Giấc ngủ giống như mưa đang mưa

TTCT - Ông Lũy hoa mắt và xây xẩm mày mặt khi xốc trở xong năm sào rơm phơi dưới nắng trưa. Ông thả sào, ngồi bệt tại chỗ thở dốc.

Phóng to
Tranh: Hoàng Tường

Mặt trời như chảo lửa hắt xuống ruộng rơm. Ông nhìn thấy vô số những hột nắng li ti chật cả không gian. Do nắng quá độ, ánh sáng đã quánh lại thành hột, điên loạn nhảy múa lung tung. Cái thằng trời hôm nay hào phóng cho nắng kiểu này để phơi rơm là có dã tâm để mưa đột ngột cho hư rơm đấy. Người làng Thạch Thổ thường gọi “trời” bằng “thằng” vì nó phá, nó hành họ quá chừng.

Ông Lũy cố lết vào gốc dừa mé bờ vùng để dựa lưng. Ông nhắm nghiền mắt và lập tức ngủ ngay trong cái nắng trắng trời trắng đất. Ngủ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ông. Đó là nhiệm vụ tái tạo sức lực để đối phó với thằng trời. Giấc ngủ của ông là sự lịm đi vì mỏi mệt nên không bao giờ có chiêm bao nào dám bén mảng.

Đột ngột tiếng còi xe inh ỏi vang lên. Ông Lũy giật mình thức giấc.

Chú Thái đã thắng chiếc xe Win lở lói ngay trước mặt ông: “Có đi thăm ông Tư không? Nếu đi thì trèo lên”.

“Chờ tôi về nhà thay đồ đã” - ông Lũy dụi mắt.

“Không cần. Đi thăm tai nạn, không phải đi ăn đám cưới. Trèo lên. Tôi không có thời gian mà chờ với đợi”. Tiếng gay gắt của chú Thái vang lên trộn lẫn với tiếng máy xe đang nổ.

Ông Lũy lại dụi mắt và uể oải níu vào thân cây dừa để đứng dậy: “Đi thì đi. Có mang theo mũ bảo hiểm cho tôi nữa à. Chu đáo nhỉ. Cảm ơn”.

Tuy đang cao điểm thu hoạch mùa vụ và bụng chưa ăn bữa trưa, ông Lũy vẫn phải tranh thủ theo xe chú Thái đến thăm ông Tư bị gãy chân đang nằm bệnh viện đa khoa tỉnh. Cùng làng Thạch Thổ với nhau, nhưng vì công việc mùa vụ tối mày tối mặt nên họ chưa đi thăm ông Tư.

***

Sau khi gửi xe máy, mũ bảo hiểm và hỏi thăm chỗ nơi người gác cổng, họ trèo lên lầu ba. Họ đi dòm tất cả các phòng, và thấy ông Tư nằm phòng số 12 cạnh cửa ra vào. Họ tiến vào, đặt cam và sữa lên chiếc bàn nhỏ nơi đầu giường rồi ngồi ghé vào mép giường của ông Tư đang nằm. Người ông Tư xanh xao, hốc hác, râu ria tua tủa, đôi mắt trũng sâu, hai chân bó bột thẳng đuỗng, bạt ra như cái nạng ná khổng lồ bằng thạch cao. Thấy ông Lũy và chú Thái, ông Tư vẫn nằm bất động, miệng liền thều thào:

“Nghĩ mà tức quá các ông ơi! Sợ người khác chết mà tui gãy tiện bộ giò. Nghĩ mà tức quá. Sợ người khác chết mà tui gãy tiện bộ giò!”.

Nghe ông Tư nói, cổ họng ông Lũy bỗng khô khốc và đắng nghét. “Đắng nghét” do lời uất ức của ông Tư cứ lặp lại gây ra. “Khô khốc” do ông nhớ mình đang rất khát nước. Ông Lũy biết cổ họng mình đang khô khốc, nhưng ông không muốn dùng nước trong bệnh viện. Ông Lũy biết rõ ông Tư đã nói đúng một trăm phần trăm sự cố đã xảy ra dẫn đến gãy chân.

Số là sáng thứ bảy tuần trước, cộ bò của ông Tư chở lúa bó thuê, đang xuống dốc Bà Đũa. Thường ngày dốc này vắng tanh, nhưng hôm ấy, giờ ấy, nơi chân dốc xuất hiện một tốp người xúm xít xem con công đang múa của lão Nhiêu. Ông Tư hoảng hốt la hét khản cổ bảo họ tránh ra, nhưng đám người đó vẫn không nghe thấy. Hoảng quá, ông phóng xuống cộ, vịn càng níu lại, ghịt dây mũi bò lái bạt vào lề, tránh cán vào nhóm người.

Trong cơn hoảng hốt vận dụng hết sức mạnh, chân ông đã xoạc ngang trước bánh cộ mà không hay. Cộ chạy dạt vào lề. Thế là “rắc... rắc”. Đôi chân ông đã gãy. Nhóm người xúm xít xem con công hay múa kia chẳng việc gì. Con công cũng bình yên vô sự. Nhóm người kia không biết từ đâu đến, nhưng lão Nhiêu là người cùng làng Thạch Thổ. Lão ta không làm ruộng. Lão chỉ làm nghề hớt tóc và chăm sóc con công yêu quý của lão.

Ông Tư nhìn hai người, thều thào tiếp:

“Đang mùa gặt, giờ tôi phải làm sao đây, hả mấy ông?”.

Chú Thái nói:

“Ông phải tĩnh dưỡng. Hai chân ông để nhà thương họ lo. Đây là việc rủi”.

Ông Tư hỏi:

“Nhà thương lo hay tui lo?”.

Chú Thái nín thinh, bối rối đưa tay gãi gãi nơi má.

Ông Lũy khuyên:

“Ông không nên uất ức. Chẳng qua số phận phải gánh chịu hoạn nạn”.

Ông Tư hỏi:

“Ai gánh chịu? Tui hay vợ con tui?”.

Ông Lũy cũng nín thinh, cũng bối rối đưa tay vặt râu cằm.

Trước những câu hỏi lung tung của ông Tư, họ nín thinh. Chỉ có nín thinh là lối thoát duy nhất. Và cũng chỉ có nín thinh may ra ông Tư mới bớt than vãn và hỏi lung tung.

Bỗng ông Tư nhắm nghiền mắt, khuôn mặt nhăn riết. Có lẽ ông đang đau nhức dữ dội. Chịu đựng một chặp, ông lại mở mắt, mặt mày tái ngắt không còn hột máu, thất thần nhìn lên trần, nhưng miệng vẫn tiếp tục thều thào:

“Nghĩ mà tức quá. Sợ người khác chết mà tui gãy tiện bộ giò”.

Ông Lũy lại nghe đắng nghét cổ họng. Ông nói với ông Tư:

“Ông đừng nghĩ quẩn chuyện đó, có hại cho bộ giò của ông”.

“Bộ giò tui gãy rồi, còn “hại” cái gì nữa? - ông Tư ho vài tiếng, thều thào tiếp - Nghĩ tức quá. Đã một tuần nay, những người tui sợ bị cộ giẫm chết, họ đâu có đến thăm tui”.

Bà Tư vừa pha sữa vừa gắt gỏng nói móc ruột:

“Bọn họ mắc bận coi con công hay múa. Họ rảnh đâu mà đến thăm ông?”.

Ông bệnh nhân nằm giường bên cạnh, đen như củ súng, râu ria xồm xoàm, chân cũng bó bột, nghe bà Tư gắt gỏng thế liền hát nho nhỏ:

“Con công hay múa/Nó múa làm sao/Nó rụt cổ vào/Nó xòe cánh ra/Nó đậu cành đa/Nó đậu cành mít... - ông ta ngừng ngân nga, giọng đột nhiên rắn lại - Nghĩ tức cái con khỉ mẹ gì. Dại thì ráng chịu chớ”.

Chú Thái liền hỏi ông bệnh nhân râu ria kia:

“Chân bác bị sao vậy?”.

Ông râu ria trả lời:

“Cũng do “cái lòng thương” chết bầm chết chặt ấy mà ra. Tránh giẫm con chó nên xe sau húc tôi. Con chó cũng không đến thăm tôi, huống chi con người”.

Mặt ông Tư lại nhăn riết:

“Nghĩ mà tức quá. Sợ người ta chết mà tui gãy tiện bộ giò”.

Bà già nằm giường phía trái, mặt chằng chịt những vết nhăn sâu như dao cứa, chân cũng bó bột trắng toát, giọng bực bội:

“Mấy ông bớt nói có được không? Lẽ ra mấy ông phải gãy cái miệng, đừng gãy cái chân”.

Ông Lũy hỏi bà cụ:

“Chân cụ bị làm sao vậy?”.

“Ông hỏi chi? Có cho tiền tôi không? Còn nói “tội nghiệp quá” thì tôi không cần” - bà cụ gắt gỏng và nhắm nghiền mắt - Lấy băng keo dán tất cả cái miệng của mấy ông lại đi cho tôi nhờ”.

Ông Lũy bấm vào vai chú Thái, rồi nói với ông Tư:

“Thôi, cố gắng chịu đựng. Chúng tôi xin phép về. Năm sào rơm và một sân lúa đang đợi ở nhà”.

Ông Tư vẫn thều thào:

“Đang mùa gặt mà tui như thế này. Nghĩ tức quá. Sợ người ta chết mà tui gãy tiện bộ giò”.

Thấy bà Tư đã gục đầu trên chiếc bàn ngủ ngon lành, trông bà còn hốc hác hơn cả chồng, ông Lũy và chú Thái im lặng xuống cầu thang ra về. Chú Thái còn có vẻ tươm tất, nhưng ông Lũy lại rách rưới như ăn mày nòi.

Khi xe máy chạy ngang nhà ông Lũy, chú Thái thả ông Lũy xuống, vọt ga chạy nhanh về nhà, cũng để lo rơm, lúa đang phơi.

Ông Lũy vào nhà, quên ăn cơm trưa, tức tốc cầm sào đi ra ruộng trở rơm lần nữa. Trở thêm lần này là rơm khô hẳn, có thể lên nọc để dành tới mùa sau.

Lúc này, mặt trời như chảo lửa hắt ngang. Đó là cái nắng xỏ tai cực kỳ khó chịu. Cứ trong lỗ tai mà chiếu vào, nóng ran và kêu ong ong. Xốc trở xong năm sào rơm, ông Lũy choáng váng mày mặt vì say nắng và đói bụng. Lần say nắng này kịch liệt hơn. Ông lảo đảo đến vịn gốc cây vú sữa, quăng chiếc nón lá xuống đất. Không một hơi gió. Ông ngửa mặt nhìn lên hướng bắc,“tháng tám ngó ra, tháng ba ngó vào”, nếu mây tụ hướng ấy, mưa không kịp trở tay.

Cơ thể ông, cũng như cơ thể mọi nông dân mùa gặt, sự mệt nhọc đã căng lên như dây đàn. Mùa gặt chỉ trong một tuần là xong. Mọi người trong mọi nhà ở làng Thạch Thổ đều phải khẩn trương tối đa trong một tuần ấy. Trong tiến trình làm ruộng, đến khâu thu hoạch, người nông dân phải đối mặt với một thế lực ngang nhiên tàn bạo, đó là mưa. Mưa ở thời điểm này là phá hoại.

Nơi sân cửa bếp, bà Lũy đang dê lúa. Trông bà như con “bẹo” rách người ta thường cắm ngoài ruộng để đuổi chim. Chiếc quạt máy đã mở hết công suất, lúa lép và bụi lúa chỉ bay khoảng nửa mét lại rơi xuống. Bầy gà cũng không thèm mổ lúa, chúng rúc trong bờ rào tránh nắng. Nơi vò nước, con heo nằm bẹp xuống vũng sình cho mát. Bò trong chuồng nhắm nghiền mắt vì ruồi bu, mồm cũng không buồn nhai lại.

Không dám ngồi vì sợ ngủ, ông Lũy nhặt nón đội lên đầu, thất thểu đi về sân nhà để cày lúa.

Nơi bờ vùng trước mặt nhà ông Lũy, một cộ bò chở thuê của ai đó bị lật. Có lẽ con bò kiệt sức đi không nổi đã quỵ gối. Lúa bó đổ ngổn ngang. Sự cố này rất mệt. Chủ cộ phải gồng mình rinh từng bó chất lại. Chủ ruộng không những không trả tiền mà còn chửi rủa vì thất thoát lúa và phá hỏng chương trình sắp xếp thời gian của họ. Lúc này, chủ cộ nhìn thấy ông Lũy cày lúa nơi sân nhưng hắn ta không gọi. Ông Lũy nhìn thấy cộ bị lật cũng chẳng buồn đến. Việc ai nấy làm, không còn sức đâu mà giúp với đỡ.

Ông Lũy khom người bốc vài hạt lúa cắn thử. Lúa vừa khô. Chiều nay vào bao được rồi. Nhả lúa này bán không cần rê sạch.

Cày lúa xong, mồ hôi chảy như suối, ông Lũy vào hiên nhà trú nắng. Đôi chân ông tự động ngồi xuống. Ông quát đôi chân mình: “Ai cho phép mày ngồi?”. Lập tức ông nghe trong đầu có tiếng đôi chân đáp lại: “Tao cho phép tao. Cái mồm mày không làm việc, đừng quát với tháo”.

Ông vừa tựa lưng vào vách, nón chưa kịp bỏ xuống, bà vợ gọi giật ngược:

“Ông cào lúa dồn đống cho tui vô bao”.

“Một chốc nữa cào, chưa khô lắm”.

“Lúa bán. Ông nhớ chưa? Một mình tui vào bao, sẩm tối mới xong sân lúa. Ông nhớ chưa? Ông còn năm sào rơm phải cuốn nữa. Ông nhớ chưa?” - tiếng bà vợ xổ ra gay gắt như đạn bắn.

Đột ngột ông nhận ra bà vợ không hề hỏi thăm một lời về việc mình vừa đi thăm ông Tư gãy chân. Mà dường như bà cũng không biết ông chưa ăn cơm trưa. Ông nuốt nước bọt, lập tức nhớ mình đã khát nước từ lúc còn ở trong nhà thương. Ông cố gắng đứng dậy, đến giếng múc một gàu, kê mồm vừa uống vừa xối ướt ngực cho mát.

Bỗng ngoài bờ rào tiếng la của con Tám điên vang lên lảnh lót: “Xúc lúa mau. Cuốn rơm lẹ. Trời mưa tới. Trời mưa tới. Ha... ha... ha...”. Ông Lũy quay nhìn ra rào thấy con Tám điên quần ống xăn ống xổ, đầu bù tóc rối, vừa chạy như bay vừa la toáng lên.

Con Tám điên vì thất tình thằng Phao mà điên. Thằng Phao bồ nó lúc trước, bây giờ không thèm nhìn nó. Người làng Thạch Thổ lại không thèm nhìn thằng Phao. Con Tám điên thường ngửa mặt lên trời canh mưa. Có dấu hiệu mưa đến, nó chạy khắp làng báo tin. Cứ đến mùa gặt là nó tự động làm nhiệm vụ này. Suốt ngày cứ canh mưa, không ngả lưng ngủ tí trưa. Nó sợ rơm lúa của làng Thạch Thổ bị ướt.

Nghe con Tám điên la lên như thế, bà Lũy tay cầm chiếc trang cào lúa chạy ngay ra sân cũng la lớn mà không cần nhìn trời, bởi vì con Tám điên la “mưa” là vì trời mưa.

“Cào lúa mau. Lúa trước, rơm sau. Ông nhớ chưa. Ông ơi. Mau lên” - bà Lũy la lên.

Vẫn đứng nơi bờ giếng, ông Lũy quát vợ:

“Bà sắp điên như con Tám hay sao? Nắng đổ lửa, mưa cái nỗi gì?”.

Bà Lũy quăng cái trang xuống sân lúa, chạy vội vào nhà lấy thúng. Thấy vợ lật đật như thế, ông Lũy ngẩng đầu nhìn ra hướng bắc. Quả thật có nhiều vệt mây xám từ nhiều hướng chạy tập trung lại. Trời bắt đầu dông gió. Đúng là sắp mưa thật. Ông Lũy chạy đến sân, nhặt cái trang, tức tốc cào lúa dồn đống. Ông thở cả mồm lẫn mũi, mệt hoa cả mắt.

Ông ngừng cào, nhìn ra hướng bắc. Trên trời, mây đen như bầy ngựa mốc cuồn cuộn phi tới. Xóm làng vang tiếng kêu la ơi ới: “Mưa. Mưa. Mưa tới”. Ngay đến chó cũng sận lên sủa vang. Ông quăng chiếc trang, bốc lấy chiếc thúng xúc lúa vãi ào vào hiên nhà. Nhưng không kịp nữa rồi. Mưa đã ồ ạt. Mưa như cát ném, cứ quăng xuống sân lúa khô, quăng xuống bãi rơm khô, quăng xuống khắp nơi.

Làng Thạch Thổ chìm trong màn mưa. Tất cả đều nổi nước. Ông Lũy chạy ra bụi chuối, bứt lá chuối khô, nhét lù sân, không cho lúa trôi. Năm sào rơm khô phơi ngoài ruộng đã hút no nước và sắp nổi lềnh bềnh. Thằng trời của làng Thạch Thổ luôn luôn là như thế đó. Nó luôn luôn là như thế đó.

Ông bà Lũy ngồi dựa lưng nơi vách hiên nhà. Họ không nhìn mưa. Họ không ăn cơm. Họ không làm gì cả. Họ ngủ vùi... Đây cũng là công việc quan trọng của họ.

Con Tám điên vẫn chạy lung tung giữa trời mưa, vang tiếng la lanh lảnh: “Đừng giận. Đừng nóng. Ướt còn cháy mất”.

Nhưng có ai thèm giận đâu. Giấc ngủ đã vật ngã họ rồi. Giấc ngủ giống như mưa đang mưa, ngang nhiên đến thình lình, không ai chống lại được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận