TTCT - Sau khi TTCT đăng chuyên đề: “Mua nhà trả góp, những bất trắc cần hóa giải”, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người trong cuộc lẫn góp ý của luật sư, chuyên gia pháp lý. Xin trích đăng những phản hồi đó.

Phóng to
Người tiêu dùng dựa vào HĐM để làm cơ sở cho những tranh chấp (nếu có) sau này, nhưng xem ra phần hơn vẫn là chủ đầu tư - Ảnh: L.N.M.

Một nguyên tắc cơ bản được Luật dân sự thừa nhận và bảo đảm là quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi các bên tham gia giao dịch có sức mạnh không tương xứng với nhau, pháp luật có những chế định đặc biệt để bảo vệ bên yếu thế hơn. Hợp đồng mẫu ra đời là để bảo vệ bên yếu thế, nhưng...

Bảo vệ bên yếu thế

Ví dụ, theo nguyên tắc giải thích hợp đồng trong Luật dân sự trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế, thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Điều này xuất phát từ việc người yếu thế phải phụ thuộc vào bên mạnh thế khi giao kết hợp đồng nên thường khó có thể đưa vào hợp đồng các điều khoản thể hiện ý chí của họ, như khi vay tiền người đi vay thường phải chấp nhận các điều khoản và điều kiện do ngân hàng đặt ra để được vay tiền.

Tương tự, trong một số trường hợp để giải quyết nhu cầu thiết yếu như nhu cầu sinh hoạt, đi lại hay nhà ở, người tiêu dùng buộc phải tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp thì hầu như người tiêu dùng buộc phải ký kết các hợp đồng mẫu do bên cung cấp soạn sẵn với những điều kiện và điều khoản bảo vệ cho chủ đầu tư và “chèn ép” người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong những trường hợp này, pháp luật đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu (khoản 1 điều 19 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư (HĐM), các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý chung cư cung cấp cũng được liệt vào danh mục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 1-3-2012, các chủ đầu tư sẽ phải đăng ký mẫu HĐM với Sở Công thương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương trong trường hợp phạm vi áp dụng hợp đồng mẫu/điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc hoặc từ hai tỉnh trở lên.

Thờ ơ đăng ký hợp đồng mẫu

Các điều khoản thường gặp trong các HĐM như điều khoản cho phép chủ đầu tư được đơn phương điều chỉnh hồ sơ thiết kế, thay đổi trang thiết bị, vật liệu của căn hộ khác với mô tả tại HĐM, điều khoản loại trừ quyền khiếu nại hay tranh chấp của bên mua với chủ đầu tư, hoặc điều khoản phạt vi phạm, cho phép chủ đầu tư chuyển giao quyền nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không cần phải có sự chấp thuận của người mua... có thể bị xem là vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và không được chấp nhận đăng ký.

Có thể thấy việc đưa các HĐM vào danh sách các hợp đồng mẫu/điều kiện giao dịch chung phải đăng ký là một biện pháp kịp thời góp phần làm hạn chế các tranh chấp liên quan đến căn hộ chung cư giữa chủ đầu tư và người mua trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đáng tiếc là sau gần sáu tháng kể từ khi quyết định 02/2012/QĐ-TTg có hiệu lực, vẫn chưa có nhiều chủ đầu tư tiến hành đăng ký HĐM theo quy định của pháp luật trong khi các tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn. Điều này một phần xuất phát từ việc các tiêu chí đánh giá HĐM còn khá chung chung và chủ quan khiến các chủ đầu tư ngại đăng ký.

Hơn nữa, việc đăng ký HĐM chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh lần đầu hoặc đăng ký lại, nghĩa là khi có sự thay đổi đối với nội dung HĐM. Như vậy, các HĐM trước thời điểm 1-3-2012 đều không phải đăng ký và do vậy không được cơ quan chức năng xem xét. Trong khi theo quan sát của chúng tôi, các tranh chấp chủ yếu diễn ra đối với các chung cư đã vận hành một thời gian.

Do nhà ở là một nhu cầu thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân, nên chăng cần có cơ chế xem xét áp dụng hồi tố biện pháp buộc đăng ký HĐM với các hợp đồng đã ký để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và góp phần giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhà chung cư hiện nay.

Khi xem xét nội dung của HĐM, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra (i) nội dung có vi phạm các quy định tại điều 16 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (ii) hình thức có vi phạm các quy định tại điều 7 nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-10-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; và (iii) tổng thể các nội dung của HĐM có phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng hay không. Nếu xét thấy HĐM phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan chức năng mới chấp nhận đăng ký, khi đó HĐM mới được áp dụng đối với người mua căn hộ.

Trong trường hợp vi phạm quy định về đăng ký HĐM như không đăng ký hoặc đăng ký lại HĐM hoặc không thông báo cho người tiêu dùng về việc thay đổi HĐM theo quy định tại điều 11 của nghị định 19/2012/NĐ-CP ngày 16-3-2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, chủ đầu tư sẽ có thể bị phạt tiền 50-70 triệu đồng cùng với việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng. Ngoài ra, cũng theo nghị định 19/2012/NĐ-CP, chủ đầu tư còn có thể bị phạt tiền 10-70 triệu đồng đối với các vi phạm về nội dung, hình thức trong quá trình thực hiện HĐM.

2 năm xử chưa xong

Khá nhiều người lâm vào tình trạng dở khóc dở cười khi mua nhà trả góp. Có những trường hợp phải ra tòa để giải quyết nhưng nhìn chung, phần thiệt vẫn thuộc về người tiêu dùng.

Năm 2006, một khách hàng mua căn hộ thuộc dự án The Manor (quận Bình Thạnh, TP.HCM) với giá 167.000 USD của Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco). Khách hàng này ký hợp đồng vay tiền của ngân hàng, vay 50% trị giá nhà, giải ngân theo tiến độ góp vốn của dự án.

Khi nhận nhà, khách hàng này cho rằng nhiều hạng mục nội thất của căn hộ như thiết bị vệ sinh, cửa, gạch... không đúng như cam kết trong hợp đồng ban đầu và đã khiếu nại nhiều lần với chủ đầu tư. Chủ đầu tư cho thợ đến sửa nhưng khách hàng cho là không đạt yêu cầu và đề nghị đổi căn hộ khác.

Tháng 10-2007, phía chủ đầu tư đã kiện khách hàng này ra tòa để đòi hủy hợp đồng, lấy lại căn hộ với lý do khách hàng chưa thanh toán nốt 15.000 USD nên bị coi là vi phạm hợp đồng. Còn khách hàng cho rằng về mặt giấy tờ, công ty xác nhận khách hàng đã hoàn tất thanh toán đủ 50% giá trị nhà, 50% còn lại do ngân hàng cho vay. Theo khách hàng, khoản 15.000 USD đó là tiền cho vay, hỗ trợ của chủ đầu tư cho khách hàng mua nhà nên không thể xem là vi phạm hợp đồng. Phía công ty niêm phong căn hộ không cho khách hàng vào, phải thuê nhà ở.

Sau khi hòa giải không thành, tháng 2-2008 TAND quận Bình Thạnh xét xử tuyên người mua thua kiện, phải trả lại nhà cho Bitexco và chỉ nhận lại được số tiền nhà đã góp là hơn 2,5 tỉ đồng (tương đương 95% trị giá căn hộ theo hợp đồng). Trong khi đó, khách hàng cho rằng do giá nhà đất tăng nên giá trị căn hộ tại thời điểm đó đã lên tới hơn 4 tỉ đồng. Khi người mua kháng cáo bản án, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án trên.

Đến tháng 4-2010, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm lần thứ hai. Lần này tòa cũng tuyên người mua phải trả căn hộ cho Bitexco, nhưng phía công ty phải trả lại tiền nhà tương đương tỉ lệ tiền nhà mà khách hàng đã thanh toán (95% trị giá hợp đồng), nhân với trị giá căn nhà tại thời điểm xét xử. Bản án cũng buộc Bitexco phải bồi thường khoản tiền khách hàng phải bỏ ra để thuê nhà ở từ khi bị lấy lại nhà, tổng cộng hai khoản là hơn 5 tỉ đồng. Tuy nhiên khi xử phúc thẩm (tháng 9-2010), TAND TP.HCM lại tuyên hủy bản án để giao hồ sơ cho TAND quận Bình Thạnh xử lại từ đầu.

Từ năm 2010 đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử lại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận