Đua ngựa trên gò

TRẦN HUIỀN ÂN 01/02/2014 23:02 GMT+7

TTCT - Lận đận với khoa cử mãi, cụ Tú Xương dự định “về đi cày, trồng ngô trồng đậu, cấy chiêm cấy mùa” bán cho “ông Tây”: “Được tiền thì mua rượu. Rượu say rồi cỡi trâu. Cỡi trâu thế mà vững. Có ngã cũng không đau”.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Có lẽ “ý tại ngôn ngoại” rằng ngã ngựa thì đau, rất đau. Đó là do cụ bị “ngã ngựa” trên đường đời. Chứ chúng tôi hồi còn trẻ biết bao lần ngã ngựa, có thể nói ngày ngày ngã ngựa mà chẳng đau đớn gì hết, càng thêm vui vẻ.

Quê tôi trên vùng cao nguyên, ba làng liên cư với ba trảng gò lớn, đủ gọi là mênh mông. Đi trên đỉnh gò bằng phẳng, không hề thấy núi, núi đã lùi xa tận chân trời, chỉ có mây trắng trên đầu và cỏ xanh dưới chân. Cỏ mọc dày, mượt mà, êm mát. Chen vào đó, rải rác những chòm cây thấp và những khối đá ong. Không có một khóm đế, khóm lau nào.

Ở đây mùa đông khá lạnh. Sáng sớm súc miệng, rửa mặt nghe hai hàm răng tê buốt, những ngón tay cứng lại, thẳng đơ. Người ta không nuôi bò, sức bò không chịu nổi thời tiết này. Gia súc chính là trâu và ngựa. Nhiều nhà có trâu bầy. Nhiều nhà có năm ba con ngựa. Trâu và ngựa được thả chăn trên gò cỏ.

Buổi mai, bọn trẻ lùa trâu ra gò, treo mo cơm dỡ và ống nước ở một bụi cây nào đó rồi tha hồ bày trò chơi: u quạ, giật cờ, đánh trổng, sai roi, để mặc lũ trâu đã quen thuộc không phân chia từng bầy cùng trà trộn vào nhau gặm cỏ. Buổi trưa cho trâu xuống suối uống nước, dầm nước, lùa lại lên gò, tiếp tục chơi đùa đến chiều.

Ngựa thì không thả rông như trâu. Mỗi con ngựa một sợi dây, một đầu dây buộc lỏng qua cổ, một đầu dây cột tại gốc cây nào đó, ngựa chỉ gặm cỏ được trong giới hạn sợi dây căng thẳng. Một chặp dắt cột qua chỗ khác, gọi là dời ngựa. Trưa cũng đưa xuống suối tắm, kỳ cọ chải bờm cho ngựa thật sạch sẽ.

Quanh năm trâu và ngựa ăn cỏ trên gò, hết trảng này sang trảng khác, rồi quay lại chỗ cũ. Đất trân xốp mịn và khí hậu mát mẻ nuôi cỏ bốn mùa tươi mướt. Cỏ không vươn lên cao được, cũng không cùi cụt ngắn ngủn. Lũ trẻ đi chạy chân không trên gò, những lúc ngồi nghỉ sờ dưới lòng bàn chân thấy nhựa cỏ bám một lớp mỏng láng bóng, màu lục úa.

Chăn trâu cỡi trâu, chăn ngựa cỡi ngựa. Cỡi trâu vững thật, nhưng trâu không phải là vật để cỡi, trâu đi những bước thong thả, chậm chạp, không thích thú bằng cỡi ngựa, nhất là đua ngựa.

Lúc bấy giờ ngựa không giàm, không yên. Chúng tôi vòng sợi dây từ cổ qua miệng làm dây cương, so hàng ngang, cùng hô “một hai ba” và cho ngựa phóng tới. Bỏ qua nước kiệu nhỏ, kiệu lớn, chúng tôi ra roi, hò reo. Có khi phải rạp mình xuống ôm lấy cổ ngựa, níu lấy bờm ngựa, kẹp chặt hai bàn chân vào hông ngựa. Cảnh vật nhòa đi. Quên hết nắng và gió, không nhìn thấy bụi lùm, không nghe tiếng bầy bồ chao đánh rộ hay tiếng con te te hoảng hốt.

Gò rộng mênh mông, đích đến là chòm cây xa. Nhổm lên khỏi lưng ngựa là bị quăng xuống ngay. Mỗi bận đua thế nào cũng có ít nhất một đứa ngã ngựa. Lũ ngựa rất khôn, thật dễ thương. Chủ ngã rồi thì dừng ngay lại. Chúng tôi lồm cồm bò dậy, không nghe đau đớn gì hết, không kịp phủi qua quần áo, tay không rời cái roi, lại trèo lên lưng ngựa đua tiếp. Đến nơi, nằm ngửa nhìn trời thư thả phân định vị trí thấp cao.

Thời ấy, chúng tôi tin rằng Ông Bà nơi Cuộc Đất nâng đỡ chúng tôi. Nếu không, sao chẳng đứa nào bị lỗ đầu u trán trặc chân? Nặng lắm là xây xát sơ sài nơi cùi chỏ, kéo tay áo xuống che, không ai biết được.

Khi chiến tranh ác liệt, dân chúng rời bỏ xóm làng cao nguyên kéo về thị trấn, thị xã. Bạn bè tứ tán khắp nơi. Mười lăm năm nơi phố phường, ra khỏi con ngõ hẻm chỉ nghe tiếng móng ngựa kéo xe gõ nhịp lóc cóc đều đều trên đường nhựa. Cũng bằng khoảng thời gian Vương Thúy Kiều lưu lạc đoạn trường. Tôi quy hồi cố hương. Chỉ có một mình, không được xưng là chúng tôi nữa!

Thật ngạc nhiên và ngỡ ngàng! Ba trảng gò rộng mênh mông không còn. Trải mấy trăm năm, ít nhất cũng hơn 400 năm từ khi xứ này thành lập xóm ấp, những con trâu, con ngựa được cấp cho lưu dân làm “ngưu canh điền khí” rồi sinh sản đông đảo hàng bầy hàng lũ.

Cỏ xanh trên gò đã nuôi sống chúng và cũng nhờ chúng những tranh đế gai bụi không lấn lướt giành phần đất sống của cỏ. Vậy mà... chỉ mười lăm năm không bóng người lai vãng và không dấu chân trâu ngựa, cỏ xanh đã bị tranh đế gai bụi phủ lên đè bẹp. Ba trảng gò lớn vốn liền kề nhau bây giờ xóa hết ranh giới làm một khu rừng.

Đám bạn bè của tôi, đứa nằm trong lòng đất, đứa định cư xa xứ, đứa không tìm được một dòng tin nhỏ. Bên bìa rừng hoang vắng chỉ còn một mình tôi. Nhắc chuyện cũ hỏi thăm thì mọi người bảo bây giờ chẳng riêng các làng quê mà cả huyện không có một con ngựa, không ai nuôi ngựa nữa.

Thế nhưng... nhìn trên vách nhiều nhà mới xây thấy treo bức tranh sơn mài “mã đáo thành công” phỏng theo tác phẩm của họa sĩ Diệp Túy Bạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận