Hội nghị chống mèo

HỒ VIÊN 23/01/2013 20:01 GMT+7

TTCT - Bầy chuột mở cuộc họp trong hang bàn kế hoạch chống mèo. Sau nhiều phát biểu, một con tiến lên nói:

- Tôi đề nghị nên buộc chuông vào cổ mèo, như vậy hễ mèo đi thì chuông kêu, chúng ta đề phòng được từ xa.

Cả hội nghị vỗ chân rầm rầm, chuột nào cũng khen: hay quá, hay quá!

Chuột chủ tọa rất hoan hỉ, nhìn quanh hội trường rồi hỏi:

- Ai có thể đem chuông buộc vào cổ mèo?

Cả hội trường lén nhìn nhau, không ai dám trả lời.

Vì vậy có câu rằng “Nói không khó, làm mới khó”.

Chuyện này do mấy nhà tân học Trung Hoa hồi thời Dân Quốc chế ra để minh họa cho câu ngạn ngữ Anh “Easier said than done”, rồi đưa vào giáo trình bậc sơ học. Có thể coi đây là mẩu truyện ngụ ngôn đặc sắc về việc “nói là làm”, về “lý luận và thực tiễn”. Nhưng ở đây câu chuyện này chỉ được mượn để nói về chuột thôi.

Nói về loài chuột, Tuân Tử cho rằng chuột có năm kỹ năng mà vẫn nguy khốn (Khuyến học thiên), Sái Ung thời Hán chú giải về năm kỹ năng đó là: 1/ biết bay mà không tới được nóc nhà; 2/ biết leo mà không tới được ngọn cây; 3/ biết lội mà không qua được khe nước; 4/ biết làm hang mà không che kín được thân; 5/ biết chạy mà không lẹ bằng người.

Từ nguồn này, về sau có câu thành ngữ “Ngũ kỹ thử” (năm kỹ năng của chuột) để chỉ mấy tay đa năng ba mớ. Tuy nhờ vào lý thuyết của họ Tuân họ Sái mà đẻ ra được câu thành ngữ ví von hay hay, nhưng bàn kỹ về năm cái kỹ năng chuột một cách thực tiễn hơn thì e có điều chưa ổn, cụ thể là ở kỹ năng làm hang. Thời Chiến quốc, Phùng Huyên đã từng tự hào về việc giúp cho Mạnh Thường Quân gây dựng được ba cơ sở hậu thuẫn, giống như chuột đào hang, thường có ba ngách, nên rất an toàn. Lại thêm, nếu ứng vào cái bối cảnh xã hội chỉ cần biết mỗi thứ sơ sơ ba mớ, gọi là hiểu biết tổng quan, thì với năm kỹ năng ấy chuột chẳng những không nguy khốn mà còn vững như bàn thạch nữa.

Hội nghị chống mèo mở ra phản ánh tình trạng chuột ý thức được rằng mèo là thế lực thù địch, là mối đe dọa thường xuyên, đang rình rập từng giờ, chống mèo là việc cấp bách hơn bao giờ hết. Ngoài năm cái tài mọn cơ bản truyền thống mà họ Tuân, họ Sái đúc kết hồi hai ngàn năm trước, hội nghị dù chưa thành công tốt đẹp lắm nhưng đã tiến một bước khả quan, cho thấy chuột còn có thêm cái tài lanh, lanh trí nghĩ ra giải pháp tình thế “gắn chuông báo động”.

Không biết từ hồi nào chuột được ví với quan lại tham nhũng, sự ví von này - trong ý thức của chuột và quan - không biết là oan cho chuột hay oan cho quan nữa. Có khi chuột nói: “Không đục khoét cắn phá thì đâu phải là chuột, tự nhiên mà, răng dài ra mãi sao chịu nổi, ví ta với quan tham sao được”. Có khi quan tham nói: “Nó đưa tới hoài không lấy mà được ư, không hè nhau chia chác thì việc công làm sao xong, ví ta với chuột quá tầm bậy”...

Giả sử người viết và độc giả là loài người, đang quan sát cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt giữa phe chuột và phe mèo. Đối với loài người, chuột gây hại thấy rõ nên đương nhiên là không giúp cho chuột kế sách hay phương tiện chống mèo, và lại vì thể theo tự nhiên (ý trời), cũng không thể giúp mèo nhanh lẹ hơn, nhạy bén hơn để bắt chuột.

Để cân bằng sinh thái, chúng ta thử tìm xem, hoặc tưởng tượng ra những tình huống mới mà chuột có thể nghĩ ra để chống mèo trong các hội nghị sắp tới. Còn mèo sẽ làm gì, sẽ bày trò gì, có mở hội nghị hay không, để ra những phương án áp chế một cách hiệu quả những con mồi của chúng: chuột?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận