Động vật trong vườn bách thú của thị trấn chúng tôi thời bao cấp

TTCT - Sau ngày chiến thắng, để cải thiện đời sống tinh thần, tại thị trấn của chúng tôi đã cho xây dựng một vườn bách thú. Có nào hổ, nào khỉ, nào trăn...

Phóng to
Minh họa: Hoàng tường

Hổ cho ăn thịt bò, trăn cho ăn thịt thỏ, còn khỉ thì cho ăn chuối. Thịt bò lấy tại chỗ, thỏ cũng thế, riêng món chuối thì đi lĩnh tận thị xã.

Song le, bởi nền kinh tế đang gặp khó khăn tạm thời nên bây giờ thịt bò phải đi lấy trên thị xã, thỏ vẫn tại chỗ, còn chuối thì phải đi lĩnh tận thủ đô, có áp tải đặc biệt.

Chúng tôi, nhân viên vườn bách thú, có bổn phận nuôi vợ, nuôi con. Bởi vậy bèn tính chuyện cho hổ chuyển sang ăn dồi tấm mạch, trăn cho ăn ếch, còn khỉ cho ăn dưa chuột muối. Thịt bò dành làm món xúp ngày chủ nhật, thỏ để ăn ngày thường, riêng chuối thì hồi đó hiếm đến nỗi chỉ cần một ký là đủ sắm cho con hai đôi giày.

Hổ thích nghi được tuy có bị rụng lông, trăn chén gì cũng xong, nhưng khỉ thì lăn đùng ra chết. Chẳng hiểu tại sao nữa, dưa chuột muối cũng là món ăn chay cơ mà, thế mà vẫn bị...

- Các cậu này - giám đốc của chúng tôi nói - Với hổ thời chẳng có vấn đề gì. Chỉ cần đổi tấm biển trước chuồng, thay vì “Hổ Bengan” ta viết “Hổ giống phổ biến Glaca Bengan”. Phải cái với chú khỉ thì gay. Bây giờ mà báo với trên là nó chết thì khoản chuối cũng tiêu tan.

- Có lẽ phải được cấp con khác chứ nhỉ?

- Rồi cũng lại ngoẻo thôi.

Sau cùng, chúng tôi quyết định lột da con khỉ xấu số nọ và một nhân viên cải trang làm khỉ sẽ trực ở trong chuồng. Tôi được cử, vì là nhân viên trẻ nhất cơ quan mà.

Ngày đầu tiên chẳng đến nỗi nào, dẫu rằng tôi đến là vất vả, vì suốt ngày cứ phải lặp đi lặp lại các động tác trèo lên cây nhân tạo rồi lại tụt xuống. Nói vậy chứ hổ mà còn thích nghi được với việc ăn dồi tấm mạch thì tôi cũng có thể thích nghi được chứ sao. Có điều, như ta đã biết, con người vốn thích trêu chọc thú vật, nhất là trêu chọc khỉ.

Thế rồi, khi một gã béo nung núc cười khẩy, đoạn ném giấy lộn vào người tôi thì tôi ức không chịu được nữa, buột miệng chửi to:

- Đ. mẹ ông!

Thế mới có tin giật gân con khỉ trong vườn bách thú của thị trấn nói được tiếng người. Ông giám đốc đành phải chữa cháy. Ông báo về thủ đô rằng thuyết tiến hóa đã được khẳng định ở chỗ chúng tôi và qua đó khẳng định thế giới quan khoa học nói chung. Ông còn nhấn mạnh có được thành công này là nhờ các nhân viên của ông đã chăm sóc đặc biệt con khỉ và áp dụng các phương pháp quản lý rất khoa học, đẩy nhanh quá trình phát triển của nó. Kế đó ông xin được cấp gấp đôi lượng chuối, đặng hoàn tất quá trình tiến hóa của con khỉ nọ.

Ông giám đốc nhận được trả lời, theo đó Viện hàn lâm Khoa học sẽ phụ trách con khỉ, còn nói về chuyện chuối thì trong khuôn khổ tiết kiệm để cải tiến, hủy bỏ việc phân phối thịt bò cho hổ, thỏ cho trăn và chuối cho khỉ. Từ nay hổ sẽ ăn dồi tấm mạch, trăn ăn ếch, khỉ ăn món chay nào đó, tốt nhất là ăn dưa chuột. Dưa chuột hoặc món chay nào đó chúng tôi sẽ được thị xã cung cấp, khoản ếch cố gắng giải quyết tại chỗ, còn dồi tấm mạch sẽ được chở tới từ thủ đô, có áp tải đặc biệt.

Như thế thì chúng tôi chẳng xơ múi gì, chúng tôi bèn thông báo chính thức con khỉ đã lăn đùng ra chết. Cùng lắm hổ có thể ăn dưa chuột, khỉ ăn ếch, nhưng nếu vậy thì lấy gì cho trăn ăn? Thôi thì trăn cứ ăn ếch, còn chúng tôi sẽ thủ tiêu con khỉ.

Khoản ếch càng ngày càng khó kiếm, không đủ nuôi cả hai con vật.

Phóng to

Slawomir Mrozek - Ảnh: fakty.interia.pl

Slawomir Mrozek sinh ngày 26-6-1930 tại làng Borzecin, Ba Lan. Ông là nhà văn, kịch tác gia và họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Ba Lan. Trong số các tiểu thuyết và hàng chục tập truyện ngắn của ông phải kể đến: Những chiếc áo giáp tiện dụng (1953), Mùa hè bé bỏng (tiểu thuyết, 1955), Con voi (1957), Đám cưới ở Atomice (1959), Nhà tiến bộ (1960), Mưa, Cuộc chạy trốn về phương Nam (tiểu thuyết, 1961), Hai lá thư (1974), Nhật ký trở về (1996), Tuyển tập truyện ngắn (tập 1, 2, 3 - 1999).

Hơn nửa thế kỷ nay Slawomir Mrozek được xem là nhà văn trào phúng số một của Ba Lan. Những tác phẩm châm biếm giàu tính bi hài của ông thường nêu lên vấn đề quan hệ giữa cá nhân với tập thể, những truyện trào phúng phê phán thói hư tật xấu là nhằm phản bác lối tư duy thấp kém, những nghịch lý của đời thường và phương cách giáo dục thô thiển.

Truyện của Slawomir Mrozek chứa đựng nhiều ý tứ, lắm triết lý và răn đời tinh tế. Có những truyện người ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới cảm thụ hết được chiều sâu của tác phẩm, càng đọc càng phát hiện nhiều ý tưởng, càng suy ngẫm càng thấy hay. Lắm khi đoạn kết hoặc câu kết trong truyện ngắn của ông mang lại cho người đọc những bất ngờ thú vị.

__________

Tôi ngồi xuống chiếc ghế trong công viên. Trên bãi cỏ, phía bên kia lối đi hai đứa bé đang chơi, một gái, một trai. Nhưng rồi tôi chìm vào suy tư, chẳng còn để ý đến chúng nữa.

- Thưa bác, mấy giờ rồi ạ?

Hai đứa bé lại đứng trước mặt tôi, đứa trẻ hỏi tôi là một chú bé.

Tôi nhìn đồng hồ:

- Ba giờ rưỡi.

Chú bé cảm ơn tôi, đoạn chúng quay lại bãi cỏ. Nhưng thay vì tiếp tục chơi thì dường như chúng tranh cãi chuyện gì đó. Tôi lại chìm vào suy tư...

- Thưa bác, mấy giờ rồi ạ?

Lần này thì đứa bé gái hỏi. Chú bé đứng bên cạnh.

Tôi nhìn đồng hồ:

- Năm giờ kém mười lăm.

- Thấy chưa, tớ đã bảo mà! - đứa bé gái vẻ đắc thắng nói với chú bé.

- Bác ấy nói dối! - chú bé thét lên - Lúc nãy bác ấy nói với tớ khác cơ!

- Bác ơi, xin bác hãy dạy cho bạn ấy biết là thời gian thì lúc nào cũng khác.

- Bác ấy nói dối! - chú bé mếu máo gần như khóc, hai tay nắm chặt - Ban nãy bác ấy nói với tớ là ba rưỡi cơ mà!

- Cậu này bướng lắm... - đứa bé gái nói với tôi, y như người lớn nói với người lớn. Bằng động tác vỗ về và nuông chiều, đứa bé gái ôm lấy chú bé, song khi chú bé vùng ra khỏi tay bé gái thì cô bé nói tiếp bằng giọng của một người đàn bà đau khổ, nhưng lại rất bằng lòng với mình.

- Bác thấy đấy.

Nói được như vậy rõ ràng là bắt chước người lớn rồi. Chắc hẳn đứa bé gái này đã nhiều lần nghe mẹ mình khi tâm sự với bạn gái đã nói câu: “Đấy, chị thấy đó, hắn là người như thế nào, chị thấy đó”.

- Phải rồi, bây giờ đang là năm giờ kém mười lăm - tôi cố nói với chú bé giọng thật dịu dàng - Dẫu rằng lúc nãy đúng là ba giờ rưỡi. Trên đời này vốn là như vậy đó cháu ạ, cái trước đó là sự thật thì bây giờ không phải vậy nữa.

- Cậu hãy nghe bác ấy nói kìa - cô bé với vẻ nghiêm túc nói với chú bé.

- Mà thậm chí, cái bây giờ đang là sự thật thì sau đó sẽ không còn là sự thật nữa.

- Đúng thế hả bác?

- Đúng thế đó, cháu đành phải chấp nhận vậy thôi.

Sau giây lát suy nghĩ, chú bé ngồi xuống ghế. Song không ngồi cạnh tôi, ngồi tít ngoài đầu ghế, thật xa tôi và cô bạn gái.

- Thế thì cháu đợi vậy - chú bé nói giọng quả quyết, không nhìn vào chúng tôi mà nhìn ra đằng xa, phía bờ rào công viên.

- Cháu đợi cái gì cơ? - tôi hỏi.

- Cháu đợi đến sau đó. Để điều bác đang nói bây giờ không còn là sự thật nữa.

Đứa bé gái nhìn tôi với vẻ đồng cảm, nhưng thình lình tôi thấy ớn ngại. Tôi không muốn cùng hùa với cô bé nữa.

- Bác phải về thôi - tôi nói - Bác còn nhiều việc phải làm.

Tôi đứng dậy, bước đi...

- Thưa bác, thưa bác! - tôi nghe thấy tiếng đứa bé gái gọi theo tôi.

Tôi rảo bước.

- Mấy giờ rồi, thưa bác?

Bây giờ thì tôi gần như chạy.

__________

Sáng nay, khi lôi ngăn kéo giữa của bàn làm việc để tìm mục kỉnh, tôi thấy có nhiều người bé tí xíu đang sống ở trong đó. Một đôi trai gái không lớn nhưng dễ thương đứng giữa bao kính và chiếc phong bì đựng ảnh. Anh chàng - to bằng nửa lòng bàn tay tôi, miệng mỉm cười, mắt sáng trong; cô nàng - to bằng ngón tay đeo nhẫn của tôi, dáng người thon thả, tóc vàng. Tóc phía sau gáy nom tựa những sợi phoi bào nhẹ, óng ánh, phủ lên lưng cô bé.

Họ đang nhìn nhau say đắm, khi tôi mở ngăn kéo cả hai cùng có động tác hốt hoảng ngoái đầu về phía tôi, đồng thời họ nhìn ngay lên cao. Đối với họ, lúc này tôi vĩ đại như Đức Chúa Trời và nặng ký. Tôi mỉm cười, đối với họ, nụ cười của tôi phải là cái gì đó ngang với thời tiết thay đổi trên bầu trời. Tuy nhiên, họ tỏ ra không ngại điều gì. Họ nắm tay nhau, tiến mấy xăngtimet về phía lồng ngực vận chiếc áo len màu tím than của tôi mà lúc này đang tì vào chiếc ngăn kéo được kéo ra. Dưới chân của đôi trai gái sột soạt tờ họa báo lót đáy ngăn kéo.

Tôi cúi xuống, tôi cảm thấy hình như mỗi cử động của tôi là một trận động đất đối với họ. Tôi chẳng thể nhìn thấy ánh mắt của họ, bởi mắt họ nhỏ li ti: như một hạt màu đen bé xíu. Đôi trai gái giải thích làu làu với tôi rằng họ đang gặp nhiều trắc trở. Mẹ của cô gái không đồng ý cho cô đi lấy chồng. Ý chừng họ xin tôi giúp đỡ.

Tôi đã ăn sáng, tâm hồn tôi hoàn toàn sảng khoái. Trong ngăn kéo của tôi đang ẩn chứa một cộng đồng, những xúc cảm và những vấn đề. Việc thoạt tiên tôi nhìn thấy đôi trai gái chỉ là chuyện tình cờ. Thì ra họ có bà con họ hàng ở gần, ở xa, họ ở trong những ngôi nhà bé tí xíu trong ngăn kéo của tôi, thậm chí ở đó còn có cả một phố nhỏ, mà biết đâu còn có những thứ khác nữa cũng nên. Nói tóm lại, ngăn kéo của tôi lúc nào cũng ắp đầy những thương nhớ, những tình yêu và những ghét bỏ, những thứ mà tôi lấy làm sửng sốt khi phát hiện ra.

Họ có những chuyện riêng tư của mình, còn mối quan hệ thình lình xuất hiện giữa cuộc sống của họ và hai bàn tay của tôi, tiếng nói của tôi, bản thân tôi - khơi dậy trong tôi một khoái cảm lạ lùng, lâu nay chưa từng có. Bởi bỗng dưng tôi trở thành một sức mạnh vô biên, một sức mạnh mà khi bất thần đề cập đến tiến trình những chấn động cuộc đời của họ có thể gây tác động. Họ nhỏ xíu tới độ trên thực tế họ chẳng là gì hết đối với tôi, còn tôi thì lại có thể là mọi đấng đối với họ.

Tôi xin nhắc lại là tâm hồn tôi hoàn toàn sảng khoái và một lát nữa thôi tôi khắc phúc đáp các thỉnh cầu của họ. Tôi hứa sẽ đi thuyết phục thân mẫu của cô gái tóc vàng bé xíu. Tôi cảm thấy sướng rơn trong bụng khi nghĩ thầm mình sẽ có uy tín rất lớn đối với cô bé này. Nhìn kỹ trong ngăn kéo tôi thấy ở đó còn có một chân trời mà thậm chí tôi không nghi ngờ sự tồn tại của nó trong chiếc hộp gỗ nhỏ bé này. Tôi rộng bụng và thân tình. Ngày tháng tám báo hiệu đẹp trời. Tôi đùa với họ, tôi cười với họ, thậm chí tôi còn bước lại chỗ tấm gương để nom kỹ mắt mình - đôi mắt màu xanh xám, không nhã nhặn và to kềnh so với cái thanh nhã của đôi mắt hạt nhỏ xíu của họ. Sau chót, tôi ra hiệu một cách tế nhị cho họ hay rằng tôi phải đi - tôi ra ngoài phố.

Tại quán cà phê tôi gặp kẻ nghĩ rằng hắn cần phải tự dối lòng trong quan hệ với tôi. Đúng lúc mây kéo đầy trời và mưa rơi. Sau đó, lúc tôi quay về nhà, mưa đã tạnh, song trên đường phố rải đá không đều có những vũng nước. Xe tải đi qua làm bùn loãng bắn tung tóe. Tôi đi nép sát vào chân tường rào, song vô hiệu, chiếc quần trắng mới may, chiếc quần đang rất cần đối với tôi, bị vấy đầy bùn.

Về nhà tôi mở ngăn kéo tìm chiếc bàn chải. Anh bạn trẻ quen thân của tôi đang đứng ở đó và ra hiệu cho tôi. Cậu ta nhoẻn cười một cách rụt rè rồi giải thích rằng bây giờ chính là lúc thuận lợi để tôi có thể giúp họ...

Tôi quét sạch tất cả bọn họ bằng động tác sốt ruột của bàn tay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận