Để nhân loại sống trong khu vườn chơi

NGUYỄN NGUYÊN THẢO 06/09/2011 20:09 GMT+7

TTCT - Chúng ta đang sống trong một vườn thú người, đô thị là những chiếc cũi chật chội và thế giới người ta là một siêu bầy đàn.

Quan điểm của Desmond Morris thông qua Vườn thú người (*) có thể gây sốc với nhiều người, nhất là với những ai ưa huyền thoại hóa câu chuyện tiến hóa của loài người tinh khôn (homosapiens) và đặc tính xã hội văn minh của nó.

Phóng to

Mệt mỏi với chen chúc, áp lực căng thẳng, chúng ta thường ta thán rằng thành phố chẳng khác gì một khu rừng rậm bêtông. Nhưng, ngay từ đầu sách, Desmond Morris phản bác những lời ta thán đó. Ông cho rằng nói rừng rậm bêtông là sang trọng hoa mỹ quá, mà phải nói rằng đô thị là những “vườn thú người” đúng nghĩa. Vì con người đô thị hành xử với nhau giống những con thú bị nhốt trong cũi hơn là loài thú trong điều kiện tự nhiên hoang dã.

Ông viết: “Trong các điều kiện bình thường, ở môi trường tự nhiên của chúng, động vật hoang dã không tự làm tổn thương bản thân, không thủ dâm và không tấn công chính con của chúng, không phát triển các vết loét dạ dày, không trở thành những kẻ ái vật, không bị béo phì, không hình thành các cặp đôi đồng tính luyến ái, hoặc không giết hại đồng loại. Trong số các cư dân đô thị, thực quá rõ ràng, những hành động đó đều xảy ra... Các động vật khác cũng cư xử theo những cách thức tương tự trong những hoàn cảnh nhất định, đó là khi chúng bị giam hãm trong các điều kiện sống giam cầm không tự nhiên”.

Vấn đề là với trí óc xuất chúng của mình, con người đã rời xa tự nhiên để chọn lấy văn minh, một cuộc quay lưng không ngày trở lại, từ đó “đã tự nhốt mình vào trong một bầy thú nuôi nhốt khổng lồ luôn hoạt động không ngừng nghỉ, nơi nó có nguy cơ bị tổn hại do căng thẳng”. Văn minh đô thị con người phát triển trong kiêu hãnh lẫn đớn đau. Vậy trong cái vườn thú, đô thị, trong những “siêu bầy đàn” của mình, con người đang đối diện với những thực tế nào?

Với bảy chương sách, Desmond Morris soi sáng những góc khuất của những siêu bầy đàn với một nhãn quan vừa hài hước vừa sắc sảo. Trong đó, chương nói về nguyên nhân và bản chất của các cuộc chiến tranh, ông giúp người đọc hiểu hơn về hoan lạc và sự hai mặt của giết chóc. Chiến tranh, hay tìm cho bầy đàn một kẻ thù, có khi là phương thức thích hợp để một bạo chúa được yêu mến, hàn gắn những trục trặc nội bộ trong bầy đàn mình.

“Không gì có thể ràng buộc các liên kết đội nhóm chặt chẽ hơn mối đe dọa ngoại nhóm” - ông viết. Chiến tranh vừa là phương cách mở rộng siêu bầy đàn trong bản năng thống trị, say mê giết chóc vô bờ bến.

Dành một chương trong sách nói về sự sáng tạo - cũng là chương cuối sách - để trả lời câu hỏi: Vậy làm sao con người có thể sống yên ổn trong những siêu bầy đàn của mình?

Chỉ khi được giải phóng năng lượng sáng tạo, con người mới nâng mình lên trên những “căn bệnh” khiến siêu bầy đàn bất ổn và giúp cộng đồng thoát khỏi sự đơn điệu, đồng nhất. Chỉ có khuyến khích tự do sáng tạo và phát triển vai trò cá nhân thì những con vật người mới tự đưa mình ra khỏi những “nhà thương điên”, thay vào đó, biến “vườn thú người” thành “khu vườn chơi” thật sự.

Đọc thật chậm từng chương sách giàu bản lĩnh khoa học, được viết rất hóm hỉnh này, sẽ thấy sáng sủa hơn trong cách nhìn những hiện tượng xã hội hiện tại, đồng thời nắm bắt sâu sắc hơn mối tương quan bản thân với cộng đồng.

“Khi viết cuốn sách này vào cuối thập niên 1960, tôi chỉ vừa mới kết thúc vai trò phụ trách vườn thú kéo dài gần một thập niên. Việc nghiên cứu các triệu chứng stress và căng thẳng của động vật bị giam trong cũi nhỏ đã gợi cho tôi ý tưởng đề xuất một sự tương đồng giữa vườn thú của các con vật và thành phố của con người. Tôi đã coi tù nhân bị giam cầm trong vườn thú như là ẩn dụ đầy ấn tượng cho các công dân căng thẳng mà tôi gặp trong cuộc sống hằng ngày”.

__________

(*): Vườn thú người, Desmond Morris, Vương Ngân Hà dịch, Nhã Nam & NXB Dân Trí, 2011).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận