​Edward Snowden lên phim và... vào công viên!

MINH NHIÊN 23/10/2014 23:10 GMT+7

TTCT - Người gây ra cơn đau đầu cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), cựu điệp viên Edward Snowden, có vẻ không bất hạnh lắm qua những diễn tiến gần đây.

Tượng thạch cao Snowden trong công viên Union Square - Ảnh: Business Insider
Tượng thạch cao Snowden trong công viên Union Square - Ảnh: Business Insider

Là bởi công chúng sắp được “gặp” cựu điệp viên Edward Snowden trong bộ phim tài liệu Citizenfour sẽ chiếu rộng rãi vào ngày 24-10 này.

Citizenfour là biệt danh mà Edward Snowden dùng khi bí mật liên hệ với nhà báo Guardian Glenn Greenwald và nhà làm phim Laura Poitras để thông báo ý định công khai chương trình giám sát mật của NSA.

Cùng Greenwald bay tới Hong Kong, Laura Poitras mang theo máy quay phim ghi lại câu chuyện của Snowden. Citizenfour vì vậy được Poitras đặt làm tựa đề cho bộ phim tài liệu. 

Citizenfour - chiếu giới thiệu cho báo giới lần đầu ngày 10-10 ở Lincoln Center (New York), kể lại việc cựu điệp viên đã “thoát thân” khỏi Mỹ như thế nào: từ việc anh ta tháo phích cắm điện thoại khách sạn, kiểm tra rệp nghe lén trong các chuông báo cháy và bảo đảm bí mật các cuộc điện đàm, đến quyết định đào thoát.

Từ bộ phim, người ta được biết Snowden không hoàn toàn bất hạnh: người yêu của Edward Snowden, nghệ sĩ trình diễn (performance artist) Lindsay Mills, tới Matxcơva từ tháng 7 để đoàn tụ cùng Snowden. 

Hứa hẹn hấp dẫn là bộ phim nghệ thuật của đạo diễn lừng danh Oliver Stone, do chính ông viết kịch bản dựa trên hai quyển sách: The Snowden files: The inside story of the world’s most wanted man (tạm dịch: Hồ sơ Snowden, nội tình của kẻ bị truy nã nhất thế giới) của nhà báo Guardian Luke Harding.

Tư liệu thứ hai là quyển sách Thời bạch tuộc của luật sư Anatoli Kucherena, đại diện luật pháp của Edward Snowden ở Nga. Quyển sách của Anatoli Kucherena đã được đạo diễn Oliver Stone mua bản quyền từ tháng 8-2014 khi còn chưa viết xong. 

Thời bạch tuộc kể về “người thổi còi” Joshua Cold, khi anh ta phải sống ba tuần lẩn trốn ở sân bay Matxcơva.

Không phủ nhận câu chuyện liên quan tới chính Snowden, luật sư Kucherena cho biết đây là “một tác phẩm tâm lý chính trị” và Snowden là một trường hợp rất thú vị mà càng trò chuyện nhiều với cựu điệp viên này, Kucherena càng bị cuốn hút.

“Để hiểu anh ta, tôi phải “chuyển sang sóng” của Snowden, cố tìm sự quân bình giữa một bên là lý trí và bên kia là cảm quan của thế giới anh ta đang sống. Trải nghiệm điều lạ thường này, tôi nhận ra mình phải viết về nó nhưng dưới hình thức tiểu thuyết để khỏi mang tới những hậu quả phức tạp”.

Vào vai Snowden là nam diễn viên 33 tuổi Joseph Gordon Levitt, mới đây từng là ngôi sao của siêu phẩm Hiệp sĩ bóng đêm trỗi dậy và đóng vai chính trong các phim 500 ngày hè, 50-50...

Bộ phim của Stone nhiều khả năng sẽ phải “đấu” với một kế hoạch tương tự mang tên Không nơi ẩn trốn (No place to hide), dựa trên một quyển sách của nhà báo Glenn Greenwald do các đạo diễn phim 007 Michael Wilson và Barbara Broccoli thực hiện.

Tuy nhiên, theo tờ Guardian, lợi thế có vẻ nghiêng về Oliver Stone vì nhiều khả năng Stone sẽ về đích trước, chưa kể ưu thế của Stone với dòng phim nhân vật chính trị.

Ông từng làm phim về việc ám sát Kennedy (JFK), về xìcăngđan Watergate (Nixon), về chiến tranh Việt Nam (Trung đoàn, Sinh ngày 4-7, Trời và đất), về “cuộc chiến chống khủng bố” của chính quyền Bush (W)...

Có vẻ như dù ở xa nước Mỹ cả đại dương nhưng Snowden vẫn tiếp tục “ám ảnh” các văn nghệ sĩ Mỹ. Mới đây thôi, sáng 10-10, trong công viên Union Square (New York), đối diện với tượng Abraham Lincoln “mọc” lên một bức tượng thạch cao Snowden.

Tờ Business Insider dẫn lời điêu khắc gia Delaware Jim Dessicino cho biết bức tượng là một phần trong liên hoan “Nghệ thuật ở chốn lạ” (Art in odd palces), trong khi bản thân liên hoan nghệ thuật này diễn ra trên đường số 14 của New York.

Đây là đề án tốt nghiệp cao học tại Đại học Delaware của Dessicino mà anh bắt tay thực hiện từ tháng 9-2013, tức chỉ vài tháng sau khi Snowden rò rỉ thông tin mật cho nhà báo Glenn Greenwald.

Dessicino cho rằng những gì Snowden làm là “hành động đáng kể nhất cho bất kỳ ai ở thế hệ chúng tôi”, Snowden “đặt sự thật lên trên luật pháp và đã hi sinh rất lớn”.

Bức tượng đứng trong công viên từ 10g sáng đến 5g chiều suốt mấy ngày cuối tuần qua, với tác giả luôn bên cạnh trong thời gian này nhằm đảm bảo tượng không bị ngã hay bị phá hoại!

Cho đến tháng 6-2013, Edward Snowden, 29 tuổi, là nhân viên hợp đồng của NSA ở Hawaii với mức lương 122.000 USD/năm. Sau khi tiết lộ mình là nguồn tin của những bài báo về chương trình giám sát mật của NSA trên tờ Guardian, Snowden đã bay từ Hong Kong sang Nga và xin cư trú chính trị từ ngày 23-6-2013.

Tháng 8-2014, Nga đã cấp cho Snowden giấy phép tạm trú ba năm. Đến nay, Snowden vẫn từ chối trở về Mỹ vì đề nghị của cựu điệp viên này: được xét xử bởi một phiên tòa mở của bồi thẩm đoàn đã không được chấp nhận. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận