Đội tuyển Việt Nam: Còn lại gì sau AFF 2016?

PHẠM AN 21/12/2016 03:12 GMT+7

TTCT- Sau khi vật vã với quá nhiều huấn luyện viên (HLV) ngoại hơn 20 năm, lần đầu tiên đội tuyển VN tạo cảm giác rằng họ có thể đá đúng như ý mình muốn với một HLV nội là ông Hữu Thắng, ngay cả khi AFF Cup 2016 gây thất vọng về mặt thành tích.

HLV Nguyễn Hữu Thắng chào cổ động viên VN khi giành chiến thắng ở vòng bảng -N.K.
HLV Nguyễn Hữu Thắng chào cổ động viên VN khi giành chiến thắng ở vòng bảng -N.K.

 

Lối chơi hiện đại

Trong 10 cầu thủ chuyền bóng nhiều nhất giải tính đến trước trận chung kết có đến sáu là người VN, gồm Văn Thanh (311 đường chuyền), Trọng Hoàng (291), Quế Ngọc Hải (281), Lương Xuân Trường (281), Lê Công Vinh (225) và Phạm Thành Lương (209). Bốn người còn lại là cầu thủ Thái Lan.

Hậu vệ cánh trái mới 20 tuổi Vũ Văn Thanh, một trong những cầu thủ VN hay nhất giải, đóng góp rất nhiều nhờ khả năng công thủ toàn diện trong một hệ thống chiến thuật tạo ra đất dụng võ tốt cho anh.

Văn Thanh chơi “nghịch chân” (đá cánh trái nhưng thuận chân phải), không phải mẫu hậu vệ cánh cổ điển chuyên tạt bóng, mà thường di chuyển bó vào giữa tạo ra các tam giác phối hợp.

Ngoài ra, khả năng chuyền bóng tốt đủ mọi cự ly của Lương Xuân Trường giúp đội tuyển VN duy trì được một lối chơi cầm bóng rất chủ động, có thể tăng giảm nhịp độ theo ý muốn trước các đối thủ vừa tầm.

Ngoài Thái Lan ở một trình độ khác so với khu vực, các đội tuyển Đông Nam Á khác vẫn chủ yếu phòng ngự chặt và chơi bóng dài (Indonesia chơi kiểu này ở trận bán kết lượt về tại Mỹ Đình ngay cả khi VN bị đuổi người).

HLV Alfred Riedl, người vừa đánh bại tuyển VN ở bán kết, cũng từng nhiều năm áp dụng cách chơi này cho đội tuyển của chúng ta. Ngay cả ở giải đấu AFF Suzuki Cup 2008 mà VN đăng quang, chưa bao giờ chúng ta cảm thấy rằng đội tuyển có thể cầm bóng và dồn ép đối phương rõ ràng như thế.

Cách chơi dựa trên nền tảng chuyền bóng, di chuyển linh hoạt và dồn ép đối phương mà ông Hữu Thắng áp dụng vẫn còn nhiều chỗ sơ hở: đội tuyển chống phản công không tốt, di chuyển không bóng khi phòng ngự không hợp lý như lúc tấn công.

Nhưng về cơ bản, HLV xứ Nghệ đã mang đến một hình ảnh mới mẻ hơn cho đội tuyển với những mẫu cầu thủ phù hợp, tạo cảm giác rằng họ có thể triển khai lối chơi ông đề ra một cách mạch lạc không hề gượng ép.

Niềm tin mới

Việc Liên đoàn Bóng đá VN trao cơ hội cho ông Hữu Thắng và kiên quyết giữ ông lại bất chấp chỉ tiêu thành tích không hoàn thành là một thay đổi đáng kể trong cách quản lý của tổ chức này trước giờ. Họ đã tin tưởng vào một HLV nội còn trẻ và không vội vã sa thải ông dù áp lực dư luận là không nhỏ.

Bản thân ông Thắng cũng cho thấy một hình ảnh rất khác khi lần đầu cầm lái tuyển: dám đưa ra những quyết định tưởng chừng phi lý và dũng cảm chấp nhận hậu quả.

Ở trận bán kết lượt về gặp Indonesia, ông đã tiếp tục cho VN chơi tấn công trong hiệp phụ dù đá thiếu người (có thể ông tính rằng nếu đá penalty thì với thủ môn bất đắc dĩ Quế Ngọc Hải, đội tuyển VN cầm chắc phần thua). Nước cờ đó không thành, và trong phòng họp báo ông đã rất thẳng thắn nói về trách nhiệm của mình, thậm chí đề cập cả đến khả năng từ chức.

Chính ông Thắng cũng là người đặt niềm tin rất trọn vẹn vào cầu thủ của mình dù đã mắc sai lầm cá nhân không ít trong cả giải, kể cả những người chơi hay nhất là Văn Thanh hay Xuân Trường (Trường đã chuyền hỏng dẫn đến bàn thắng gỡ hòa 2-2 của Indonesia tại Mỹ Đình).

Các cầu thủ trẻ có thể phạm sai lầm, nhưng họ vẫn được trao cơ hội. Và lối chơi chủ động hiện tại là kết quả của những niềm tin ấy: Chúng ta không thể cầm bóng và dồn ép đối thủ với tâm lý “sợ sai”.

Thế hệ mới

Đội hình đưa VN vào đến bán kết AFF Cup lần này là thành quả đào tạo bài bản của các học viện bóng đá nổi tiếng trên cả nước như HAGL-JMG (Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn), Sông Lam Nghệ An (Quế Ngọc Hải, Nguyên Mạnh), Viettel (Văn Quyết, Bùi Tiến Dũng)...

Tất cả đều có tố chất kỹ thuật, tư duy chiến thuật và nền tảng thể lực phù hợp với cách chơi hiện đại: Các cầu thủ đều có khả năng xử lý “bước một” (first touch) tốt và có thể chạy ở nhịp độ cao liên tục ngay cả trong 10 phút cuối trận.

Bóng đá VN nhiều năm qua, do thiếu khoa học về dinh dưỡng, thể chất và các thông số trong huấn luyện, thường chỉ giúp cầu thủ “sung” trong hiệp một và không thể tạo sức ép liên tục quá năm phút. Nhưng điều đó đang thay đổi.

Độ tuổi trung bình của tuyển VN ở giải lần này là 24,95, với khá nhiều trụ cột đã chứng minh được năng lực dù còn rất trẻ như Văn Thanh (sinh năm 1996), Xuân Trường (1995), Quế Ngọc Hải (1993), Nguyễn Văn Toàn (1996)...

Sau khi Công Vinh, Đình Luật và Thành Lương chia tay tuyển quốc gia, Nguyễn Trọng Hoàng (1989) và Nguyễn Văn Quyết (1991) là hai người “gạo cội” nhất trong danh sách dự AFF Cup lần này, với lần lượt 48 và 45 lần khoác áo đội tuyển quốc gia.

Đội bóng “ngáo ộp” khu vực là Thái Lan mang đến giải năm nay đội hình có độ tuổi trung bình cao bậc nhất (26,13), với nòng cốt là U-23 Thái Lan năm 2013. Vậy nếu coi AFF Cup 2016 là bước đệm thì chúng ta có thể hướng đến mục tiêu xa hơn là Asian Cup 2019.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận