Giữ gìn tiếng nước tôi

BẠCH DƯƠNG THỰC HIỆN 04/09/2012 03:09 GMT+7

TTCT - Càng hội nhập, càng đi xa, các cộng đồng người Việt ở nước ngoài càng đau đáu với việc giữ gìn tiếng nước mình.

Một “trại hè tiếng Việt” nho nhỏ tiếp nhận 60 học sinh bé, với 20 học sinh lớn trong vai trò tình nguyện viên - tất cả đều nói tiếng Việt chưa được sõi và giao tiếp với nhau bằng tiếng Ba Lan - đã làm nên một mùa hè đáng nhớ của nhiều người Việt ở Warsaw 2012.

Vừa trở về từ Ba Lan, tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, đồng tổ chức trại hè, đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.

Phóng to
Niềm vui sẽ giúp cái hồn của ngôn ngữ thấm vào lòng trẻ. Trong ảnh: trẻ em gốc Việt tại “Trại hè tiếng Việt” ở Warsaw - Ảnh: Nikon Ngô

Để cái hồn ngôn ngữ thấm vào đứa trẻ...

* Trại hè cho trẻ thì phổ biến rồi, trại hè học ngoại ngữ người ta cũng thường nghe, còn trại hè học tiếng mẹ đẻ... Từ đâu ý định tổ chức một trại hè như thế này cho trẻ em gốc Việt ở nước ngoài?

- Có lẽ tôi phải kể một chút về bản thân mình: Khi còn ở Nga, trong năm năm của 17 năm dằng dặc nơi xứ người, tôi suy nghĩ nhiều về tiếng Việt - tiếng Việt của mình. Đơn giản là khi ấy tôi đã làm mẹ, một người mẹ nuôi dạy con ở nước ngoài, đương nhiên tôi rất băn khoăn về ngôn ngữ mà con tôi sẽ sử dụng.

Ngoài sự tò mò, niềm vui, trẻ còn cần được khéo léo nuôi dưỡng một niềm tự hào về nguồn cội của mình. Để làm được điều này, hoàn toàn không nhất thiết phải kể những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết hay quá lạm dụng nội dung về lịch sử hào hùng của dân tộc để dẫn dắt. Trẻ chưa cần những điều đó. Chúng cần biết, chẳng hạn: người Ba Lan, người Nga ăn bằng đĩa, tại sao người Việt lại ăn cơm bằng đũa và điều đó khó thế nào, thú vị ra sao? Người Ba Lan có những trò chơi tuổi nhỏ thế này, vậy người Việt thì sao?

Như mọi đứa trẻ sinh ra trên nước bạn, con tôi nói tiếng Nga rất tốt. Nó có bạn người Nga, có cả thế giới trẻ thơ đắm chìm trong ngôn ngữ ấy.

Còn tôi, tôi vẫn có một nỗi lo: lo con mình đến một lúc nào đó không còn coi tiếng Việt là thứ tiếng “của mình” nữa thì giữa con và bố mẹ, giữa con và quê hương, sẽ có khoảng cách thế nào?

* Điều trăn trở này có lẽ cũng là nỗi lòng của nhiều bậc cha mẹ không chỉ ở Nga mà ở nhiều nước khác. Nhưng trên thực tế “tiếng Việt của mình” có dễ mất đến thế hay không?

Hiện giờ tôi chỉ thấy hai thái độ, hai cách tiếp cận trái ngược nhau và đều không thỏa đáng. Có người thì quá tích cực trong việc “nhồi nhét” con học tiếng Việt, chỉ lo con “mất gốc”, thậm chí ráo riết tìm thầy tìm sách những mong con mau chóng biết được hết nền văn hóa mà con không được thấm từ trong nôi. 

Có người thì lại thỏa hiệp, buông xuôi: đằng nào bọn trẻ cũng đã và sẽ ở nước ngoài, có về Việt Nam mấy đâu mà bắt chúng học, nói tiếng gì rồi chẳng dịch ra được. Vả lại, thời gian của bố mẹ là vàng là bạc, hiếm khi có cơ hội trò chuyện lâu lâu, nói gì đến dạy con!

Anh chị bạn tôi ở Nga còn phải sắm roi để ép hai cậu con trai ngồi... xem tivi Việt Nam. Những bộ phim lạc lõng với thế giới của trẻ, những chương trình học tiếng được xây dựng với đầy nỗ lực nhưng vẫn không chạm được vào đứa trẻ thì rõ ràng chỉ cho kết quả ngược lại: con càng sợ tiếng Việt nhiều hơn!

Ở Ba Lan thì khác, bố mẹ có người hỗ trợ: Trường tiếng Việt Lạc Long Quân (được thành lập năm 2007) với đội ngũ giáo viên tình nguyện. Hoạt động trên địa bàn một trường học của Ba Lan, trường dạy gần 150 trẻ em Việt kiều ở Warsaw vào các thứ bảy hằng tuần. 

Đây là con em người Việt sống và làm việc ở Warsaw, kể cả các em có bố hoặc mẹ người Ba Lan. Tuy nhiên, các thầy cô giáo ở đây dù cố gắng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo trình và phương pháp giảng dạy.

Khi hiệu trưởng nhà trường Lê Xuân Lâm bàn với tôi về việc tập huấn giáo viên, tôi nghĩ ra hình thức trại hè. Vì tôi cho rằng bắt đầu từ những hoạt động như thế, trường dễ kích thích nhu cầu và động lực học của trẻ.

* Nhưng “trại hè tiếng Việt” có dễ nuốt với những đứa trẻ còn quá nhỏ để cảm thông được nỗi lo “mất tiếng” của bố mẹ chúng?

- Đúng vậy. Chỉ khi ở Warsaw một tuần, sau hai buổi tập huấn giảng dạy cùng các thầy cô ở trường tiếng Việt, một buổi gặp gỡ với các phụ huynh, tôi mới hiểu... mình đã chẳng hiểu gì về những khó khăn quá lớn cũng như nỗ lực quá lớn của những người ấp ủ mơ ước giữ gìn tiếng nói quê hương cho các con cháu mình ở nước người. 

Khó khăn về giáo trình, sách giáo khoa, nội dung dạy, phương pháp, kỹ năng giảng dạy... ai cũng có thể hình dung ra. Nhưng điều lớn hơn cả là việc tạo động lực học.

Các bạn nhỏ thế hệ người Việt mới ở đây lại thật sự hòa nhập với cuộc sống bản địa - các em nói thành thạo tiếng Ba Lan và hoàn toàn không cảm thấy nhu cầu tiếng Việt. 

Làm sao để trẻ muốn học? Tại sao phải học? Có nhất thiết phải học tiếng Việt không khi chúng cảm thấy đầy đủ và thoải mái trong môi trường ngôn ngữ khác? Trẻ cần gì chứ không phải là những người lớn cần gì? Đây chính là bài toán khó cho câu chuyện tiếng Việt ở nước ngoài, không riêng ở Ba Lan.

* Động cơ học tập cho các em được xây dựng như thế nào, ít nhất là ở trại hè này?

- Tôi nghĩ tất cả phải bắt đầu từ niềm vui. Niềm vui mà tuổi thơ muốn có, cần có, và có quyền được nhận. Niềm vui nào chúng có thể có được cùng tiếng Việt? 

Từ những khác biệt về ngữ âm, từ vựng; từ những trò chơi, những bài tập có thể xây dựng để tạo niềm hưng phấn, say mê; và từ nhu cầu giao tiếp giữa bạn bè cùng lứa, nhu cầu được có những bí mật trẻ thơ và được chia sẻ chúng cho cộng đồng của mình; nhu cầu được có một bí ẩn cội nguồn để chúng, khi trở về bên bạn bè Ba Lan, có thể hãnh diện về những phát hiện mới mẻ về đất nước của mình, thứ tiếng của mình cho dù đứa trẻ chưa thạo thứ tiếng ấy.

Nhưng niềm vui sẽ giúp cái thần, cái hồn của ngôn ngữ thấm vào lòng đứa trẻ, như một điều mới mẻ và không kém thiêng liêng. Chỉ thế thôi. Chớ đòi hỏi quá nhiều. Khi đã có động lực muốn biết, muốn gần, thấy thú vị thì rào chắn ngăn cản các em bắt đầu nói, chịu nói, chịu tìm tòi về đất nước, ngôn ngữ... sẽ dần biến mất.

Cuối cùng chúng tôi đã xây dựng trại hè với chìa khóa là từ “vui”.

Phóng to
Làm mặt cười bằng bánh mì sandwich và tìm từ diễn tả cảm xúc - Ảnh: Hương Tống

Những đứa trẻ vẫn rất cần niềm vui nguồn cội

* Có câu chuyện nào ở trại hè này chị muốn kể cho độc giả cùng nghe?

- Một câu chuyện thú vị: chẳng hạn khi nói về chủ đề cảm xúc. Ngoài buồn và vui, tôi muốn các em kiếm thêm từ nên sau khi làm các gương mặt cười, khóc, buồn bằng bánh mì sandwich, tôi hỏi các em về từ vựng. Khi nói đến từ “hớn hở” là buồn hay vui thì đa số các em bảo là buồn, kể cả các em lớn!

Sau thời gian ở trại hè, vốn từ các em tăng lên trông thấy. Những từ như “hớn hở”, “phấn khởi”, “đoàn kết”, “hiểu nhau”... được các em dùng thoải mái. 

Chẳng hạn với bài tập quan sát, các bạn nhỏ mới đó thôi còn rất khó khăn mới nói được trọn vẹn một vài câu tiếng Việt đã đem về gần 200 từ được ghi chép tỉ mẩn cùng hình vẽ là những gì quan sát được trong vòng một giờ bên ngoài. Và các em đã dùng tiếng Việt để kể lại với các bạn, với cô. Chỉ thế thôi đã là một chiến thắng rồi.

Những cảm xúc thật sự của trẻ con không ai có thể “làm giả” được. Tôi nhìn thấy niềm vui của những đứa trẻ. Tôi nhìn thấy cả nỗi buồn chia tay của chúng. 

Tôi thấy hi vọng cho những bước tiếp theo của việc tổ chức học tiếng Việt ở nước ngoài. Mô hình trại hè như thế này có thể xây dựng ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có người Việt Nam sinh sống.

* Từ “thắng lợi” này, chị có gửi gắm gì về việc giữ gìn tiếng Việt cho những bạn trẻ ở nước ngoài?

- Cho phép tôi được thẳng thắn: Những cuốn sách tiếng Việt dùng cho học sinh trong nước dứt khoát không thể là một lựa chọn hay cho học sinh ở Ba Lan. Ngay cả bộ sách “Tiếng Việt vui” có khá nhiều cải tiến và được các thầy cô ưa chuộng cũng chưa phải là một lựa chọn tối ưu cho các em. 

Trong môn “giáo học pháp”, người ta vẫn nhấn mạnh đến đối tượng dạy - dạy ai, rồi sau đó mới là dạy gì và dạy như thế nào. Vì thế, rõ ràng việc quan trọng đầu tiên là tìm hiểu kỹ trình độ, nhu cầu của học sinh để từ đó quyết định dạy những gì.

Không thể bê nguyên những giáo trình mà người soạn ngồi một nơi soạn cho đối tượng chung chung là “người Việt ở nước ngoài” để dạy trẻ em Việt kiều được. Thiết nghĩ, phương án hay nhất là mỗi nước có một bộ sách riêng dành cho trẻ em. 

Tôi tâm đắc với một nguyên tắc xây dựng bộ công cụ giảng dạy - nguyên tắc lấy ngôn ngữ địa phương làm chỗ dựa. Chẳng hạn với trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Ba Lan, nên có cách tiếp cận với trẻ thông qua tiếng và kiến thức đất nước học về Ba Lan, từ đó gợi cảm hứng cho các em có sự so sánh với Việt Nam, lấy đó làm cơ sở để tạo động lực học.

Trẻ em người Việt ở nước ngoài học tiếng Việt sẽ không giống như trẻ học tiếng nước ngoài nói chung. Điều quan trọng nhất là trẻ cần có động cơ học tập. 

Trẻ phải thấy tò mò, thấy hay, thấy vui, thấy có liên quan đến cá nhân mình, rồi mới bắt đầu quan tâm, tìm hiểu chứ không phải là đi học tiếng Việt do bố mẹ bắt học, bố mẹ muốn thế.

Qua đợt làm trại hè, tôi càng hiểu sâu sắc một điều rằng mỗi đứa trẻ tự chúng vẫn rất cần cho mình một niềm vui nguồn cội. Không có cũng... chưa chắc đã sao. Nhưng có được điều đó chúng như lớn lên, tự tin hơn vì giữa thế giới chúng đang sống, chúng có thêm một thế giới mới, xa xôi, nhưng là “của mình”.

Trong thời gian diễn ra trại hè của chúng tôi, song song có một trại hè nữa của trường Ba Lan tổ chức. Buổi trưa, những bạn nhỏ người Việt tham gia trại hè Ba Lan vẫn tần ngần đứng nhìn trại chúng tôi vui đùa. 

Có lần, một cậu bé mon men đến hỏi tôi xem có được vào chơi cùng không, và cậu quả quyết: “Cháu là người Việt Nam. Cháu cũng nói được tiếng Việt đấy!”. Các cậu bé cứ vương vấn mãi không rời, trưa nào cũng vậy, cho đến khi cô giáo người Ba Lan phải cao giọng gọi đi thì mới tiếc rẻ bỏ đi.

Tôi nói vậy không có nghĩa là trại của chúng tôi đã có gì hay hơn của người Ba Lan, mà chỉ hiểu một điều, ý thức về quê mình, tiếng Việt “của mình” ở đâu đó trong mỗi em vẫn tồn tại, mạnh mẽ.

* Cảm ơn chị, chúc cho những dự định của chị thành công tốt đẹp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận