Đổi mới nông nghiệp: phải vượt qua vật cản con người và công nghệ

HƯƠNG GIANG GHI 19/11/2013 21:11 GMT+7

TTCT - Ở góc độ của một quốc gia dẫn đầu thế giới về sáng kiến công nghệ phục vụ cho nông nghiệp, ông Yair Shamir, bộ trưởng nông nghiệp và phát triển nông thôn Israel, đã chia sẻ thông tin với TTCT trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 11-2013.

Phát triển nông nghiệp vì lợi ích của người canh tác luôn là câu chuyện thu hút bạn đọc trên TTCT những số báo gần đây.

Phóng to
Ông Yair Shamir - Ảnh: H.Giang

“Đi kèm với công nghệ, chúng tôi luôn có hệ thống “cảm ứng” để kiểm tra hiệu quả của công nghệ. Chẳng hạn nếu các bạn áp dụng một hệ thống tưới tiêu mới để trồng cây sẽ luôn có bộ phận cảm ứng để kiểm tra xem lượng nước như vậy là quá nhiều hay quá ít, sau đó mới điều chỉnh hệ thống. Hoặc ở những nơi mà nhiệt độ ban ngày và ban đêm quá chênh lệch, chúng tôi có cách để tăng lượng tưới tiêu vào ban ngày và sưởi ấm về đêm.

Hệ thống này cũng sẽ kèm theo bộ phận cảm ứng riêng, chúng tôi gọi đó là “hệ thống theo dõi sát sao” (a close-look system). Nó sẽ giúp chúng ta điều chỉnh công nghệ cho phù hợp với từng khu vực.

Để ứng dụng công nghệ cao, cần phải vượt qua hai dạng trở ngại. Thứ nhất là con người và bộ máy hành chính. Nông nghiệp là một lĩnh vực nhạy cảm, không chỉ với Việt Nam hay Israel mà ở đâu cũng thế. Ở đâu chính phủ cũng phải kiểm soát từng loại cây trồng, hạt giống nhập khẩu vì nó liên quan đến dịch bệnh, tác động chéo... và mỗi chính phủ sẽ tự xây dựng cơ chế riêng để kiểm tra. Nếu các cán bộ, nhân viên trong cơ chế này lười biếng hay ngu dốt thì họ sẽ biến thành trở ngại nghiêm trọng.

Chẳng hạn, chúng tôi đang chia sẻ những gì mình làm ở Israel với các quan chức Việt Nam. Nếu các bạn quan tâm đến một loại phân bón mới ở Israel giúp đạt năng suất cao hơn, ít hại môi trường hơn và muốn mang về Việt Nam, các bạn phải cho kiểm tra, thử nghiệm nó. Việc ấy có thể mất một tháng, một năm hay 10 năm, tất cả tùy thuộc sự năng động và nhanh nhẹn của bộ máy công quyền.

Trở ngại thứ hai là cách sử dụng công nghệ. Đôi khi không cần phải dùng dao giết ruồi mà phải làm những gì phù hợp với từng thách thức cụ thể. Chẳng hạn ở Nhật Bản, nơi đất đai khô cằn không phù hợp với nông nghiệp, các công ty Israel đã xây dựng rất nhiều nhà kính và giờ mô hình đó rất thành công vì chúng tôi đã khắc phục được một số nhược điểm thông qua việc bổ sung ánh sáng nhân tạo, cải tạo đất đai...

Tôi không biết trước đây nông nghiệp Việt Nam như thế nào, nhưng giờ các bạn buộc phải áp dụng khoa học - công nghệ. Đôi lúc các bạn dùng thừa nước, thừa phân bón mà không biết. Bón thật nhiều phân và nước có thể mang lại lợi ích sớm, nhưng sau vài năm đất đai sẽ trở nên vô dụng. Chúng ta cũng có thể gìn giữ chất đất bằng cách luân canh hoặc cho đất nghỉ ngơi một thời gian.

Một số nơi ở Israel, nông dân cho đất nghỉ một năm sau bảy năm canh tác. Quy trình thay cây gì bằng cây gì cũng rất quan trọng. Đó là lý do tại sao trong chuyến thăm lần này, tôi đề xuất với Chính phủ Việt Nam thành lập một quỹ nghiên cứu chung. Chúng tôi có thể cử chuyên gia Israel sang để khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu lý do khiến các vụ mùa đem lại kết quả khác nhau, phân tích xem các bạn đã làm đúng sai chỗ nào...

Cách đây nhiều năm có một mảnh ruộng nhỏ để trồng trọt lương thực cho gia đình và dôi ra chút ít để đi bán là đủ. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Nhưng điều đó không còn thích hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay. Ở Israel, về cơ bản chúng tôi tạo ra các chính sách khuyến khích nông dân sáp nhập với nhau, có thể là 3-4 gia đình đang nuôi bò cùng dồn đất lại, chỉ để một gia đình tiếp tục nuôi bò, những hộ còn lại làm việc khác.

Thế nhưng không phải ai cũng thích làm việc chung với người khác khi đã quen canh tác một mình. Chúng tôi còn có cách mua ruộng của nông dân và bán lại cho nông dân khác. Cách này bị nhiều người chỉ trích, nhưng dù sao đó cũng là một giải pháp, còn tôi thì không ép buộc ai làm theo bất cứ cách nào.

Ruộng nhỏ cũng có thể áp dụng công nghệ được, nhưng vấn đề là lợi nhuận trên vốn đầu tư bỏ ra cho công nghệ quá thấp. Chính phủ Israel có hình thức hỗ trợ bằng cách cho nông dân tiền (không hoàn lại) để trang trải khoảng 40% chi phí đầu tư cho công nghệ, ngoài ra còn kèm theo nhiều ưu đãi khác. Tuy vậy, đôi lúc người sở hữu ruộng/trang trại nhỏ lẻ vẫn gặp khó khăn.

Điều tôi muốn nói ở đây là công nghệ sẽ áp dụng được cho cả nông nghiệp quy mô lớn lẫn nhỏ, vấn đề chính nằm ở chỗ chi phí đầu tư thấp hay cao. Các hộ nông dân nhỏ cũng có thể khắc phục vấn đề này bằng cách tạo ra hợp tác xã, nhờ đó tăng khả năng mua trang thiết bị, công nghệ và bán được sản phẩm với giá cao hơn. Các hợp tác xã này thuộc về chính người nông dân chứ không phải một công ty thứ ba nào”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận