sát và triển khai cần xác định cụ thể. Điều này đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên trách từ trung ương đến địa phương, với sự phối hợp liên ngành (quản lý thị trường, công an kinh tế, y tế, thú y, nông nghiệp - phát triển nông thôn).

Đối với thực phẩm được nhập khẩu, giới hữu quan hơn ai hết cần nắm rõ nguồn gốc, chiếm bao nhiêu phần trăm trong số thực phẩm được tiêu dùng, đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ rõ ràng đối với thực phẩm nuôi trồng và chế biến ở nước ngoài. Bài học từ Mỹ cho thấy đa số vụ dịch xảy ra có liên quan đến nguồn thực phẩm nhập từ châu Á. Trứng gà và gà nhập lậu, trái cây tẩm hóa chất từ biên giới phía Bắc “xâm thực” chúng ta và còn gì nữa trong tương lai đã và sẽ luôn dấy lên mối lo ngại lớn.

Dù quản lý thị trường khu vực biên giới làm việc tích cực ngày đêm nhưng e rằng lực lượng mỏng, sự hám lợi của một số đầu nậu, những biện pháp tích cực hơn (như tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, công bố rộng rãi tên những đơn vị vi phạm) cần được nghiên cứu và triển khai. Ngay cả thực phẩm dành cho động vật và gia cầm cũng cần đề xuất một số quy định để ngăn sự ô nhiễm và bệnh tật. Thế giới ngày càng “phẳng”, thực phẩm nhập khẩu chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng.

Hệ thống thống kê về ATVSTP cần được hoàn chỉnh, phân tích để đánh giá về bệnh và dịch do thực phẩm trong nước và nhập khẩu gây ra. Song song với nâng cao kiến thức người dân bằng chương trình truyền thông giáo dục trên các phương tiện đại chúng, khuyến cáo không sử dụng thực phẩm chưa rõ nguồn gốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận