Đọc ảnh cũ

LÊ MINH NHỰT 25/02/2016 04:02 GMT+7

TTCT - Đọc lại những tấm ảnh cũ, cảm giác giống như nửa đêm nghe tiếng tàu chạy ngang nhà, bàng hoàng tỉnh giấc, tiếc đầm đìa những mộng đã rơi

Cau trước nhà
Cau trước nhà

Mất cả buổi trời mới dọn dẹp xong mớ tài liệu lưu trong máy cũ, phần lớn là rác. Thứ rác công nghệ, chỉ vài thao tác là xóa sạch dấu tích nhưng đôi lúc phải than trời vì chẳng nhớ nổi mình tạo nó ra để làm gì.

Những thứ na ná nhau được quy định chặt chẽ bởi một công thức trình bày; nhiều khi chỉ cần đổi ngày tháng năm, thay địa chỉ nơi gửi; cả những “căn cứ” được liệt kê loằng ngoằng, giờ đọc lại cũng chẳng biết nội dung đầu đuôi gốc ngọn ra sao.

Những loại rác ấy bao giờ cũng kết thúc bằng một dòng cung kính đến buồn cười: nếu không “xin”, “đề nghị” thì cũng “rất mong”, “xem xét”. Từ mớ rác ảo này đến đám rác thật (thường xuyên nhăn nhúm nằm trong sọt rác do sai sót trong soạn thảo) chỉ bằng một cú nhấp chuột. Thoáng nghĩ, bao năm qua mình cũng phá cả vạt rừng chớ chẳng chơi (!).

Thứ được chuyển sang máy mới là những tấm ảnh cũ, chụp trong lần lang thang nào đó, bất tuân bố cục, màu sắc, ánh sáng, tốc độ lẫn khẩu độ. Nhìn sơ qua là biết người chụp “chưa sạch nước cản”.

Lại mất thêm cả ngày mở lên, để ngẫm ngợi nhớ đã chụp vào thời gian nào, rồi lần mò địa điểm nằm đâu đó trong trí nhớ vốn dĩ đã chật cứng những ân tình, oán thán; và cả nhăn mày bóp trán, cố nhớ tên một nhân vật tình cờ lướt qua, lọt vào ống kính. Rốt cuộc sau những cố gắng đó là một lớp mù sương.

Có tấm ảnh mang máng áng chừng chúng được chụp ở “vùng sâu vùng xa” (vì có nhiều cây xanh - thứ ở thành thị chỗ mình đang lên cơn thèm). Là ảnh phong cảnh với căn nhà nửa tôn nửa lá “trước cau sau chuối”, lại lần được một “sợi dây”: mình gọi chủ nhà khô cả họng để xin phép chụp, mới có tiếng vọng lên từ nhà sau: “Chụp đại đi, chớ nhà có gì đâu để chụp!”.

Tấm ảnh này dẫu bị tòa soạn quăng ra vì đìu hiu không phù hợp với báo Tết nhưng tự dưng mình lại thấy đẹp mà cũng không hiểu tại sao. Chắc là những ngôi nhà “có gì đâu” ấy biết đẹp theo kiểu riêng của nó!

L.M.N.
L.M.N.

 

Lần được “sợi dây”, nhớ ra: cách ngôi nhà “có gì đâu” một quãng, mình còn bắt gặp hai vợ chồng ngồi bên lề đường róc lá chuối gói bánh. Trong nhà sắp sửa có giỗ quải gì đây. Lân la hỏi thăm, hóa ra trật lất: họ róc lá chuối để đem ra chợ bán.

Một tuần đôi ba bận, vườn nhà hết thì sang vườn hàng xóm mua rồi róc, giá một ký khoảng mươi mười lăm ngàn, ngày kiếm được năm ba ký. Gần Tết như vầy thì bán được nhiều hơn. Chắc vậy nên trong ảnh, hai vợ chồng người róc lá chuối cười tươi rói. Ăn ảnh hết cỡ!

Chỉ vài tấm là mình còn nhớ được tên nhân vật, vì nó gắn liền với sự kiện. Như chụp ông già ngồi xe lăn, tấm nào ông cũng ráng nhếch miệng để cho người ta nhìn thấy giống như ông đang cười, vì đang được vinh danh ở một giải thưởng lớn.

Ngợp giữa lòe loẹt hoa chúc mừng và người tôn vinh nhưng giờ nhìn lại: ông cười mà như mếu. Cơn đau của căn bệnh nan y đang dồn ông về phía cuối đời. Một tấm ảnh khác, là cảnh một bà già ngồi chồm hổm trên chiếc giường.

Xung quanh là mùng mền chiếu gối bừa bộn. Dưới chân giường lổn ngổn vỏ mì tôm. Đám nắng giữa trưa chui qua mái lá, xuống đậu ngay trên đầu mà bà chẳng buồn dịch người tránh. Mình nhớ là đã nhắc bà nhìn vào ống kính để lên hình cho “đẹp”, nhưng trong ảnh chỉ thấy mắt bà hướng ra ngoài cửa, chờ đợi điều gì không rõ.

Ngoài sân chỉ cỏ mọc dày, không có dấu chân nào in trên đất, như ròng rã suốt cả mùa mưa vừa qua chẳng hề có ai lai vãng. Hai tấm ảnh chụp ở hai bối cảnh, thời điểm khác nhau, nhân vật chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại có điểm giống đến lạ kỳ ở ánh mắt: vẫn đợi chờ trong khi biết đã vô vọng!

Những tấm ảnh chưa từng đến được tay người được chụp. Rõ ràng là lần nào chụp xong mình cũng hứa hẹn: sẽ quay lại, có xa xôi gì đâu! Chẳng có tấm nào trong số chúng sánh “bằng hàng vạn con chữ, lớp lớp lời kêu van - đánh động” và được “sống đời sống riêng” của mình (nếu có thật). Sau khi chụp xong, những tấm ảnh lưu trong máy tính, hằng đêm chúng triền miên thầm thì với nhau bằng ngôn ngữ của lãng quên!

Đọc lại những tấm ảnh cũ, cảm giác giống như nửa đêm nghe tiếng tàu chạy ngang nhà, bàng hoàng tỉnh giấc, tiếc đầm đìa những mộng đã rơi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận