Hỏi nhanh thì chớ đáp chậm

TUẤN SƠN 08/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Người xưa bảo phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, nhưng trong chuyện hỏi - đáp, một câu trả lời nhanh dường như được xem là chân thành hơn, trong khi sự trù trừ chậm trễ dù chỉ vài giây đã có thể bị xem là một “lời nói dối muộn màng”.

Ảnh: Shutterstock

Theo một nghiên cứu vừa được Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) công bố, suy nghĩ trước khi trả lời một câu hỏi, dù chỉ trong vài giây, cũng khiến câu trả lời bị xem là kém chân thành và thiếu tin cậy, và chần chừ càng lâu thì càng tạo thiện cảm không tốt.

“Đánh giá sự chân thành của người khác là một phần quan trọng và phổ biến của các tương tác xã hội. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tốc độ phản hồi là một chỉ dấu quan trọng để ta suy đoán về độ chân thành của người đối diện” - tiến sĩ Ignazio Ziano, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Personality and Social Psychology ngày 16-2, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau trên hơn 7.500 cá nhân đến từ Mỹ, Anh và Pháp. Những người tham gia được nghe, xem hoặc đọc câu trả lời của một người cho một câu hỏi đơn giản, ví dụ có thích chiếc bánh kem của một người bạn tự tay làm hay có từng ăn cắp tiền của đồng nghiệp hay không. Ở mỗi tình huống, thời gian phản hồi của người được hỏi là khác nhau và thay đổi từ ngay tức thì cho đến trễ 10 giây. Sau đó, những người tham gia được yêu cầu đánh giá mức độ trung thực của câu trả lời theo thang điểm cho sẵn.

Trong tất cả 14 thí nghiệm, những câu trả lời chậm trễ đều nhất quán bị đánh giá là kém chân thành hơn so với hồi đáp tức thời, bất kể câu hỏi tình huống là câu hỏi vô hại (ý kiến về chiếc bánh kem) hay mang tính chất nghiêm trọng (chất vấn tội ăn cắp).

Tuy nhiên, vẫn có một số hoàn cảnh nhất định mà người đánh giá có vẻ “đồng cảm” với thoáng trù trừ của nhân vật. Ví dụ: nếu câu trả lời là một sự thật mất lòng (“tui không thích bánh kem của bạn”) thì tốc độ trả lời dường như không quan trọng lắm và câu trả lời được coi là chân thành cho dù nhanh hay chậm. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy nếu người đánh giá tin rằng phản ứng chậm của nhân vật là do phải động não để nhớ về một sự kiện trong quá khứ thì cũng phần nào châm chước, không “chấm điểm” thấp.

Theo Ziano, các phát hiện của nhóm mang nhiều ý nghĩa. “Bất cứ khi nào con người tương tác, họ đang đánh giá sự chân thành của nhau. Những kết quả (của nghiên cứu) này có thể được áp dụng cho nhiều loại hình tương tác, từ tán gẫu ở nơi công sở cho đến những cuộc cãi vã giữa các cặp đôi và bạn bè với nhau” - ông nói.

Trong buổi phỏng vấn xin việc hay tại các phiên tòa, tốc độ trả lời câu hỏi cũng lại càng đóng một vai trò quan trọng. Thử tưởng tượng một nhà tuyển dụng hỏi hai ứng viên, Tí và Tèo, rằng họ tự đánh giá bản thân có phải là người ham học hỏi không. Tí trả lời ngay lập tức, còn Tèo ngần ngừ mất 3 giây mới đưa ra câu trả lời. Chiếu theo kết quả nghiên cứu trong tình huống này, nhà tuyển dụng có nhiều khả năng tin tưởng Tí hơn Tèo, và do đó có nhiều khả năng thuê Tí hơn. “Nhìn chung, bất cứ khi nào người đối diện mong chờ câu trả lời, như trong một cuộc phỏng vấn xin việc, những câu trả lời chậm trễ có thể bị coi là kém chân thành hơn” - Ziano nói.

Một bối cảnh khác mà thời gian trả lời có thể đóng vai trò quan trọng là phản ứng của bồi thẩm đoàn đối với lời khai trước tòa. Trong trường hợp này, Ziano cảnh báo xu hướng gán tốc độ trả lời với mức độ thành thật có thể dẫn đến kết quả không mong muốn.

“Sẽ là không công bằng cho một nghi phạm nếu việc trả lời chậm bị hiểu lầm là người đó đang đè nén suy nghĩ thật hay vắt óc nghĩ ra một lời khai man trong khi thực tế sự chậm trễ có thể do một yếu tố khác gây ra, chẳng hạn như đơn giản là người này đang bị phân tâm hoặc trong mạch suy nghĩ sâu” - Ziano giải thích. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận