Gặp tác giả Từ điển tiếng Huế

MINH TỰ 14/09/2003 23:09 GMT+7

TTCN - Tác giả cuốn Từ điển tiếng Huế không phải một nhà ngôn ngữ học hay một nhà nghiên cứu Huế mà là bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng hiện sống ở Mỹ. TTCN trò chuyện với bác sĩ Bùi Minh Đức nhân chuyến về Huế của ông để đi điền dã, thu thập thêm tài liệu nhằm hoàn thiện cuốn từ điển phương ngữ này, chuẩn bị tái bản.


Bác sĩ Bùi Minh Đức

* Cơ duyên nào đưa bác sĩ đến với cuốn Từ điển tiếng Huế?

- Mọi chuyện khởi đầu từ hơn mười năm trước (1991), khi điện thoại từ quê gọi sang Mỹ báo tin mạ tôi mất. Những ngày sau đó hình ảnh mạ tôi với những lời ân cần dạy bảo cứ như vang lên trong tâm trí, thôi thúc tôi cầm bút ghi liền một mạch những lời của mạ. 

Đọc lại mới thấy nhiều từ, nhiều tiếng mạ tôi nói, giờ ít thấy người Huế dùng nữa. Thế là tôi nảy sinh ý nghĩ phải ghi lại cái tiếng nói rất riêng đó của Huế (chẳng hạn tiếng mẹ người Huế lại nói mạ). 

Lúc đầu chỉ chuyền tay nhau đọc để nhớ Huế, nhưng sau đó tôi nghĩ sao mình không mở rộng ra cho nhiều người đọc để cùng giữ một thứ tài sản cho Huế. 

Tôi phải bỏ ra hai năm đọc các quyển từ điển và các sách ngữ học để nắm vững nguyên tắc làm từ điển. Về mặt từ điển, tôi tuân thủ đúng nguyên tắc cấu trúc vĩ mô và vi mô, các quan hệ dọc và ngang của các mục từ, thứ tự theo bảng chữ cái và dấu thanh của tiếng Việt.

Về mặt tiếng Huế, tôi phải xác định rõ tiêu chí thế nào là tiếng Huế? Trong quá trình tập hợp mục từ, tôi sử dụng tất cả mọi nguồn tư liệu. 

Trước hết, đó là vốn tiếng Huế có trong ký ức của tôi suốt 40 năm sinh sống ở quê nhà do tôi đã tiếp xúc với đủ thành phần con dân xứ Huế, từ thành thị đến nông thôn qua công việc của một bác sĩ. 

Từ ngày đó, mỗi năm tôi luôn dành thời gian để về Huế hai lần, mỗi lần cả tháng, để đi điền dã từ những làng phía bắc Thừa Thiên như Phước Tích cho đến tận Truồi, Lăng Cô phía nam, từ Thanh Tân Ồ Ồ phía tây cho đến Sịa, Mỹ Lợi phía đông, nơi tiếng Huế xưa còn ở những làng quê. 

Buổi sáng tôi la cà những hàng quán vỉa hè, rồi vào chợ Đông Ba, An Cựu, nơi có tiếng Huế của giới bình dân. 

Một nguồn tiếng Huế nữa nằm trong ca dao, dân ca, tục ngữ được sưu tầm từ trước đến nay. Tất nhiên, không thể bỏ qua vốn tiếng Huế của 300 năm trước trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, và tiếng Huế trong những từ điển của Pigneau de Béhaine, Taberd, Ganibrel, Huỳnh Tịnh Của... 

Ngoài ra còn phải kể đến nguồn tiếng Huế do bạn bè, người thân từ Huế và người Huế sống ở các nước tập hợp rồi gửi cho tôi. 

* Nhưng làm sao khẳng định là tiếng Huế với khá nhiều từ không chỉ người Huế mà người các địa phương khác vẫn nói, chẳng hạn: mô, tê, răng, rứa…

- Trước hết, đó là tiếng nói của người Huế mà nơi khác không nói; thứ nữa đó là tiếng mà một vài địa phương lân cận cũng nói nhưng người Huế dùng nhiều hơn, thích dùng nhiều hơn và nó thể hiện tính cách, gần gũi tâm tư, tình cảm người Huế hơn.

Tương tự, các thành ngữ, điển tích, điển cố phổ biến, người nhiều nơi vẫn dùng, nhưng tôi vẫn đưa vào tiếng Huế bởi người Huế đặc biệt rất thích lối nói văn hoa, chữ nghĩa. Chẳng hạn: “Hai đứa hắn đeo nhau như Ngưu Lang - Chức Nữ”. Nếu không có thêm tiêu chí mở này thì tiếng Huế sẽ rất ít ỏi.

Trong từ điển này nhiều nhất vẫn là tiếng Huế thổ ngữ, của những làng, những xóm vùng quê. Chẳng hạn, người làng Phước Tích (Phong Điền) gọi đồ gốm do họ làm ra là đôột đôột. 

Một thứ tiếng Huế đậm đặc nữa do cách nói biến âm, chệch âm; chẳng hạn âm nh người Huế cứ nói thành âm d: nói nhỏ nhỏ thành nói dỏ dỏ; âm giữa o thành u: giống như thành giúng dư. 

Huế là kinh đô một thời nên trong tiếng Huế có một số từ đặc biệt liên quan đến quan chế, triều đình. Ngoài ra, còn có nhiều từ do lịch sử hoặc môi trường sống riêng Huế tạo ra như bão năm Thìn, lụt 1953, thất thủ kinh đô (thời Pháp)... Và khá nhiều từ do người Huế kỵ húy nên đọc trại mà ra, như: hoa nói thành huê, long thành luông, hoàng thành huỳnh... 

* Và có khá nhiều tiếng tục nữa…

- Tiếng tục mà giới bình dân hay dùng là cách thể hiện ái, ố, hỉ, nộ của họ. Người ta thường bảo tiếng Huế là thứ tiếng sang trọng, thanh tao, nhưng đó là tiếng Huế của vương triều, hoàng tộc và số người Huế đó chỉ là một bộ phận. 

* Mỗi người Huế đang giữ trong mình một phần tiếng Huế, ông có quan tâm góp nhặt những phần tài sản tản mát nhưng rất dồi dào ấy không?

- Tôi luôn kêu gọi điều đó. Ngay với bệnh nhân đến phòng mạch tôi nói hãy mang cho tôi một ít tiếng Huế và họ đã mang đến những tờ giấy ghi đầy tiếng Huế. Sau khi cuốn từ điển ra đời, tôi đã nhận được rất nhiều sự đóng góp từ Huế và từ Pháp, Mỹ, Anh, Úc... 

Anh Trần Vàng Sao, Lê Trường Quỳnh gửi từ Huế cho tôi mấy cuốn vở dày với hàng trăm mục từ bổ sung, ngoài ra còn giúp tôi hiệu đính lại phần giải thích, các ví dụ. Anh Võ Quang Yến ở Paris cũng gửi cho mấy trăm từ. Tiến sĩ Đặng Ngọc Lễ từ TP.HCM giới thiệu cho cuốn luận văn cao học của tác giả Trương Thị Thu Hương với một kho tiếng Huế chị đã công phu sưu tầm được. 

Từ 530 trang của lần in đầu tiên (2001), bây giờ cuốn Từ điển tiếng Huế đã lên đến 1.000 trang và sẽ tái bản vào đầu năm 2004 tới. Đó là món quà mà tôi sẽ đem về quê nhân dịp Festival Huế 2004.  

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận