“Di cư - Đó là cái chết lâm sàng”

PHAN XUÂN LOAN 28/02/2020 03:02 GMT+7

TTCT - Dina Rubina - một trong những nhà văn được yêu thích và đọc nhiều nhất nước Nga (tổng bản sách được in của bà chỉ ở Nhà xuất bản Eksmo đã lên tới 10 triệu bản), sống cách xa quê hương mình đã 30 năm, trả lời phỏng vấn Alena Kork trên tạp chí Phóng Viên Nga (27-1- 2020) về bi kịch di cư của con người hiện đại... TTCT trích đăng và giới thiệu cùng các bạn.

 

 Dina Rubina. Ảnh Russian Reporter

CHẤT NGÔN NGỮ NGA

Gần 30 năm bà sống ở Israel và hầu như mỗi năm đều đến nước Nga. Để làm gì?

Thứ nhất, vì chất ngôn ngữ Nga. Đó là một đại dương hùng mạnh mà ngày nay đổ vào đó những con suối của những phát thải ác mộng từ tiếng Anh và tiếng lóng xấu xí trên Internet. Thế nhưng đó là đại dương liên tục được rửa sạch, đổi mới, vang lên đa âm..., điều rất quan trọng cho cái tai nhà văn.

Còn thứ hai?

Đó là công việc của tôi. Nhiều năm trước, tôi đã trở lại nước Nga với những cuốn sách của mình - và lạy Chúa, nếu không chắc tôi đã chết. Định cư ở Israel năm 1990, một lúc nào đó tôi đã không viết được. Hình như tôi rơi vào tình trạng chấn động của một sự sụp đổ toàn diện: sụp đổ ánh sáng, trực giác, cảm xúc, thị giác, âm thanh. Bởi ngay cả tiếng rền của đám đông, một đám đông mà bạn hiểu, cũng là chất liệu ảnh hưởng lớn tới nhận thức của nhà văn. Nhưng dần dần đã trở lại với tôi thị giác, thính giác, cảm giác... Bạn có hiểu, tôi muốn nói đơn giản là những công cụ của nhà văn không? Và tôi lại dần làm việc.

Năm 1993, tạp chí Thế Giới Mới in truyện vừa của tôi Bên cổng thành của bạn, tác phẩm đầu tiên tôi viết ở nước ngoài. Khi đó xuất hiện một cơ hội bất ngờ tới nước Nga, dù thật đột ngột, bởi trong không gian Nga tôi như một người không hộ chiếu, tức không có quyền hạn gì. Sự hiện diện ở đây như một giấc mơ kỳ lạ... Bởi vì bay sang hành tinh khác vào năm 1990, chúng tôi đã trả lại hộ chiếu, quốc tịch, căn hộ. Chúng tôi ra đi vĩnh viễn. Và bất thình lình, con tàu vũ trụ bay vào hư không đã quay trở lại!

Nói chung, bất ngờ tôi lại ở nước Nga vào năm 1993, đến dự hội chợ sách ở VDNKH (1) trong thành phần các nhà văn và nhà xuất bản Israel. Đó là một nước Nga rất không dễ chịu.

 Những truyện ngắn đầu tay của Dina Rubina được in trên tạp chí Thanh Niên từ khi bà còn là lớp trưởng trung học. 24 tuổi, bà trở thành hội viên Hội Nhà văn Liên Xô và tiếp tục sáng tác bằng tiếng Nga đến nay, dù đã định cư ở Israel từ năm 1990.

Bần cùng, đói khát?

Vấn đề không phải ở đó. Tôi không bao giờ sợ sự bần cùng, và chúng tôi ra đi không phải vì nó. Đó là nước Nga ảm đạm, khắc nghiệt, hung hăng, tiền cách mạng, chảy òng ọc sự bất mãn, mệt mỏi, sự kiệt sức của người dân. 

Nhưng tôi đã đến với một hội chợ sách, tức đất nước đã bắt đầu hướng về phía ánh sáng, trong nó đã xuất hiện những tiền đề của một nước Nga khác. Và điều đó rất thú vị.

Bà thấy nước Nga hiện nay thế nào?

Từ đó đến nay đã nhiều năm trôi qua, đất nước đã trải qua vài giai đoạn, giữa nước Nga đó và nước Nga ngày nay là một nước Nga hấp dẫn và lôi cuốn đầu thập niên 2000, nước Nga của hi vọng...

Tuy nhiên, tôi là người dân một quốc gia khác, và trong những diễn ngôn của mình, có thể nói thế này: tôi là người gọn gàng trong những phát biểu của mình, không thể ăn to nói lớn về một đất nước mà ngày nay tôi chỉ gặp qua những cuộc đột kích vài ngày. Có gì đó tôi thích: như Moskva hoàn toàn lộng lẫy chiếu sáng, và cả Saint Petersburg cũng bắt đầu tốt lên, mặc dù lẽ ra nó phải lấp lánh hơn bởi đó là kho báu quốc gia Nga. 

Và sau đó, tôi thích khi những cô cậu bé 13, 15 tuổi, hóa ra có đọc sách của tôi, đến gặp tôi trong những lần tôi phát biểu ở đây. Đó là một cảm nhận hoàn toàn khác, không giống như trong thời gian lưu diễn dọc Hoa Kỳ hay nước Đức. Ở đó, công chúng thường là trung niên hoặc đã lớn tuổi. 

Trẻ em, được đưa từ nước Nga sang các nước khác, đã chuyển sang nói ngôn ngữ của đất nước nơi chúng tồn tại, trưởng thành và học tập. Đó là tính năng động của cuộc sống. Chúng đã không còn phụ thuộc vào những quyển sách của mẹ, khác với giới trẻ ở Nga.

 Một cặp đôi đọc sách ở Saint Petersburg (Ảnh: LSE Blogs)

Bà bảo chắc đã chết nếu không trở lại với văn học.

Không hẳn tôi ngừng viết trong những năm đầu di dân - nếu thế cũng giống như tôi ngưng thở. Tôi đã viết, dĩ nhiên, tôi có viết. Tôi đã làm việc, phục vụ ở đâu đó, nhưng việc không có cơ hội hoàn toàn đắm mình cho công việc văn học là không sao chịu nổi. 

Đặc biệt, thật là quá sức khi những quyển sách của bạn không tới được với độc giả lớn. Chỉ vào năm 2003, tại Nhà xuất bản Eksmo, những cuốn sách của tôi mới được in ở quy mô như đang được xuất bản hiện nay.

DI CƯ LÀ MỘT BI KỊCH

Còn ở Israel, khi lần đầu tiên phải lau sàn nhà người ta, bà có ghi lại thời kỳ đó?

Dĩ nhiên. Bởi nhà văn phải luôn nằm trong cuộc tìm kiếm những bước ngoặt cực đoan của cốt truyện. Và khi trong cuộc đời riêng may mắn xuất hiện một khúc quanh sự kiện như vậy, nhà văn phải bám chặt cốt truyện và sử dụng nó trọn vẹn. 

Vâng, tôi đã kiếm tiền bằng công việc dọn dẹp các căn hộ, bởi cần phải nuôi con. Nhưng khá nhanh sau đó, tôi đã tìm được việc làm, bắt đầu từ một nhà xuất bản nhỏ, sau đó cho một tờ báo Nga, nơi tôi làm vài năm. 

Trong công việc báo chí có nhiều điều học hỏi, nhiều điều thú vị. Ở quê hương lịch sử, những người Xô viết về hưu bắt đầu đồng loạt viết hồi ký. Mỗi tuần người ta đều mang tới cho tôi một bản thảo viết tay chuyện đời nào đó. Sau đó, các tác giả gọi điện đến hỏi: tác phẩm thiên tài đó có in được hay không. 

Có lần điện thoại chỗ chúng tôi vang lên, và một giọng rất quen hỏi: “Tôi có thể nói chuyện với Dina Rubina không?”. Và tôi, hết hồn bởi một người về hưu kế tiếp tuần trước đã đưa cho tôi một truyện vừa về thời thanh xuân ở nhà máy kéo Kharkov mà tôi vẫn chưa đọc nó, thận trọng đáp: “Vâng, tôi đây, tôi được vinh dự nói chuyện với ai?”. “Zinovy Ephimovich Gerdt (2) đang làm phiền cô. Tôi đi chơi gần tòa soạn của cô và muốn ghé qua làm quen”. 

Tôi suýt đột tử vì sốc. Gerdt, Gerdt vĩ đại, bạn có tưởng tượng được không? Hóa ra, ông đọc trên Thế Giới Mới truyện vừa Ở cổng thành của bạn và thích nó đến độ muốn đóng một trong những nhân vật của truyện - vai ông già đi lang thang khắp nơi với cái bao có dây cột thời Xô viết và hét to với tất cả: “Tôi là cha của Leva Rubinchik!”. 

Ngày hôm sau, chúng tôi cùng Zinnovii Ephimovich dạo chơi quanh Jerusalem, ông có lúc đấm vào lưng tôi và la lên: “Dina, tôi là cha của Leva Rubinchik!”. Sau đó vài năm trôi qua, nước Nga trở nên cởi mở và gần gũi, và nói chung thế giới mở những cánh cửa sổ và cửa ra vào, cuộc sống trở nên vui tươi hơn.

Người ta nói di cư là một trong những trải nghiệm tồn tại tốt nhất mà con người có thể sống qua. Điều này có đúng không và kinh nghiệm này mang đến cho bà, như một nhà văn, những gì?

Tôi cho rằng di cư là một bi kịch khủng khiếp. Mọi thứ đều rách toạc: trái tim, những mối quan hệ, những hồi ức; còn chính nhân thân bạn phải trải qua một đứt gãy lớn. Đó là chúng ta nói về sự di dân thực sự, chứ không phải cuộc dạo chơi hôm nay, khi người ta để phòng xa, muốn có hộ chiếu Israel, đơn giản chỉ đến và sống ở nước này thoải mái vài tháng, sau đó rời đi... 

Không, di cư - đó là thay đổi hoàn toàn tất cả các khuôn mẫu: về hành xử, về thế giới quan, về hình dung của bản thân “điều gì là tốt và điều gì là xấu”, phải cư xử ra sao trong mỗi tình huống. Tất cả những gì mà nơi đó bạn lớn lên và tin tưởng hoàn toàn bị cuốn trôi. Bởi “ở đó” mọi việc đều khác hẳn.

Để hiểu được, bạn phải hình dung những năm cuối thập niên 1980 nặng nề thế nào; nặng nề về tinh thần - chứ quỷ tha ma bắt các thứ xúc xích hay khoai tây đi, mà là không khí nghẹt thở của sự ghét bỏ, bài ngoại... Bạn cảm thấy khó ở trên quê hương không may của mình, khó ở về tinh thần, các con của bạn cũng thấy tệ hại, và bạn muốn chuyển chúng, bọn trẻ con, vào không gian nào đó ân cần hơn, nhiều nắng ấm hơn. 

Bạn cảm thấy thế đó - trong cái ngột ngạt, trong tù đọng. Bạn có hiểu không? Ở đây chính là trẻ con - cái huyệt đau, mà bạn sẽ thẳng tay ném phủ phục dưới chân chúng cuộc đời mình, tuổi trẻ, nghề nghiệp - tất cả, một cách dại dột.

 Đời sống đô tị ở Israel thập niên 1980. (Ảnh: Urban Life)

Tại sao dại dột?

Bởi bất kỳ sự di cư nào cũng là cái chết lâm sàng, là sự phân ly tuyệt đối với những gì bạn đã sống và đã biết. Vào năm 1990 bỗng nhiên bạn thấy mình ở giữa những tảng đá màu vàng tro (3) và không hiểu cái đẹp đẽ đó là gì? Như thế có đúng không? Có cần không? Có phải đó là cuộc sống không? Bởi chưa bao giờ bạn ra nước ngoài và chưa bao giờ tập hiểu cái khác đó đơn giản chỉ là một cái khác, chứ không phải là một trận sụt lở hay một nỗi khiếp sợ.

 Giờ đây dù ở bất cứ đâu, trong lều của người du mục Ả Rập hay Versailles, tôi đều tiếp nhận thực tế mới đó với hệ cơ bắp phát triển hơn của sự hình dung, của trí tưởng tượng, của sự hiểu biết rằng thế giới khác nhau bao nhiêu. Còn khi đó tôi là người Xô viết và bất ngờ rơi vào một không gian khác hẳn: ngôn ngữ, hành vi, thị giác hoàn toàn khác biệt. 

Ta hãy so sánh chuyện này với việc nhúng đầu vào hố băng - đó sẽ là cảm giác của sự di cư. Sau đó khi bạn rút đầu ra ngoài, mặt trời nung nóng, và da bạn bắt đầu bỏng rát... thậm chí bạn còn thấy khoan khoái.

Bà lại tôi rèn nữa ư?

Vâng, đã tôi rèn. Israel - đó không phải là Phần Lan, Thụy Điển hay Đan Mạch. Đó là một đất nước rất bão táp, rực rỡ nghịch dị, lắm bi hài, đầy bất ngờ. Muôn hình vạn trạng, lắm kiểu người, số kiểu loại ở đây có thể làm bạn bối rối. 

Israel với tôi, trong cuộc đời tôi, có thể so sánh với Tashkent (quê hương của nhà văn - ND), và với tôi nó dường như... vừa vặn. Tôi bắt đầu nghiêng ngó, nhìn chằm chằm và hoàn hồn, khi oxy đã tràn đầy phổi.

Bất kỳ sự chuyển đổi nào cũng là một bài học nào đó về sự ẩn nhẫn, và các nhân vật của bà đơn giản đã học qua những bài học này. Sự ẩn nhẫn - về cái gì và để làm gì?

Đó là một công việc vĩ đại của tâm hồn và khối óc. Là sự tư duy lại thế giới quanh bạn, và chính bạn trong thế giới đó. Bất cứ con người nào với chính mình cũng là trung tâm của vũ trụ, luôn là thực thể quan trọng nhất. Và khi bỗng dưng bạn bị đá văng ra khỏi thế giới được tổ chức tốt đó, khi một nữ viên chức hỏi bạn bằng thứ tiếng lạ: “Cô dùng trà hay cà phê”, và bạn không biết sẽ dùng gì, bởi bạn không thể biểu đạt mình... 

Nói tóm lại, bạn rơi vào một bầu khí quyển không có không khí. Khi đi đón bạn bè mình ở sân bay, tôi luôn ghé qua nhà sách ở đó. Có lần đợi một chuyến bay, tôi ghé vào và thấy ở đó ba cuốn sách mới của mình, đều được in lại với bìa là những bức tranh của chồng tôi. Tôi giật chúng khỏi giá sách, tôi cần đặt chúng trong tủ sách ở nhà, bổ sung vào bộ sưu tập những cuốn sách của mình được in lại. Sách ở Israel đắt lắm, nên tôi tiến đến quầy tính tiền và xin giảm giá, bởi tôi mua một lúc ba cuốn. Tôi nghe đáp: “Không, sách Nga không giảm giá, người Nga cũng cứ thế mà mua tốt”. 

“Tôi hiểu, - tôi nói - nhưng sự thể là đây là sách của tôi”. Cô gái nhìn tôi nghi ngờ, đáp: “Trả tiền đi, chúng sẽ là sách của cô”. 

Đó, bài học cho bạn về sự ẩn nhẫn...■

--------------------------------------

(1) Viết tắt của phức hợp Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân, hằng năm diễn ra hội chợ sách quốc tế.

(2) Nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh Xô viết và Nga, Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô 1990.

(3) “Những phiến đá vàng tro” là tứ trong một bài thơ của Ivan Bunin (Đền thờ Thái Dương, mô tả cảm giác choáng ngợp trước đền Baalbek ở Lebanon).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận