Giao thoa và đứt gãy

TRỊNH TÚ 07/08/2013 23:08 GMT+7

TTCT - Có một buổi chiều thật ấm lòng khi chứng kiến ở một cửa hàng băng đĩa, mấy bạn trẻ chọn mua đĩa Mozart và Beethoven.

Phóng to

Lâu nay người ta hay bàn đến một hiện trạng văn hóa xô bồ, hỗn tạp ngập tràn trong đời sống của thế hệ trẻ với không ít lo âu. Người thì cho rằng đó là sự đứt gãy với truyền thống bởi quá trình giao thoa văn hóa ồ ạt thời mở cửa, đáng báo động. Có người lại cho rằng bởi nền văn học nghệ thuật nước nhà không đủ sức hấp dẫn giới trẻ nên mới ra nông nỗi này.

Nhưng thật ra về bản chất, giao thoa và đứt gãy văn hóa là hai câu chuyện khác nhau, dù rằng cái nọ sẽ tác động đến cái kia và ngược lại. Trước hết nên có được một quan niệm đúng về hai vấn đề này, từ đó may ra mới cắt nghĩa được đời sống văn hóa thời hội nhập và những khoảng trống của nó.

Văn hóa của một dân tộc, một quốc gia, một vùng miền bao giờ cũng nằm trong phạm trù lịch sử với sự vận động không ngừng nghỉ, như dòng sông chảy mãi với thời gian.

Ta có lẽ đã quen nghĩ lịch sử chống ngoại xâm được đánh dấu bằng những chiến thắng quân sự hào hùng từ ngàn năm dựng nước là đủ cho một diện mạo dân tộc mà hoàn toàn sao nhãng những dòng chảy khác đã tạo dựng nên diện mạo đó. Dòng chảy của tôn giáo, của lời ăn tiếng nói, của văn hóa ứng xử, của đồ dùng, của tranh tượng, của lời ca câu hát... Quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể, vậy mà nay xuất xứ của nó vẫn chưa có lời đáp.

Ta thật có lỗi với tiền nhân khi hôm nay, hầu hết các di sản văn hóa từ vật thể tới phi vật thể đều ít nhiều bị đem ra kinh doanh du lịch như cái bánh ngọt mời thiên hạ. Một thái độ với văn hóa truyền thống như thế đủ là một thí dụ điển hình về đứt gãy, chứ đừng chỉ đổ lỗi cho các trào lưu văn hóa đương đại ngoại nhập đang lan tràn trong đời sống.

Giao thoa văn hóa là điều tất yếu để hình thành bản sắc. Trống đồng đâu phải của riêng đất Việt. Nhưng trống Ngọc Lũ vẫn khác với trống Indonesia. Các làn điệu quan họ có rất nhiều yếu tố Chăm bởi vì sao? Ngay cả chữ viết của chúng ta cũng có những tiếp biến.

Từ xa xưa, văn hóa Đại Việt đã đủ phong phú và sức khỏe để dung nạp những tinh hoa của các nền văn hóa khác, tự chắt lọc để làm nên một bản sắc riêng biệt. Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp thiết lập năm 1923 đã sang trang mới cho nền mỹ thuật Việt Nam. Nhưng các danh họa Việt Nam hoàn toàn không vẽ như thầy dạy của mình là một minh chứng sắc nét.

Trong sự giao thoa văn hóa không thể cưỡng lại ấy, vẫn luôn có những điểm tốt cần thiết, ít nhất là ở chỗ bằng vào sự phong phú của thế giới phẳng, người ta có rất nhiều lựa chọn và từ đây định vị được chính mình.

Vậy có gì cần hốt hoảng khi quay trở về với hiện trạng đời sống văn hóa hôm nay? Liệu có cần lo lắng thái quá chăng khi bạn trẻ nghe nhạc Hàn, mê diễn viên Mỹ, đón nhận cả những bài hát với ca từ dễ dãi, ngô ngọng? Bởi những gì là thời thượng sẽ lụi tàn rất nhanh, đến áo quần còn thế nữa là.

Cái đáng lo ngại hẳn phải là một nền giáo dục yếu ớt và mờ nhạt, chẳng những không có nổi một tác động văn hóa nào cho xã hội mà còn gieo những hạt mầm nghi hoặc cho giới trẻ khiến chúng hoặc tìm đến đường vòng để bắt đầu lại từ đầu, hoặc thả trôi trong những cuộc kiếm tìm để định vị mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận