​Dự án gói bọc và những kẻ du mục trong nghệ thuật

TTCT - Christo (sinh năm 1935, Bulgaria) và Jeanne-Claude (sinh 1935, Morocco) có lẽ là đôi vợ chồng nghệ sĩ nổi danh nhất, đặc biệt qua những công trình được hai ông bà “gói lại” để đánh động công luận, sau đó “mở ra” và đưa vào tâm điểm tranh luận. Trong nhiều dự định vô cùng kỳ vọng, hai ông bà đã được phép thực hiện một phần tại Mỹ, Nhật, Đức... trước khi bà Jeanne-Claude qua đời năm 2009 ở New York.

Christo và Jeanne-Claude đợi 23 năm xin phép bọc tòa nhà Quốc hội Đức. Họ dùng tới 100.000m² vải chống cháy tráng thiếc và 15.600m thừng, do 90 vận động viên leo núi hoàn tất. Dự án kéo dài năm tuần (năm 1995) với hơn 5 triệu người tham - Ảnh: quanarchdaily.com.br

Chúng tôi như trong cơn say

Hai ông bà thành hôn từ năm 1962 nhưng không bao giờ ngồi cùng máy bay. Tại sao vậy?

- Để bảo vệ nghệ thuật của chúng tôi. Chúng tôi vẫn nói với nhau: nếu một người rơi máy bay, người kia sẽ một mình hoàn thành các dự án chung.

Cảm giác của ông phải làm tiếp mà thiếu Jeanne-Claude ra sao?

- Rất tệ. May mà tôi có Vladimir và Jonathan là hai người cháu, đồng thời là trợ lý cũ của vợ 25 năm trời. Chúng tôi thường hỏi nhau: Nếu có mặt ở đây, liệu Jeanne-Claude sẽ nói gì?

Vì sao ông ghét bị gọi là “nghệ sĩ đóng gói”?

- Vì đó là sự thô thiển hóa không đáng có. Những cổng chào trong Central Park đâu phải bị đóng gói, những chiếc ô The Umbrellas (Nhật) và hàng rào Running Fence (California) cũng thế. Ý tưởng đóng gói cuối cùng của chúng tôi là cầu Pont Neuf (Paris). Dự án Nhà Quốc hội Đức ở Berlin được ấp ủ từ năm 1971, duy chỉ phải đợi giấy phép rất lâu. Nhưng đúng là tôi luôn dùng chất liệu vải, nó đoản mệnh và tượng trưng cho tính chất nhất thời trong các dự án của chúng tôi.

Ông Christo

Vải liên quan gì đến tính nhất thời?

- Jeanne-Claude và tôi là hai kẻ du mục trong nghệ thuật. Chúng tôi vội vã dựng lều, được vài tuần lại khăn gói ra đi.

Hai ông bà bắt đầu với các dự án gói bọc như thế nào?

- Tôi không đóng gói mà dùng một loại màu đặc biệt quét lên vải bông, khiến thớ vải cứng lên và tạo ra một vẻ ngoài như điêu khắc. Tôi thường đóng gói những đồ đơn giản như chai lọ, bàn ghế... để thử lý giải sự biến đổi trong cảm quan của chúng ta.

Nhiều người không hiểu ý tưởng của ông. Bảo tàng Mỹ thuật Tehran có lần mua mô hình Nhà Quốc hội Đức bọc vải, khi bưu kiện được đưa đến, nhân viên bảo tàng đã bóc cả lớp vải gói...

- Lần ấy chúng tôi phải cử một chuyên gia phục cổ của Bảo tàng British bay sang Tehran. Ở Thụy Điển, hải quan mở bưu kiện ra và vứt hết vải bọc. Giống như một số đồng nghiệp, tôi chia sẻ những rủi ro tương tự như Beuys (chú thích của người dịch: Joseph Beuys là nghệ sĩ và giáo sư ở Viện hàn lâm Nghệ thuật Düsseldorf. Một chiếc bồn tắm do ông trang trí bằng sơn và dầu mỡ - giá trị bảo hiểm 50.000 đôla - bị hai bà lao công cọ rửa sạch sẽ!).

Người ta cẩn thận với đồ sứ hơn là với nghệ thuật hiện đại, thật tệ! Một tác phẩm nghệ thuật đắt gấp trăm lần những đồ sứ đắt nhất, vậy mà có những người coi chúng như cỏ rác. Vì vậy chúng tôi luôn gửi các tác phẩm nghệ thuật kèm ảnh và bản hướng dẫn sử dụng, chỉ được mở khi có mặt chuyên gia.

Jeanne-Claude sau lần đầu gặp ông đã nói: Đó là một gã đồng tính. Ông làm cách nào chinh phục được con gái rượu của một vị tướng?

- Tôi không coi đó là sự sỉ nhục cá nhân. Tôi sống từ 58 năm nay ở phương Tây và phải đối mặt với vô vàn trở lực. Tôi không thể để những trở lực đó làm ảnh hưởng đến thế giới cảm xúc của mình. Ngay hôm nay, mỗi dự án của chúng tôi đều vấp phải vấn đề, đó là chuyện thường và tôi không coi cá nhân mình là nạn nhân. Tôi yêu mọi công việc tôi làm. Jeanne-Claude và tôi dâng mỗi phút đời mình cho nghệ thuật vì chúng tôi yêu nghệ thuật. Chúng tôi như trong cơn say. Say nghệ thuật.

Ông có hài lòng với sự nghiệp của mình?

- Trong nửa thế kỷ, chúng tôi đã thành công với 22 dự án và bị từ chối 37 dự án. Những dự án như Nhà Quốc hội Đức từng bị từ chối ba lần liền, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Đôi khi lời từ chối lại là một kiểu động viên mạnh mẽ.

Nhất thời nhưng tự do vô biên!

Cái gì khiến ông nản nhất?

- Một trong những vấn đề lớn nhất là không thước vuông nào trên quả đất này lại không có chủ sở hữu. Chúng tôi luôn phải điều tra xem ai là chủ, ví dụ như đoạn sông Arkansas River dài 62 cây số ở Colorado mà tôi định phủ vải. Phần lớn nằm trong tay nhà nước. Muốn thuê đất, không thể cứ thế gửi thư đến Washington. Chúng tôi phải lập một tổ kiến trúc sư, chuyên gia giao thông và kỹ sư, tổ chức nghiên cứu tính khả thi. (Christo đặt lên bàn hai tập hồ sơ.) Đây, bộ đơn đây, dày 2.019 trang, tốn 1,5 triệu đôla. 

Sau đó còn mời một số luật sư và nhà hoạt động hành lang nặng ký ở Washington thẩm định hoặc chỉnh sửa. Tốn thêm 2,5 triệu đôla và bổ sung 1.686 trang báo cáo.

Thật khó thấy nét lãng mạn nào trong công việc của ông.

- Không lãng mạn mà viết ngót 4.000 trang giấy cho một tác phẩm nghệ thuật vô hình? Không nghệ sĩ nào từng làm việc đó. Trong một khoảng thời gian kéo dài nhiều năm, có hàng ngàn người suy tư về một thứ mà họ không nhìn thấy - đó chính là cái làm tôi thỏa mãn vô biên.

Khác với các nghệ sĩ thông thường, tôi không ngồi lì trong xưởng sáng tác và sản xuất hết tác phẩm này đến tác phẩm khác. Nghệ thuật của chúng tôi là sự thể hiện lồng lộng cách hành xử của con người chứ không chỉ là kết quả của lao động. Chúng tôi có một nhóm luật sư, kỹ sư và thợ thủ công xuất sắc.

Sau hàng năm trời hay hàng thập kỷ, ông thực hiện được một dự án rồi tác phẩm ấy chỉ sống hai tuần. Ông không thấy buồn sao?

- Không, vì nó từng tồn tại. Không ai xóa nó đi được. Bản thân tính nhất thời là cấu thành mặc định trong các sáng tác của chúng tôi. Tác phẩm ấy không ai mua được. Không ai được bán vé tham quan, cũng không ai được chiếm hữu nó. Ngay cả Jeanne-Claude và tôi cũng không có quyền sở hữu. Các tác phẩm của chúng tôi tự do vô biên, vì chúng hoàn toàn vô dụng và hoàn toàn phi lý.

Chúng chỉ hiện diện trên đời vì Jeanne-Claude và tôi muốn thấy chúng. Do đó chúng có một hào quang đặc biệt và biến con người thành tín đồ của nghệ thuật. Họ muốn chiêm ngưỡng tác phẩm và chia sẻ một khoảnh khắc không bao giờ trở lại. Chúng tôi chưa bao giờ lặp lại dự án nào lần thứ hai.

Không ai đòi xem lại lần nữa?

- Có chứ, liên tục có người hỏi. Sau dự án bọc Nhà Quốc hội Đức, rất nhiều thị trưởng hỏi chúng tôi có muốn đóng gói nhà thị chính của họ không. Thật là dốt nát! Họ không hiểu nổi ý tưởng sáng tác của chúng tôi.

Hồi bọc các đảo ở Miami, ông bị phản đối dữ dội, nhất là từ các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, khiến ông mỗi lần ra đường phải mặc áo chống đạn.

- Ở Berlin, chúng tôi phải kiếm 17 áo chống đạn, cho cả các vệ sĩ. Chính phủ Đức thông báo có sự đe dọa từ phe cực hữu, khiến họ chỉ cho phép nhập cảnh nếu có vệ sĩ đi kèm. Jeanne-Claude rất lo lắng. Khi dự án bắt đầu, chúng tôi tới Bệnh viện Charité và lưu trữ một lượng máu của mình, đề phòng có tai họa. 

Vấn đề này đang tái diễn ở Colorado. Chúng tôi phải nhờ cảnh sát địa phương yểm trợ khi họp báo. Ở Berlin, cảnh sát cứu hỏa đã dùng chai cháy để thử độ bén lửa của loại vải bọc nhà quốc hội. Thị trưởng Diepgen rất ngại lực lượng phát xít mới.

Hôm tháo vải bọc, Berlin bố trí 1.500 cảnh sát mặc thường phục trà trộn trong đám đông. May mà mọi lo lắng đều thừa.

Ông thuê đất trước khi tiến hành dự án?

- Vâng. Thành phố New York nhận 3 triệu đôla tiền thuê Central Park. Nhà Quốc hội Đức thì rẻ hơn, Chính phủ Đức chỉ đòi 150.000 đôla cho cả bán kính nửa cây số xung quanh, nghĩa là chúng tôi được quyền ngăn mọi hoạt động ảnh hưởng đến tác phẩm.

Ví dụ?

- Ba danh ca Pavarotti, Domingo và Carreras định hát trước nhà quốc hội bọc kín chẳng hạn. Chúng tôi không cho. Dàn nhạc giao hưởng Berlin và ca sĩ Claudio Abbado cũng định trích diễn Fidelio ở đó. Không! Nhà quốc hội vẫn cứ như ngày thường. Là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải rạp xiếc. 

Ý tưởng của Jeanne-Claude có từ năm 1980: viền 11 hòn đảo ở vịnh Biscayne (Miami) bằng 603.850m² vải hồng. Năm 1983, với trợ lực từ 500 cộng tác viên, tác phẩm ra đời và được duy trì hai tuần - Ảnh: christojeanneclaude.net

Mỹ thuật sinh thái

Mục tiêu những dự án nghệ thuật độc đáo của Christo và Jeanne-Claude? Trước khi bọc lại, người ta thấy đồ vật chỉ tồn tại như một thói quen, kể cả đó là cây cầu lịch sử ở Paris hay tòa nhà nghị viện Đức. Sau hai tuần, mở ra, ai cũng nhìn nó với con mắt và mong đợi khác, nhạy cảm hơn. Đó là lý do họ tìm các công trình danh tiếng bị lãng quên, từng từ chối bọc Nữ thần Tự do vì “vô nghĩa”.

Christo gọi nghệ thuật của mình là “mỹ thuật sinh thái”: 5.000 năm nay các nghệ sĩ khác để lại tác phẩm và choán chỗ ở dạng vật lý, trong khi tác phẩm của Christo tồn tại trung bình hai tuần và chỉ lưu lại trong trí nhớ và bộ nhớ máy tính. Sau này các nhà khảo cổ sẽ không đào bới dưới đất mà chỉ cần lục trong bộ nhớ computer.

Đặc biệt, đôi nghệ sĩ này không bao giờ xin tài trợ. Họ độc quyền khai thác tác phẩm của mình, không cho ai bán bưu thiếp hay t-shirt với môtip của tác phẩm, chỉ bán tác phẩm riêng, số lượng có hạn và giá cao. Chẳng hạn, poster 32cmx26cm (in, chứ không phải nguyên bản) cái chai bọc vải giá 2.800 euro!

(www.galerie-hunold.de/kuenstler/klassiker/christo-und-jeanne-claude/verhullter-reichstag/reichstag-westfassade-handsigniert.html)

(*) Lược dịch từ Sueddeutsche Zeitung, Đức.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận