Đêm rừng xanh

TTCT - Tôi chuẩn bị một ít quần áo, vài vật dụng cá nhân cần thiết, tất cả cho vào một chiếc balô chuẩn bị lên đường. Núi Đông Ngộ không quá cao nhưng là một nơi kỳ bí.

Tôi bảo Diệu và Thành mang hai con dao to, một ít thuốc men, lương thực, túi ngủ, đèn pin... Tất cả đều được chuẩn bị kỹ càng để khám phá những bí mật bấy lâu nay chúng tôi chưa giải thích được.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Dưới núi Đông Ngộ là suối Hoang. Con suối năm nào cũng cướp đi vài mạng người vào mùa lũ. Có năm, một cô văn công xinh đẹp đã chết ở dưới suối không tìm thấy xác, cô gái bị kéo xuống cái xoáy nước sâu, bốn mùa xanh thăm thẳm. Những thợ lặn tài ba nhất quần đảo mấy ngày liền cũng không tìm được tung tích.

Suối Hoang bắt nguồn từ trong núi Đông Ngộ. Ban đầu chỉ là những cái khe chảy róc rách nhưng vừa ra khỏi rừng nước đã hung dữ và có những vực sâu thăm thẳm. Từ lâu, suối Hoang và núi Đông Ngộ đã nổi tiếng vì những câu chuyện hoang đường, hư thật lẫn lộn.

Trên núi thỉnh thoảng buổi đêm lại xuất hiện những đốm lửa kỳ lạ. Người trong vùng đồn thổi, thêu dệt những chuyện kỳ lạ, vài người săn thú trong núi cố công tìm kiếm nhưng đều không tìm thấy gì. Một số bị thương do rắn cắn, sốt rét hay đá rơi vào đầu, về nhà thường nói lảm nhảm những điều không đâu. Người quanh vùng ít ai ở lại núi vào ban đêm.

Chúng tôi có ba người tham gia cuộc hành trình này. Diệu bác sĩ, Thành kỹ sư cơ khí và tôi, giáo viên lịch sử.

Hành trình bắt đầu từ một khe nước nhỏ chảy vào suối Hoang. Thành cho rằng có một sự liên hệ nào đó từ những dòng nước chảy róc rách với những đốm lửa trên núi vì những hôm suối Hoang chảy dữ dội thì những đốm lửa bùng lên dữ dội hơn thường ngày. Hôm cô văn công bị nước hút, lửa bập bùng trên núi gần như suốt đêm. Chúng tôi men theo một khe nước nhỏ, nước chảy ra từ các mạch ngầm trong đất, trong vắt và lạnh ngắt, không có tôm, cá nào sống trong dòng nước. Diệu bảo: “Không có sinh vật sống chứng tỏ nước bị nhiễm độc, mọi người không ai được uống”.

Chúng tôi đi gần một ngày vòng vo trên núi nhưng chưa tìm thấy gì. Diệu bảo phải kiên nhẫn vì những đốm lửa chỉ xuất hiện vào ban đêm, buổi tối mới là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc hành trình. Tôi và Thành tranh thủ trời chưa tối cầm dao phát một khoảng đất to bằng hai cái chiếu để chuẩn bị chỗ ngủ đêm. Chúng tôi có túi ngủ nhưng quyết định sẽ căng bạt và đốt lửa để ngủ, đề phòng những bất trắc. Diệu khi đó sẽ chuẩn bị bữa tối bằng đồ hộp cho cả bọn.

Chúng tôi ăn tối vào khoảng sáu giờ. Giữa rừng, sáu giờ chiều trời đã sâm sẩm tối. Tiếng một loài chim gì đó kêu rất to, mặt đất nổi lên những tiếng âm u của côn trùng sống ẩn dưới mặt lá khô. Diệu thính tai nhất, cô nghiêng vành tai sang bên trái, bên phải rồi bảo chúng tôi: “Có cái gì sột soạt như tiếng người đi, hai cậu có nghe thấy gì không?”. Tôi và Thành căng tai lên nhưng chẳng nghe thấy gì cả. Thành bảo chỉ khéo tưởng tượng thôi, chẳng nghe thấy gì hết.

Diệu lắng nghe thêm một lát nữa, cô nhắm mắt để tập trung. Một chốc, Diệu thì thầm: “Tớ tập trung cao độ, rõ ràng là có tiếng sột soạt, rất nhẹ thôi. Nghe thấy cả tiếng vạch qua những lá cây. Nhất định là có người hoặc một cái gì đó”. Tôi và Thành nhìn nhau, chúng tôi chẳng nghe thấy âm thanh nào cả.

Tôi trấn an: “Có lẽ tiếng một con thú rừng nào đấy đi ăn đêm. Rừng này hết thú dữ rồi nhưng chúng ta vẫn phải cẩn thận, cời đám lửa to lên”. Tôi và Thành mỗi người một con dao lớn. Diệu cầm con dao gọt hoa quả. Tất cả dựa lưng vào nhau chuẩn bị hành động.

Im lặng một chốc, ngay cả Diệu cũng không nghe thấy tiếng động nữa. Chỉ còn tiếng côn trùng kêu ra rả trong đêm tối. Tôi không quen với những âm thanh côn trùng phát ra, nhiều năm sống ở thành phố chúng tôi không nghe những âm thanh như thế này. Nay bỗng nghe những tiếng rầu rĩ trong đêm tối, một cảm giác thân quen, chập chờn như những ký ức từ mười mấy năm về trước dội về.

Trong âm thanh như thế này khó mà ngủ được. Chúng tôi phải đề phòng thú rừng, đề phòng cái tiếng sột soạt mà Diệu nghe được, tất cả cảnh giác cao độ. Tất cả chờ đợi cái đốm lửa trên núi xuất hiện. Khi đi ai nấy đều quyết tâm nhưng giờ đây, tuy không nói cảm giác của mình, chúng tôi đều cảm thấy cái gì đó gai gai sống lưng. Cảm giác giống như khi còn bé phải đi qua một cánh đồng rộng bát ngát vào chập tối mà không gặp một người nào.

Cả ba đều yên lặng, căng tai, căng mắt nhìn trong đêm tối. Một âm thanh đâu đó đều đều dội về, âm thanh khi gần, khi xa nhưng nghe khá rõ. Chúng tôi tập trung lắng nghe xem đó là âm thanh gì. Thành bảo: “Các cậu nghe thấy không, âm thanh rất đều đặn, nghe như tiếng khóc”. Diệu quờ ngay lấy tay tôi siết chặt, ừ nghe như tiếng người đấy, nhưng mà ai đấy nhỉ, mà sao âm thanh lại khi xa khi gần.

Một cảm giác âm u bao trùm, âm thanh nghe như tiếng hát buồn nhưng rất quen thuộc. Hình như chúng tôi đã nghe những âm thanh này từ đâu đó, đã lâu rồi. Âm thanh như vọng ra từ mặt đất, luồn lách giữa những lùm cây, bay trên trời cao rồi hạ xuống mặt đất. Âm thanh như từ quá khứ dội về. Âm thanh dai dẳng, day dứt, bám riết chúng tôi. Ai đó đều đờ ra, dựa lưng vào nhau mà nhìn ra tám hướng, mồ hôi đầm đìa.

Cứ như thế này thì không ai ngủ được. Chúng tôi linh cảm một điều gì đó sắp xảy ra ở đây, ngay trên khoảng đất rừng mà chúng tôi mới phát quang chiều nay. Ai đó chuẩn bị nhen những đốm lửa bí ẩn trên núi Đông Ngộ, ai sẽ làm điều đó và chúng tôi được chứng kiến điều gì. Chúng tôi cố giữ cho đầu óc thật minh mẫn để sẵn sàng đối phó những điều bất trắc nhất có thể xảy ra. Chúng tôi dựa vào nhau, mắt nhìn thẳng phía trước, cố gắng phát hiện ra những điều nhỏ nhất trong đêm tối đại ngàn.

Âm thanh lạ về khuya càng rõ hơn. Âm thanh như tiến gần sát chúng tôi. Diệu bấu chặt vào tay tôi. Có cảm giác những móng tay của Diệu đã xuyên vào da thịt tôi, nhưng cảm giác của tôi là thứ âm thanh lạ lùng kia chứ không phải sự đau đớn trong da thịt. Tôi nhìn đồng hồ, mười hai giờ bốn mươi lăm phút. Giờ này, nếu ở thành phố thì tất cả chúng tôi đã ngon giấc rồi, còn ở đây tôi vẫn lăm lăm con dao trong tay. Tôi cố giữ cho mình thật tỉnh táo để chờ đợi những bí ẩn xuất hiện mà chúng tôi đã quyết khám phá khi lên núi Đông Ngộ.

Cả ba vẫn tỉnh táo, mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Rừng xanh không có thêm một tiếng động nào, tiếng côn trùng nhạt đi trong đêm vắng. Bỗng có một vật màu trắng xoẹt qua trước mắt. Một cánh tay tóm lấy tôi, kéo tôi bay lên. Nhanh quá, tôi ú ớ trong miệng gọi Diệu và Thành nhưng không được, cũng không thấy họ có phản ứng gì.

Tôi bị nhấc bổng qua những lùm cây, con dao cũng tuột ra từ lúc nào không biết. Tôi cố sức gạt đám sương mờ mờ che trước mắt để nhìn xem cánh tay đang kéo tôi đi đâu. Không nhìn thấy rõ ràng, lờ mờ đó là một người đàn bà. Tôi cũng không tài nào giãy ra được, tôi bị kéo phăng phăng đi. Mùi thơm của son phấn, mùi của đàn bà nhưng đó là mùi của thứ son phấn cũ kỹ để lâu ngày.

Tôi ướt sũng. Tôi đang đứng giữa suối Hoang. Xung quanh toàn trẻ con, có cả Diệu và Thành đang tắm truồng. Tôi gọi to nhưng không ai trả lời cả. Tất cả trẻ con đang tắm, như trong một vở kịch câm, nô đùa, té nước vào nhau nhưng không có một âm thanh nào. Tôi chìm người xuống, nước chỉ ngang lưng. Ngày còn bé, tôi không bao giờ dám đứng ở chỗ này vì nước sâu và sợ mấy cái xoáy nước.

Một người đàn bà quay lưng trần về tôi, da trắng nhưng cách búi tóc thì có vẻ không hợp kiểu bây giờ. Ai thế nhỉ, trông dáng quen quen, tại sao lại có toàn trẻ con, chỉ có tôi và người đàn bà kia là người lớn. Tôi cố nhìn cho rõ, người đàn bà để trần, chỗ ngang eo xuống hông quấn một cái khăn tắm cỡ trung bình. Tôi nhìn xuống cơ thể mình, tôi đang mặc đồ tắm, đúng hơn chỉ độc một cái quần đùi. Tôi định hỏi thì người ấy quay lại.

Tôi kêu lên vì nhận ra chính người ấy có cánh tay đã kéo tôi khi nãy. Chị văn công năm nào. Trước mặt tôi là chị văn công xinh đẹp, đôi mắt người đàn bà nhìn tôi như thôi miên. Đã bao nhiêu năm, chị bị hút xuống cái xoáy sâu, sao giờ này lại đứng trước mắt tôi, ngực trần mà không xấu hổ gì cả. Tôi lặng đi vài phút nhìn cái cơ thể phụ nữ trắng ngần trước mặt. Mắt tôi nhòa đi.

Chị có phải là chị văn công năm xưa? Tôi lấy bình tĩnh hỏi người đàn bà. Người đàn bà không trả lời, chỉ thấy một thứ âm thanh rì rầm như tôi đã nghe khi ở trên núi.

Tôi như người mộng du lạc vào đáy ngầm của suối Hoang. Tôi nghe âm thanh như gió thoảng qua tai. Cảm giác giống như mười mấy năm về trước gợi trong trí óc. Tôi giữ cho chân đứng vững, trước mặt tôi là chị văn công của mười lăm năm về trước. Một phút định thần, tôi đã định hình được giây phút của quá khứ. Tôi đang đối mặt với quá khứ, với chị văn công hơn mười năm về trước.

Tôi run lên vì những hôm đi rừng đã bậy xuống suối Hoang, nước suối đã gần cạn kiệt, không còn xanh thẳm như trước nữa. Trước mặt tôi vẫn chị văn công và lũ trẻ con câm. Tôi tự trấn tĩnh mình và ý thức nhiệm vụ hiện tại. Tôi định hỏi người đàn bà về những đốm lửa thì người đàn bà đã đưa cánh tay trắng muốt kéo lấy tôi bay lên khỏi suối Hoang. Bọn trẻ con đang tắm ngơ ngác nhìn theo chúng tôi, cả Diệu và Thành cũng nhìn theo nhưng không có phản ứng gì.

Tôi rơi phịch xuống khoảng đất trống giữa rừng, vẫn dựa lưng vào Diệu và Thành. Cậu đi tắm ở dưới suối à? Thành trố mắt nhìn tôi. Mộng du à, từ đêm đến giờ chúng ta vẫn ngồi đây. Ai đi tắm suối vào cái giờ này. Lửa tắt hết rồi, chúng ta đã ngủ quên. Chưa thấy đám lửa nào hết. Tôi cựa người, thấy mình vẫn ở trên mặt đất. Tôi kể cho Diệu và Thành nghe về cánh tay kéo tôi bay khỏi rừng thế nào. Diệu bảo: “Có lẽ cậu suy nghĩ nhiều quá, nói lung tung rồi”.

Tôi chạm vào bắp tay, có vết xước đau. Đó là vết bấm của Diệu hay của người đàn bà kia, tôi không biết. Nhìn đồng hồ, mới hai giờ mười lăm phút sáng, chúng ta đến đây để khám phá, không có gì phải sợ. Nếu cứ ngồi đây thì bao giờ mới tìm thấy những đốm lửa kia. Chúng ta chia nhau ra mà tìm, Diệu đi với Thành. Còn tôi, tôi đi một mình. Nhớ đừng tắt điện thoại di động, có gì thì gọi cho nhau. Diệu và Thành định phản đối nhưng thấy thái độ cương quyết của tôi họ miễn cưỡng đồng ý.

Trong rừng cũng không khó đi lắm, trăng sáng lờ mờ. Cây cối không quá rậm. Tôi vạch qua những cây bụi mà đi, đèn pin sáng lờ mờ. Đi mò trong đêm tối, tôi mới nhận ra rằng núi Đông Ngộ đã không còn những thân cây cao lớn, dây leo chằng chịt. Mười mấy năm trước có đi vào rừng vào ban ngày như thế này chắc chắn tôi phải gỡ từng cái dây mà đi.

Tôi không xác định phương hướng, cứ đi theo linh cảm, dò dẫm từng bước, tự nhiên cảm thấy tự tin kỳ lạ, dường như có cảm giác ngay trước mắt tôi là những đốm lửa chập chờn. Gặp những đốm lửa ấy tôi sẽ khám phá ra bí mật của núi Đông Ngộ và những dòng nước lạnh chảy xuống suối Hoang.

Tôi đi ước chừng được một giờ trong đêm tối thì nghe thấy tiếng nổ lách tách phía mạn tây. Tiếng lách tách lửa cháy. Căng mắt quan sát và nghe ngóng, đám lửa ấy cách tôi một đoạn khá xa, có vẻ lửa sắp tàn vì tiếng củi nổ lép bép nhỏ dần.

Tôi không còn run nữa. Cảm giác lạ với người đàn bà khiến tôi định hình lại. Tôi đang đi về không gian, thời gian của nhiều năm trước đó, những lối mòn tôi đã đi trong tuổi thơ của mình. Núi Đông Ngộ rậm rì, cây cao, cây thấp mọc lòa xòa, suối Hoang nước trong văn vắt và buổi chiều vô khối trẻ con và người lớn tắm, không có cảm giác rợn ngợp của dòng suối sắp khô kiệt, hủy hoại như bây giờ.

Trước mặt tôi là khối đen thăm thẳm, tôi hướng theo tiếng nổ lách tách của đám lửa khi trước. Trăng đã chui vào mây, lộ ra một quầng sáng nhờ nhờ. Một dáng người ngồi thu lu phía trước mặt tôi, cách quãng độ mươi bước chân. Tôi lùi lại, ai ngồi trong rừng vào cái giờ này. Không chạy được nữa rồi, tôi phút chốc mất hết tự tin và ngồi thụp xuống quan sát cái hình thù trước mắt.

Hình người đó rất giống ông nội tôi. Sao ông lại ngồi đây giữa rừng già. Ông ơi, ông đừng dọa cháu, cháu chỉ đi tìm những đốm lửa thôi. Bàn tay ông chạm vào má tôi lạnh toát. Ông đi rừng nhiều năm ở núi Đông Ngộ, mang về bao nhiêu là gỗ để xây nhà cho bố tôi. Có hôm tôi thấy vai ông rớm máu, tôi hỏi máu ở đâu ra. Ông cười bảo máu của cây rừng đấy. Trời ơi, dòng máu ấy đang chảy trên má tôi bây giờ, ông ơi, bỏ cháu ra.

Tôi chạy thục mạng lên phía trước, suýt đâm phải một khối trắng trắng trước mặt. Khối trắng ấy là một tảng đá cuội nhô ra từ một khe nước cạn. Tôi đưa tay sờ lên má mình, khi thụp xuống tôi đã bị một cành gai đâm vào má, thấy ướt ướt.

Tôi tìm trong túi chiếc băng y tế dán vết thương. Tảng đá cuội khiến tôi tưởng nhầm là ông mình, khỉ thật, sao nhát thế.

Chỉ một đoạn nữa là đến chỗ đám lửa, tôi nhìn thấy một vệt lửa hồng trước mặt. Thận trọng một chút, tôi sờ con dao đeo bên mình bằng dây dù xanh. Tiếng lép bép của cành cây cháy, nhỏ nhưng đã nghe rõ hơn. Đây sẽ là giây phút tôi phát hiện ra bí mật của núi Đông Ngộ.

Không chỉ có tiếng lửa cháy, có cả tiếng rì rầm giống như tiếng ban chiều chúng tôi đã nghe được. Âm thanh không còn khi gần, khi xa, mà đều đều, rất rõ. Âm thanh như vọng từ quá khứ đưa về, thức tỉnh những sâu thẳm nhất trong tiềm thức, hòa lẫn tiếng trẻ nô đùa.

Tôi căng tinh lực ra nghe ngóng, đất dưới chân hơi dốc. Hình như phía dưới là một khoảng đất thấp vì sau mấy cú đạp chân, có cảm giác mặt đất thấp dần. Tôi lặng người vì nghe thấy âm thanh ở sát ngay mình, âm thanh từ con suối Hoang. Tiếng rì rào nhỏ to là khi dòng suối chảy qua những mỏm đá chắn ngang hoặc dòng nước đi qua những đoạn thấp nhiều đá cuội, mặt nước nông choèn.

Tiếng suối chảy khiến tôi ngỡ ngàng. Đã bao năm tôi không ngâm mình trong suối mát và tiếng trẻ, tiếng nước suối ban nãy là âm thanh dòng nước mát vọng về từ ký ức tuổi thơ. Suối Hoang không phải là con suối nữa, là một con người, âm thanh rờn rợn là thứ âm thanh của người đang hấp hối phát ra, chẳng bao lâu nó sẽ không còn là suối nữa và tiếng khóc của rừng già bị tàn phá khô kiệt. Nhờ nhờ trong đáy suối là những con mẩu thân cây giãy giụa, quằn quại. Tôi nhớ tới chị văn công ngực trần cố đẩy những cục phân bò, lông gà...

Tôi đứng bên cạnh đống lửa, không có ai ở đó cả. Vừa có người mới ở đây, ai đã nhóm lửa trong rừng vào giữa đêm khuya? Hay chính chị văn công đã lên bờ đốt lửa, hay thân xác chị đã trôi về một nơi nào đó tận hạ nguồn của một dòng sông lớn hơn. Một cái gì nóng bỏng dưới chân, ai đó châm lửa vào tôi rát buốt. Một hòn than cháy ra rìa cỏ, bén vào giày vải, chân tôi đau buốt vì bỏng.

Tôi gọi điện cho Diệu và Thành: “Các cậu đến ngay đây, mình tìm ra đám lửa, đoạn qua mấy ghềnh đá suối và đã thấy bí mật của lửa...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận