TTCT - Theo xu thế chung, các trường đại học dần được tự cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên của mình khi thỏa mãn những điều kiện do Bộ Giáo dục - đào tạo và nhà trường quy định.

Phóng to

Và giờ đây hướng đến việc các trường tự bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư. Việc làm này giống hoạt động của nhiều nước phát triển, song áp dụng thế nào để đừng mang tiếng tương tự câu chuyện “tiến sĩ giấy”.

Đi tìm… vàng ròng

Quy định mới trao quyền bổ nhiệm các chức danh khoa học cho trường, cụ thể ở đây là hiệu trưởng được quyền bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho giảng viên của mình, thì chắc chắn sẽ cải thiện được con số khiêm tốn 1% giảng viên là giáo sư sang con số đẹp đẽ. Đẹp cho cả nhà trường lẫn xã hội, song thực chất vẫn chỉ những nhà khoa học đó, chất lượng cũng vậy thôi, không thể vì được trường phong tặng học hàm cao quý đó mà lập tức nâng tầm lên được.

Con số ấn tượng hiện chỉ có 1% giảng viên là giáo sư, nghĩa là càng ít có hiệu trưởng nào đang là giáo sư. Như vậy đặt vào tay hiệu trưởng quyền lực này hơi sớm chăng khi chính nhiều hiệu trưởng còn chưa là giáo sư, sao đủ tầm mức lẫn tâm thế bổ nhiệm, miễn nhiệm giảng viên của mình thành giáo sư, phó giáo sư?

Việc cởi mở hơn trong bổ nhiệm các chức danh khoa học rất dễ dẫn đến tình huống: một người thi đại học chính quy mãi không đỗ → đăng ký học trung cấp → sau đó học liên thông lên cao đẳng → tiếp tục học liên thông lên đại học → đăng ký chương trình học cao học/tiến sĩ nhập nhằng liên kết với/của nước ngoài nào đấy → trở thành giảng viên của một trường đại học, cao đẳng dân lập → một thời gian sau có thể được bổ nhiệm thành phó giáo sư, giáo sư (!). Vòng vèo và trầy trật rồi cũng có được chức danh đáng ngưỡng mộ!

Nhất là theo đà thông thoáng này, suy diễn một chút có thể tương lai không xa nhà trường được trao cả quyền công nhận và bổ nhiệm thì dây chuyền đào tạo trên sẽ hiển hiện đại trà. Khi đó ta có số liệu tươi sáng nhưng khó tin cậy. Lực lượng giáo sư, phó giáo sư đúng nghĩa sẽ tổn thương do bị đánh đồng vàng thau lẫn lộn. 1% (lực lượng giảng viên là giáo sư) hiện nay tuy bé nhỏ và chưa hẳn đều là vàng ròng, có thể còn chút ít vàng ròng rải rác bên ngoài, chưa tích lũy vào số lượng giáo sư hiện hữu, song vẫn thật hơn nhiều nếu cởi mở mà không thể kiểm soát được việc bổ nhiệm.

Cần quy trình chặt chẽ

Trao quyền đồng thời đá quả bóng trách nhiệm giải trình sang cho trường học trong vấn đề này liệu có ổn không? Thực tế rất khó kiểm tra, nếu khéo dàn xếp không để xảy ra kiện tụng sẽ chẳng bị thanh tra, dễ gì phát hiện sai phạm trong việc bổ nhiệm các chức danh khoa học. Thực tế còn nảy sinh chuyện khi quyền bổ nhiệm thuộc về hiệu trưởng thì những nhà nghiên cứu và giảng dạy độc lập, không thuộc biên chế chính thức của một trường, viện nào sẽ do ai bổ nhiệm?

Nên chăng nghiên cứu kỹ lưỡng, hướng dẫn cặn kẽ nhằm làm chặt quy trình bổ nhiệm. Nếu cho áp dụng nguyên quy định mới thì hãy ghi chú rõ “Ông/Bà... được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư/giáo sư của trường... từ năm...” chứ không phải chung chung. Như vậy gắn kèm uy tín hai bên. Nếu nhà trường có khuất tất trong quản lý, tai tiếng trong đào tạo thì có thể bị giảng viên từ chối chức danh khoa học nhà trường bổ nhiệm. Trường bổ nhiệm được người xứng đáng càng nâng tầm của trường lên.

Cũng vì thế mà người làm khoa học tử tế có thể được nhiều trường bổ nhiệm giáo sư/phó giáo sư, xem đó là sự công nhận của các trường. Các cơ quan khác được quyền từ chối/thừa nhận chức danh khoa học của người đã được bổ nhiệm của cơ quan kia, tùy theo mức độ đánh giá của họ.

Đồng thời, người nghiên cứu khoa học độc lập, có hoạt động học thuật nghiêm túc và đạt những chuẩn mực do Nhà nước quy định cũng nên được một cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chức năng công nhận và bổ nhiệm, nhằm tránh trường hợp nhà khoa học phải nhất thiết về trường nào đó và cố gắng lấy lòng hiệu trưởng để được bổ nhiệm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận