Hạnh phúc là ở hành trình…

BAOCHAU 17/04/2012 06:04 GMT+7

TTCT - Những tuyệt vọng gặp nhau trên hành trình tị nạn/ Lẻ loi chẳng bao giờ nên hình dáng/ Hạnh phúc là son môi... Ít người biết những câu thơ này là của Mộng Hoài, cô biên tập viên mà cứ mỗi trưa chủ nhật, người ta có thể gặp trong talk show có tên “Luôn có cách để yêu thương”.

Phóng to
Biên tập viên Mộng Hoài - Ảnh nhân vật cung cấp

* Chọn công việc bận rộn là truyền hình, thơ có phải là "hang ổ" cuối cùng để bạn trốn vào?

- Làm truyền hình không hề giống làm thơ. Công việc của tôi thường bắt đầu từ 4g30 sáng. Thức dậy với tóc tai, quần áo, phấn son chỉnh tề cho lúc lên sóng. Chúng tôi, dù đêm qua thức khuya dậy sớm cũng không được phép đem bộ dạng ngái ngủ lên chào khán giả buổi sáng được. Cho nên lúc nào cũng trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu, luôn để điện thoại 24/24, nhỡ có phải làm cascadeur cho bạn nào đau bụng, trúng gió hay ngủ quên.

Thời gian cho thơ của tôi thường là đêm, cũng có khi là thời gian lái xe trên đường. Thơ là thứ duy nhất tôi không bị kiểm duyệt ngôn từ, không sợ biên tập ý tưởng, hoặc phải theo định hướng chủ trương, chủ đề như làm kịch bản hay nói trên sóng. Đơn giản đó chỉ là cảm xúc đầy ứ tự trào tuôn, là tôi nhất. Tôi làm nhiều thể loại chương trình trên truyền hình, dẫn bản tin thời sự, tọa đàm kinh tế, dẫn chương trình chính trị, hay thủ thỉ tâm tình trong "Luôn có cách để yêu thương", mỗi thể loại đều khác nhau, từ trang phục đến cách nói. Nhưng với thơ, dường như chỉ có một nỗi niềm mà thôi.

“Thơ, đơn giản đó chỉ là cảm xúc đầy ứ tự trào tuôn, là tôi nhất”

* Có vẻ đằng sau nụ cười tươi lúc nào cũng thấy ở bạn là những nỗi buồn cũng rực rỡ không kém?

- Tôi thích cách bạn dùng từ ở câu hỏi này. Tôi không biết nỗi buồn của mình có rực rỡ hơn những nỗi buồn của người khác không. Con gái Đà Lạt thường trầm tính. Riêng tôi vốn khi sinh ra đã không được thừa hưởng cái nét tươi tắn trời cho. Nhiều người bảo tôi nhìn giống cô thủ thư già khó tính. Cuộc sống tôi đi qua ba mươi mấy tuổi rồi, vui buồn cũng lắm. Mà dường như cái buồn nó ngấm mình nhiều hơn vui. Những nỗi buồn đọng lại trong tôi cũng giá trị như hạnh phúc vậy.

* Phụ nữ Ðà Lạt, bạn thấy mình và ở mẹ, ở bà ngoại của mình điều gì giống và khác?

- Người Đà Lạt phần lớn đến từ miền Trung. Bà ngoại tôi gốc Quảng Nam, sinh sống ở Đà Lạt hơn nửa thế kỷ, gắn bó với vùng đất này. Rồi mẹ tôi và tôi cũng sinh ra ở đây. Cái chung nhất tôi có được từ bà ngoại và mẹ là lành. Lành lắm. Không bon chen, tính toán cũng vụng.

Tôi từng sống trong một gia đình bốn thế hệ. Tôi là thế hệ thứ ba. Bà ngoại lúc ba mươi phải một mình gồng gánh nuôi lớn sáu người con. Mẹ cũng bôn ba nuôi năm chị em tôi ăn học. Tôi rút ra từ đó cái cay đắng thiệt thòi của đức hi sinh đến quên mình nên tôi biết sống cho mình hơn. Tính tôi ít kiên nhẫn hơn. Mẹ và bà ngoại nhìn xã hội hiện đại qua sự trưởng thành của chúng tôi, nên các cụ cũng thoáng lắm. Tôi đã trưởng thành từ đó, để hiểu được cái hạnh phúc của sum vầy, yêu thương và chia sẻ.

* Những câu thơ của bạn thường mang ám ảnh về hạnh phúc, có phải đó là đích đến không dễ dàng với bạn?

- Hạnh phúc với tôi là trải nghiệm từng ngày, từng phút giây, từng khoảnh khắc mình sống, mình cho và nhận. Tôi từng cố gắng đi tìm hạnh phúc, nhưng rồi tôi nghiệm ra: hạnh phúc là ở hành trình. Nên tôi chấp nhận với khái niệm riêng này của mình. Mỗi tuần, khi tôi trò chuyện với chuyên gia tâm lý hay những khách mời là người trong cuộc của talk show "Luôn có cách để yêu thương" về vấn đề tâm lý tình yêu và hôn nhân, dường như nhiều người loay hoay với câu hỏi: đâu là hạnh phúc? Làm sao để hạnh phúc? Tôi nói: hãy yêu đi, sẽ có cách để yêu thương, đó là cách ta tìm hạnh phúc.

* Bạn có thể nói gì về quãng thời gian này trong cuộc đời mình?

- Thật ra hỏi tôi có sợ già không thì tôi sẽ nói không bởi tôi biết không ai giữ mãi được thời gian. Giai đoạn từ 30-40 tuổi qua nhanh hơn 20-30. Nhưng tôi thích quãng ngắn này. Tôi biết rõ mình hơn, nên thu nạp mọi điều từ trải nghiệm cuộc sống có chọn lọc hơn. Tôi vẫn tiếp tục công việc của một biên tập viên - người dẫn chương trình.

Tôi cùng êkip "Luôn có cách để yêu thương" vẫn đang ấp ủ lên sóng trực tiếp chương trình này, để kết nối tâm sự với khán giả. Đây cũng là cái khó, vì tâm lý người VN mình còn e dè, chưa dám mạnh dạn bộc lộ cảm xúc của mình, nhất là ở chốn công cộng, nhiều người biết. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống bây giờ ngày càng no đủ, người ta sẽ nhận thấy cái mình còn thiếu, đó là sự chia sẻ về tinh thần.

* Cảm ơn Hoài.

CÁT KHUÊ thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận