Hooligan ở Euro 2016:Hình ảnh của châu Âu ngày càng chia rẽ

LONG HẢI 29/06/2016 21:06 GMT+7

TTCT- Hooligan đã trở thành một vấn nạn ở Euro 2016. Những kẻ cực đoan và thích bạo lực có mặt khắp mọi nơi, từ đường phố đến sân vận động, khoác mọi màu áo, vẫy mọi màu cờ và sẵn sàng làm loạn khi có cơ hội.

CĐV Croatia ẩu đả lẫn nhau trên khán đài ở trận Croatia - Czech                   -scoopnest.com
CĐV Croatia ẩu đả lẫn nhau trên khán đài ở trận Croatia - Czech -scoopnest.com


Ngày 19-6, cả làng túc cầu lại lắc đầu ngán ngẩm khi có tin ẩu đả tiếp tục xảy ra trên đất Marseille trước trận Iceland - Hungary. “Khoảng 100 cổ động viên (CĐV) áo đen của Hungary ngồi một góc sân Velodrome cố vượt rào an ninh để “hội quân” cùng một nhóm CĐV khác sau khung thành.

Họ đã xô xát với ban tổ chức sân. Cảnh sát chống bạo động phải ra tay trấn áp” - Hãng AP đưa tin. Dù không có điều đáng tiếc xảy ra, nhưng vụ việc càng khiến người ta tin rằng tình trạng bạo lực tại Euro đã lên mức đáng báo động.

Trước đó hai ngày, hooligan Croatia ném hơn chục quả pháo sáng xuống sân trong trận Croatia - Czech bất chấp việc đội nhà đang dẫn 2-1, khiến trận đấu tạm hoãn, một nhân viên an ninh bị pháo nổ trúng tay, tiền vệ Croatia Ivan Perisic suýt bị pháo rơi vào người.

Sau sự cố, ở trên sân Croatia mất tinh thần, để Czech gỡ hòa. Cùng thời điểm, cảnh sát Pháp tuyên bố đã bắt giữ 6 hooligan từ Tây Ban Nha ở Nice vì định mang biểu ngữ khiêu khích và pháo sáng vào sân phá hoại trận Tây Ban Nha - Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tuần trước đó là điểm khởi đầu vấn nạn bạo lực, khi hooligan Nga và Anh choảng nhau sứt đầu mẻ trán trước trận đấu giữa hai đội ngày 11-6 tại Marseille. Họ đã dùng ghế từ một quán cà phê cùng những chai thủy tinh làm vũ khí đánh nhau.

Một CĐV Anh bị hooligan Nga giẫm liên tục vào đầu trên phố, một người khác bị tấn công bằng rìu. Ngược lại, 5 CĐV “tam sư” cũng bị tống giam vì hành vi bạo lực. Thời điểm bị cảnh sát bao vây, họ hát vang: “Lũ châu Âu chết tiệt, chúng tao sẽ bỏ phiếu để nước Anh rời khỏi liên minh”.

Khi tiếng còi kết thúc trận Anh - Nga (1-1) vừa vang lên, 150 hooligan Nga đã xông vào khu vực CĐV Anh trong sân khiến hàng trăm người giẫm đạp lên nhau tháo chạy tán loạn. Kết quả có 35 người bị thương, trong đó 4 người bị thương rất nặng. UEFA phạt Liên đoàn Bóng đá Nga 150.000 euro, dọa sẽ loại cả Anh và Nga ra khỏi giải.

Không chỉ “quậy cho vui”

Đúng là có những CĐV Nga rất thích ẩu đả và thậm chí vài người trong số họ nghiện bạo lực, nhưng ở đâu và quốc gia nào cũng có những kẻ như thế

Nikolai giải thích

Có vô vàn lý do để những băng nhóm hooligan lao vào nhau tại các giải đấu lớn: một lời châm chọc ác ý, nâng cao quan điểm của mình và hạ thấp người khác, một câu bông đùa, cay cú vì kết quả trận đấu. Lời qua tiếng lại, rồi từ mồi lửa thành đám cháy rừng. CĐV bóng đá bỗng thành những “chiến binh”, đấu đá nhau với cái cớ là niềm tự hào trên ngực áo.

Tuy nhiên ở Euro lần này, các dấu hiệu đó không chỉ là những hành động bột phát mà đã được chuẩn bị trước. Nhiều CĐV Nga đeo dụng cụ bảo vệ miệng, thậm chí mặc cả áo tuyển Anh để ngụy trang khi ẩu đả. “Chính quyền Pháp đã trục xuất hơn 50 người chứ không chỉ 29 như thông báo, gồm cả phụ nữ.

Phía Pháp cũng vừa ngăn 6 người Nga khác lên một chuyến bay thương mại đến Marseille vì họ là trùm các nhóm hooligan” - Nikolai, đề nghị giấu họ, một CĐV tuyển Nga từng là lính thủy đánh bộ, nói với báo Anh Independent.

“Ở Nga, nhà chức trách đang rất mạnh tay với các hội nhóm hooligan. Không còn nhiều vụ ẩu đả diễn ra ở các SVĐ và trong thành phố. Các nhóm cực đoan đối nghịch nhau giờ phải tính đường chạm trán ở ngoại ô, trong những khu rừng.

Nhưng họ vẫn tập luyện cho những cuộc đụng độ đó, tập boxing và nhiều loại võ khác. Đó là lý do họ di chuyển theo đội hình và có thể đánh phục kích. Cảnh sát Pháp đã không lường hết mọi chuyện. Cánh báo chí cũng không đánh giá hết vấn đề khi chỉ gọi hooligan Nga là những ultra. Ultra bình thường không biết đánh đấm nghề thế đâu, chỉ hò hét là giỏi” - Nikolai phân tích.

Tuy thế, không phải CĐV Nga nào cũng nguy hiểm đến mức “báo chí Anh gọi chúng tôi là lũ súc vật, bảo rằng các CĐV của họ, gồm nhiều phụ nữ và trẻ em, phải co giò chạy trốn khi thấy chúng tôi” - một thành viên của diễn đàn CĐV bóng đá Nga, The Orel Butchers, viết.

“Đúng là có những CĐV Nga rất thích ẩu đả và thậm chí vài người trong số họ nghiện bạo lực, nhưng ở đâu và quốc gia nào cũng có những kẻ như thế” - Nikolai giải thích. Trước đó, một cầu thủ Nga nói báo chí Anh đã “tổng tấn công” nước Nga vì vẫn còn hận vụ bị Nga qua mặt trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Leonid Slutsky, HLV tuyển Nga, vô cùng tức giận khi CĐV Anh huýt sáo vô lễ vào lúc cử quốc thiều Nga trước trận đấu.

Nếu hooligan Nga tập luyện, chuẩn bị chu đáo chờ đánh nhau thì hooligan Croatia lại đặc biệt ở lý do gây rối. Trong thế giới bóng đá, có lẽ chỉ CĐV Croatia quậy bất chấp thành quả của đội nhà, khiến đội bóng áo carô từ chỗ thắng chắc đến chỗ bị cầm hòa.

Vài năm nay, nhiều người Croatia đã phớt lờ đội tuyển quốc gia, thậm chí còn chuyển sang chống đối. Lý do là CĐV nước này đã mất niềm tin vào LĐBĐ Croatia vì quá nhiều bê bối tham nhũng.

Hơn chục quả pháo sáng được ném xuống sân Geoffroy-Guichard không chỉ lấy đi 2 điểm của Croatia, mà còn là thông điệp gửi cho Zdravko Mamic, phó chủ tịch LĐBĐ Croatia và cựu giám đốc điều hành CLB Dinamo Zagreb.

Ông này bị cáo buộc cùng tòng phạm là em trai Zoran (giám đốc điều hành LĐBĐ Croatia) biển thủ 118 triệu kuna (khoảng 14,1 triệu euro) của Dinamo từ năm 2008. Mamic cũng được cho là người đứng đằng sau giật dây mọi hoạt động của LĐBĐ Croatia, với con rối trong tay ông là chủ tịch Davor Suker - huyền thoại một thời của bóng đá Croatia - nhưng lại bất lực trước nạn dàn xếp tỉ số đang hoành hành ở giải quốc nội.

Hai anh em Mamic từng bị bắt năm 2015, nhưng rốt cuộc đều tai qua nạn khỏi. Mamic anh chỉ từ chức giám đốc điều hành Dinamo tháng 2 vừa rồi. Vẫn còn nguyên ghế ở liên đoàn, hai anh em Mamic lại chễm chệ ở khán đài VIP trận gặp Czech.

Đây không phải lần đầu CĐV Croatia tuyên chiến với liên đoàn. Họ từng ném pháo xuống sân San Siro năm 2014 trong trận Ý - Croatia ở vòng loại Euro 2016, khiến liên đoàn bị phạt 80.000 euro. Tháng 6-2015, họ vẽ biểu tượng phát xít trên mặt cỏ sân nhà, cũng trước Ý, khiến Croatia bị UEFA trừ một điểm.

Lần này, các tay hooligan chấp nhận hi sinh đội tuyển để tiếp tục cuộc chiến chính trị của họ chống lại anh em nhà Mamic. Không phải CĐV Croatia nào cũng đồng tình với những kẻ ném pháo sáng, điều giải thích cho một cuộc ẩu đả giữa chính những người mặc áo kẻ carô trên khán đài hôm ấy. “Hãy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta đối đầu Tây Ban Nha.

Nếu họ vẫn quậy, khả năng lớn chúng tôi sẽ bị đuổi khỏi giải. Thật khó để nói ra điều này, nhưng giờ chúng tôi thấy thoải mái hơn khi đá sân khách” - tiền vệ ngôi sao Ivan Rakitic buồn bã nói sau trận hòa Czech.

Chủ nhà phải làm tốt hơn

Nhà chức trách Pháp tỏ ra khá bị động trước vấn nạn hooligan. Lệnh cấm bán rượu đã không được áp dụng ở nhiều quán bar, nhiều kiôt bán lẻ phớt lờ. Ngày 15-6, chính các CĐV Pháp đã say xỉn cả đêm để ăn mừng chiến thắng muộn đầy cảm xúc trước Albania, còn CĐV Anh lại gây rối khi ném chai lọ vào cảnh sát chống bạo động, buộc họ phải dùng hơi cay và đạn cao su để dẹp loạn.

Khoảng 36 người đã bị bắt, 16 người phải nhập viện.

Nguồn lực an ninh của Pháp đang bị kéo căng chưa từng thấy, từ các nhiệm vụ chống khủng bố đến đảm bảo an ninh ở các cuộc biểu tình vẫn diễn ra bất chấp bóng đã lăn ở Euro, vì thế nạn hooligan, chủ yếu tập trung người nước ngoài, trở thành một gánh nặng không mong đợi.

Họ có lẽ mong những đội như Nga, Anh, Ba Lan, Ukraine, Croatia hay Thổ Nhĩ Kỳ sớm bị loại, về nước. Trong bầu không khí địa chính trị chia rẽ nặng nề ở châu Âu hiện giờ, những trận như Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga - Ukraine hay Anh - Đức... nếu xảy ra ở những vòng sau có thể trở thành cơn ác mộng an ninh với ban tổ chức. Nước Pháp đang gặp nhiều rắc rối, nhưng họ cũng là nạn nhân của một châu Âu đang ngày càng rạn nứt vì đủ lý do.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận