Đi qua thanh xuân

KHÁNH LINH 20/10/2013 23:10 GMT+7

TTCT - Chủ đề tuổi thanh xuân, dường như, đã và sẽ là ngọn gió lay động biết bao trái tim người đọc cho dù họ có đi qua nó hay chưa. Chai thời gian của Prabhassorn Sevikul là một tiểu thuyết giản dị về tuổi trẻ như thế, cái thời có một không hai, vĩnh viễn chẳng quay lại nhưng người ta không ngừng vừa nâng niu, vừa phung phí nó.

Phóng to

Chai thời gian vốn là tên gọi một ca khúc của Jim Croce mà nhân vật chính đã xem nó như “cái nút” gói lại vùng ký ức của mình về những ngày tuổi trẻ đầy ngọt ngào lẫn cay đắng. Hễ khi nào bên tai vang lên những câu hát đơn sơ này thì “cái nút” kỷ niệm lại được tháo, và “chai thời gian” đã mở trong anh từ khi nào không hay...

Nếu cất được thời gian trong chai
Điều đầu tiên tôi mong được làm
Là chắt chiu dành dụm từng ngày
Cho tới khi vĩnh hằng trôi qua
Chỉ để dành trọn chúng bên em...

Câu chuyện kể lại dòng hồi tưởng của Nat, hay còn gọi là Béo, khi bất chợt giai điệu của Chai thời gian vẳng lại từ một quán cà phê ven đường. Đấy là nỗi hoài vọng về Thái Lan những năm 1970, nơi tuổi trẻ của anh, của người thân và bè bạn đã từng trải, với đầy niềm say mê lẫn nỗi đau khổ. Tại đó Nat, Ning, Chai, Eik, Porm, Jom đã từng dính chặt với nhau trong những ngày khốn khó lẫn hạnh phúc của ấu thơ hay niên thiếu.

Nhưng, như ai đó đã nói, rằng bạn bè rồi cũng giống cây pháo hoa, phóng đi từ cùng xuất phát điểm nhưng rồi đã bung tỏa trên nền trời, lấp lánh, theo những hướng hoàn toàn xa cách nhau. Trưởng thành trong sự biến động của gia đình lẫn tình hình xã hội, Nat lần lượt đối mặt với những sự thật của đời, với nỗi cô đơn bản thể và sự đánh đổi được mất trong hành trình lớn lên, hành trình tìm kiếm bản ngã thật sự. Có người đi mãi, có người dừng lại, “có vui cùng sầu”, song tất cả đều đã dấn thân và cháy hết lòng trong ngọn lửa tuổi trẻ nồng nàn, với đầy đủ sự nông nổi và say mê trọn vẹn.

Chai thời gian, trước tiên, vẫn là câu chuyện của yêu thương, những nỗi vui và niềm thương giản dị nơi con người, trong đó muôn mặt của tình bạn, tình yêu, tình thân luôn hòa quyện trong nhau. Như tình bạn của Nat, Chai, Eik, Porm, như tình thương giữa Nat với Ning, với cha, mẹ..., như những rung động đầu đời của anh và Jom; tất cả đều được tái hiện bằng lối kể chân phương, khúc chiết. Đôi chỗ tác giả sử dụng bút pháp đồng hiện, và tất thảy, thường là sự tái diễn của những mẩu chuyện trò rời rạc, khi chúng đột ngột xoáy lại trong trí nhớ của ai đó về một người nào đó, một thời nào đó, lúc mọi thứ đã xa lắm rồi, với tràn trề niềm thiết tha, bàng hoàng...

Tại đó, yêu thương hay hi vọng, không phải khi nào cũng đơm quả ngọt. Hiện tượng “đổ vỡ” xuất hiện dày đặc trong tập truyện, rơi tê tái trên từng thân phận, từng trái tim son trẻ nhưng chớm bị đặt trước những thử thách quá ngưỡng của thời cuộc. Chai thời gian đã khắc họa sự xung đột trên nhiều bình diện: xung đột thế hệ, xung đột hôn nhân, xung đột nội tâm, xung đột chính trị...

Những va chạm lắm phần nghiệt ngã ấy, không ít thì nhiều, đã hằn những vết xây xước, những chấn thương tinh thần lên các gương mặt trong sáng. Để rồi có người can đảm bước tiếp, có người khước từ dấn thân, và cũng có người đã ra đi không thể quay lại... Quá trình trưởng thành nghiệt ngã là vậy. Họ đã phải đập vỡ bản thể, đưa mình đến tận cùng của lựa chọn, của mọi hạnh phúc hay bất hạnh, đam mê hay từ bỏ, hi vọng hay tuyệt vọng, dấn thân hay chạy trốn, chỉ để biết mình là ai - câu hỏi trăn trở muôn đời.

Tràn ngập trong truyện là những nỗi buồn bàng bạc của sự thật, của niềm thương nỗi nhớ về tuổi thanh xuân, của dâu bể cuộc đời. Nếu thời gian có thể lưu giữ lại ở một cái chai, liệu ta được sống trọn với nó mãi? Có lẽ là không, vì trong khi chiếm hữu chính ta cũng đang đánh mất nó trong từng giây khắc của sự vận động...

Văn học Thái Lan nói riêng, văn học các nước Đông Nam Á nói chung, vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam ngoài một số ít ỏi tác phẩm cổ điển. Bằng việc chuyển ngữ Chai thời gian, một trong những tiểu thuyết hiện đại nổi bật, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng giới trẻ Thái Lan thập niên 1970, văn hóa và tâm tình của một lớp người Thái đương đại đã được biểu hiện rõ nét.

Prabhassorn Sevikul là nhà ngoại giao kiêm nhà văn nổi tiếng Thái Lan. Các tác phẩm của ông được nhiều bạn trẻ Thái say mê, trong đó không thể không kể đến Through the dragon’s stripes (Lort Lai Mangkorn) được tái bản 10 lần trong năm năm.

Chai thời gian (Weila Nai Khuat Kaeo, 1985) tái bản 21 lần trong mười năm. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim. Ông cũng chính là người đã hiệu đính và viết lời giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận