Ghi chép từ Hội sách quốc tế Seoul 2013

TTCT - 1. Hội chợ sách quốc tế Seoul - SIBF (*) khai mạc sáng 19-6. Sáng hôm khai mạc, hội chợ vắng hoe, chỉ có các đại biểu được vào mà còn bị kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Phóng to
Tổng thống Park Geun Hye (phải) tại Hội chợ sách Seoul 2013 - Ảnh: english.president.go.kr

Hỏi ra mới biết là vì Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đến khai trương.

Tổng thống đến dự hội chợ sách, thông tin quả thật đáng chú ý vì tôi từng dự hội chợ sách nhiều nơi nhưng hiếm thấy nguyên thủ đến dự. Và cũng hỏi ra mới biết Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực rất nhiều trong việc phát triển kinh tế tri thức, phát triển nền giáo dục, và vì thế hỗ trợ rất nhiều hoạt động xuất bản.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Park Geun Hye nhắc nhở: "Là nơi cất giữ ký ức nhân loại, sách vượt qua không gian và thời gian".

2. Trong vài năm qua, có dịp tham dự nhiều hội chợ sách, gặp nhiều nhà xuất bản trên thế giới, tôi hiểu thêm rằng xuất bản không chỉ là sách, xuất bản giờ đã chuyển sang khái niệm mới và mô hình mới: sản xuất và kinh doanh nội dung và nội dung số (content và e-content). Xuất bản là một động lực chính hậu thuẫn cho sự phát triển của nền kinh tế tri thức.

Tại các hội chợ giờ đây không chỉ xuất hiện bóng dáng các nhà xuất bản truyền thống, những kệ sách giấy và catalogue in dày cộp mà đã có những công ty phát triển phần mềm, những hãng sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng...

Tôi cũng hiểu rằng xuất bản giờ đây không chỉ là hoạt động có tính giáo dục, phổ biến kiến thức, hay lưu giữ tư liệu, trí tuệ của con người, mà còn là những hoạt động giao lưu văn hóa, quảng cáo, marketing... cho chính các tập đoàn lớn nhất, các hãng sản xuất và các quan chức cao cấp nhất.

Ranh giới giữa xuất bản sách, tạp chí, báo chí, và cả truyền hình, truyền thông đang dần mờ đi, dần dần khó có thể định nghĩa đâu là ranh giới rõ rệt giữa các ngành này.

Công nghệ đang làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, thay đổi cách chúng ta học tập và cách chúng ta trưởng thành. Liệu ai có thể nói rằng mình không cần đến tri thức? Liệu ai có thể nói rằng Việt Nam có thể phát triển và đi lên mà không cần ngành xuất bản? Đứng giữa hội chợ sách, giữa mênh mông tri thức, tôi nhìn thấy cả một thị trường bao la cho người Việt Nam đang mở ra, đầy thách thức nhưng cũng đầy lôi cuốn.

3. Tại hội thảo về các thị trường mới nổi, tôi trình bày về thị trường Việt Nam cho các bạn quốc tế (bốn người thuyết trình được mời từ các quốc gia: Brazil, Việt Nam, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ).

Trước tôi là bài thuyết trình của một đồng nghiệp Brazil. Ông thông báo bộ sách đình đám mà Alpha Books vừa xuất bản hồi đầu năm ở Việt Nam Fifty shades of grey (50 sắc thái) ở Brazil có tới 10 nhà xuất bản tham gia đấu giá, và nhà thắng cuộc đã trả giá tới 350.000 đôla. Một số bản quyền lớn như bộ sách của Murakami thì bốn nhà xuất bản Hàn Quốc tranh nhau với kết quả lên tới gần 1 triệu đôla.

Các bạn trong ngành xuất bản Hàn Quốc rất tận tình giới thiệu các cuốn sách best-seller của họ. Tôi hỏi best-seller là bán được bao nhiêu bản? Bạn bảo cuốn này được 1,5 triệu bản, cuốn kia được 1 triệu, cuốn kém hơn chỉ được 300.000 bản, còn đỉnh cao là 2 triệu.

Đến bao giờ Việt Nam mới có được con số 1-2 triệu bản đáng mơ ước như các bạn?

Trước khi rời Hàn Quốc, tôi có buổi nói chuyện dài hai giờ với đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn. Chúng tôi nói chuyện về văn hóa, lịch sử, con người Hàn Quốc... , về câu chuyện kỳ tích sông Hàn, sự tăng trưởng thần kỳ của Hàn Quốc hậu chiến tranh thành quốc gia có GDP danh nghĩa lớn thứ 13 thế giới và một hình mẫu cho nhiều nước đang phát triển.

Chưa tới bốn thập niên sau khi bị tàn phá từ chiến tranh, thành phố Seoul mà nhiều người gọi là "vô vọng" đã trở thành thành phố toàn cầu, một trung tâm kinh doanh và thương mại lớn ở châu Á có hạ tầng công nghệ thuộc hàng tiên tiến nhất trên thế giới.

Ngay tại hội chợ tôi cũng nhìn thấy những cuốn sách in ở Hàn Quốc những năm 1960-1970, không khác mấy so với sách của Việt Nam thời đó nhưng chỉ sau vài chục năm, từ một nền xuất bản nghèo nàn Hàn Quốc đã vươn lên như ngày hôm nay...

Còn rất nhiều điều cần học tập từ sự phát triển mạnh mẽ của Hàn Quốc và từ ngành xuất bản. Trong đó, có tầm nhìn của những người lãnh đạo mà như nữ Tổng thống Park từng dự báo, kể cả trong thời đại phát triển vũ bão của kỹ thuật số, "sách vẫn có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết: nó tạo ra những giá trị gia tăng nhờ truyền cảm hứng cho những phương tiện truyền thông khác như phim ảnh, hoạt hình, âm nhạc, trò chơi điện tử và nhạc kịch"...

NGUYỄN CẢNH BÌNH
(giám đốc NXB Alpha Books)

____________

(*): SIBF kéo dài năm ngày (từ 19 đến 24-6), quy tụ 610 nhà xuất bản đến từ 25 quốc gia, trong số này có khoảng 200 công ty nước ngoài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận