Ghép (*)

LÊ THIẾT CƯƠNG 18/12/2013 08:12 GMT+7

TTCT - LTS: Là đồng nghiệp, là bạn đã mấy chục năm nhưng đây là lần đầu tiên Hoàng Thị Phương Liên và Lê Thiết Cương “ghép đôi” triển lãm chung. TTCT giới thiệu bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương về sự “gặp gỡ” này.

Phóng to
Mùa gặt

Mỗi người tự chọn những bức tranh ưng ý nhất của mình góp lại với nhau để làm nên Ghép. Từng bức tranh của chúng tôi có thể coi là những mảnh ghép nhỏ được gắn kết lại, xếp lại với nhau để tạo thành bức tranh Ghép. Người nào tranh ấy, ai cũng có phận của người ấy rồi nhưng khi đứng cạnh nhau, ghép chung với nhau thì biết đâu sự khác biệt của mỗi người sẽ tạo ra tương phản và hấp dẫn hơn chăng?

Hoàng Thị Phương Liên học chuyên ngành đồ họa Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Chị làm nhiều tranh in, in lưới, khắc gỗ rồi vẽ nữa, sơn dầu bột màu đủ cả nhưng có vẻ không thành cho đến ngày chị và xé giấy tìm được nhau. Tìm được chất liệu hợp với mình, tìm được điều hợp với mình, tìm được người hợp với mình, hiểu mình tưởng dễ mà khó vô cùng. Tìm được người hợp với mình tức là tìm được mình.

Có hợp nhau, hợp tạng của nhau thì mới yêu. Chả thế mà hơn 20 năm nay Liên chung thủy với xé giấy. Liên là người đầu tiên chuyên tâm với xé giấy và thành công với hình thức biểu đạt này. Đặc điểm của giấy màu thủ công là chỉ toàn màu cơ bản, ít màu trung gian. Phải là người có gen màu mới điều chế được tương phản nóng lạnh để có thể làm cho xanh đỏ tím vàng đối chọi mà vẫn hài hòa, không chói gắt.

Khác với tranh vẽ, tranh xé giấy không có thủ pháp pha màu theo nghĩa đen là hòa trộn màu này với màu khác. Pha màu trong tranh xé giấy chính là xếp đặt, cài ghép, đan xen màu nọ với màu kia sao cho vừa mắt. Liên là người giỏi về hòa sắc.

Với ưu thế bảng màu tươi của giấy màu thủ công, Hoàng Thị Phương Liên chọn đề tài là tĩnh vật hoa tươi quả chín, phong cảnh đồng quê bốn mùa, chợ miền núi... một chọn lựa hay để dụng màu. Xé vừa là theo hình vừa là bỏ hình, vừa là cố tình mà cũng lại là vô tình. Xé nhiều tự do, phóng khoáng, tình cờ hơn cắt.

Duyên của Liên là cách xé nghiêng, màu trắng của mặt sau tờ giấy màu hé lộ, lấp ló, ít nhiều, to nhỏ, lem nhem, xô lệch, lỏng lẻo, chơi vơi tạo thành một kiểu đường viền mơ hồ, mềm mại, bảng lảng rất mặc kệ, kiểu lạt mềm buộc chặt.

Phần còn lại của Ghép là những bức tranh của tôi. Đây cũng là lần đầu tôi đến với gốm mosaic. Đặc điểm của gốm mosaic là không có nhiều màu, thiên về màu cơ bản giống như giấy màu nên tôi chọn một số tranh trong loạt tranh Đồng dao để thể hiện, là loạt tranh mà tôi dùng ít màu và tương phản mạnh.

Phóng to
Đọc sách

Phóng to
Con gái

Phóng to
Gặt lúa

Từ triển lãm đầu tiên năm 1991 đến nay, tôi vẫn chỉ làm hội họa tối giản, một kiểu hội họa đồ họa, ưu tiên khoảng trống lớn, ít chi tiết và kiệm lời mà gốm chính là đồ họa, nên tôi với gốm mosaic đi về cùng nhau cũng là tự nhiên.

Ghép chính là đan cài, khâu đính, chắp nối nhiều mảnh nhỏ lại. Cắt xé ra chính là để làm lại, xếp lại theo cách mới, theo cách khác để mình vẫn là mình mà lại được không hẳn là mình nữa.

Mosaic là móc nối, lắp ghép, xếp đặt cái này với cái kia, màu này với màu kia, người này với người kia... liền vào nhau, bên cạnh nhau, không chạm vào nhau, không ở trong nhau nhưng vẫn gắn bó. Gắn bó mà chưa chắc đã cần gặp gỡ hay gặp rồi vẫn chả cứ là phải gắn bó?

Mỗi chúng tôi đã là một ghép, ghép thêm lần nữa để thành Ghép này. Đó cũng là tùy duyên mà sinh, tùy duyên mà ghép. Lẽ thường khi hiểu mọi sự được mất, lành vỡ, ly hợp ở đời đều là ở chữ ghép. Lẽ thường khi hiểu còn duyên thì ghép, hết duyên thì thôi.

Lẽ thường khi đã hiểu tất thảy đều là “ngũ uẩn giai không” cả thì sẽ hiểu được vô thường, vô ngã, vô tình, vô tâm... Ấy vậy mà lại khó sang bờ bên ấy vô cùng. Nhưng dù có ghép chặt đến đâu chăng nữa thì cũng chả nên chấp vào ghép mà làm gì.

(*): Triển lãm Ghép của hai họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên và Lê Thiết Cương bắt đầu từ ngày 9 đến 24-12-2013 tại Gallery 39, 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội và tại Lý Club, 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM vào trung tuần tháng 2-2014. Triển lãm trưng bày khoảng 15 bức tranh xé giấy của họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên và 15 bức gốm mosaic của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận