Những đêm trắng của người đưa thư

MINH NHIÊN 10/10/2014 08:10 GMT+7

TTCT - LTS: TTCT số này giới thiệu với độc giả hai bộ phim giật giải của hai liên hoan phim quốc tế danh giá gần đây.

Người đưa thư Aleksei Tryapitsyn trong vai Lyokha của Những đêm trắng của người đưa thư - Ảnh: aif.ru
Người đưa thư Aleksei Tryapitsyn trong vai Lyokha của Những đêm trắng của người đưa thư - Ảnh: aif.ru

Những bộ phim không “sao”, không sex, không máu, không hành động nhưng đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả quốc tế.

Một bộ phim không thuộc dòng phim tài liệu nhưng hầu hết nhân vật đều là người thật, việc thật. Diễn viên trong phim không cần diễn, chỉ cần là chính mình. Ấy vậy mà Những đêm trắng của người đưa thư đã mang đến cho đạo diễn Nga Andrey Konchalovsky giải Sư tử bạc tại Liên hoan phim Venice 2014.

Những đêm trắng của người đưa thư kể về những con người trong một làng quê thuộc vùng Arkhangelsk, phía bắc nước Nga. Sống giữa thiên nhiên bạt ngàn, kỳ vĩ, trong một làng quê đang lụi tàn, họ chìm trong nỗi buồn, sự cô đơn, men rượu và những tư lự cuộc đời. 

Nhân vật chính không phải là diễn viên chuyên nghiệp. Nhưng ông chính là người đưa thư chuyên nghiệp Aleksei Tryapitsyn, được đạo diễn Andrey Konchalovsky chọn ra từ 40 ứng viên và đóng phim cùng dân làng mình.

Giống như mọi người dân trong làng, ông chưa từng đi xa khỏi nơi mình sinh ra, nhưng là cầu nối giữa người làng và thế giới xung quanh. Ông mang thư, báo, lương hưu, bánh mì, bóng đèn... cho dân làng bằng thuyền vào mùa hè, còn mùa đông thì bằng ván trượt.

Độc thân, người đưa thư Tryapitsyn quan tâm đến một cô bạn học cũ vừa trở về quê sinh sống, khá gắn bó với đứa con trai của cô... 

Mỗi cảnh trong bộ phim là một phần hiện thực của làng quê Nga, dù đây không phải là phim tài liệu. Theo đạo diễn, chính thực tế cuộc sống giúp thực hiện bộ phim: “Đây là những cảm nhận của tôi về cuộc sống của những người Nga dung dị. Tôi làm phim về họ, cùng họ đóng phim, họ giúp tôi viết nên kịch bản”.

Trong phim, người đưa thư cùng dân làng được đề nghị tự nghĩ ra những đoạn thoại trong những cảnh huống sống quen thuộc. Diễn viên chuyên nghiệp duy nhất của phim (trong vai cô bạn học cũ của người đưa thư) chỉ có Irina Yermolova - một trong những nữ hoàng sân khấu kịch Nga hiện nay.

Làng quê trong bộ phim là một nơi vô cùng hẻo lánh, nằm tận phía bắc Nga, một ngôi làng nhỏ thưa thớt dân trong bối cảnh sụt giảm dân số của đất nước rộng lớn này. Hầu hết cư dân là người già. Ngôi làng chỉ sống động đôi chút vào mùa hè nhờ du khách ghé qua, còn mùa đông thì chìm trong hoang vu.

Có cảm giác như thời gian đã ngưng đọng vĩnh viễn tại đây. Trong làng cũng có vài cái tivi, người ta cũng nói về Internet, và ở cánh rừng xa đâu đó thi thoảng những tên lửa được phóng lên trời.

Nhưng người làng, với nếp sống của họ, những nỗi sợ hãi của họ và những nghĩ ngợi của họ, cứ như từ trăm năm trước. Họ có thể ngồi vào thuyền máy để đến những nơi thị tứ hơn, tới những quán cà phê và siêu thị, nhưng khi trở về làng, khép lại cánh cửa gỗ thì họ lại tiếp tục sống như đã sống.

Khi được hỏi về bộ phim của mình, người đưa thư Tryapitsyn kể bộ phim là một “câu chuyện bình thường, không có tình yêu, chẳng gì đặc biệt. Thậm chí tôi cũng không biết kể gì về nó. Đơn giản là cuộc sống cứ trôi, như thế nào thì cứ như thế đấy”.

Thế nhưng như đạo diễn Konchalovsky nhìn nhận: “Không có những câu chuyện buồn tẻ. Chỉ có những người kể tẻ nhạt”. Và với “người kể chuyện” Konchalovsky thì nhật báo Nga Rg.ru nhận định:

“Konchalovsky từ lâu đã quan tâm tới những quy luật lịch sử gắn với những đặc thù tâm tính dân tộc Nga, sống bao đời qua trong một không gian rộng lớn trải dài từ đông sang tây, với một niềm tin vốn giết chết khả năng phân tích độc lập và tư duy phản biện. Có lẽ chính ở phía bắc này, đạo diễn một lần nữa muốn khẳng định giả thiết của mình nhờ sự giúp sức của phương pháp thực nghiệm thuần túy: một xã hội thu nhỏ treo giữa một thế giới rộng lớn, mất liên hệ với thế giới và có lẽ cũng chẳng có nhu cầu có những liên hệ đó, xã hội đó đang tồn tại bằng cách nào và ra sao”

(www.rg.ru/2014/08/13/venise-site.html)

Thiên nhiên - theo một bình luận trên tờ Luận Chứng và Sự Kiện (Nga) - cũng là một diễn viên kiệt xuất trong phim. Những đêm trắng bí ẩn phương bắc, những rừng taiga, những đồng cỏ mướt xanh mùa hè... khiến khán giả lặng người vì sự tuyệt vời của hoang dã.

Có lẽ nhờ đó mà bộ phim còn được giải Green Drop Award vì những thông điệp sinh thái. Tạp chí điện ảnh Variety cũng nhìn nhận “bị mê hoặc bởi cảnh mà người đưa thư lắng nghe thiên nhiên, nơi những tiếng vang tự nhiên của nó chảy tràn thành âm nhạc”...

Khi người ta gọi tôi là nhân vật chính, tôi đã xua tay, nhân vật gì tôi. Nhưng giờ thì tôi nghĩ lại - ừ, có thể mình là anh hùng (*) đấy chứ? Chúng tôi - những người đưa thư - ngày càng ít dần, nhưng không có chúng tôi thì mối liên hệ bị cắt đứt.

Rồi sau đó tôi ngẫm ngợi, làng quê đúng là đang chết. Chúng tôi chẳng có gì để tự hào - sản xuất đóng cửa, trường học không có, mắc bệnh thì cứ là đào sẵn huyệt cho mình, bởi tới được bệnh viện cũng phải 200km...

Chúng tôi thì quen rồi, còn du khách cứ kinh ngạc: các ông sống với chỉ 7.000 rúp/tháng (**) thôi sao?

Một lão làng chúng tôi đáp: “Tôi có đủ, nhờ nhà nước”. Còn người khác thì 20.000 rúp/tháng cũng không sao đủ, những người khác nữa thì ăn cắp bạc triệu mà vẫn còn thấy ít. Nhưng không cần tội nghiệp chúng tôi đâu. Ai muốn thì cứ sinh nhai trong làng, còn ai nát rượu, có gì mà tội, chính họ chọn con đường này”.

Trích trả lời phỏng vấn của người đưa thư Aleksei Tryapitsyn (www.aif.ru/culture/person/1334069)

(*): , A. Tryapitsyn chơi chữ, trong tiếng Nga  có nghĩa là nhân vật, nhưng cũng có nghĩa là anh hùng.

(**): khoảng 180 USD.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận